BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG NGUYÊN GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KON TUM

Written by xbvn on Tháng Chín 16th, 2023. Posted in Kontum, Đại Chủng Viện Huế

Bài đọc 1 : Rm 8,31b-35.37-39); Bài Tin Mừng : Mt 11, 25-30

Thứ Tư, 13/9/2023, 16g00: Thánh lễ – Chủng sinh giáo phận Kon Tum                                                                                    

Kính thưa Cha Giám đốc Đại Chủng Viện Huế, quý cha giáo, quý cha, quý thầy phó tế, quý tu sĩ nam nữ, anh em chủng sinh, ứng sinh, quý anh em cựu chủng sinh Kon Tum, quý ông bà cùng anh chị em, cách riêng quý gia đình thân quyến của Đức Cha Phêrô,

Trong bầu khí của thánh lễ tiễn đưa hôm nay, dành riêng cho anh em chủng sinh trong giáo phận, con xin được đọc lại đôi nét cuộc đời Đức Cha Phêrô trong mối liên hệ với mái trường Chủng viện Thừa sai Kon Tum , và nhất là, dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, để tâm tình tạ ơn và cầu nguyện của chúng ta được thêm sâu lắng và tròn đầy.

 Thứ nhất, Đức Cha Phêrô, một cuộc đời sống cho tình yêu

Hai bài đọc được chọn cho thánh lễ hôm nay phảng phất dư âm của câu châm ngôn đời giám mục của Đức Cha : « Dilexit me » (« Ngài yêu tôi ») (Gl 2,20).

Trong bài đọc thứ nhất, trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma, chúng ta đọc thấy những xác quyết thật mạnh mẽ về tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta. Thánh Phaolô viết :

« Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? (…) Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta ».

Có lẽ cũng chính trong niềm xác tín này mà Đức Cha Phêrô đã gửi gắm cả hành trình và sứ vụ giám mục của ngài nơi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô: « Dilexit me » (« Ngài yêu tôi ») (Gl 2,20). Đức Cha Phêrô không nói : « tôi yêu Ngài », nhưng là « Ngài yêu tôi ».

Đây có lẽ không chỉ là câu khẩu hiệu, nhưng là một lời xác quyết, một lời tuyên tín vào tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa, trong Đức Kitô, dành cho cá nhân ngài: « Ngài yêu tôi ». Nếu chúng ta đặt câu châm ngôn đời giám mục của ngài trong mạch văn của thư Galate, 2,20, chúng ta đọc thấy nguyên văn như sau : « Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2,20).

Đức Kitô, chính là « Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2,20). Đó không chỉ là lời tuyên tín của Thánh Phaolô, mà còn là lời tuyên xưng của Đức Cha Phêrô. Và còn hơn thế nữa, đó là cả một lối sống, một cuộc đời của một giám mục : « Ngài yêu tôi ».

Trong thực tế, có lẽ chính tình yêu nhưng không này của Đức Kitô đã là động lực, để Đức Cha Phêrô sống trọn sứ vụ giám mục của ngài, trong tình yêu, với tình yêu, vì tình yêu, ngang qua bao thử thách, khó khăn của thời cuộc, của giáo phận, và của chính cá nhân ngài.

 Thứ hai, một cuộc đời hiền hậu và khiêm nhường

Trong suốt cuộc đời của mình nơi dương thế, Chúa Giêsu chỉ minh nhiên mời gọi các môn đệ học với Ngài hai điều : hiền hậu và khiêm nhường, như trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe : « Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng ». Nếu hiền hậu và khiêm nhường là nét riêng có của những ai đã được học dưới mái trường mang tên Giêsu, thì có lẽ Đức Cha Phêrô cũng là học trò lâu năm dưới mái trường này.

Nếu ai đã từng có dịp tiếp xúc với Đức Cha Phêrô, có lẽ cũng sẽ cảm nhận được sự đơn sơ, hiền hậu và khiêm tốn này nơi Đức Cha, trong cung cách, trong lối sống, trong tương giao, nhất là với các linh mục và anh em chủng sinh. Con còn nhớ, sau mỗi lần đánh máy bài giảng hoặc thư từ cho Đức Cha, ngài mời con ngồi lại, để ngài đọc cho con nghe, xem có được không, có cần thêm bớt gì không. Và khi thấy một góp ý nào đó là hợp lý, ngài khiêm tốn sửa lại, và không quên lời cám ơn. Một giám mục, lại sẵn lòng đón nhận lời góp ý của một chú dự tu, bấy nhiêu thôi, có lẽ cũng đủ, để thấy được cung cách sống khiêm tốn của ngài.

Vậy thì do đâu mà Đức Cha Phêrô có được cung cách sống như thế ? Nếu không phải do niềm xác tín mà Đức Cha đặt để vào tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, « Dilexit me » (« Ngài yêu tôi ») (Gl 2,20) ? Để từ đó, như thánh Phaolô, ngài có thể thốt lên : « Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20).

Thứ ba, một cuộc đời gắn bó với Chủng viện Thừa sai Kon Tum  và gần gũi với anh em chủng sinh

Trong bầu khí của thánh lễ hôm nay, khi mà các anh em chủng sinh có những giây phút cuối cùng được quây quần bên Đức Cha Phêrô, con xin được ôn lại một khía cạnh khác trong cuộc đời của Đức Cha : một cuộc đời gắn bó với Chủng viện Thừa sai Kon Tum  và gần gũi với anh em chủng sinh.

Nếu như hiền hậu và khiêm nhường là hai nét son của mái trường mang tên Giêsu, thì cuộc đời Đức Cha Phêrô còn gắn bó một cách rất đặc biệt với một mái trường khác : mái trường Chủng viện Thừa sai Kon Tum .

Đức Cha Phêrô là hoa trái đầu mùa của Chủng viện Thừa sai Kon Tum. Ngài thuộc lớp thứ ba, những lớp đầu tiên từ ngày Chủng viện Thừa sai Kon Tum  được thành lập vào năm 1935. Ngài đã có duyên với Chủng viện Thừa sai Kon Tum  ngay từ khi ngài lên 11 tuổi. Năm 1937, qua sự giới thiệu của cha sở Cồn Dầu lúc đó là cha Phêrô Nguyễn Văn Chánh, cậu bé Trần Thanh Chung hăng hái lên đường xin nhập Tiểu Chủng viện Thừa sai Kon Tum . Và từ đó, ròng rã suốt 12 năm, từ 1937-1949, ngài đã gắn bó với Chủng viện Thừa sai Kon Tum .

Sau khi học xong chương trình Đại chủng viện tại Sài Gòn (1949-1955), ngài chịu chức Phó tế ngày 26/03/1955, tại Sài Gòn, do Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi. Ngay sau khi được Đức Cha Phaolô Kim truyền chức linh mục ngày 25/08/1955, tại Nhà thờ Chính tòa Kon Tum, tân linh mục Phêrô Trần Thanh Chung được đặt làm cha giáo tại Tiểu Chủng viện Thừa sai Kon Tum , từ 09/1955-06/1957.

Chưa hết, sau khoảng 8 năm ở với anh chị em Jrai ở Plei Kơbei (1958-1966), Cha Phêrô Trần Thanh Chung được Đức Cha Phaolô Kim trao phó trọng trách làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thừa sai Kon Tum  tại Đà Lạt và ngài đã phục vụ ở đây suốt 8 năm (09/1966 – 08/1974).

Ngày 22/11/1981, ngày ngài chính thức trở thành giám mục phó với quyền kế vị, thánh lễ tấn phong Giám mục của ngài diễn ra vào lúc 18h00 tại nhà nguyện Chủng viện Thừa sai Kon Tum .

Sau khi chính thức trở thành giám mục chính tòa, sau 14 năm làm giám mục phó (1981-1995), Đức Cha Phêrô tiếp tục chương trình của Chủng viện Thừa sai Kon Tum , vốn đã được Đức Cha Alexis tái lập từ năm 1992, nhưng lần này không còn ở Kon Tum nữa, nhưng « lưu vong » tại Sài Gòn.

Điều đáng nói, là nếu Đức Cha Alexis đã có sáng kiến tái lập Chủng viện Thừa sai Kon Tum  lưu vong, thì chính Đức Cha Phêrô là người đã góp nhiều công sức cho chương trình đào tạo này trong suốt 8 năm trên cương vị giám mục chính tòa giáo phận. Ngài âm thầm nâng đỡ Chủng viện Thừa sai Kon Tum  lưu vong tại Sài Gòn. Chính ngài cũng là người đã quyết định gửi các thế hệ chủng sinh Kon Tum đầu tiên sau 1975 ra Đại Chủng Viện Huế.

Những thế hệ học trò của ngài, rồi đây sẽ được Đức Cha Micae lần lượt phong chức phó tế và linh mục, nhưng cùng với Đức Cha Alexis, người gieo những hạt giống đầu tiên, Đức Cha Phêrô đã có công vun tưới, để rồi « chính Thiên Chúa cho mọc lên » (1 Cr 3,6).

Kính thưa quý ông bà cùng anh chị em,

Để kết thúc, con xin được gợi lên đây một hình ảnh của Đức Cha Phêrô, khi ngài còn là chủ chăn của giáo phận.

Những năm Đức Cha làm giám mục chính tòa giáo phận Kon Tum, từ 1995-2003, giáo phận phải đối diện với muôn vàn khó khăn : thiếu ơn gọi, thiếu linh mục, và số linh mục ít ỏi còn lại lại không được vào các buôn làng để dâng lễ, lo mục vụ cho giáo dân. Trước hoàn cảnh đó, Đức Cha Phêrô đã có một sáng kiến độc đáo : mỗi khi có dịp, ngài mặc áo dòng, ngồi trên xe, chạy qua các buôn làng. Một lần nọ, khi con thắc mắc tại sao ở ngoài phố, thì đức cha không mang áo dòng, nhưng vào làng lại mặc áo dòng, ngài đã trả lời con như sau : « để bà con người Thượng biết là vẫn còn linh mục trên vùng Kon Tum này ».

Kính thưa quý ông bà cùng anh chị em, cách riêng anh em chủng sinh,

Con xin dừng lại ở hình ảnh này : hình ảnh của một chiếc áo dòng của một giám mục, ẩn hiện trên các nẻo đường nơi các buôn làng xa xôi hẻo lánh, « để bà con người Thượng biết là vẫn còn linh mục trên vùng Kon Tum này ». Tuy hình bóng chiếc áo dòng của Đức Cha vụt qua và mất hút trong bụi mù, sau những bóng cây, sau những ngọn đồi, vách núi, nhưng có lẽ sẽ còn đọng lại chút gì đó, nơi anh chị em người Thượng, để họ còn có thể hy vọng và sống đức tin.

Lúc còn sống, Đức Cha thường hay nói : « Thiên Chúa viết chữ thẳng trên đường cong ». Hôm nay, dẫu cho hình bóng chiếc áo dòng năm xưa của Đức Cha đã thực sự lướt qua, và sẽ xa chúng ta mãi mãi, nhưng trên những nẻo đường, trên những « đường cong » của thời cuộc, của giáo phận, của cánh đồng truyền giáo Kon Tum, Thiên Chúa vẫn tiếp tục « viết chữ thẳng », bằng những bóng áo dòng, của các thế hệ tiếp nối, những thế hệ học trò của Đức Cha, để anh chị em Thượng và biết bao người nghèo, thêm niềm hy vọng, để Tin Mừng yêu thương của Đức Kitô được lan tỏa.

Tạ ơn Chúa với Đức Cha, vì một cuộc đời kiên trung với Miền Thượng. Xin Đức Cha phù hộ cho công cuộc truyền giáo của giáo phận, và cho gia đình Chủng viện Thừa sai Kon Tum  thân yêu của Đức Cha.

 Linh mục Pr. Nguyễn Văn Hiền

———————————

(nguồn ảnh: Giáo phận Kon Tum)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30