BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 2. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Written by xbvn on Tháng Bảy 10th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, giờ đây chúng ta xem xét những đặc điểm thiết yếu của nó. Cầu nguyện liên quan đến việc toàn bộ con người chúng ta khao khát một “đấng khác” nào đó ngoài chúng ta. Đặc biệt, lời cầu nguyện Kitô giáo phát sinh từ việc nhận ra rằng “đấng khác” mà chúng ta đang tìm kiếm đã được tỏ lộ nơi khuôn mặt dịu hiền của Chúa Giêsu, Đấng dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”, và muốn đích thân bước vào mối quan hệ với chúng ta. Trong diễn từ từ biệt ở Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu không còn gọi các môn đệ là tôi tớ mà là bạn hữu. Khi giao tiếp với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta không cần phải sợ hãi, vì Ngài là người bạn, người đồng minh đáng tin cậy. Dù hoàn cảnh của chúng ta là gì, hay chúng ta có thể nghĩ về mình nghèo nàn đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín và sẵn sàng ôm lấy chúng ta trong lòng thương xót. Chúng ta thấy tình yêu vô điều kiện này trên đồi Can-vê, vì Chúa không bao giờ ngừng yêu thương, thậm chí Người yêu thương cho đến cùng. Chúng ta hãy tìm cách cầu nguyện bằng cách bước vào mầu nhiệm Giao ước bất tận này của Thiên Chúa với chúng ta. Đây là tâm điểm cháy bỏng của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo: phó thác mình cho vòng tay yêu thương và thương xót của Cha trên trời.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 13/5/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Hôm nay chúng ta đang thực hiện bước thứ hai trên hành trình giáo lý về cầu nguyện, được bắt đầu vào tuần trước.

Lời cầu nguyện thuộc về tất cả mọi người: thuộc về những người của mỗi tôn giáo, và có lẽ cả những người không theo tôn giáo nào. Cầu nguyện được nảy sinh nơi sâu kín của chính chúng ta, ở nơi nội tâm mà các tác giả tu đức thường gọi là “trái tim” (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số. 2562-2563). Vì thế, điều cầu nguyện nơi chúng ta không phải là một điều gì ngoại vi, đó không phải là một trong những năng lực thứ yếu và bên lề của chúng ta, nhưng đó là mầu nhiệm sâu kín nhất của chính chúng ta. Chính mầu nhiệm này cầu nguyện. Các cảm xúc cầu nguyện, nhưng chúng ta không thể nói rằng lời cầu nguyện chỉ là cảm xúc. Trí tuệ cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không chỉ là một hành động trí tuệ. Thân xác cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng có thể nói chuyện với Chúa khi đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khuyết tật nghiêm trọng nhất. Vì thế, chính toàn thể con người sẽ cầu nguyện, nếu “trái tim” của nó cầu nguyện.

Cầu nguyện là một lực thúc đẩy, đó là một lời cầu khấn vượt xa chính chúng ta: một điều gì đó được sinh ra nơi sâu thẳm nhất của con người chúng ta và ra khỏi chính chúng ta, bởi vì nó cảm nhận nỗi hoài niệm về một cuộc gặp gỡ. Nỗi hoài niệm này còn hơn cả một nhu cầu, hơn cả một sự cần thiết: đó là một con đường. Cầu nguyện là tiếng nói của một cái “tôi” dao động, dò dẫm về phía trước để tìm kiếm “Ngài (Toi)”. Cuộc gặp gỡ giữa “tôi” và “Ngài” không thể thực hiện được bằng máy tính: đó là cuộc gặp gỡ của con người và rất thường xuyên chúng ta mò mẫm để tìm kiếm “Ngài” mà cái “tôi” của tôi đang tìm kiếm.

Trái lại, lời cầu nguyện của người Kitô hữu được nảy sinh từ một mặc khải: “Ngài” không bị che phủ trong mầu nhiệm, nhưng đã bước vào mối quan hệ với chúng ta. Kitô giáo là tôn giáo không ngừng cử hành “sự tỏ hiện” của Thiên Chúa, nghĩa là sự hiển linh của Ngài. Những ngày lễ đầu tiên của năm phụng vụ là việc cử hành vị Thiên Chúa này, Đấng không ẩn mình nhưng là Đấng cống hiến tình bạn của mình cho con người. Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Ngài nơi cảnh nghèo khó ở Bêlem, nơi việc chiêm ngưỡng của ba Vua Đạo Sĩ, nơi phép rửa ở sông Giođan, nơi phép lạ tại tiệc cưới Cana. Tin Mừng Gioan kết thúc bài thánh thi tuyệt vời của Lời Tựa bằng một lời khẳng định tổng hợp: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1,18). Chính Chúa Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta.

Lời cầu nguyện của người Kitô hữu đi vào mối quan hệ với vị Thiên Chúa có khuôn mặt rất dịu dàng, Đấng không muốn làm cho con người cảm thấy sợ hãi. Đây là đặc điểm đầu tiên của việc cầu nguyện Kitô giáo. Nếu con người luôn quen đến gần Thiên Chúa với một chút e sợ, một chút sợ hãi trước mầu nhiệm hấp dẫn và khiếp sợ này, nếu họ quen tôn kính Ngài với thái độ nô lệ, giống như một thần dân không muốn bất kính với chúa mình, thì trái lại, các Kitô hữu thân thưa với Ngài bằng cách dám gọi Ngài một cách thân mật với danh xưng “Cha”. Chúa Giêsu thậm chí còn dùng từ khác: “Ba”.

Kitô giáo loại bỏ mọi mối quan hệ “phong kiến” khỏi mối liên kết với Thiên Chúa. Trong di sản đức tin của chúng ta không có những biểu hiện như “lụy phục”, “nô lệ” hay “chư hầu”; nhưng những thuật ngữ như “giao ước”, “tình bạn”, “lời hứa”, “hiệp thông”, “gần gũi”. Trong diễn từ dài từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói thế này: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 15-16). Nhưng đó là một tấm séc trống: “Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em”!

Thiên Chúa là người bạn, là đồng minh, là hôn phu. Trong cầu nguyện, chúng ta có thể thiết lập mối quan hệ tin tưởng với Ngài, đến mức trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta thưa lên Ngài một loạt lời cầu xin. Chúng ta có thể cầu xin Chúa mọi thứ, mọi thứ; giải thích mọi thứ, kể lại mọi thứ. Sẽ không thành vấn đề nếu trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy có lỗi: chúng ta không phải là những người bạn tốt, chúng ta không phải là những đứa con biết ơn, chúng ta không phải là những người phối ngẫu chung thủy. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu thể hiện rõ ràng trong Bữa Tiệc Ly, khi Người nói: “Chén này là Giao ước mới trong máu Thầy, sẽ đổ ra vì các con” (Lc 22, 20). Trong cử chỉ này, tại Phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu báo trước mầu nhiệm Thập Giá. Thiên Chúa là một đồng minh trung thành: nếu con người ngừng yêu mến, Ngài vẫn tiếp tục yêu thương, ngay cả khi tình yêu dẫn Ngài đến đồi Can-vê. Thiên Chúa luôn ở gần cánh cửa tâm hồn chúng ta và Ngài chờ đợi chúng ta mở cửa cho Ngài. Và đôi khi Ngài gõ cửa trái tim chúng ta, nhưng Ngài không xâm phạm: Ngài chờ đợi. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với chúng ta là sự kiên nhẫn của một người cha, của một người rất yêu thương chúng ta. Tôi có thể nói đó vừa là sự kiên nhẫn của một người cha vừa là sự kiên nhẫn của một người mẹ. Luôn gần gũi với trái tim chúng ta, và khi Ngài gõ cửa, Ngài sẽ gõ cửa một cách dịu dàng và đầy yêu thương.

Tất cả chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện như thế, bằng cách đi vào mầu nhiệm của Giao ước. Đặt mình cầu nguyện trong vòng tay thương xót của Thiên Chúa, cảm thấy được bao bọc bởi mầu nhiệm hạnh phúc, là chính sự sống của Chúa Ba Ngôi, cảm thấy mình như những vị khách không xứng đáng nhận được nhiều vinh dự. Và hãy lặp lại với Thiên Chúa, trong sự kinh ngạc của lời cầu nguyện: phải chăng Chúa chỉ biết yêu thương? Chúa không biết hận thù. Chúa bị thù ghét, nhưng Chúa không biết thù ghét. Chúa chỉ biết yêu thương thôi. Đây là vị Thiên Chúa mà chúng ta cầu nguyện. Đó là cốt lõi rạng ngời của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo. Thiên Chúa tình yêu, là Cha của chúng ta, Đấng đang chờ đợi và đồng hành với chúng ta.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30