BÀI GIẢNG LỄ PHỤC SINH NĂM 2020
Lễ Phục Sinh 2020
(Lm. Bênađô Phạm Hữu Quang, PSS, tại Toà Tổng GM Huế, trực tuyến 12/4)
Trọng kính Đức Tổng Giuse, Kính thưa quí cha và cộng đoàn phụng vụ hiện diện,
Quí ông bà anh chị em xem thánh lễ trực tuyến thân mến,
- Cách đây hơn 30 năm, tại Mỹ, một cô bé học sinh lớp 10, gốc Việt, đã được nhiều người biết đến nhờ bài luận văn với tựa đề: “giấc mơ đã trở thành hiện thực” (the dream has become true). Bài luận văn đó đã đánh động nhiều người. Nội dung câu chuyện như sau:
Tại Việt Nam, cô kể, trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975 là những ngày hỗn loạn, ly tán và tang thương. Ba của cô là một người lính. Khi chiến tranh chấm dứt, ai cũng cố gắng tìm cách về lại nhà để đoàn tụ với người thân của mình. Tuy nhiên, ba của cô đã không về…Mọi người trong gia đình gồm ông bà, các bác, các chú, các cô dì, nhất là mẹ cô…đã đổ xô đi tìm kiếm ba cô trong lo âu, sợ hãi, buồn khổ…Một tuần…rồi hai tuần…một tháng, cả nhà vẫn không có tin tức gì về ba của cô cả. Mọi người trở lại nhà trong sự buồn bã, thất vọng…Thời gian cứ thế trôi qua…6 tháng rồi 1 năm…vẫn không có tin tức gì của ba cô! Mọi người thân quen nghĩ rằng ba của cô đã chết và bỏ xác đâu đó. Nhiều người trong gia đình đã nghĩ đến việc ma chay không xác cho ba của cô.
Tuy nhiên, có một người không bỏ cuộc; đó là mẹ của cô. Với trực giác của phụ nữ và của người vợ sau nhiều năm chung sống với chồng, mẹ cô, dù có lo âu, đau buồn, nhưng vẫn nuôi hy vọng. Mẹ cô có linh cảm rằng ba cô vẫn còn sống!
Trong những lúc buồn, trống vắng, mẹ cô tìm đọc lại những bức thư tình mà hai người đã gởi cho nhau; nhìn lại những tấm ảnh họ chụp với nhau, tưởng nhớ đến những kỷ niệm vui buồn, giận dỗi và tha thứ mà hai người đã có với nhau. Những bức thư tình đó, những tấm ảnh đó, những cử chỉ và những kỷ niệm đó, không những gợi lại tình yêu mà hai người đã trao cho nhau; nhưng giờ đây, chúng còn giúp mẹ cô cảm thấy được an ủi, khích lệ, vững vàng trong tình yêu và niềm xác tín rằng ba cô vẫn còn sống đâu đó!
Thời gian cứ tiếp tục trôi…cho đến một ngày kia, hơn 1 năm sau, người đưa thư trong xã, hiếm khi thấy xuất hiện trong làng, hôm nay đến thẳng nhà cô cầm theo một bức điện tín có nội dung vắn gọn: “Anh đang sống tại Mỹ. Anh đang làm thủ tục bảo lãnh mẹ con em đoàn tụ. Nhớ thương em và con thật nhiều!” Mọi người trong đại gia đình đã reo mừng như chưa từng có vì tin vui đó! Dĩ nhiên, mẹ cô đã bật khóc thật lớn, không phải vì đau buồn, mà vì sung sướng; đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Cô cũng vậy, cô cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc như thế.
Từ đó, những câu chuyện liên quan đến ba cô được râm ran kể bởi mẹ cô, bởi ông bà nội ngoại, chú bác, cô dì…Giấc mơ đoàn tụ gia đình không khi nào vắng trong những buổi trò chuyện, nhất là trong những bửa cơm gia đình. Giấc mơ đoàn tụ đó luôn ấp ủ trong tim, trong đầu, trong các sinh hoạt hằng ngày của mẹ cô và cô.
Chúng ta có thể hình dung được phần nào niềm vui ngày đoàn tụ của gia đình cô lớn lao và cảm động như thế nào!
- Kính thưa Đức Tổng và cộng đoàn Phụng Vụ,
Con vừa mượn câu chuyện trên chỉ để minh hoạ phần nào, chỉ phần nào thôi, nội dung của mầu nhiệm mà chúng ta, cùng với toàn thể Giáo Hội, đang cử hành và được mời gọi sống; đó là mầu nhiệm Phục Sinh với một sứ điệp vắn gọn nhưng rất xác tín: “Đừng sợ! Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh. Người không còn ở đây vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (cf. Mt 28,5-6; Mc 16,6). Đó là sứ điệp mà chúng ta nghe tối hôm qua trong thánh lễ vọng Phục Sinh. Và đó cũng là niềm xác tín của Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô Phục Sinh.
Chúng ta còn nhớ những gì đã xảy ra cho các môn đệ, những người làm thành Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô, trong những ngày sau cùng của Người tại trần thế, trong bối cảnh của những ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đó là những ngày bi thảm vì bắt bớ, đánh đập, kết tội , thập giá, chết chóc…Đó là những giây phút hỗn loạn, đầy lo âu, sợ sệt, thất vọng đối với các môn đệ vì Đức Giêsu bị khổ nạn thập giá, chết và phải bị chôn gấp gáp trong phần mộ của kẻ khác. Ngay cả không có thời gian để tẩm liệm đàng hoàng vì đó là ngày Sabát. Các môn đệ chạy tán loạn. Có kẻ trong họ còn nộp thầy mình; cũng có kẻ chối thầy mình! Mọi hy vọng đều tiêu tan thành mây khói! Một nỗi buồn xót xa bao phủ mọi người. Mọi sự xem ra đã kết thúc trong nỗi sợ hãi, thất vọng và thất bại hoàn toàn!
Trong lo sợ, đau khổ và thất vọng có lẽ các môn đệ đã quên những lời mà Đức Giêsu đã từng nói và dặn dò các vị: “Hạt giống được gieo vào lòng đất phải chết đi mới mang lại hoa trái”; hoặc: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người, nhưng sau 3 ngày, Người sẽ sống lại”. Các vị cần nhớ lại những lời mà Đức Giêsu đã nói và những công việc Người đã làm với họ và trước mắt họ ở Galilê, nơi gặp gỡ ban đầu với những hứa hẹn và cam kết, nơi mối tình Thầy-Trò chớm nở.
- Các đoạn Tin Mừng về Phục Sinh phác hoạ bức tranh một Giáo Hội – Hiền Thê đang vội vã chạy đi tìm “Phu quân” của mình bị xem là “mất tích”. Giáo Hội đó bao gồm nhiêu khuôn mặt khác nhau và mỗi người trong chúng ta hôm nay có thể đồng hoá mình với những khuôn mặt đó.
-Các Tin Mừng Nhất Lãm giới thiệu 3 người phụ nữ đạo đức: Bà Maria Mađalêna, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ của Giacôbê (Lc 24,10). Họ là những phụ nữ thật vĩ đại. Từ sáng sớm, họ đã ra mộ đem theo dầu thơm để ướp xác Đức Giêsu. Phải chăng dầu thơm biểu hiện tâm tình yêu thương chân chính mà các chị em đó dành cho Đức Giêsu. Họ đến với Đức Giêsu trong lúc này, không phải vì dáng vẻ bên ngoài của Người nữa! không còn vì tiếng tăm vang dội của Người; cũng chẳng phải vì phép lạ Người thực hiện; cũng chẳng phải vì phần thưởng nào đó mà Người hứa ban…vì Người đã chết! Người ta mới táng xác Người hôm kia! Các phụ nữ này đến với Đức Giêsu trong lúc này với tất cả tâm tình quí mến và yêu thương dành cho Người. Các chị em đó hiểu thế nào là: “Tình yêu mãnh liệt như sự chết!” (Dc 8,6). Họ sống cho tình yêu đó!
Tin Mừng Luca còn thuật lại câu chuyện hai môn đệ thất vọng, chán nản vì biến cố tử nạn của Đức Giêsu. Họ đang thểu não trở lại quê nhà ở Emmau với tâm tình buồn rầu: “lòng trí họ chậm tin vào lời các ngôn sứ”.
-Tin Mừng Gioan (mà chúng ta vừa nghe công bố lúc nãy) cũng trình bày những khuôn mặt khác nhau của một Giáo Hội chạy đi tìm “Phu Quân” của mình. Maria Mađalêna, từ sáng sớm, đã đi đến mồ tìm Chúa…Không thấy xác Chúa ở đó, bà chạy về báo cho Phêrô và Gioan, “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Hai ông cùng chạy ra mồ để tìm kiếm Đức Giêsu. Nhưng Gioan, đã chạy đến trước. Tôn trọng Phêrô, Gioan đã đợi để cùng Phêrô vào mộ. Khi vào mộ, Gioan “đã thấy và đã tin”. Phải, tình yêu ban cho khả năng bén nhạy hơn cả quyền bính lãnh đạo và tri thức để nhận ra người yêu mình đang sống.
Tin Mừng Gioan cũng đề cập đến Tôma, biểu tượng của lý trí, của nghi ngờ, của khoa học, của thực dụng…Thực ra, Tin Mừng Gioan chẳng phải chỉ nói về Tôma, nhưng đề cập đến tất cả các môn đệ, vì sợ hãi, đang ẩn núp đàng sau những cánh cửa (Ga 20,19).
Cộng đoàn Phụng Vụ thân mến,
+Tin Mừng Phục Sinh, ngoài sứ điệp trọng yếu: “Đừng sợ! Đức Kitô đã sống lại thật và ra khỏi mồ”, còn trình bày cho chúng ta những khuôn mặt của một Giáo Hội đang vội vã đi tìm “người yêu” của mình sau biến cố khổ nạn. Các vị đại diện cho chúng ta. Các phụ nữ với trực giác và sự nhạy cảm Chúa ban. Maria Mađalêna, một phụ nữ tội lỗi được Đức Giêsu trừ bảy quỉ (Lc 8,2; Mc 16,9). Phêrô có tính nóng nảy và là người bộc trực. Ông đã từng chối Chúa trong lúc Người cần ông nhất; nhưng ông đã thành tâm thống hối và sau cùng được chọn làm đầu Nhóm Mười Hai. Gioan, vị tông đồ trẻ nhất, đại diện cho những người trẻ mau mắn, nhiệt tình. Hai môn đệ trên đường Emmau đại diện cho những ai phiền muộn, thất vọng, muốn từ bỏ con đường theo Chúa. Tôma đại diện cho những kẻ đa nghi, những nhà khoa học, những học giả thực dụng. Tóm lại, toàn thể Giáo Hội, bao gồm những con người nam hay nữ, già hay trẻ, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân, hy vọng hay thất vọng…với tính khí khác nhau, bối cảnh khác nhau, tâm trạng khác nhau…nhưng mọi người đều có một điểm chung là đi tìm một Thiên Chúa hay Đấng Phu Quân đang “ẩn núp”.
Điều này cũng cho thấy rằng trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, có những hình thái hay những con đường thiêng liêng khác nhau. Nếu có những người mau lẹ như Gioan, thì cũng có những kẻ chậm chạp như Phêrô; nếu có những người mau mắn tin nhờ trực giác như các phụ nữ, hay nhờ tình yêu như Gioan, thì cũng có những kẻ nghi ngờ, thực dụng như Tôma; nếu có những tội nhân trở về được tha thứ như Maria Mađalêna hay Phêrô, thì cũng có “môn đệ được Chúa thương” đặc biệt như Gioan….Vắn Tắt, những bản tường thuật về biến cố Phục sinh cho chúng ta thấy nhiều món quà thiêng liêng khác nhau trong hành trình đi tìm Đấng Phục Sinh.
-Tin Mừng Phục Sinh cũng đưa ra những điều kiện cần thiết phải thực hiện mới có thể gặp Đấng Phục Sinh, người yêu của mình. Điều kiện trước tiên là phải “lên đường tìm kiếm”. Sự tương quan giữa Thiên Chúa và con người có thể ví như trò chơi “trốn tìm”. Thiên Chúa đã đến tìm con người trong vườn địa đàng ngay sau khi con người phạm tội chống lại Ngài. Ngài tiếp tục đi tìm kiếm con người trong suốt lịch sử ơn cứu độ. Sau cùng, Ngài đến tìm con người qua và trong Người Con chí ái của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Đến lượt con người cũng được mời gọi đi tìm Thiên Chúa trong vũ trụ, trong các biến cố lịch sử, trong dấu chỉ thời đại, và nhất là trong và qua Đức Giêsu Kitô: tại hang đá Bethlehem khi Người sinh ra; tại mồ đá ở Giêrusalem khi Người chết; và tại Galilê khi Người đã sống lại.
Các mục đồng và các đạo sỹ đã gặp được Thiên Chúa nhập thể và nhập thế vì họ chịu lên đường, họ chấp nhận bước vào trò chơi “trốn tìm” với Thiên Chúa. Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với tất cả những ai “chạy đi tìm kiếm” Người, cho dù họ có những tính tình, những trách nhiệm, và ngay cả những “yêu sách” khác nhau. Chúng ta cần xác tín điều này: có ra đi tìm mới có hy vọng thấy, như Đức Giêsu đã nói: “Hãy tìm sẽ gặp”.
-Điều kiện cần thiết thứ hai giúp bắt gặp Đấng Phục Sinh là cùng tụ họp với nhau trong gia đình, trong cộng đoàn trong việc “bẻ bánh và cầu nguyện”. Chính trong Thánh Thể ở giữa cộng đoàn mà Tôma và những ai như ông, sẽ nhận ra Đấng mà họ nghi ngờ sự sống lại của Người. Cũng thế, đối với những ai đang chán chường, thất vọng như hai môn đệ trên đường Emmau, Đấng Phục Sinh cũng đến với họ khi họ chia sẽ nỗi buồn phiền với nhau, khi họ biết lắng nghe lời Chúa và chia sẽ Thánh Thể. Lúc đó, “mắt họ mở ra”.
Cộng đoàn Phụng Vụ thân mến,
Bầu khí Phục Sinh năm nay không tưng bừng, vui nhộn, không nghi thức trang trọng như mọi năm; nhưng đây cũng là cơ hội tốt mời gọi từng người chúng ta đi vào trung tâm của sứ điệp Phục Sinh, đi vào sự gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô Phục Sinh, “người yêu” mà chúng ta hằng tìm kiếm. Giáng Sinh và biến cố Phục Sinh đầu tiên không có những nghi thức hoành tráng, nhưng là những trải nghiệm gặp gỡ cá biệt giữa Đức Kitô và những kẻ tìm kiếm Người.
Trong bối cảnh ngày nay, Covid-19 là biểu tượng của sợ hãi, của chết chóc. Nỗi sợ bị lây nhiễm, đau yếu, chết chóc…có thể làm tê liệt tinh thần, trái tim và những hoạt động xã hội – bác ái của chúng ta. Nỗi sợ, như cái then cài thật chắc, nhốt chúng ta lại trong vỏ ốc ích kỷ của con tim mình, của phòng mình, của nhà mình, của tu viện mình. Đó là điều mà các môn đệ đã trải nghiệm khi Đức Giêsu bị bắt, bị đóng đinh, chết và chôn trong mồ.
Tuy nhiên, sứ điệp Phục sinh: “Đừng sợ! Người đã sống lại thật và đã ra khỏi mồ” đã giải thoát các môn đệ khỏi sợ hãi, đã mời gọi các vị lên đường, không những đi, mà còn “chạy đi tìm người yêu” đang sống của các vị. Sứ điệp Phục Sinh đã qui tụ các vị lại với nhau để cầu nguyện, đọc lời Chúa, bẻ bánh và chia sẻ những kỷ niệm vui buồn mà các vị đã từng trải nghiệm với Đức Kitô.
Tin Mừng Phục Sinh, trong bối cảnh bệnh dịch này, cũng mời gọi chúng ta, trước hết, sống Giáo Hội gia đình qua việc tìm gặp Đức Kitô, người yêu của chúng ta, trong việc cầu nguyện chung ở gia đình, đọc lời Chúa như đọc lại những “bức thư tình” mà Thiên Chúa gởi đến chúng ta với tâm tình mới. Hãy chia sẽ với nhau những cảm nghiệm vui buồn mình từng có với Đức Kitô, người yêu chúng ta. Hãy có những giây phút yên tĩnh bên Chúa và với Chúa để đi sâu vào tương quan tình yêu với Ngài, để cảm nghiệm sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài vì “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Tin Mừng Phục Sinh cũng mời gọi chúng ta “chạy đến” với người yêu của chúng ta, một Đức Kitô mặc lấy phận người trong những người “thân cận” của chúng ta. Việc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh không bị đóng khung trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ mà thôi, kiểu “tôn giáo phòng thánh” như ĐTC Phanxicô thường cảnh báo. Nó còn được tìm thấy qua việc gặp gỡ tha nhân, bắt đầu với những người trong gia đình, những người thân quen, những người hàng xóm, những người già neo đơn, những người đang bị cơn dịch hành hạ cách trực tiếp hay gián tiếp, trong tinh thần hay trong thể xác.
Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và sự sợ hãi. Sứ điệp Phục Sinh mời gọi chúng ta vượt khỏi nỗi sợ để đến với họ. Chúng ta thử đặt câu hỏi và lương tâm mỗi người trả lời với Chúa: mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dòng tu, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận và toàn thể Giáo Hội Việt Nam sẽ làm gì để mang tin mừng Phục Sinh đến cho những người đang buồn bã, sợ hãi để họ cũng nhận ra rằng có một Thiên Chúa hằng sống đang hiện diện trong thế giới và quan tâm đến họ? Và bằng cách nào? Nhiều người đặt câu hỏi. ĐTC Phanxicô nói rằng chính tình yêu sẽ thúc đẩy chúng ta có óc sáng tạo tìm ra phương thế khôn ngoan để gặp gỡ người mình yêu. Trong tình yêu không có chỗ cho ủ rũ, than trách, thất vọng… Những kỹ thuật tân tiến, mạng internet, các phương tiện truyền thông…cũng góp phần giúp chúng ta tìm ra phương thế thích hợp để sống đức ái…Nếu theo dõi tin tức trên mạng, chúng ta thấy trên thế giới, cũng như giữa người Việt, đã có biết bao nhiêu sáng kiến rấy hay trong việc giúp tha nhân trong thời gian dịch bệnh này.
Trên mạng (BBC tiếng Việt, ngày 6/4) có một bài chia sẽ như sau: Khi lệnh tạm dừng xổ số ban hành, một bà cụ bán vé số đã dâng bó hụê trắng và quỳ dưới tượng Đức Bà Hoà Bình (ở Sàigon) để cầu nguyện. Một người đi đường hỏi bà cụ cầu xin gì? Bà trả lời: “Cầu cho quốc thái dân an, cho mau hết dịch bệnh”. Người đó hỏi tiếp: “bà sẽ làm gì trong những ngày không bán vé số? Bà cụ không trả lời, chỉ rơi lệ!
Hình ảnh đó được một người đưa lên mạng xã hội và gây xúc động cho nhiều người. Cộng đồng mạng đã có những phản ứng tích cực: có những người đòi các công ty xổ số phải có trách nhiệm với hàng chục ngàn người bán vé số dạo mất việc tạm thời, có nguy cơ đói ăn, mất chỗ trọ. Một ông chủ trẻ của một đại lý vé số cấp 2 tại Vĩnh Long, dù không thật giàu, nhưng đã quyết định hỗ trợ cho mỗi người bán vé số 50.000đ/mỗi ngày cho đến khi vé số phát hành trở lại. Đây chỉ là một trong muôn vàn thí dụ của việc sống Tin Mừng Phục Sinh, cho dù ý thức hay không. Tuy nhiên, điều tối thiểu nhưng có ý nghĩa mà ai cũng có thể làm; đó là “giãn cách xã hội”, giảm thiểu tối đa việc gặp gỡ không cần thiết. Đây cũng là việc bác ái và hy sinh cụ thể; vì khi làm như thế, ngoài việc tránh dịch cho chính mình, chúng ta còn tránh cho người khác, cho sức khoẻ cộng đồng, nhất là không thêm gánh nặng cho các nhân viên y tế hay những người có trách nhiệm trong xã hội đã quá vất vả trong việc chống dịch cho chúng ta.
Tóm lại, điều quan trọng là tìm cách làm điều gì đó cụ thể cho tha nhân vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa – người yêu của chúng ta, để trong ngày “đoàn tụ”, giấc mơ của chúng ta cũng được hiện thực khi được nghe giọng của Người mà chúng ta hằng tìm kiếm nói với chúng ta: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, vì các ngươi đã làm điều này điều kia cho Ta trong tha nhân khi họ hoạn nạn…” (cf. Mt 25, 31).
Xin Đức Kitô Phục Sinh mau giải thoát thế giới khỏi sự dữ và thần chết Covid-19. Và xin cầu chúc mỗi người và mọi người mùa Phục Sinh an bình, thánh thiện và đầy tràn niềm hân hoan sâu lắng vì thực sự gặp được “người yêu mình đang sống”, Người mà chúng ta hằng tìm kiếm. Amen.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- VIDEO TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN DỊP LỄ BỔN MẠNG ĐCV HUẾ
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- NHỮNG TÂM TÌNH NGÀY LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
- VIDEO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: LỄ GIỖ 3 NĂM NGÀY CHA J.B. ETCHARREN QUA ĐỜI
- THÁNH LỄ TẠ ƠN HỒNG ÂN NGÂN KHÁNH LINH MỤC CỦA CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH