BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 1. MẦU NHIỆM CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Written by xbvn on Tháng Bảy 11th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là tiếng kêu phát ra từ tâm hồn của những ai tin tưởng vào Thiên Chúa. Chúng ta thấy điều này trong câu chuyện về anh Bartimê, người ăn xin ở Giêricô. Dù bị mù, nhưng anh biết rằng Chúa Giêsu đang đến gần và kiên trì kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (Mc 10, 47). Bằng cách sử dụng cụm từ “Con vua Đavít”, anh đã tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Để đáp lại, Chúa mời gọi anh Bartimê bày tỏ ước muốn của mình, đó là có thể nhìn thấy lại. Rồi Chúa Kitô nói với anh: “Hãy đi; lòng tin của anh đã cứu anh” (c. 52). Điều này cho thấy đức tin là tiếng kêu, thu hút lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Trong trái tim con người có một tiếng kêu cầu. Tất cả chúng ta đều có tiếng nói này bên trong mình. Một tiếng nói phát ra một cách tự nhiên, không cần ai sai khiến, một tiếng nói tự vấn về ý nghĩa cuộc hành trình trần thế của mình. Các Kitô hữu không phải là những người duy nhất cầu nguyện: họ chia sẻ tiếng kêu cầu nguyện với tất cả mọi người nam và người nữ. Nhưng chân trời có thể được mở rộng hơn nữa. Đây là một định nghĩa đẹp về con người: “kẻ hành khất của Thiên Chúa”.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 6/5/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là biểu hiện đặc thù nhất của đức tin. Như tiếng kêu xuất phát từ trái tim của những ai tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện của anh Bartimê, một nhân vật trong Tin Mừng (x. Mc 10, 46-52 và các đoạn Tin Mừng song song) và tôi phải nói với anh chị em rằng, đối với tôi, đó là người đáng thương nhất. Anh bị mù và đang ngồi ăn xin bên vệ đường ở ngoại ô thị trấn Giêricô của anh. Anh không phải là một nhân vật vô danh, anh ta có một khuôn mặt, một cái tên: Bartimê, nghĩa là “con của Timê”. Một ngày nọ, anh nghe nói Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua đó. Thật vậy, Giêricô là giao lộ của nhiều dân tộc, thường xuyên có người hành hương và thương gia qua lại. Vì vậy, anh Bartimê đứng quan sát: anh sẽ làm mọi điều có thể để gặp được Chúa Giêsu. Nhiều người cũng làm điều tương tự: chúng ta hãy nhớ lại ông Dakêu, người trèo lên cây. Nhiều người muốn gặp Chúa Giêsu, và anh cũng vậy.

Vì vậy, con người này đivào trong các Tin Mừng như một tiếng kêu lớn. Anh không nhìn thấy; anh không biết Chúa Giêsu ở gần hay xa, nhưng anh nghe tiếng Người, anh hiểu Người từ đám đông, đến một lúc nào đó, ngày càng gia tăng và đến gần hơn… Nhưng anh hoàn toàn cô đơn, và không ai quan tâm đến anh. Vậy Bartimê làm gì? Anh kêu lên. Và anh kêu lên, và anh tiếp tục kêu lên. Anh sử dụng vũ khí duy nhất mà mình sở hữu: tiếng nói của mình. Anh bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (câu 47). Và anh tiếp tục kêu lên như thế.

Những tiếng kêu lặp đi lặp lại của anh gây phiền nhiễu, chúng có vẻ thô lỗ, và nhiều người khiển trách anh, bảo anh im lặng: “Mày hãy lịch sự, đừng làm vậy!” Nhưng Bartimê không im lặng, trái lại, anh càng kêu to hơn: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (câu 47). Sự khăng khăng này thật đẹp đẽ đối với những người tìm kiếm ân sủng và gõ cửa, gõ cửa trái tim của Thiên Chúa. Anh kêu lên, gõ cửa. Kiểu nói “Con vua Đavít” này rất quan trọng; nó có nghĩa là “Đấng Mêsia” – anh tuyên xưng Đấng Mêsia– và đó là lời tuyên xưng đức tin phát ra từ miệng của người bị mọi người khinh miệt này.

