BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 19. LỜI CẦU NGUYỆN CHUYỂN CẦU
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, một lời cầu nguyện không thu nhận được niềm vui và nỗi đau đơn, niềm hy vọng và nỗi lo lắng của nhân loại sẽ trở thành một hoạt động “trang trí”. Tất cả chúng ta đều cần rút lui vào không gian và thời gian dành riêng cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Những người cầu nguyện tìm kiếm sự cô tịch và thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa tốt hơn. Bất cứ ai cũng có thể gõ cửa nhà người cầu nguyện và tìm thấy ở họ một trái tim đầy lòng trắc ẩn. Có một kinh nghiệm về con người trong mỗi lời cầu nguyện, bởi vì con người, bất kể lỗi lầm của họ, không được bị khước từ hay gạt bỏ. Khi một tín hữu, được Chúa Thánh Thần tác động, cầu nguyện cho tội nhân, họ không đưa ra những chọn lọc hay đưa ra những phán xét kết án. Thế giới tiến về phía trước nhờ những người cầu nguyện chuyển cầu. Giáo hội, nơi tất cả các thành viên của mình, có sứ mạng thực hành lời cầu nguyện chuyển cầu, đặc biệt là những người có vai trò trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều là những chiếc lá của cùng một cây: mỗi chiếc lá khi rụng đi nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải nâng đỡ nhau trong lời cầu nguyện.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 16/12/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Người cầu nguyện không bao giờ bỏ lại thế giới phía sau. Nếu lời cầu nguyện không thu nhận được niềm vui và nỗi đau đớn, niềm hy vọng và nỗi lo lắng của nhân loại, thì nó sẽ trở thành một hoạt động “trang trí”, một thái độ hời hợt, sân khấu, một thái độ nội tâm. Tất cả chúng ta đều cần tính nội tâm: rút lui vào một không gian và thời gian dành riêng cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là trốn tránh thực tại. Trong lời cầu nguyện, Thiên Chúa “đón nhận chúng ta, chúc lành cho chúng ta, và rồi bẻ chúng ta ra và ban tặng chúng ta” vì sự đói khát của mọi người. Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở thành tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ, trong bàn tay của Thiên Chúa. Tức là một lời cầu nguyện cụ thể, không phải là một cuộc chạy trốn.
Vì vậy, những người nam và người nữ cầu nguyện tìm kiếm sự cô tịch và thinh lặng, không phải để không bị quấy rầy, nhưng để lắng nghe tiếng Chúa tốt hơn. Đôi khi họ rút lui khỏi thế gian, vào nơi kín đáo trong căn phòng của mình, như Chúa Giêsu đã khuyên nhủ (x. Mt 6, 6), nhưng dù ở đâu, họ vẫn luôn mở cửa trái tim mình: một cánh cửa mở cho những ai cầu nguyện mà không biết rằng họ đang cầu nguyện; dành cho những người không hề cầu nguyện, nhưng mang trong mình một tiếng kêu bị bóp nghẹt, một lời cầu khẩn thầm kín; cho những người đã lầm lạc và lạc đường… Bất cứ ai cũng có thể gõ cửa một người đang cầu nguyện và tìm thấy ở người đó một trái tim đầy trắc ẩn, cầu nguyện mà không loại trừ ai. Cầu nguyện là trái tim và tiếng nói của chúng ta, và nó trở thành trái tim và tiếng nói của rất nhiều người không biết cầu nguyện hoặc không cầu nguyện, không muốn cầu nguyện hoặc không có khả năng cầu nguyện: chúng ta là trái tim và tiếng nói của những người này hướng về Chúa Giêsu, hướng về Chúa Cha, như những người chuyển cầu. Trong sự cô tịch, người cầu nguyện – dù đó là sự cô tịch trong một thời gian dài hay sự cô tịch chỉ nửa giờ – tách mình ra khỏi mọi sự và mọi người để tìm thấy mọi sự và mọi người trong Thiên Chúa. Vì vậy, người cầu nguyện cầu nguyện cho cả thế giới, gánh trên vai mình những nỗi buồn và tội lỗi. Họ cầu nguyện cho mọi người và cho mỗi người: như thể họ là “ăng-ten” của Thiên Chúa trên thế giới này. Nơi mỗi người nghèo gõ cửa, nơi mỗi người đánh mất ý nghĩa của mọi sự, người cầu nguyện nhìn thấy dung nhan Chúa Kitô.
Sách Giáo Lý dạy: “Chuyển cầu, nghĩa là cầu xin cho những người khác […] là đặc điểm của một tâm hồn hòa nhịp với lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa” (số 2635). Điều này rất đẹp. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hòa hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa: lòng thương xót đối với tội lỗi của chúng ta – Ngài là Đấng thương xót chúng ta – nhưng cũng là lòng thương xót đối với tất cả những người đã xin cầu nguyện cho họ, những người mà chúng ta muốn cầu nguyện một cách hòa hợp với trái tim của Thiên Chúa. Đây là lời cầu nguyện đích thực. Hòa hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa, với trái tim thuơng xót này. “Trong thời của Hội Thánh, lời chuyển cầu của Kitô hữu tham dự vào lời chuyển cầu của Đức Kitô: đây là cách diễn tả mầu nhiệm các Thánh thông công” (ibid.). Việc tôi tham dự vào sự chuyển cầu của Chúa Kitô khi tôi chuyển cầu cho ai đó hoặc cầu nguyện cho ai đó có nghĩa là gì? Bởi vì Chúa Kitô là người chuyển cầu trước mặt Chúa Cha, nên Người cầu nguyện cho chúng ta, và Người cầu nguyện bằng cách cho Chúa Cha thấy những vết thương trên tay Người; bởi vì Chúa Giêsu về mặt thể lý, với thân xác của Người, ở trước Chúa Cha. Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu của chúng ta, và cầu nguyện là cũng làm như Chúa Giêsu: chuyển cầu trong Chúa Giêsu với Chúa Cha, cho người khác. Và điều đó rất đẹp.
Tâm hồn con người hướng đến lời cầu nguyện. Đơn giản vì là con người. Ai không yêu anh em mình thì không cầu nguyện nghiêm túc. Có thể nói rằng, với đầu óc thù hận, chúng ta không thể cầu nguyện; với tâm trí thờ ơ, chúng ta không thể cầu nguyện. Lời cầu nguyện chỉ được đưa ra trong tinh thần yêu thương. Người không yêu thương thì giả vờ cầu nguyện, hoặc nghĩ rằng mình đang cầu nguyện, nhưng lại không cầu nguyện, chính bởi vì thiếu tinh thần yêu thương. Trong Giáo hội, người biết nỗi buồn hay niềm vui của người khác sẽ đi sâu hơn người tìm hiểu các “hệ thống vĩ đại”. Chính vì lý do này mà trong mỗi lời cầu nguyện đều có một cảm nghiệm về con người, bởi vì con người, dù có phạm sai lầm đến đâu, cũng không bao giờ bị gạt bỏ hay loại trừ.
Khi một tín hữu, được Chúa Thánh Thần linh động, cầu nguyện cho các tội nhân, họ không đưa ra những chọn lọc, họ không phát ra sự phán xét kết án: họ cầu nguyện cho tất cả mọi người. Và họ cũng cầu nguyện cho mình. Vào lúc đó, họ thậm chí còn biết rằng mình cũng không khác mấy so với những người mà mình cầu nguyện: họ cảm thấy mình là một tội nhân, giữa những người tội lỗi, và họ cầu nguyện cho mọi người. Bài học trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế vẫn còn sống động và thời sự (x. Lc 18,9-14): chúng ta không hơn gì những người khác, tất cả chúng ta đều là anh em trong một cộng đồng mong manh, đau khổ và là tội nhân. Đây là lý do tại sao lời cầu nguyện mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa là như sau: “Lạy Chúa, trước thánh nhan Ngài chẳng có người nào là công chính (x. Tv 143,2) – chính một Thánh vịnh nói như thế: “Lạy Chúa, trước thánh nhan Ngài chẳng có người nào là công chính”, không ai trong chúng con: tất cả chúng con đều là tội nhân – chúng con đều là những con nợ có tài khoản chưa thanh toán; không có ai mà không có tội trước mắt Ngài. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!”. Và với tinh thần này, lời cầu nguyện sẽ phong nhiêu, bởi vì chúng ta khiêm nhường trình diện trước nhan Thiên Chúa để cầu nguyện cho tất cả mọi người. Trái lại, người Pharisêu kiêu ngạo cầu nguyện: “Con tạ ơn Chúa vì con không giống như những kẻ tội lỗi này: con là người công chính, con luôn làm …”. Đây không phải là một lời cầu nguyện: đó là nhìn mình trong gương, nhìn vào thực tại của chính mình, nhìn mình trong tấm gương được tạo nên bởi thói kiêu ngạo.
Thế giới tiến về phía trước nhờ chuỗi nhũng người cầu nguyện chuyển cầu này, và chủ yếu là những người xa lạ… nhưng không phải đối với Thiên Chúa! Có rất nhiều Kitô hữu vô danh, trong thời kỳ bách hại, đã biết lặp lại những lời của Chúa chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Người mục tử nhân lành cũng vẫn trung thành khi nhận thấy tội lỗi của dân mình: người mục tử nhân lành vẫn tiếp tục là một người cha ngay cả khi con cái mình rời xa và bỏ rơi mình. Họ kiên trì trong công việc phục vụ của mục tử cả đối với người khiến cho họ làm bẩn tay mình; họ không đóng cửa trái tim mình với người có thể đã khiến họ đau khổ.
Giáo hội, nơi tất cả các thành viên của mình, có sứ mạng thực hành lời cầu nguyện chuyển cầu, Giáo hội chuyển cầu cho người khác. Đặc biệt, bất cứ ai thấy mình ở vị trí trách nhiệm đều có bổn phận đó: cha mẹ, nhà giáo dục, thừa tác viên có chức thánh, bề trên cộng đoàn… Giống như Abraham và Môsê, đôi khi họ phải “bảo vệ” trước Chúa những người được ủy thác cho họ. Trên thực tế, đó là việc nhìn họ bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa, với cùng lòng trắc ẩn và sự dịu dàng vô địch của Ngài. Hãy cầu nguyện với lòng dịu dàng cho người khác.
Thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều là những chiếc lá của cùng một cây: mỗi chiếc lá khi rụng đi nhắc nhở chúng ta về lòng đạo đức cao cả mà chúng ta phải nuôi dưỡng, trong lời cầu nguyện, dành cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau: điều đó sẽ mang lại điều tốt lành cho chúng ta và cho mọi người. Cảm ơn anh chị em !
———————————
Tý Linh
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS