BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 11. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC THÁNH VỊNH (2)
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, trong các Thánh vịnh chúng ta thường gặp một nhân vật tiêu cực, đó là nhân vật “vô đạo”, một người sống không quan tâm đến sự hiện hữu của Thiên Chúa và không kiềm chế tính kiêu ngạo của mình. Đây là lý do tại sao Thánh vịnh trình bày lời cầu nguyện như thực tại nền tảng của cuộc sống. Cầu nguyện là ơn cứu rỗi của con người. Việc phục vụ tồi tệ nhất mà một người có thể làm cho Thiên Chúa và con người là cầu nguyện một cách mệt mỏi và theo lề thói. Cầu nguyện là trung tâm của cuộc sống. Với lời cầu nguyện, người anh em và người chị em trở nên quan trọng. Lời cầu nguyện làm cho có trách nhiệm. Đây là lý do tại sao Thánh vịnh là một trường học tuyệt vời. Lời cầu nguyện cá nhân được lấy từ lời cầu nguyện của dân Israel và của đoàn dân Giáo hội. Vì thế, các Thánh vịnh là di sản tập thể vì chúng được cầu nguyện bởi mọi người và cho mọi người. Lời cầu nguyện của các Kitô hữu có sự căng thẳng thiêng liêng này, nó liên kết đền thờ và thế giới với nhau. Những cánh cửa của Giáo hội không phải là những rào cản, mà là những tấm màng có thể thấm qua, sẵn sàng đón nhận tiếng kêu của tất cả mọi người. Các Thánh vịnh bày tỏ lời hứa thiêng liêng về ơn cứu rỗi dành cho những người yếu đuối nhất. Quả thật, ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có con người. Thiên Chúa không chịu được “chủ nghĩa vô thần” của những kẻ chối bỏ hình ảnh Thiên Chúa in sâu trong mỗi con người. Không nhận ra điều đó là một sự phạm thánh, một sự ghê tởm, một sự xúc phạm nặng nề nhất có thể mà người ta có thể mang đến đền thờ và bàn thờ.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 21/10/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta phải thay đổi một chút cách tổ chức buổi tiếp kiến này do virus Corona. Anh chị em được tách ra, cũng với sự bảo vệ của chiếc khẩu trang, và tôi hơi xa một chút và không thể làm những gì tôi luôn luôn làm, đó là đến gần anh chị em, vì đôi khi mỗi lần tôi đến gần, thì tất cả anh chị em cùng nhau đến và chúng ta mất khoảng cách, do đó nguy cơ lây nhiễm đã tồn tại đối với anh chị em. Tôi rất tiếc phải làm như thế, nhưng đó là vì sự an toàn của anh chị em. Thay vì đến gần bắt tay chào hỏi, chúng ta sẽ chào nhau từ xa, nhưng hãy biết rằng tôi gần gũi với anh chị em bằng trái tim mình. Tôi hy vọng anh chị em hiểu tại sao tôi làm điều này. Tiếp đến, khi các độc viên đọc đoạn Thánh Kinh, tôi chú ý đến một cậu bé hay cô bé đang khóc. Và tôi thấy mẹ nó vuốt ve và cho đứa trẻ bú và tôi nghĩ: “Chúa làm điều này với chúng ta, giống như người mẹ này”. Một cách dịu dàng biết bao, bà cố gắng di chuyển đứa trẻ, cho nó bú. Đây là những hình ảnh rất đẹp. Và khi điều này xảy ra trong nhà thờ, khi một đứa trẻ khóc, chúng ta biết rằng có sự dịu dàng của một người mẹ ở đó, giống như ngày nay, có sự dịu dàng của một người mẹ vốn là biểu tượng cho sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đừng bao giờ bắt một đứa trẻ đang khóc trong nhà thờ phải im lặng, đừng bao giờ, bởi vì đó là tiếng thu hút sự dịu dàng của Thiên Chúa. Cảm ơn vì chứng từ của bà.
Hôm nay chúng ta hoàn tất bài giáo lý về lời cầu nguyện của các Thánh vịnh. Trước tiên, chúng ta nhận thấy rằng, trong các Thánh vịnh, một nhân vật tiêu cực thường xuất hiện, đó là nhân vật “vô đạo”, nghĩa là người sống như thể Thiên Chúa không tồn tại. Đây là người không hề quy chiếu đến sự siêu việt, không kiềm chế sự kiêu ngạo của mình, người không sợ bị phán xét về những gì họ nghĩ và những gì họ làm.
Chính vì lý do này mà Thánh vịnh trình bày lời cầu nguyện như thực tại nền tảng của cuộc sống. Sự quy chiếu đến sự tuyệt đối và siêu việt – mà các bậc thầy khổ hạnh gọi là “lòng kính sợ thánh thiện đối với Chúa” – là điều làm chúng ta trở thành hoàn toàn nhân bản, đó là ranh giới cứu chúng ta khỏi chính mình, bằng cách ngăn cản chúng ta lao mình vào cuộc đời này một cách tham lam và háu ăn. Cầu nguyện là ơn cứu rỗi của con người.
Chắc chắn cũng có lời cầu nguyện sai lầm, lời cầu nguyện được thực hiện chỉ để được người khác ngưỡng mộ. Lời cầu nguyện của người hoặc những người đi Lễ chỉ để chứng tỏ rằng họ là người Công giáo hoặc để khoe kiểu mẫu mới nhất mà họ đã mua, hoặc để tỏ vẻ dễ thương về mặt xã hội. Họ đọc một lời cầu nguyện sai lầm. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ cảnh cáo về vấn đề này (x. Mt 6, 5-6; Lc 9, 14). Nhưng khi tinh thần cầu nguyện đích thực được đón nhận một cách chân thành và đi vào tâm hồn, thì khi đó nó khiến chúng ta chiêm ngưỡng thực tại bằng chính con mắt của Thiên Chúa.
Khi chúng ta cầu nguyện, mỗi thứ đều có được “độ dày”. Điều này thật lạ lùng trong lời cầu nguyện, có lẽ chúng ta bắt đầu với một điều không thể nhận thấy được, nhưng trong lời cầu nguyện, điều này có được độ dày, có được sức nặng, như thể Thiên Chúa cầm lấy nó bằng tay và biến đổi nó. Việc phục vụ tồi tệ nhất mà chúng ta có thể làm cho Thiên Chúa cũng như cho con người là cầu nguyện một cách mệt mỏi, theo thói quen. Cầu nguyện như những con vẹt. Không, chúng ta cầu nguyện bằng trái tim. Cầu nguyện là trung tâm của cuộc sống. Nếu có lời cầu nguyện, thì anh chị em của chúng ta, cũng như kẻ thù của chúng ta, cũng trở nên quan trọng. Một ngạn ngữ cổ xưa của các đan sĩ Kitô giáo đầu tiên như thế này: “Phúc thay đan sĩ nào, sau Thiên Chúa, coi mọi người như Thiên Chúa” (Evagrio Pontico, Traité sur la prière, số 123). Ai thờ phượng Thiên Chúa thì yêu thương con cái mình. Ai tôn trọng Thiên Chúa thì tôn trọng con người.
Đây là lý do tại sao cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần để làm dịu đi những lo lắng trong cuộc sống; dù sao đi nữa, lời cầu nguyện kiểu này chắc chắn không phải là lời cầu nguyện Kitô giáo. Đúng hơn, lời cầu nguyện làm cho mỗi người chúng ta có trách nhiệm. Chúng ta thấy rõ điều này trong Kinh Lạy Cha, mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ.
Để học cách cầu nguyện này, Thánh vịnh là một trường học tuyệt vời. Chúng ta đã thấy rằng các Thánh vịnh không phải lúc nào cũng sử dụng những lời lẽ tinh tế và tử tế, và chúng thường in dấu những vết sẹo của cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những lời cầu nguyện này trước đây đã được sử dụng trong Đền thờ Giêrusalem và sau này trong các hội đường; ngay cả những lời cầu nguyện riêng tư và cá nhân hơn. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn tả như thế này: “Những cách diễn đạt đa dạng về lời cầu nguyện của các Thánh vịnh được hình thành cả trong phụng vụ ở đền thờ lẫn trong tâm hồn con người” (số 2588). Và do đó, lời cầu nguyện cá nhân kín múc và được nuôi dưỡng trước hết ở lời cầu nguyện của dân Israel, sau đó là lời cầu nguyện của đoàn dân Giáo hội.
Ngay cả những bài Thánh vịnh ở ngôi thứ nhất số ít, vốn bộc lộ những suy nghĩ và những vấn đề sâu kín nhất của một cá nhân, cũng là một di sản tập thể, đến mức được cầu nguyện bởi mọi người và cho mọi người. Lời cầu nguyện Kitô giáo có “hơi thở” này, “sự căng thẳng” thiêng liêng này giúp gắn kết đền thờ và thế giới với nhau. Lời cầu nguyện có thể bắt đầu trong bóng tối của một giáo đường, nhưng sau đó nó kết thúc trên các nẻo đường của thành phố. Và ngược lại, nó có thể nảy mầm trong các công việc hằng ngày và đạt đến sự hoàn thành trong phụng vụ. Cánh cửa nhà thờ không phải là rào cản, mà là những “tấm màng” thấm nước, sẵn sàng đón nhận tiếng kêu của tất cả mọi người.
Trong lời cầu nguyện của Thánh vịnh, thế giới luôn hiện diện. Chẳng hạn, các Thánh vịnh lên tiếng về lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho những người yếu đuối nhất: “Trước cảnh người nghèo bị áp bức, kẻ khốn cùng rên siết thở than, giờ đây Ta đứng dậy, ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ” (12, 6). Hoặc chúng cảnh báo về sự nguy hiểm của của cải trần thế, bởi vì “dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (49, 21). Hoặc nữa, chúng mở ra chân trời cho cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử: “Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn” (33, 10-11).
Tóm lại, nơi nào Thiên Chúa hiện diện, con người cũng phải hiện diện. Thánh Kinh có tính dứt khoát: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1 Ga 4, 19-21). Thánh Kinh thừa nhận trường hợp một người dù thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng không bao giờ tìm được Ngài; nhưng nó cũng khẳng định rằng chúng ta không bao giờ có thể phủ nhận những giọt nước mắt của người nghèo, nếu không chúng ta sẽ không gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa không chịu được “chủ nghĩa vô thần” của những người phủ nhận hình ảnh Thiên Chúa được in sâu trong mỗi con người. Chủ nghĩa vô thần hằng ngày này: Tôi tin vào Thiên Chúa, nhưng với người khác, tôi giữ khoảng cách và cho phép mình ghét người khác. Đây là chủ nghĩa vô thần thực tiễn. Không nhìn nhận con người là hình ảnh của Thiên Chúa là một sự phạm thánh, là một điều ghê tởm, là sự xúc phạm tồi tệ nhất mà người ta có thể phạm đến đền thờ và bàn thờ.
Anh chị em thân mến, ước gì lời cầu nguyện của các Thánh vịnh giúp chúng ta không rơi vào cơn cám dỗ của “sự vô đạo”, nghĩa là sống, và có lẽ cả cầu nguyện, như thể Thiên Chúa không tồn tại, và như thể người nghèo không tồn tại.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ (bản dịch Thánh Kinh của CGKPV)
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM