BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 24. CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY

Written by xbvn on Tháng Tư 12th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện khởi đi từ phụng vụ và luôn quay trở lại với cuộc sống thường ngày, nơi tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Mọi sự đều được đảm nhận trong cuộc đối thoại này: mọi niềm vui đều trở thành lý do ca ngợi, mọi thử thách đều là cơ hội cầu xin sự giúp đỡ và mọi suy nghĩ đều có thể thấm nhuần lời cầu nguyện. Như thế, nó truyền đạt đến trái tim con người một niềm hy vọng bất khả đánh đổ. Về vấn đề này, Sách Giáo Lý dạy chúng ta học cách cầu nguyện mọi lúc, nhưng đặc biệt là hôm nay khi chúng ta gặp Chúa Cha. Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày hôm nay trong cuộc đời chúng ta. Và chính lời cầu nguyện đã biến đổi nó thành ân sủng, hay đúng hơn, chính lời cầu nguyện đã biến đổi chúng ta. Mỗi ngày bắt đầu, nếu được đón nhận trong lời cầu nguyện, sẽ được kèm theo lòng can đảm đối mặt với những khó khăn vốn trở thành lời mời gọi của Thiên Chúa, cơ hội để gặp gỡ Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi sự và cho mọi người, kể cả cho kẻ thù của chúng ta, bởi vì lời cầu nguyện hướng đến một tình yêu dồi dào. Chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những người bất hạnh. Theo nghĩa này, lời cầu nguyện làm nên những điều kỳ diệu, bởi vì nó giúp chúng ta yêu thương người khác hơn bất chấp những lỗi lầm và tội lỗi của họ. Khi yêu thương thế giới này với sự dịu dàng như thế, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mỗi ngày và mỗi sự việc đều mang trong mình một mảnh mầu nhiệm Thiên Chúa. Sách Giáo Lý cũng nói rằng cầu nguyện trong các biến cố hàng ngày và từng giây phút là một trong những bí mật của Nước Trời. Chúng ta là những hữu thể mong manh, nhưng chúng ta hãy biết cầu nguyện vì đó là phẩm giá cao cả nhất của chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện được nói theo trái tim của Chúa Giêsu, nó sẽ nhận được phép lạ.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 10/2/2021 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng cầu nguyện Kitô giáo được “ăn sâu” trong phụng vụ. Hôm nay, chúng ta sẽ làm nổi bật làm  thế nào phụng vụ luôn quay trở lại với cuộc sống thường ngày: trên đường phố, trong văn phòng, trên các phương tiện giao thông… Và ở đó, phụng vụ tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa: người cầu nguyện giống như một người tình, luôn mang người thân yêu trong trái tim mình, dù họ ở đâu.

Thật vậy, mọi sự đều được đảm nhận trong cuộc đối thoại này với Thiên Chúa: mỗi niềm vui trở thành lý do ca ngợi, mỗi thử thách là cơ hội cầu xin sự giúp đỡ. Lời cầu nguyện luôn sống động trong cuộc sống, như lửa than hồng, ngay cả khi miệng không nói nhưng trái tim lại nói. Mỗi suy nghĩ, dù có vẻ “phàm tục”, đều có thể thấm nhuần lời cầu nguyện. Ngay cả trong trí tuệ của con người cũng có khía cạnh cầu nguyện; quả thế, đó là một cửa sổ mở ra mầu nhiệm: nó chiếu sáng vài bước trước mắt chúng ta, và tiếp đến, nó mở ra cho toàn bộ thực tại, thực tại này đi trước và vượt quá nó. Mầu nhiệm này không có một khuôn mặt đáng lo ngại hay đau buồn, không: sự hiểu biết về Chúa Kitô làm cho chúng ta tin tưởng rằng nơi nào mắt chúng ta và con mắt tâm trí chúng ta không thể nhìn thấy, thì không có hư vô, nhưng có một ai đó đang chờ đợi chúng ta, có một ân sủng vô hạn. Và do đó, cầu nguyện Kitô giáo truyền vào trái tim con người một niềm hy vọng bất khả đánh đổ: bất cứ kinh nghiệm nào chạm đến con đường của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa đều có thể biến đổi nó thành điều tốt đẹp.

Về vấn đề này, Sách Giáo Lý nói: “Có những lúc chúng ta học cầu nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhưng mọi lúc, trong các biến cố hằng ngày, Người ban Thần Khí của Người để giúp ta cầu nguyện. […] Thời gian ở trong tay Chúa Cha; chúng ta gặp gỡ Ngài trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay” (số 2659). Hôm nay, tôi gặp Chúa, luôn có ngày hôm nay của cuộc gặp gỡ.

Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày hôm nay mà chúng ta đang trải qua. Những người đang trải qua luôn nghĩ về tương lai: “Nhưng tương lai sẽ tốt đẹp hơn…”, nhưng họ không coi ngày hôm nay như nó đang đến: họ là những người sống trong tưởng tượng, không biết nắm bắt khía cạnh cụ thể của thực tại. Và cái hôm nay là có thật, cái hôm nay là cụ thể. Và lời cầu nguyện diễn ra trong ngày hôm nay. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta hôm nay, ngày hôm nay mà chúng ta đang trải nghiệm. Và chính lời cầu nguyện biến đổi ngày hôm nay thành ân sủng, hay đúng hơn là biến đổi chúng ta: nó xoa dịu cơn giận, nâng đỡ tình yêu, nhân lên niềm vui, ban sức mạnh để tha thứ. Đôi khi đối với chúng ta, dường như không phải chúng ta đang sống nữa mà là ân sủng đó sống và hoạt động trong chúng ta qua lời cầu nguyện. Và khi chúng ta có một ý nghĩ giận dữ, bất mãn, dẫn đến cay đắng, chúng ta hãy dừng lại và thưa với Chúa: “Chúa ở đâu? Và con đang đi về đâu?” Và Chúa ở đó, Chúa sẽ ban cho chúng ta lời nói đúng đắn, lời khuyên để tiến về phía trước mà không có sự tiêu cực cay đắng này. Bởi vì lời cầu nguyện, khi dùng một lời phàm tục, luôn mang tính tích cực. Luôn luôn. Nó làm cho bạn tiến về phía trước. Mỗi ngày bắt đầu, nếu nó được đón nhận trong lời cầu nguyện, sẽ được kèm theo lòng can đảm, đến độ những vấn đề phải đối mặt không còn là trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta, nhưng là những lời mời gọi từ Thiên Chúa, những cơ hội để chúng ta gặp gỡ Ngài. Và khi ai đó được Chúa đồng hành, họ cảm thấy can đảm hơn, tự do hơn và cả hạnh phúc hơn.

Vì vậy, chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho mọi sự và cho mọi người, cũng như cho kẻ thù của chúng ta. Chúa Giêsu khuyên chúng ta điều đó: “Hãy cầu nguyện cho kẻ thù của anh em”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta, cũng như cho những người chúng ta không quen biết; chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của mình, như tôi đã nói, như Thánh Kinh thường mời gọi chúng ta làm như thế. Lời cầu nguyện hướng tới tình yêu dồi dào. Chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những người bất hạnh, cho những người đang khóc trong cô đơn và đang tuyệt vọng vì không còn một tình yêu nào dành cho họ nữa. Lời cầu nguyện làm nên những điều kỳ diệu; và nhờ ân sủng của Thiên Chúa, người nghèo như thế có trực giác rằng ngay cả trong hoàn cảnh bấp bênh của họ, lời cầu nguyện của một Kitô hữu đã hiện thực hóa lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu: Quả thế, Người đã nhìn với sự dịu dàng bao la những đám đông mệt mỏi và lạc lối như những con chiên không có người chăn dắt (x. Mc 6, 34). Chúng ta đừng quên, Chúa là Chúa của lòng trắc ẩn, của sự gần gũi, của sự dịu dàng: ba từ không bao giờ được quên. Bởi vì đó là phong cách của Chúa: trắc ẩn, gần gũi, dịu dàng.

Cầu nguyện giúp chúng ta yêu thương người khác, bất chấp lỗi lầm và tội lỗi của họ. Con người luôn quan trọng hơn hành động của mình, và Chúa Giêsu không phán xét thế gian, nhưng Người đã cứu nó. Đó là một cuộc sống khủng khiếp đối với những người luôn phán xét người khác, những người luôn kết án, phán xét: đó là một cuộc sống khủng khiếp, bất hạnh. Chúa Giêsu đến để cứu chúng ta: hãy mở rộng lòng bạn, hãy tha thứ, biện minh cho người khác, hãy hiểu biết, gần gũi với người khác, hãy có lòng trắc ẩn, dịu dàng như Chúa Giêsu. Cần phải yêu thương mọi người và mỗi người, bằng cách, trong lời cầu nguyện, nhớ rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân, và đồng thời được Thiên Chúa yêu thương từng người một. Bằng cách yêu thương thế giới này theo cách này, bằng cách yêu thương nó với sự dịu dàng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mỗi ngày và mỗi sự vật đều ẩn chứa trong đó một mảnh mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Sách Giáo Lý viết thêm: “Cầu nguyện trong các biến cố mỗi ngày và mỗi lúc, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời, được mặc khải cho “những người bé mọn”, cho những tôi tớ Đức Kitô, cho những người nghèo theo các mối phúc. Thật là chính đáng và tốt lành khi cầu nguyện để sự ngự trị của Vương quốc công lý và hòa bình ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử; nhưng điều cũng quan trọng là phải nhào nặn khối bột của những hoàn cảnh khiêm tốn hằng ngày bằng việc cầu nguyện. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men mà Chúa đã sánh ví với Nước Trời” (số 2660).

Con người – nhân vị, người nam và người nữ – giống như hơi thở, giống như như sợi cỏ (x. Tv 144,4; 103,15). Triết gia Pascal đã viết: “Toàn bộ vũ trụ không được trang bị vũ khí để đè bẹp nó. Một hơi nước, một giọt nước cũng đủ giết chết nó”[1]. Chúng ta là những hữu thể mong manh, nhưng chúng ta biết cầu nguyện: đó là phẩm giá cao cả nhất của chúng ta, đó cũng là sức mạnh của chúng ta. Hãy can đảm lên. Cầu nguyện mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, vì Chúa ở gần chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện theo trái tim của Chúa Giêsu, nó sẽ nhận được phép lạ.

——————————-

[1] Pensées, 186.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31