Và Chúa Giêsu nghe thấy tiếng kêu của anh. Lời cầu nguyện của Bartimê chạm đến trái tim Người, trái tim của Thiên Chúa và cánh cửa cứu rỗi mở ra cho anh. Chúa Giêsu cho gọi anh. Anh nhảy lên, và những người trước đây bảo anh ta im lặng giờ lại dẫn anh đến gặp Thầy. Chúa Giêsu nói với anh, yêu cầu anh bày tỏ ước muốn của mình – điều này rất quan trọng – và như thế, tiếng kêu trở thành lời cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy!” (xem câu 51).

Chúa Giêsu nói với anh: “Hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” (câu 52). Ngài nhận ra nơi con người nghèo khổ, không có khả năng tự vệ và bị khinh miệt này tất cả sức mạnh đức tin của anh, vốn thu hút lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin, đó là có hai bàn tay giơ lên, một tiếng kêu để cầu xin ơn cứu độ. Sách Giáo lý khẳng định rằng “khiêm nhường là nền tảng của việc cầu nguyện” (Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2559). Lời cầu nguyện được nảy sinh từ đất, từ bùn đất (humus) – từ “khiêm nhường” (humble), “lòng khiêm nhường” bắt nguồn từ đó –; nó xuất phát từ tình trạng bấp bênh của chúng ta, từ sự khao khát Thiên Chúa liên lỉ của chúng ta (x. ibid., 2560-2561).

Đức tin, chúng ta đã thấy nơi anh Bartimê, là một tiếng kêu; không đức tin, đó là dập tắt tiếng kêu này. Đó là thái độ của dân chúng khi bảo anh im lặng: họ không phải là người có đức tin, nhưng trái lại, anh ta thì có. Việc dập tắt tiếng kêu này là một loại “omertà” (quy tắc im lặng). Đức tin là một cách phản đối một hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta không hiểu lý do; không đức tin, đó là tự hạn chế bản thân vào việc phải chịu đựng một hoàn cảnh mà chúng ta đã thích nghi. Đức tin là niềm hy vọng được cứu độ; không đức tin là quen với sự dữ vốn đang áp bức chúng ta và tiếp tục như vậy.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý này bằng tiếng kêu của anh Bartimê, bởi vì chắc chắn mọi thứ đã được viết nơi một nhân vật giống như của anh. Bartimê là một người kiên trì. Xung quanh anh, có người giải thích rằng cầu xin là vô ích, đó là một sự huyên náo không được đáp lời, một tiếng ồn ào chỉ làm phiền nhiễu, và anh được yêu cầu ngừng kêu lên: nhưng anh không im lặng. Và cuối cùng, anh đã đạt được điều mình mong muốn.

Mạnh mẽ hơn bất kỳ lập luận trái ngược nào, trong trái tim con người có một tiếng kêu cầu. Tất cả chúng ta đều có tiếng nói này bên trong mình. Một tiếng nói phát ra một cách tự nhiên, không cần ai sai khiến, một tiếng nói tự vấn về ý nghĩa về hành trình của chúng ta trên trái đất này, nhất là khi chúng ta đang ở trong bóng tối: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” Đây là một lời cầu nguyện đẹp.

Nhưng chẳng phải những lời này đã được khắc ghi trong toàn thể công trình tạo dựng sao? Mọi sự đều kêu cầu và nài xin để mầu nhiệm của lòng thương xót được hoàn thành trọn vẹn. Các Kitô hữu không phải là những người duy nhất cầu nguyện: họ chia sẻ tiếng kêu cầu nguyện với tất cả mọi người nam và người nữ. Nhưng chân trời có thể được mở rộng hơn nữa: thánh Phaolô khẳng định rằng toàn thể công trình tạo dựng “đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22). Các nghệ sĩ thường là người giải thích tiếng kêu thầm lặng này của công trình tạo dựng, vốn đè nặng lên mọi thụ tạo và nhất là nổi lên trong trái tim con người, bởi vì con người là “kẻ hành khất của Thiên Chúa” (GLGHCG, số 2559). Đây là một định nghĩa đẹp về con người: “kẻ hành khất của Thiên Chúa”. Cảm ơn anh chị em.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30