BÀI GIẢNG THỨ TƯ LỄ TRO 2013 CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI

Written by xbvn on Tháng Hai 14th, 2013. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Chư Huynh đáng kính,

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, thứ Tư lễ Tro, chúng ta bắt đầu một hành trình Mùa Chay mới, hành trình vốn được diễn ra 40 ngày và dẫn chúng ta đến niềm vui Phục sinh của Chúa, đến chiến thắng của Sự Sống trên sự chết. Theo truyền thống Rôma rất xa xưa « các chặng đường » Mùa Chay, chúng ta tập hợp nhau để cử hành Thánh Lễ. Truyền thống này dự kiến « chặng đường » đầu tiên diễn ra trong vương cung thánh đường Thánh Sabine, trên đồi Aventin. Các hoàn cảnh đã gợi ý tập hợp lại trong Vương Cung Thánh Đường Vatican. Chiều nay, chúng ta tụ tập đông đúc chung quanh ngôi mộ của thánh Phêrô Tông đồ để xin ngài cầu bàu cho hành trình của Giáo Hội vào thời điểm đặc biệt này, canh tân đức tin của chúng ta trong vị Mục tử tối cao của Giáo Hội là Chúa Kitô. Đối với tôi, đây là một thời điểm thích hợp để cám ơn mỗi người, đặc biệt các tín hữu của giáo phận Rôma, khi tôi sắp kết thúc thừa tác vụ Phêrô của tôi và để cầu xin sự nâng đỡ đặc biệt trong lời cầu nguyện.

Các bài đọc đã được công bố mang lại cho chúng ta những yếu tố mà với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi biến đổi thành những thái độ và những ứng xử cụ thể trong suốt Mùa Chay này. Trước tiên, Giáo Hội đề nghị cho chúng ta lời kêu gọi rất mạnh mẽ mà ngôn sứ Gio-en nói với dân Israël : « Đây là sấm ngôn của Đức Chúa : các ngươi hãy hết lòng trở về với ta, trong chay tịnh, nước mắt và than van » (Ge 2,12). Cần phải nhấn mạnh kiểu nói « hết lòng », có nghĩa là ở trung tâm tư tưởng và tình cảm của chúng ta, từ cội rễ của những quyết định, những chọn lựa, những hành động của chúng ta, trong một cử chỉ tự do hoàn toàn và triệt để. Nhưng sự trở về với Thiên Chúa này là có thể được chăng ?  Được, bởi vì đó là một sức mạnh không đến từ tâm hồn chúng ta nhưng được giải phóng từ chính tâm hồn của Thiên Chúa. Đó là sức mạnh của lòng thương xót. Ngôn sứ còn nói : « Hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, vì ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, từ bỏ việc giáng phạt » (2,13). Trở về với Chúa là khả thi như « ân sủng » bởi vì nó là công trình của Thiên Chúa và là hoa trái của đức tin mà chúng ta phó thác cho lòng thương xót của Ngài. Nhưng việc trở về với Thiên Chúa này trở thành một thực tại cụ thể trong đời sống của chúng ta chỉ khi ân sủng của Chúa thấm nhập vào chốn sâu thẳm tâm hồn và rung động nó, ban cho chúng ta sức mạnh « xé lòng ». Chính ngôn sứ vẫn còn làm vang vọng những lời này của Thiên Chúa : « Hãy xé lòng chứ đừng xé áo » (2,13). Thực ra, bao gồm cả thời đại chúng ta, nhiều người sẵn sàng « xé áo » trước những gương mù gương xấu và những bất công – dĩ nhiên là do người khác vi phạm – nhưng xem ra rất ít người sẵn sàng hành động trên « tâm hồn » của mình, trên lương tâm và những ý hướng của mình để để cho Chúa biến đổi, canh tân và hoán cải mình.

Tiếp đến lời kêu gọi « hãy hết lòng trở về với Ta » này là một tiếng gọi được nói không chỉ với cá nhân nhưng còn với cộng đoàn. Chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất : « Hãy rúc tù tại Giêrusalem : hãy  giữ chay thánh, công bố cuộc họp long trọng, hãy tụ tập dân chúng, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp các thiếu nhi và trẻ con còn đang bú ! Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời khỏi phòng khuê ! » (2, 15-16).  Chiều kích cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu của đức tin và của đời sống Kitô hữu. Chúa Kitô đã đến « để hiệp nhất con cái của Thiên Chúa đang tản mác » (x. Ga 11,52). Cái « chúng ta » của Giáo Hội là cộng đoàn trong đó Chúa Giêsu nối kết hết thảy chúng ta lại với nhau (x. Ga 12,32) : đức tin cần thiết mang chiều kích Giáo Hội. Điều quan trọng là nhớ và sống điều đó trong thời gian Mùa Chay này : ước gì mỗi người chúng ta biết rằng con đường sám hối không được sống trong cô độc nhưng cùng với biết bao anh chị em, trong Giáo Hội.

Để kết thúc, ngôn sứ dừng lại ở lời nguyện của các tư tế, những tư tế này, than khóc, nói với Thiên Chúa : « Xin đừng để những ai thuộc về Ngài phải nhục nhã và nên trò  cười cho dân ngoại ! Chẳng lẽ các dân ngoại được cớ mà nói : ‘Thiên Chúa của chúng đâu rồi ?’ » (2,17). Lời cầu nguyện này làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của chứng tá đức tin và đời sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta và  các cộng đoàn của chúng ta để diễn tả khuôn mặt của Giáo Hội và làm sao khuôn mặt này có thể đôi khi bị méo dạng. Cách riêng, tôi nghĩ đến những lỗi lầm chống lại sự hiệp nhất, đến những chia rẽ trong thân thể của Giáo Hội. Sống Mùa Chay trong sự hiệp thông Giáo Hội mãnh liệt hơn và rõ ràng hơn, bằng việc vượt lên những chủ nghĩa cá nhân và những chống đối, là một  dấu chỉ khiêm hạ và quý giá hướng đến những ai đang xa rời đức tin hay dửng dưng.

« Bây giờ là lúc thuận tiện, bây giờ là ngày cứu độ ! » (2Cr 6,2). Những lời của thánh Phaolô Tông đồ gởi cho tín hữu Côrintô vẫn còn vang vọng cho chúng ta với một sự cấp bách mà không cho phép sự lơ đễnh hay sự ù lì. Từ « bây giờ » được lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy rằng chúng ta không thể để sổng thời điểm này, rằng thời điểm này được ban cho chúng ta như là một cơ hội độc nhất và bất khả thay thế. Và cái nhìn của thánh Tông đồ tập trung vào việc chia sẻ qua đó Chúa Kitô đã muốn làm nổi bật cuộc sống của Ngài, đảm nhận nhân tính cho đến độ mang lấy tội lỗi của con người. Câu nói của thánh Phaolô là rất mạnh : Thiên Chúa « đã biến Ngài thành tội vì chúng ta ». Chúa Giêsu , Đấng vô tội, Đấng Thánh, « Đấng đã không hề biết đến tội lỗi » (2Cr 5,21),  lại mang trên mình gánh nặng tội lỗi, chia sẻ với nhân loại kết quả của tội lỗi, và cái chết trên thập giá. Sự hòa giải được ban cho chúng ta đã được thực hiện với giá đắt nhất, giá của thập giá được dựng lên trên đồi Golgotha, trên dó Con Thiên Chúa làm người đã được treo lên. Trong sự đắm mình của Thiên Chúa vào giữa lòng đau khổ của nhân loại này và trong vực sâu của sự dữ được tìm thấy cội rễ sự công chính hóa của chúng ta. Lời kêu gọi « Hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa » trong hành trình Mùa Chay của chúng ta ngang qua Thập giá, bước theo Chúa Kitô trên con đường dẫn đến Canvariô,  trao hiến hoàn toàn chính mình. Đó là một hành trình trên đó mỗi ngày cần phải học biết luôn ra khỏi thói ích kỷ và những khép kín của bản thân chúng ta, để dành chỗ cho Thiên Chúa, Đấng mở rộng và biến đổi tâm hồn. Và thánh Phaolô nhắc lại làm thế nào việc loan báo Thập giá vang vọng cho chúng ta nhờ việc rao giảng Lời Chúa, mà chính thánh Tông đồ là vị sứ giả ; đó là một tiếng gọi được đưa ra cho chúng ta để hành trình Mùa Chay này được ghi dấu bằng việc chăm chú và chuyên cần lắng nghe hơn Lời Chúa, là ánh sáng soi dẫn bước chân chúng ta.

Trong đoạn Tin Mừng Matthêu, thuộc Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã quy chiếu đến ba thực hành căn bản được Luật Môise dự kiến : bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó vẫn còn là những chỉ dẫn truyền thống về hành trình Mùa Chay để đáp lại lời mời gọi chúng ta « hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa ». Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng chính phẩm chất và chân lý của mối tương quan với Thiên Chúa mới chỉ rõ tính đích thực của mọi cử chỉ tôn giáo. Chính vì thế mà Ngài đã tố giác sự giả hình tôn giáo, lối hành xử của những ai tìm kiếm sự tán thưởng và lời ca tụng. Người môn đệ đích thực không phục vụ chính mình lẫn « công chúng », nhưng phục vụ Chúa của mình, trong sự đơn sơ và quảng đại : « Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi » (Mt 6, 4.6.18). Chứng tá của chúng ta sẽ còn sâu xa hơn nếu chúng ta ít tìm kiếm vinh quang của mình hơn và nếu chúng ta ý thức rằng sự thưởng công cho người công chính, đó chính là Thiên Chúa, đó là được kết hiệp với Ngài, ở đây, trên hành trình đức tin và lúc kết thúc cuộc đời, trong bình an và ánh sáng diện đối diện với Ngài luôn mãi (x. 1Cr 13, 12).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tin tưởng và vui mừng bắt đầu hành trình Mùa Chay. Ước gì lời mời gọi hoán cải, « hết lòng trở về với Thiên Chúa » vang vọng mạnh mẽ trong chúng ta, trong sự đón nhận ân sủng của Ngài, vốn biến đổi chúng ta thành những con người mới, việc đón nhận tính mới mẻ ngạc nhiên này là sự tham dự vào chính đời sống của Chúa Giêsu. Ước gì không ai trong chúng ta tiếp tục điếc lác trước lơi kêu gọi này vốn vẫn còn nói với chúng ta xuyên qua nghi thức xức tro sám hối sắp được thực hiện cho chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội và là khuôn mẫu của mọi môn đệ đích thực của Chúa, đồng hành với chúng ta trên hành trình này. Amen ! »

Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của nhật báo La Croix

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31