BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 32. CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện và trong bài giáo lý này, tôi xin dừng lại ở việc cầu nguyện chiêm niệm.
Chiều kích chiêm niệm của con người – vốn vẫn chưa phải là cầu nguyện chiêm niệm – hơi giống như « muối » cho đời : nó mang lại hương thơm, nó mang lại sự thích thú cho ngày sống của chúng ta. Người ta có thể chiêm niệm khi nhìn mặt trời mọc lên ban mai, lúc cây cối lại trở nên xanh tươi vào mùa xuân ; người ta có thể chiêm niệm khi nghe bản nhạc hay tiếng chim hót, khi đọc một cuốn sách, trước một tác phẩm nghệ thuật hay trước kiệt tác khuôn mặt con người này…Carlo Maria Martini, được gởi đến làm Giám mục ở Milan, đã đặt tựa đề cho lá thư mục vụ đầu tiên của mình : « Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống » : quả thế, những người sống trong một thành phố lớn, trong đó mọi thứ – chúng ta có thể nói – đều là nhân tạo, mọi thứ đều là có chức năng, có nguy cơ mất đi khả năng chiêm niệm. Chiêm niệm trước tiên không phải là một cách hành động, nhưng đó là một cách hiện hữu : hữu thể chiêm niệm.
Chiêm niệm không tùy thuộc vào đôi mắt, nhưng là con tim. Và ở đây liên quan đến việc cầu nguyện, như là một hành vi đức tin và tình yêu, như là “hơi thở” của mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Việc cầu nguyện thanh tẩy tâm hồn và, cùng với tâm hồn, nó cũng soi sáng cái nhìn, cho phép hiểu thực tại theo một quan điểm khác. Sách Giáo lý mô tả sự biến đổi tâm hồn này qua việc cầu nguyện bằng cách trích dẫn một câu nói nổi tiếng của cha sở thánh thiện xứ Ars : « Chiêm niệm là cái nhìn đức tin, dán chặt vào Chúa Giêsu. ‘Tôi nhìn Ngài và Ngài nhìn tôi’, người nông dân xứ Ars đang cầu nguyện trước Nhà Tạm đã nói thế, vào thời cha sở thánh thiện của mình […] Ánh sáng của cái nhìn của Chúa Giêsu chiếu sáng đôi mắt tâm hồn chúng ta ; nó dạy chúng ta nhìn mọi sự trong ánh sáng của chân lý và lòng trắc ẩn của ngài đối với tất cả mọi người » (GLGHCG, số 2715). Tất cả nảy sinh từ đó : từ một tâm hồn cảm thấy mình được nhìn bằng tình yêu. Như thế, thực tại được chiêm niệm với đôi mắt khác biệt.
« Tôi nhìn Ngài và Ngài nhìn tôi ! ». Như thế đó : trong việc chiêm niệm yêu thương, điển hình của việc cầu nguyện thân mật nhất, không cần nhiều lời: một cái nhìn là đủ, chỉ cần xác tín rằng cuộc sống của chúng ta được bao bọc bởi một tình yêu lớn lao và trung tín mà không bao giờ có gì có thể tách rời chúng ta, là cũng đủ.
Chúa Giêsu đã là bậc thầy của cái nhìn này. Trong đời sống của Ngài đã không bao giờ thiếu những khoảng thời gian, những khoảng không gian, những khoảng thinh lặng, sự hiệp thông yêu thương cho phép cuộc sống không bị tàn phá bởi những thử thách không thể thiếu, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn của nó. Bí quyết của Ngài là mối tương quan với Cha trên trời.
Chúng ta hãy nghĩ đến biến cố Chúa Hiển Dung. Các Tin Mừng đặt đoạn này vào thời điểm quyết định của sứ mạng của Chúa Giêsu, khi sự chống đối và sự khước từ đang gia tăng xung quanh Ngài. Ngay cả trong số các môn đệ của Ngài, nhiều người không hiểu Ngài và đã bỏ đi ; một trong nhóm Mười Hai đang nuôi dưỡng tư tưởng phản bội. Chúa Giêsu bắt đầu nói công khai về đau khổ và cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem. Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu lên một ngọn núi cao cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tin Mừng Marcô nói : « Và Ngài đã biến hình trước mặt các ông và y phục của Ngài trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy » (9, 2-3). Chính vào lúc Chúa Giêsu bị hiểu lầm, – họ đã bỏ đi, họ đã để mặc Ngài một mình bởi vì họ đã không hiểu Ngài -, vào lúc mà ngài bị hiểu lầm, chính khi mọi sự xem ra trở nên tối tăm trong vòng xoáy những hiểu lầm, thì chính lúc đó rực rỡ một ánh sáng thần linh. Đó là ánh sáng của tình yêu của Chúa Cha, đổ đầy lòng Chúa Con và biến đổi toàn thể Con Người của Ngài.
Một số bậc thầy tu đức thời xưa đã hiểu việc chiêm niệm như là đối lập với hành động, và họ đã tán dương những ơn gọi chạy trốn thế gian và những vấn đề của thế gian này để hoàn toàn dành riêng cho việc cầu nguyện. Trên thực tế, nơi con người của Chúa Giêsu Kitô và trong Tin Mừng, không có sự đối lập giữa chiệm niệm và hành động, không hề có. Trong Tin Mừng, không có mâu thuẫn nơi Chúa Giêsu. Có lẽ nó đã đến từ ảnh hưởng của triết gia tân Platon nào đó, nhưng chắc chắn đó là một thứ nhị nguyên thuyết không thuộc về sứ điệp Kitô giáo.
Có một tiếng gọi lớn lao độc nhất trong Tin Mừng, và đó là tiếng gọi bước theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu. Đó là đỉnh cao, đó là trung tâm của tất cả. Theo nghĩa này, bác ái và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau, cả hai đều chỉ nói cùng một điều. Thánh Gioan Thánh giá chủ trương rằng một hành vi yêu thương trong sáng nhỏ bé thì hữu ích cho Giáo hội hơn là tất cả các công việc khác gộp lại. Những gì nảy sinh từ việc cầu nguyện chứ không từ tính tự phụ của cái tôi của chúng ta, những gì được thanh tẩy bởi lòng khiêm tốn, cho dù đó là một hành vi yêu thương riêng rẽ và thầm lặng, đều là phép lạ lớn lao nhất mà một Kitô hữu có thể thực hiện. Và đó là con đường cầu nguyện chiêm niệm : Tôi thấy Ngài và Ngài thấy tôi ! Hành vi yêu thương trong sự đối thoại âm thầm với Chúa Giêsu này sẽ giúp ích nhiều cho Giáo hội.
——————–
Tý Linh chuyển ngữ
(Bài giáo lý của Đức Phanxicô, ngày thứ Tư 5/5/2021, nguồn: Vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO