BÀI GIẢNG THÁNH LỄ AN TÁNG CHA ANTÔN TRẦN MINH HIỂN

Written by xbvn on Tháng Sáu 24th, 2014. Posted in Bà Rịa, Việt Nam, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

(Gx Chu Hải, ngày 23.6.2014)

 Tin Mừng : Mt 25, 14-30

 Chúng ta vừa được nghe dụ ngôn về người tôi tớ trung tín.

Tôi tớ là một chủ đề quen thuộc của Thánh Kinh. Các khuôn mặt lớn như Abraham, Isaac, Giacóp, Đavít, Môsê, Isaia, Giêrêmia… luôn tự nhận mình là tôi tớ của Chúa, cả Đức Maria cũng vậy : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

 1. Giáo huấn Tin Mừng phác họa cho ta vài nét về chân dung của một tôi tớ đích thật :

– Đó là người phục vụ : Anh đem hết khả năng mà phục vụ chủ, để đáp lại sự tín nhiệm của ông. Được chủ giao 5 nén, anh làm lợi được 5 nén khác.

– Đó là người tốt lànhtrung tín : Anh quên mình, chỉ nghĩ đến phúc lợi cho chủ. Anh không gian tham, dối trá, cắt xén bổng lộc cho mình. Anh trung thành trong bổn phận, dù chủ có mặt hay vắng mặt.  Khi chủ muốn tính sổ, anh đem cả vốn lẫn lãi nộp cho chủ, không kể lể công sá : « Năm nén ông giao, tôi đã làm lợi được năm nén khác ».

– Đó là người luôn tỉnh thức, sẵn sàng đón chủ về, để khi chủ vừa gõ cửa thì mở ngay, tay cầm đèn sáng, lưng thắt gọn ghẽ như đang làm việc (Lc 12, 32-48), dù canh hai hay canh ba.

– Đó là người chấp nhận chịu gian nan, khổ ải, bất công, ngược đãi…, vì muốn trung tín với chủ. Isaia đã phác họa đặc điểm này trong 4 bài ca về người tôi tớ của Đức Giavê (ch. 41, 49, 50 và 52).

 2. Chúa Giêsu là người tôi tớ đích thực nhất của cả Thiên Chúa lẫn nhân loại. Chương 2 thư Philipphê ca tụng : « Ngài, phận của một vị Thiên Chúa, nhưng đã không đòi được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ mọi vinh quang, mặc lấy thân nô lệ  ». Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định : « Tôi không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người » (Mc 10,45). « Thầy ở giữa anh em như một người tôi tớ » (Lc 22,27). Ngài luôn tìm điều gì làm vinh danh Chúa Cha và mưu ích cho nhân loại : « Đi tới đâu là ngài thi ân giáng phúc tới đó » (Cv 10,38). Vốn là thầy, mà ngài hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Ngài trung tín trong sứ mạng, chẳng hề nghĩ tới bản thân, phục vụ người ta đến quên ăn quên ngủ. Màn đêm buông xuống mà ngài vẫn giảng dạy và chữa lành bệnh tật. Thấy dân theo vào hoang địa nghe giảng, ngài không nỡ để họ ra về đói lả, nên đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, tiền thân của bí tích Thánh Thể mà chúng ta vừa mừng lễ hôm qua.

 3. Chúa Giêsu đã trở nên gương mẫu về người tôi tớ cho mọi thành phần dân Chúa, từ Giáo Hoàng (vốn thường tự xưng là « Tôi tớ của các tôi tớ Chúa » – Servus servorum Dei), Giám mục (Đức thánh cha Phanxicô trong một dịp phong chức giám mục đã nhắc nhở rằng các giám mục được đặt lên để phục vụ chứ không phải để dùng quyền thống trị), đến các linh mục, tu sĩ, và cả giáo dân. Nhiều giám mục Việt nam đã chọn châm ngôn cho đời mình dựa theo hình ảnh người tôi tớ. Xin đan cử một số : « Nên mọi sự cho mọi người » (Đc Nguyễn Kim Điền), « Tôi tớ mọi người » (Đc Phạm văn Lộc), « Để phục vụ » (Đc Nguyễn quang Sách), « Phục vụ Chúa trong hân hoan » (Đc Nguyễn Minh Nhật), « Khiêm tốn phục vụ » (Đc Nguyễn bình Tĩnh), « Phục vụ trong niềm vui và hy vọng » (Đc Vũ văn Thiên), « Như một người phục vụ (Đc Lê văn Hồng), « Phục vụ trong đức ái » (Đc Chu văn Minh), « Hiệp thông phục vụ » (Đc Nguyễn Năng)…

 4. Cha cố Antôn Trần Minh Hiển mà chúng ta đang cử hành lễ an táng cũng có thể được xem như một người tôi tớ tốt lành và trung tín. Qua 53 năm linh mục, trong đó 50 năm là thành viên hội Linh mục Xuân Bích, 25 năm làm mục vụ giáo xứ, (riêng tại Chu Hải này là 17 năm), cha đã đảm nhận nhiều trách vụ : giáo sư tại nhiều chủng viện, linh hướng, quản lý, phó giám đốc, giám đốc đại chủng viện Huế, phó xứ, chánh xứ. Trong mọi nhiệm vụ được giao, cha luôn tỏ ra trung tín, cần mẫn, vui tươi, phục vụ, không chỉ như một người thầy, người cha, mà còn như một người mẹ, và trên tất cả, như một người tôi tớ. Tại chủng viện Huế, cha sống giản dị, chân chất, ân cần, tận tụy, luôn nở nụ cười hiền hậu, khoan dung trước những sai lỗi của chủng sinh, với đường lối đào tạo mở ra nhằm xây dựng chủng viện thành một gia đình, để chủng sinh cởi mở và tín nhiệm, nhờ đó việc đào tạo mới hữu hiệu để có được những linh mục như tôi tớ tốt lành và trung tín.

Hình ảnh người tôi tớ chịu đau khổ cũng đậm nét nơi cha. Suốt nhiều năm mang những chứng bệnh không thể chữa trị, dù đau đớn, nhưng cha không chịu khuất phục trước bệnh tật, để trung thành chu toàn bổn phận của mình.

Cha còn như người tôi tớ tỉnh thức, đợi chờ ngày Chúa gọi hôm nay, qua việc chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo mọi sự, kể cả việc hậu sự cho chính mình.

 5. Gương Chúa Giêsu, các thánh, và cha cố Antôn mời gọi tất cả chúng ta : giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đông đảo hiện diện trong thánh lễ này hãy cố gắng sống như tôi tớ của Chúa và mọi người, trong việc chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người. Nếu ta sống được như tôi tớ, thì Chúa sẽ coi ta như bạn hữu : « Thầy không gọi anh em là tôi tớ…, mà là bạn hữu của thầy » (Ga 15,15).

 Giờ đây, cộng đoàn chúng ta tiếp tục dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Antôn. Tôi chắc rằng cha cố khi đến trước nhan Chúa, đã bẽn lẽn thưa rằng : « Lạy Chúa, này con đây, con chỉ là tôi tớ bất xứng, vì con chỉ mới làm những gì phải làm » (Mt 25,21). Và tôi cũng chắc rằng Chúa Giêsu nở nụ cười hài lòng mà nói với cha : « Hỡi người anh em tốt lành và trung tín, bạn của ta, hãy vào hưởng sự vui mừng với ta ». Amen.

+ Anphong Nguyễn Hữu Long, pss

      Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31