BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 35. NIỀM XÁC TÍN ĐƯỢC LẮNG NGHE
Đức Phanxicô có loạt bài giáo lý về cầu nguyện rất thực tế và gần gũi, đặc biệt trong thời gian cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt này. Những loạt bài này soi sáng đức tin của người Kitô hữu.
« Trong việc cầu nguyện, chính Thiên Chúa phải hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta phải hoán cải Thiên Chúa », Đức Thánh Cha nhấn mạnh như thế trong bài giáo lý về niềm xác tín được Thiên Chúa lắng nghe trong lời cầu nguyện, ngày 26/5/2021,và đồng thời mời gọi các Kitô hữu hãy có sự kiên nhẫn và lòng khiêm tốn khi cầu nguyện.
Đức Thánh Cha nhắc nhở về cám dỗ khi cầu nguyện : « Quả thế, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta có thể rơi vào nguy cơ rằng không phải chúng ta phục vụ Thiên Chúa, nhưng muốn rằng chính Ngài phục vụ chúng ta ». « Nhiều người tha thiết bảo đảm rằng Thiên Chúa ở với họ, nhưng ít người trong họ quan tâm đến việc chứng thực xem họ có thực sự ở với Thiên Chúa không. Trong việc cầu nguyện, chính Thiên Chúa phải hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta phải hoán cải Thiên Chúa. »
Ngài mời gọi đặt mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa : « Hãy nhớ lại một chút : bao nhiêu lần chúng ta đã từng xin một ơn, một phép lạ, phải công nhận với nhau như thế, và không có gì xảy ra cả. Tiếp đến, với thời gian, mọi sự đã được sắp xếp, nhưng theo cách thức của Thiên Chúa, cách thức thần linh, chứ không theo như chúng ta muốn vào lúc đó. Thời gian của Thiên Chúa không phải là thời gian của chúng ta ».
Và sau khi nhắc lại chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dường như cũng không được lắng nghe, Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu hãy xác tín mạnh mẽ về tiếng nói sau cùng của Thiên Chúa trên quỷ dữ : « Quỷ dữ là chúa của ngày áp chót : anh chị em hãy nhớ rõ điều đó. Quỷ dữ không bao giờ là một ông chúa của ngày cuối cùng, không : của ngày áp chót, lúc mà đêm tối trở nên dày đặc nhất, chính trước bình minh. Ở đó, lúc vào ngày áp chót, có cơn cám dỗ mà quỷ dữ muốn làm cho chúng ta tin rằng nó đã chiến thắng : « Mày thấy không ? Tao đã thắng ! ». Quỷ dữ là chúa của ngày áp chót : ngày cuối cùng, có sự phục sinh. Nhưng quỷ dữ không phải là chúa của ngày cuối cùng : Thiên Chúa là Chúa của ngày cuối cùng. Vì ngày này chỉ thuộc về Thiên Chúa, và đó là ngày mà mọi khát vọng của con người về ơn cứu độ sẽ được thực hiện. »
Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Niềm xác tín được lắng nghe
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Có một nghi vấn sâu xa về việc cầu nguyện, xuất phát từ một quan sát của tất cả chúng ta : chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin, thế nhưng lời cầu nguyện của chúng ta xem ra đôi khi không được lắng nghe : những gì chúng ta cầu xin – cho chúng ta hay cho người khác – đã không được thực hiện. Chúng ta sống kinh nghiệm này, rất thường xuyên. Tiếp đến, nếu động cơ mà chúng ta cầu nguyện là cao cả (như cầu xin can thiệp cho sức khỏe của một bệnh nhân, hay để chấm dứt chiến tranh), thì, đối với chúng ta, việc không được thực hiện nó dường như là cớ vấp phạm. Chẳng hạn, đối với chiến tranh : chúng ta cầu nguyện để chiến tranh chấm dứt, những cuộc chiến tranh trong nhiều nơi trên thế giới, chúng ta hãy nghĩ đến Yémen, Syria. Những đất nước đang có chiến tranh từ nhiều năm qua, nhiều năm qua ! Những đất nước bị hành hạ bởi chiến tranh, chúng ta cầu nguyện và nó không chấm dứt. Nhưng xảy ra là thế nào? « Một số người thậm chí ngưng cầu nguyện bởi vì, họ nghĩ, lời cầu xin của họ không được nhậm lời » (GLGHCG, số 2734). Nhưng nếu Thiên Chúa là Cha, thì tại sao Ngài không lắng nghe chúng ta ? Chính Ngài đã đảm bảo rằng Ngài ban những điều tốt lành cho con cái cầu xin Ngài (x. Mt 7, 10), tại sao không đáp lại lời cầu xin của chúng ta ? Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm như thế : chúng ta đã cầu nguyện, cầu nguyện, cho căn bệnh của người bạn này, người cha này, người mẹ này, và rồi họ đã ra đi, Thiên Chúa không nhận lời chúng ta. Đó là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều trải qua.
Sách Giáo Lý mang lại cho chúng ta một tổng hợp tốt về vấn đề này. Nó cảnh giác chúng ta về nguy cơ không sống kinh nghiệm đức tin đích thực, nhưng biến mối tương quan với Thiên Chúa thành điều gì đó ma thuật. Lời cầu nguyện không phải là một cây đũa thần : đó là một cuộc đối thoại với Chúa. Quả thế, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta có thể rơi vào nguy cơ rằng không phải chúng ta phục vụ Thiên Chúa, nhưng muốn rằng chính Ngài phục vụ chúng ta (x. số 2735). Như thế, đó là một lời cầu nguyện luôn đòi hỏi, muốn định hướng các biến cố theo kế hoạch của chúng ta, không thừa nhận kế hoạch nào khác với ước muốn của chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu đã rất khôn ngoan khi đặt trên môi miệng của chúng ta « Kinh Lạy Cha ». Như chúng ta biết, đó chỉ là một lời nguyện cầu xin, nhưng những lời cầu xin đầu tiên mà chúng ta cất lên đều hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa. Chúng cầu xin rằng không phải kế hoạch của chúng ta được thực hiện, nhưng là ý muốn của Ngài đối với thế giới. Tốt hơn để Ngài hành động : « Nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện » (Mt 6, 9-10).
Và thánh Phaolô Tông đồ nhắc cho chúng ta rằng thậm chí chúng ta không biết phải cầu xin gì (x. Rm 8, 26). Chúng ta cầu xin cho những điều cần thiết của chúng ta, nhu cầu của chúng ta, những điều mà chúng ta muốn, « nhưng điều đó có tốt hơn cho chúng ta hay không ? ». Thánh Phaolô nói với chúng ta : thậm chí chúng ta không biết phải cầu xin gì. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải khiêm tốn : đó là thái độ đầu tiên để đi cầu nguyện. Cũng như ở nhiều nơi có thói quen, khi đến nhà thờ cầu nguyện, các phụ nữ trùm khăn, hoặc là lấy nước thánh để bắt đầu cầu nguyện, (cũng thế) trước khi cầu nguyện, chúng ta phải suy nghĩ về những gì phù hợp nhất để Thiên Chúa ban cho tôi những gì phù hợp nhất : Ngài biết điều đó. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải khiêm tốn, để những lời của chúng ta thực sự là những lời cầu nguyện, chứ không phải là những lời nói dài dòng mà Thiên Chúa khước từ. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện vì những động cơ xấu : chẳng hạn, để chiến thắng kẻ thù của chúng ta trong chiến tranh, mà không tự hỏi Thiên Chúa nghĩ gì về cuộc chiến tranh này. Thật dễ dàng để viết trên một ngọn cờ « Thiên Chúa ở cùng chúng ta » ; nhiều người tha thiết bảo đảm rằng Thiên Chúa ở với họ, nhưng ít người trong họ quan tâm đến việc chứng thực xem họ có thực sự ở với Thiên Chúa không. Trong việc cầu nguyện, chính Thiên Chúa phải hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta phải hoán cải Thiên Chúa. Đó là khiêm tốn. Tôi sẽ cầu nguyện, nhưng Ngài, lạy Chúa, xin hoán cải tâm hồn con để con cầu xin những gì phù hợp, để con cầu xin những gì sẽ là tốt nhất cho sức khỏe tâm linh của con.
Tuy nhiên, cớ vấp phạm vẫn còn : khi người ta cầu nguyện bằng một tâm hồn chân thành, khi họ cầu xin những thiện ích tương xứng với Nước Thiên Chúa, khi một người mẹ cầu nguyện cho đứa con đau ốm của mình, tại sao đôi khi dường như Thiên Chúa không lắng nghe ? Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải suy niệm Tin Mừng cách bình tâm. Các trình thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu xin : có nhiều người bị thương nơi thân xác và tinh thần đã cầu xin Ngài cho họ được chữa lành ; có người cầu xin Ngài cho một người bạn không còn đi được nữa ; có những người cha người mẹ dẫn con trai con gái đau ốm của họ đến với Ngài…Tất cả những lời cầu xin này đều ngập tràn đau khổ. Đó là một dàn hợp xướng rất lớn cầu khấn : « Xin Chúa thương xót chúng con ! »
Chúng ta thấy rằng câu trả lời của Chúa Giêsu đôi khi ngay lập tức, trong những trường hợp khác, trái lại, nó bị chậm trễ : dường như Thiên Chúa không trả lời. Chúng ta hãy nghĩ đến người phụ nữ xứ Canaan cầu xin Chúa Giêsu cho con gái của mình : người phụ nữ này phải nài xin rất lâu để được nhận lời (x. Mt 15, 21-28). Bà cũng có lòng khiêm tốn lắng nghe một lời của Chúa Giêsu mà có vẻ hơi xúc phạm : chúng ta không được ném bánh cho chó, cho chó con. Nhưng sự nhục nhã không quan trọng đối với bà : chính sức khỏe con gái của bà mới quan trọng. Và bà tiếp tục : « Vâng, chó con cũng ăn những gì rơi xuống từ bàn ăn », và điều đó đã làm hài lòng Chúa Giêsu. Sự can đảm trong lời cầu nguyện. Hoặc là chúng ta nghĩ đến người bại liệt được bốn người bạn khiêng đến : lúc đầu Chúa Giêsu tha tội cho anh ta và chỉ sau đó Ngài mới chữa lành thân xác của anh (x. Mc 2, 1-12). Vì thế, trong một số trường hợp, giải pháp cho bi kịch không phải là ngay tức thì. Ngay cả trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm này. Hãy nhớ lại một chút : bao nhiêu lần chúng ta đã từng xin một ơn, một phép lạ, phải công nhận với nhau như thế, và không có gì xảy ra cả. Tiếp đến, với thời gian, mọi sự đã được sắp xếp, nhưng theo cách thức của Thiên Chúa, cách thức thần linh, chứ không theo như chúng ta muốn vào lúc đó. Thời gian của Thiên Chúa không phải là thời gian của chúng ta.
Theo quan điểm này, việc chữa lành cho con gái ông Gia-ia đáng được quan tâm đặc biệt (x. Mc 5, 21-33). Có một người cha vừa chạy vừa thở hổn hển : con gái của ông lâm bệnh và vì lý do này mà ông cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Vị Tôn Sư chấp nhận ngay lập tức, nhưng đang khi họ đến nhà, thì một cuộc chữa lành khác đã xảy ra, và tiếp đến tin tức về cái chết của đứa con gái nhỏ. Điều đó có vẻ kết thúc, trái lại, Chúa Giêsu nói với người cha : « Đừng sợ, chỉ cần có lòng tin ! » (Mc 5, 36). « Hãy tiếp tục có lòng tin » : vì chính niềm tin nâng đỡ lời cầu nguyện. Và quả thế, Chúa Giêsu sẽ đánh thức đứa con nhỏ này khỏi giấc ngủ của cái chết. Nhưng trong một khoảng thời gian Chúa Giêsu đã phải bước đi trong bóng tối, với chỉ ngọn lửa nhỏ bé của niềm tin. Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin ! Xin cho đức tin của con được lớn lên ! Cầu xin ơn này, ơn có đức tin. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rằng đức tin chuyển núi dời non. Nhưng thực sự có đức tin. Đứng trước lòng tin của những người nghèo của Ngài, của nhân loại của Ngài, Chúa Giêsu đã bị chinh phục, Ngài cảm thấy một sự dịu dàng đặc biệt trước lòng tin này. Và Ngài lắng nghe.
Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha ở vườn Ghét-sê-ma-ni dường như cũng không được lắng nghe. « Lạy Cha, nếu có thể được, xin Cha cất xa khỏi con những gì đang chờ đợi con ». Dường như Chúa Cha đã không lắng nghe Ngài. Chúa Con sẽ phải uống chén thương khó cho đến cùng. Nhưng ngày Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương cuối cùng, vì sau ba ngày, tức vào ngày Chúa Nhật, có sự phục sinh. Quỷ dữ là chúa của ngày áp chót : anh chị em hãy nhớ rõ điều đó. Quỷ dữ không bao giờ là một ông chúa của ngày cuối cùng, không : của ngày áp chót, lúc mà đêm tối trở nên dày đặc nhất, chính trước bình minh. Ở đó, lúc vào ngày áp chót, có cơn cám dỗ mà quỷ dữ muốn làm cho chúng ta tin rằng nó đã chiến thắng : « Mày thấy không ? Tao đã thắng ! ». Quỷ dữ là chúa của ngày áp chót : ngày cuối cùng, có sự phục sinh. Nhưng quỷ dữ không phải là chúa của ngày cuối cùng : Thiên Chúa là Chúa của ngày cuối cùng. Vì ngày này chỉ thuộc về Thiên Chúa, và đó là ngày mà mọi khát vọng của con người về ơn cứu độ sẽ được thực hiện. Chúng ta hãy học biết sự kiên nhẫn khiêm tốn chờ đợi ân sủng của Chúa này, chờ đợi ngày cuối cùng. Rất thường ngày áp chót là rất xấu xa, vì những đau khổ của con người là rất xấu xa. Nhưng Chúa ở đó vào ngày cuối cùng và Ngài giải quyết mọi sự.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN