BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 37. KIÊN TRÌ TRONG TÌNH YÊU
« Hơi thở không bao giờ ngừng, ngay cả khi chúng ta ngủ ; và cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống », Đức Phanxicô nhắc nhở như thế trong buổi tiếp kiến chung ngày 9/6/2021, với bài giáo lý về việc kiên trì trong cầu nguyện.
Đức Thánh Cha ví sự kiên trì cầu nguyện này « như ngọn lửa thánh thiêng mà người ta đã gìn giữ nơi các đền thờ cổ xưa, cháy liên tục và các tư tế có nhiệm vụ tiếp tục cấp nhiên liệu. » Vì thế, « cũng phải có một ngọn lửa thánh thiêng trong chúng ta, không ngừng cháy sáng và không gì có thể dập tắt ».
Việc kiên trì cầu nguyện nhắc nhở chúng ta biết ơn đối với Thiên Chúa Đấng hằng luôn nhớ đến và săn sóc chúng ta : « Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng phải săn sóc toàn thể vũ trụ, lại luôn nhớ đến mỗi người chúng ta. Do đó, chúng ta cũng phải luôn nhớ đến Ngài ».
Đối với ngài, “cầu nguyện là một loại khuông nhạc, nơi chúng ta có thể ghi khắc giai điệu cuộc đời mình. Nó không đối lập với các hoạt động thường ngày, nó không mâu thuẫn với nhiều nghĩa vụ và cuộc hẹn nhỏ bé, nhưng, đúng hơn, nó là nơi mà mỗi hoạt động tìm thấy ý nghĩa, lý do, sự bình an của nó.”
Nhắc nhở về mối tương quan hỗ tương đức tin, cuộc sống và cầu nguyện, Đức Thánh Cha lưu ý : « Cầu nguyện – vốn là « hơi thở » của tất cả – vẫn là nền tảng quan trọng của lao động, ngay cả trong những lúc mà nó không được nói rõ. Thật là bất nhẫn khi chìm ngập trong công việc đến độ không còn tìm thấy thời gian cầu nguyện nữa. » Và « thời gian ở với Thiên Chúa giúp củng cố đức tin, giúp chúng ta trong khía cạnh cụ thể của cuộc sống, và đức tin, đến lượt nó, nuôi dưỡng việc cầu nguyện không ngừng. »
Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong bài giáo lý áp chót về cầu nguyện này, chúng ta nói về sự kiên trì trong cầu nguyện. Đó là một lời mời gọi, và thậm chí là một lệnh truyền cho chúng ta từ Thánh Kinh. Hành trình thiêng liêng của « Khách hành hương người Nga » bắt đầu khi ông ta gặp được một câu nói của thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca : « Anh em hãy cầu nguyện không ngừng. Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh » (5, 17-18). Lời của thánh Tông đồ đã đánh động người này và ông tự hỏi làm thế nào có thể cầu nguyện không ngừng, vì cuộc sống của chúng ta bị phân chia thành nhiều thời khắc khác nhau, vốn không luôn làm cho việc tập trung khả thi. Chính từ câu hỏi này mà việc tìm kiếm của ông bắt đầu, sẽ dẫn ông đến chỗ khám phá ra điều mà người ta gọi là tâm nguyện. Tâm nguyện hệ tại tin tưởng lặp đi lặp lại : « Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ! ». Một lời cầu nguyện đơn sơ, nhưng rất đẹp. Một lời cầu nguyện mà, dần dần, thích ứng với nhịp thở và kéo dài suốt cả ngày sống. Quả thế, hơi thở không bao giờ ngừng, ngay cả khi chúng ta ngủ ; và cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống.
Vì thế, làm thế nào có thể luôn luôn ở trong trạng thái cầu nguyện ? Sách Giáo Lý cung cấp cho chúng ta những trích dẫn rất đẹp, được rút ra từ lịch sự linh đạo, nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc cầu nguyện liên lỉ, vốn là cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Tôi lấy lại một vài trích dẫn.
Đan sĩ Evagre le Pontique khẳng định : « Chúng ta không được truyền làm việc, canh thức và ăn chay liên lỉ – không, điều đó đã không được yêu cầu -, trong khi, đối với chúng ta, cầu nguyện không ngừng là một luật » (số 2742). Tâm hồn cầu nguyện. Vì thế, có một sự hăng say trong đời sống Kitô hữu mà không bao giờ được mất đi. Nó hơi giống như ngọn lửa thánh thiêng mà người ta đã gìn giữ nơi các đền thờ cổ xưa, cháy liên tục và các tư tế có nhiệm vụ tiếp tục cấp nhiên liệu. Thế đấy : cũng phải có một ngọn lửa thánh thiêng trong chúng ta, không ngừng cháy sáng và không gì có thể dập tắt. Điều này không phải dễ dàng, nhưng nó phải như thế.
Thánh Gioan Kim Khẩu, một vị mục tử khác quan tâm đến đời sống cụ thể, đã giảng dạy như sau : « Ngay cả khi ở chợ hay khi đi dạo một mình, việc cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng là điều khả thi. Ngồi trong cửa hàng của anh chị em, hay đang mua bán, hay thậm chí đang nấu ăn » (số 2743). Những lời nguyện vắn tắt : « Lạy Chúa, xin thương xót chúng con », « Lạy Chúa, xin giúp con ». Vì thế, cầu nguyện là một loại khuông nhạc, nơi chúng ta có thể ghi khắc giai điệu cuộc đời mình. Nó không đối lập với các hoạt động thường ngày, nó không mâu thuẫn với nhiều nghĩa vụ và cuộc hẹn nhỏ bé, nhưng, đúng hơn, nó là nơi mà mỗi hoạt động tìm thấy ý nghĩa, lý do, sự bình an của nó.
Chắc chắn, việc đem ra thực hành những nguyên tắc này không phải dễ dàng. Một người cha và một người mẹ bận rộn với hàng ngàn công việc, có thể cảm thấy hoài niệm về một giai đoạn trong cuộc đời của họ lúc họ dễ dàng tìm thấy những nhịp thời gian và không gian cầu nguyện. Rồi, con cái, công việc, những nhiệm vụ của cuộc sống gia đình, các bậc cha mẹ già đi…Người ta có cảm tưởng không bao giờ thành công làm được tất cả. Vì thế, thật hữu ích khi nghĩ rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng phải săn sóc toàn thể vũ trụ, lại luôn nhớ đến mỗi người chúng ta. Do đó, chúng ta cũng phải luôn nhớ đến Ngài !
Tiếp đến, chúng ta có thể nhớ lại rằng trong lối sống đan tu Kitô giáo, lao động đã luôn được coi trọng, không chỉ vì bổn phận luân lý cung cấp cho bản thân và người khác, nhưng còn do một loại quân bình, một sự quân bình nội tâm : thật là rủi ro cho con người khi nuôi dưỡng một lợi ích trừu tượng đến nỗi làm cho nó mất đi sự tiếp xúc với thực tại. Lao động giúp chúng ta tiếp xúc với thực tại. Đôi bàn tay chắp lại của đan sĩ mang vết chai của người cầm xẻng cầm cuốc. Trong Tin Mừng Luca (x. 10, 38-42), Chúa Giêsu nói với thánh Mátta rằng điều thực sự cần thiết duy nhất là lắng nghe Thiên Chúa, thì Ngài không hoàn toàn muốn khinh thường nhiều phận vụ mà thánh nữ đã thực hiện với bao siêng năng cần mẫn.
Nơi con người, tất cả đều « song đối » : thân xác chúng ta là đối xứng, chúng ta có hai cánh tay, hai mắt, hai bàn tay…Cũng thế, lao động và cầu nguyện cũng bổ túc cho nhau. Cầu nguyện – vốn là « hơi thở » của tất cả – vẫn là nền tảng quan trọng của lao động, ngay cả trong những lúc mà nó không được nói rõ. Thật là bất nhẫn khi chìm ngập trong công việc đến độ không còn tìm thấy thời gian cầu nguyện nữa.
Đồng thời, việc cầu nguyện mà xa lạ với cuộc sống thì không lành mạnh. Việc cầu nguyện mà làm cho chúng ta trở nên xa lạ với đặc tính cụ thể của cuộc sống thì trở nên duy tâm, hay tệ hơn, duy nghi lễ. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu, sau khi cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài trên núi Tabor, đã không muốn kéo dài giây phút xuất thần này, nhưng Ngài đã xuống núi với các môn đệ và tiếp tục con đường thường ngày. Bởi vì kinh nghiệm này phải ở lại trong tâm hồn họ như là ánh sáng và sức mạnh đức tin của họ ; cũng là ánh sáng và sức mạnh cho những ngày sắp đến : những ngày của cuộc Thương khó. Như thế, thời gian ở với Thiên Chúa giúp củng cố đức tin, giúp chúng ta trong khía cạnh cụ thể của cuộc sống, và đức tin, đến lượt nó, nuôi dưỡng việc cầu nguyện không ngừng. Trong sự tuần hoàn giữa đức tin, cuộc sống và cầu nguyện, ngọn lửa của tình yêu Kitô hữu mà Thiên Chúa đang chờ đợi từ chúng ta vẫn được thắp sáng.
Và chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện đơn sơ mà thật tốt đẹp để lặp đi lặp lại trong ngày sống, tất cả cùng nhau : « Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ».
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN