BÀI GIẢNG THÁNH LỄ CANH THỨC VƯỢT QUA NĂM 2020
ĐỪNG SỢ
(bài giảng Canh Thức Vượt Qua – Lm. Giuse Lê Công Đức)
“Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng”. Anh chị em thân mến, chúng ta đang Canh Thức Mừng Chúa Sống Lại – là chóp đỉnh của Phụng Vụ Giáo hội – có lẽ cũng với tâm trạng và cảm xúc hỗn hợp như vậy: vừa trong niềm vui mừng lễ, vừa trong nỗi thấp thỏm lo sợ cơn dịch bệnh đang hoành hành.
Sợ thì sợ, chúng ta vẫn nhớ rằng mầu nhiệm cử hành đêm nay là trung tâm của đạo chúng ta, là cốt lõi của đức tin chúng ta. Lời rao giảng tiên khởi của các Tông đồ, gọi là kerygma, được Đức thánh cha Phanxicô rất đặc biệt nhấn mạnh – thì kết tinh ở điều này: Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh và đã chết, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, ai tin và đón nhận Người thì được sống với Người (x. Cv 2,22-36; Rm 6,3-11; Christus vivit 211-214) – như chúng ta cũng vừa nghe âm vọng trong Bài Đọc Thư Rôma tối nay.
Sợ thì sợ, chúng ta cũng ý thức rằng toàn thể dòng lịch sử cứu độ đi trước biến cố của đêm nay hướng đến đây, và tất cả dòng lịch sử kể từ biến cố này, cho đến tận thế, thì tựa vào đây. Biến cố này được Tin Mừng theo Thánh Matthêu kể lại xoay quanh hai nữ môn đệ, thiên thần, ngôi mộ trống, và những người lính canh… mà thông điệp cốt yếu là: Đức Giêsu đã sống lại!
Tối nay, chúng ta tự hỏi: Chúa đã sống lại, sự kiện này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Cũng vậy, mỗi người tự hỏi: Chúa Giêsu đã sống lại, điều đó có ý nghĩa gì cho bản thân tôi, trong đời sống thực tế hiện nay của mình?
Một thông điệp căn bản bao hàm trong Tin Mừng Phục sinh là: chúng ta đừng sợ! Ta thấy thiên thần trấn an các phụ nữ: “Này các bà, đừng sợ!”… Rồi ta thấy Chúa Phục sinh đón gặp, chào các bà, lời đầu tiên cũng là: “Chị em đừng sợ!”
Trong thời gian kể từ sau tết âm lịch đến nay, chúng ta cũng đang chung chia với mọi người trên đất nước này và trên cả thế giới này một nỗi sợ hầu như đến mức ám ảnh: sợ dịch bệnh lây lan, sợ cái chết như bóng ma rình rập từ mọi phía, sợ những hệ lụy trực tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế trên đời sống và công ăn việc làm của mình, của gia đình mình… và nhiều, rất nhiều nỗi sợ khác về những điều bất thường có thể đe dọa làm xáo trộn cái nhịp sống – mà cách nào đó – vốn được coi là ‘yên ổn’ của chúng ta.
Câu chuyện Phúc Âm cho thấy những nỗi sợ tương tự: Đất rung chuyển dữ dội làm hai nữ môn đệ và cả những người lính canh sợ hãi (‘run rẩy chết ngất’!). Thiên thần hiện ra, lăn tảng đá qua một bên và ngồi lên trên trong diện mạo uy nghi… cũng làm họ sợ. Và cái huyệt trống không kia, đáng lẽ thi hài Đức Giêsu đang nằm ở đó, mà giờ đây lại không thấy có ở đó… càng làm họ sợ. Thì ra, những dấu hiệu của sự kiện Chúa sống lại … làm người ta sợ! Người ta sợ, bởi vì chúng là những điều bất thường!
Chưa hết, tình tiết cao trào, đó là chính Chúa Phục sinh đón gặp các phụ nữ này, các bà sợ hãi, nên Người trấn an: “Chị em đừng sợ!” … Thật buồn cười, môn đệ Chúa gặp Chúa mà cũng sợ! … Các bà sợ, vì cú gặp này quá bất ngờ, ngoài mọi tưởng tượng và tiên liệu của các bà.
Dường như, nếu đất không rung chuyển, nếu thiên thần không xuất hiện, nếu tảng đá không được lăn ra, nếu thi hài Chúa Giêsu vẫn nằm nguyên trong mộ, nếu mọi sự vẫn như cũ, thì các bà hẳn sẽ không sợ, hay ít ra là sẽ ít sợ hơn! Dường như nếu Chúa không sống lại thì thần kinh và tâm lý các bà sẽ yên ổn hơn!
Nhưng… Chúa đã sống lại, và Người đã đón gặp các bà, để thách đố chính sự yên ổn ấy. Có những sự yên ổn nơi lối sống, nơi con người chúng ta cần phải được vượt qua. Có những cách nghĩ, cách làm, cách cảm xúc, cách tương quan, cách lập trình cần phải được duyệt xét và dàn xếp lại… dưới ánh sáng sự kiện Phục sinh của Chúa!
Anh chị em thân mến, thiết tưởng chúng ta cần đọc các dấu chỉ của thời đại, cách riêng cơn đại dịch đang diễn ra và các nỗi khốn khó gắn liền với nó, cũng dưới ánh sáng Phục sinh như vậy. Như Đức thánh cha Phanxicô mới nhắc nhở: “Đừng hoang phí những ngày khốn khó này!” Hay như mới hồi đầu tuần, Cha Tổng quyền Dòng Cát Minh từ tâm dịch là nước Ý, nơi con số người chết nhiều nhất, đã nói với con cái của ngài: “Nếu có một phép mầu nào đó, ngay ngày mai đây cơn dịch này hoàn toàn chấm dứt, thì liệu chúng ta có đã kịp đọc được gì đó từ nó khả dĩ có ích cho ơn cứu độ của mình không?” Quả thật, cơn dịch này không biết còn kéo dài bao lâu nữa, nhưng nếu một khi nó qua đi mà mọi sự trở lại y như cũ, thì thật là uổng phí biết bao!
Bởi đó mà câu hỏi ta cần tự hỏi là: Chúa Phục sinh nói gì với tôi qua cơn dịch này? Một lần nữa, chiếc chìa khóa nằm trong xác quyết mạnh mẽ của Thánh Phaolô: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” – Tôi có thể sống với Chúa Phục sinh, sống sự sống của Người nhiều hơn, đích thực hơn không, khi sự yên ổn trước đây của mình không còn? Khi các thói quen nào đó của mình bị khống chế và phải thay đổi? Khi các kế hoạch hay chương trình nào đó của mình bị hoãn hay bị hủy? Tôi có thể thực sự sống với Chúa không, ngay cả khi – một cách bất khả kháng – các nhà thờ phải hạn chế hoạt động, các Thánh lễ cho cộng đoàn phải tạm ngưng, linh mục không luôn có sẵn, và một số bí tích cũng không còn dễ dàng? …..
Câu trả lời là có thể, ta có thể sống thực sự với Chúa Phục sinh một khi ta biết cùng chết với Người. Cùng chết với Người, ta sẽ nhận ra: Mình không cần những sự yên ổn nào đó, những thói quen nào đó để sống đâu; mình không cần quyến luyến với những tội lỗi ấy để sống đâu; và thậm chí nếu cần, thì mình cũng không cần níu giữ lấy sự sống trong thân xác này bằng mọi giá để SỐNG đâu.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay, xin Thánh Thần của Chúa Phục sinh giúp ta biết cách cùng chết với Đức Kitô – và nhận ra: việc qui tụ ở nhà thờ, Thánh lễ và các bí tích, các hoạt động tôn giáo… đều là những phương tiện được ban cho để ta sống với Đức Kitô Phục sinh. Nếu không đạt được mục đích này, thì tất cả đều vô duyên, vô nghĩa! Và khi cơn dịch này lắng xuống, khi có được lại các phương tiện ấy, chúng ta sẽ biết trân trọng nhiều hơn.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin giúp chúng con vượt qua nỗi sợ, biết cùng chết với Chúa… để được sống với Chúa. Amen.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- VIDEO TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN DỊP LỄ BỔN MẠNG ĐCV HUẾ
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- NHỮNG TÂM TÌNH NGÀY LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
- VIDEO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024