BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 23. CẦU NGUYỆN TRONG PHỤNG VỤ
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Thưa anh chị em, trong lịch sử Giáo Hội, nhiều lần đã có cám dỗ thực hành một Kitô giáo riêng tư, không nhìn nhận tầm quan trọng thiêng liêng của các nghi thức phụng vụ. Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II là mấu chốt của một cuộc hành trình dài. Nó tái khẳng định một cách đầy đủ và hữu cơ tầm quan trọng của phụng vụ thánh đối với đời sống của các Kitô hữu, bởi vì Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng hay một cảm giác, mà là một con người sống động, và Mầu Nhiệm của Người là một biến cố lịch sử. Lời cầu nguyện của người Kitô hữu ngang qua những phương tiện trung gian cụ thể: Thánh Kinh, các Bí tích, các nghi thức phụng vụ. Vì thế, không có linh đạo Kitô giáo nào mà không bắt nguồn từ việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Phụng vụ là một hành vi thiết lập toàn bộ kinh nghiệm Kitô giáo. Đó là một sự kiện, một sự hiện diện, một cuộc gặp gỡ. Chúa Kitô hiện diện trong Chúa Thánh Thần qua các dấu chỉ bí tích. Một Kitô giáo không có phụng vụ là một Kitô giáo không có Chúa Kitô. Chúa Kitô hiện diện trong việc cử hành Bí tích Rửa tội, trong việc truyền phép bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể, trong việc xức dầu bệnh nhân. Thánh lễ luôn được cử hành không chỉ bởi linh mục chủ tế, mà còn bởi tất cả các Kitô hữu sống thánh lễ. Trung tâm là Chúa Kitô. Cuộc sống được mời gọi trở thành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng điều này không thể thực hiện được nếu không cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện phụng vụ.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 3/2/2021 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã nhiều lần ghi lại cám dỗ thực hành một Kitô giáo riêng tư, không nhìn nhận tầm quan trọng thiêng liêng của các nghi thức phụng vụ công cộng. Xu hướng này thường đòi hỏi sự thuần khiết nhất được giả định là của một lòng đạo không phụ thuộc vào các nghi lễ bên ngoài, vốn được coi là một gánh nặng vô ích hoặc có hại. Rốt cục, trọng tâm của sự chỉ trích không phải là một hình thức nghi lễ cụ thể, hay một cách cử hành cụ thể nào, mà là chính phụng vụ, hình thức cầu nguyện phụng vụ.
Thật vậy, chúng ta có thể tìm thấy trong Giáo hội một số hình thức linh đạo chưa biết hòa nhập một cách thích đáng với thời điểm phụng vụ. Nhiều tín hữu, mặc dù siêng năng tham gia các nghi thức, đặc biệt là Thánh lễ Chúa Nhật, nhưng đã kín múc lương thực cho đức tin và đời sống thiêng liêng của họ, từ những nguồn sùng kính khác.
Trong những thập niên qua, chúng ta đã đi được một chặng đường dài. Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II là kết quả của cuộc quãng đường dài này. Nó tái khẳng định một cách đầy đủ và hữu cơ tầm quan trọng của phụng vụ thánh đối với đời sống của người Kitô hữu, những người tìm thấy trong đó sự trung gian khách quan được đòi hỏi bởi sự kiện rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng hay một cảm giác, nhưng là một Ngôi Vị sống động, và Mầu nhiệm của Người là một sự kiện lịch sử. Lời cầu nguyện của người Kitô hữu ngang qua những trung gian cụ thể: Thánh Kinh, các Bí tích, các nghi thức phụng vụ, cộng đoàn. Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta không bỏ qua phạm vi thể lý và chất thể, bởi vì trong Chúa Giêsu Kitô, phạm vi này đã trở thành một con đường cứu rỗi. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta cũng phải cầu nguyện bằng thân xác: thân xác đi vào lời cầu nguyện.
Vì thế, không có linh đạo Kitô giáo nào mà không bắt nguồn từ việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Sách Giáo Lý viết: “Sứ mạng của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần, trong Phụng vụ bí tích của Giáo hội, loan báo, hiện tại hóa và thông truyền Mầu nhiệm cứu độ, được tiếp tục trong tâm hồn cầu nguyện” (số 2655). Phụng vụ tự nó không chỉ là một lời cầu nguyện tự phát, mà còn là một điều gì đó ngày càng độc đáo hơn: nó là hành động thiết lập toàn bộ kinh nghiệm Kitô giáo và do đó cũng là lời cầu nguyện. Nó là một biến cố, một sự kiện, một sự hiện diện, một cuộc gặp gỡ. Nó là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Kitô hiện diện trong Chúa Thánh Thần xuyên qua các dấu chỉ bí tích: đây là nơi phát sinh sự cần thiết tham dự vào các mầu nhiệm thần linh đối với chúng ta là Kitô hữu. Tôi dám nói rằng một Kitô giáo không có phụng vụ có lẽ là một Kitô giáo không có Chúa Kitô. Không có Chúa Kitô toàn diện. Ngay cả trong nghi thức giản dị nhất, như nghi thức mà một số Kitô hữu đã và đang cử hành ở những nơi bị giam giữ, hoặc trong nơi bí mật tại nhà trong thời kỳ bị bách hại, Chúa Kitô vẫn thực sự hiện diện và hiến mình cho các tín hữu của Người.
Phụng vụ, chính vì chiều kích khách quan của nó, đòi hỏi phải được cử hành với lòng nhiệt thành, để ân sủng lan tỏa trong nghi thức không bị phân tán, nhưng đạt đến kinh nghiệm sống của mỗi người. Sách Giáo Lý giải thích điều đó rất hay và nói như sau: “Việc cầu nguyện làm cho phụng vụ được nội tâm hóa và trở thành riêng của bản thân, cả trong lúc cử hành lẫn sau khi cử hành” (ibid.). Nhiều lời cầu nguyện Kitô giáo không đến từ phụng vụ, nhưng tất cả các lời cầu nguyện, nếu là Kitô giáo, đều giải thiết trước phụng vụ, nghĩa là sự trung gian bí tích của Chúa Giêsu Kitô. Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích rửa tội, hay truyền phép bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể, hoặc xức dầu thánh cho người bệnh, Chúa Kitô đều ở đó! Chính Người hành động và hiện diện như khi Người đã chữa lành những chi thể yếu ớt của một người què, hay khi Người để lại di chúc vì phần rỗi của thế giới trong Bữa Tiệc Ly.
Lời cầu nguyện của người Kitô hữu biến sự hiện diện bí tích của Chúa Giêsu thành của mình. Những gì ở bên ngoài sẽ trở thành một phần của chúng ta: phụng vụ thậm chí còn diễn tả điều đó qua cử chỉ ăn uống tự nhiên. Thánh lễ không thể chỉ được “nghe”: đó thậm chí còn là một cách diễn đạt sai lầm, “Tôi đi nghe Thánh lễ”. Thánh lễ không thể chỉ được lắng nghe, như thể chúng ta chỉ là khán giả của một thứ gì đó lướt qua chúng ta, mà không làm cho chúng ta tham dự. Thánh lễ luôn được cử hành, không chỉ bởi linh mục chủ tế, mà còn bởi tất cả các Kitô hữu đang sống thánh lễ. Và trung tâm là Chúa Kitô! Tất cả chúng ta, trong sự đa dạng của các ân huệ và thừa tác vụ, đều hiệp nhất trong hành động của Người, bởi vì chính Người, Chúa Kitô, là nhân vật chính của phụng vụ.
Khi các Kitô hữu đầu tiên bắt đầu sống việc thờ phượng của mình, họ đã làm như vậy bằng cách hiện tại hóa những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu, với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để cuộc sống của họ, được ân sủng này chạm đến, trở thành một hy lễ thiêng liêng được dâng lên Thiên Chúa. Cách tiếp cận này là một “cuộc cách mạng” thực sự. Thánh Phaolô viết trong Thư gửi giáo đoàn Rôma: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (12, 1). Cuộc sống được mời gọi trở thành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng điều này không thể xảy ra nếu không cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện phụng vụ. Ước gì tư tưởng này giúp ích tất cả chúng ta khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ: tôi đi cầu nguyện trong cộng đoàn, tôi đi cầu nguyện với Chúa Kitô đang hiện diện. Chẳng hạn, khi chúng ta đi dự buổi cử hành bí tích Rửa tội, chính Chúa Kitô, đang hiện diện ở đó, rửa tội. “Nhưng thưa Cha, đó là một ý tưởng, một cách nói”: không, đó không phải là một cách nói. Chúa Kitô đang hiện diện và trong phụng vụ, bạn cầu nguyện với Chúa Kitô đang ở bên cạnh bạn.
————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG