BÀI GIẢNG THÁNH LỄ KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

Written by xbvn on Tháng Hai 20th, 2015. Posted in Lm. Trần Minh Huy, Nhân bản, Việt Nam

Lễ Mồng Hai Tết tại Gx. Kim Long, Huế (Tết Ất Mùi 2015)

Kính thưa Quý Ông Bà và Anh Chị Em,

Thiên Chúa đã dành điều răn thứ tư trong 10 điều răn để dạy chúng ta về lòng thảo hiếu. Và Giáo Hội Việt Nam dành Ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Chính Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã nhắc việc “thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử[1]. Còn thánh Phaolô trong bài đọc II dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này[2]. Việc cử hành đức thảo hiếu của chúng ta hôm nay có hai phần rõ rệt: một là kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời, hai là quan tâm đến Ông Bà Cha Mẹ đang còn sống.

1) Trước hết, việc kính nhớ nhắc chúng ta biết rằng Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta đã qua đời có những người nhờ đời sống thánh thiện đã được đưa thẳng lên Thiên đàng hưởng nhan thánh Chúa; nhưng cũng có những người vì thân phận yếu đuối của con người nay đang được thanh luyện trong luyện ngục. Các đấng đang ở trong luyện ngục may mắn không làm chi thêm tội, chỉ phải lo đền trả theo lẽ công bằng cho đến đồng xu cuối cùng[3], và các ngài cũng chẳng làm được chi thêm công phúc cho mình, chỉ trông nhờ vào lời cầu bàu của các thánh trên trời và sự giúp đỡ của chúng ta là con cháu của các ngài đang còn sống, nên tích cực cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời là bổn phận đức ái và thảo hiếu không thể thiếu. Giáo Lý dạy chúng ta biết rằng Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta trong luyện ngục phải trải qua những khổ đau dữ dội chẳng khác gì trong hoả ngục, chỉ khác là đau khổ trong luyện ngục có thời hạn và còn hy vọng được nhìn thấy Chúa, còn đau khổ trong hoả ngục là vô tận vì sẽ không bao giờ được nhìn thấy mặt Chúa nữa.

Chúng ta không chỉ nhớ đến các đấng đã sinh thành dưỡng dục mình nên người về phần xác, mà còn phải nhớ đến các đấng sinh thành nuôi dưỡng cùng đào tạo chúng ta trong đức tin và đời sống làm con Chúa nữa, như các linh mục, tu sĩ đã chăm sóc mục vụ cho chúng ta. Chúng ta cũng nhớ đến các ân nhân và mọi người đã chết, nhất là các linh hồn không được ai nhớ đến để cầu nguyện cho, dù lắm khi người thân của họ còn sống đầy dẫy ra đó, quen gọi là các linh hồn mồ côi. Chúng ta cũng không được quên những người mình có liên đới trách nhiệm, những người vì sự thiếu sót, lầm lỗi hay gương mù gương xấu của chúng ta mà giờ đây đang phải đau khổ trong lửa luyện ngục để cầu nguyện cho họ và đền tội chúng ta theo lẽ công bằng. Việc làm này không những lợi ích cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta và các linh hồn mà còn cho chính cuộc sống đời đời của chúng ta nữa, vì nó nhắc nhở chúng ta thức tỉnh nhìn lại cuộc sống của chính bản thân mình, nhất là trong Mùa Chay thánh vừa khởi đầu, sẽ phải đến trước toà phán xét trả lời Thiên Chúa về tất cả những gì chúng ta đã làm khi còn sống. Cuộc sống hiện tại rất ngắn ngủi so với cuộc sống đời đời, nhưng chính cuộc sống ngắn ngủi này lại quyết định số phận vô tận đằng sau cái chết và mời gọi chúng ta thức tỉnh ngay từ lúc này, thu xếp mọi sự ổn thỏa trước lúc phải ra đi, kẻo muộn mất chăng.

2) Bổn phận thứ hai của chúng ta là phải quan tâm tới Ông Bà Cha Mẹ chúng ta đang còn sống, không được viện bất cứ lý lẽ gì để chước miễn bổn phận thảo hiếu này, kể cả những việc làm liên quan đến chính Chúa, như Chúa Giêsu nghiêm khắc quở trách các biệt phái và các kinh sư “là lấy tập tục của người phàm mà bỏ qua Lời Chúa” chúng ta vừa nghe trong bài Phúc âm hôm nay. Chúng ta phải lo phụng dưỡng Ông Bà Cha Mẹ, sớm viếng tối thăm, thuốc thang khi đau ốm, đỡ đần miếng cơm miếng cháo… đừng để khi Ông Bà Cha Mẹ mất đi rồi hối hận muốn làm gì bù đắp cũng không còn được nữa, và còn bị người đời mỉa mai “khi sống con chẳng cho ăn, khi chết làm văn tế ruồi!” hay “một mẹ nuôi được mười con, mà mười con không nuôi nổi một mẹ!

Ngoài ra, còn phải biết cộng tác giúp đỡ Ông Bà Cha Mẹ trong công việc thường ngày nữa. Kẻ nào quên bổn phận thảo hiếu sẽ không lớn lên thành người được. Câu chuyện đôi bàn tay của mẹ sau đây nói lên điều đó: Một thanh niên kia học hành đỗ đạt nộp đơn vào chức vụ quản trị một công ty lớn. Anh đã qua được các buổi phỏng vấn, và nay đến lượt ông giám đốc trực tiếp phỏng vấn lần cuối để quyết định nhận hay không nhận. Ông xem xét hồ sơ của anh thấy tất cả đều rất tốt, vì năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học, anh cũng đều xuất sắc, vượt bực. Ông hỏi:

– Anh đã được học bỗng nào?

– Thưa, không ạ.

– Thế cha anh trả học phí cho anh à?

– Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi. Chính mẹ tôi mới là người trả học phí và lo mọi chuyện cho tôi.

– Mẹ anh làm việc gì, ở đâu ?

– Thưa mẹ tôi giặt áo quần cho các tiệm giặt.

Viên giám đốc bảo người thanh niên đưa đôi bàn tay cho ông xem. Anh đưa ra hai bàn tay mịn màng rất đẹp. Ông hỏi:

– Có bao giờ anh giúp mẹ giặt giũ áo quần không?”

– Chưa bao giờ cả, bởi mẹ luôn bảo tôi phải lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi nhiều.

– Tôi có một yêu cầu: Hôm nay về nhà, anh hãy rửa đôi tay mẹ anh và ngày mai anh đến gặp tôi.

Người thanh niên cảm thấy anh có thể làm rất tốt công việc quá dễ dàng này, nên khi vừa về đến nhà, anh liền thưa với mẹ xin được rửa đôi bàn tay của mẹ. Mẹ anh cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng rồi cũng đưa đôi bàn tay cho con trai. Chàng từ từ rửa đôi bàn tay của mẹ. Nước mắt anh bỗng tuôn ràn rụa, bởi đây là lần đầu tiên anh khám phá ra rằng đôi tay nhăn nheo của mẹ đầy những vết chai cứng, sần sùi. Những vết sần này làm bà đau buốt khi đụng tới. Lần đầu tiên trong đời, anh nhận thức được rằng chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này của mẹ đã giúp anh có cái ăn cái mặc, tiền tiêu và trả học phí trong suốt nhiều năm qua. Những vết chai trên đôi bàn tay của mẹ là cái giá phải trả cho những xuất sắc trong học tập, và cho cả tương lai sẽ tới của anh nữa. Sau khi rửa và lau sạch đôi tay của mẹ, anh lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại. Tối hôm đó, hai mẹ con mới chuyện trò thật lâu với nhau. Sáng hôm sau, anh tới gặp ông giám đốc. Ông để ý thấy những giọt nước mắt lưng tròng trên đôi mắt anh và hỏi:

– Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã cảm nhận được hôm qua ở nhà không?

– Tôi đã rửa và lau sạch đôi tay của mẹ tôi như ông yêu cầu, và tôi đã giặt hết phần áo quần còn lại mà hàng ngày mẹ tôi phải làm.

– Thế cảm tưởng của anh như thế nào?

– Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn. Nếu không có mẹ, tôi không thể có được như ngày hôm nay. Qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức rằng thật là khó khăn và gian khổ để hoàn tất một công việc. Nay tôi càng biết rõ hơn sự quan trọng và giá trị của quan hệ gia đình.

– Ðây mới là những gì tôi tìm nơi người quản trị công ty. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của người khác và sẵn lòng giúp đỡ người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của người khác để hoàn thành nhiệm vụ, một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất trong cuộc đời mình. Anh là người được tuyển dụng. Tôi rất vui.

Kính thưa Quý Ông Bà và Anh Chị Em,

Xin cho việc kính nhớ và cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đã khuất càng thôi thúc chúng ta hết lòng quan tâm tới Ông Bà Cha Mẹ chúng ta đang còn sống, hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng, an ủi nâng đỡ các ngài, để các ngài được an vui hạnh phúc trong chuỗi ngày còn lại với chúng ta nơi dương thế, đợi ngày về an hưởng hạnh phúc trong Nhà Cha trên trời. Amen.

Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

—————–

[1] Mt 15, 1-6.

[2] Ep 6, 1-3.

[3] x. Lc 12, 59.

————

Xem hình ảnh ở đây

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30