BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 5. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ABRAHAM

Written by xbvn on Tháng Bảy 2nd, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, bây giờ chúng ta xem xét lời cầu nguyện của Abraham. Trong cuộc đời  “tổ phụ trong đức tin” của chúng ta, chúng ta thấy một cách thức mới mẻ để liên hệ với Thiên Chúa. Abraham nghe tiếng Chúa và tin tưởng vào lời nói và lời hứa của Ngài. Vâng theo lời Chúa, ông bỏ lại cuộc sống trước đó để đi đến bất cứ nơi nào Chúa dẫn dắt, thậm chí đến thử thách tột cùng là bị yêu cầu hy sinh chính con trai mình là Isaac. Nhờ lòng trung thành như vậy, ông trở thành thành viên trong gia đình Thiên Chúa, thậm chí có thể tranh luận với Ngài, nhưng luôn trung thành. Việc Abraham tuân theo lời Chúa đánh dấu một bước tiến hoàn toàn mới trong sự phát triển tôn giáo của con người. Từ nay trở đi, cuộc sống của các tín hữu được nhìn dưới dạng ơn gọi, một lời kêu gọi cá nhân sống cuộc đời mình để hiện thực những lời hứa của Thiên Chúa. Khi đó, Thiên Chúa của Abraham trở thành “Thiên Chúa của tôi”, Chúa của lịch sử của chính tôi, Đấng hướng dẫn bước đi của tôi và không bao giờ bỏ rơi tôi. Mong sao chúng ta học được từ gương của Abraham cách cầu nguyện với lòng tin: lắng nghe, hành trình, trò chuyện và thậm chí tranh luận với Thiên Chúa, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận lời Chúa và đưa vào thực hành.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 3/6/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Có một tiếng nói bất ngờ vang lên trong cuộc đời của Abraham. Một tiếng nói mời gọi ông đi theo con đường dường như vô lý: một tiếng nói thúc đẩy ông rời bỏ quê hương, rời bỏ cội nguồn gia đình, để hướng tới một tương lai mới, một tương lai khác. Và tất cả điều này dựa trên một lời hứa mà chỉ cần phải tin tưởng. Và tin tưởng vào một lời hứa không hề dễ dàng, cần phải có lòng can đảm. Và Abraham đã tin tưởng.

Thánh Kinh không nói gì về quá khứ của vị tổ phụ đầu tiên. Lôgic của sự việc cho thấy rằng ông đã tôn thờ các vị thần khác; có lẽ ông là một người thông thái, quen với việc quan sát bầu trời và các vì sao. Quả thật, Chúa hứa với ông rằng dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời.

Và Abraham ra đi. Ông lắng nghe tiếng Chúa và tin vào lời Ngài. Điều này rất quan trọng: ông tin vào lời Chúa. Và với sự ra đi của ông đã nảy sinh một cách nhìn nhận mới về mối quan hệ với Thiên Chúa; chính vì lý do này mà tổ phụ Abraham hiện diện trong các truyền thống thiêng liêng lớn của Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo với tư cách là con người hoàn hảo của Thiên Chúa, có khả năng tuân phục Ngài, ngay cả khi ý muốn của Ngài tỏ ra khó khăn, thậm chí không thể hiểu nổi.

Do đó, Abraham là người của Lời Chúa. Khi Thiên Chúa lên tiếng, con người trở thành người tiếp nhận Lời này và cuộc sống của họ là nơi Lời này quyết định nhập thể. Đây là một điều mới mẻ lớn lao trên con đường tôn giáo của con người: cuộc sống của người tín hữu bắt đầu được quan niệm như một ơn gọi, nghĩa là như một lời kêu gọi, như một nơi mà lời hứa được hiện thực; và họ không hành động trong thế giới dưới sức nặng của một điều bí ẩn, nhưng với sức mạnh của lời hứa này, mà một ngày nào đó sẽ thành hiện thực. Và Abraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ông đã tin và ra đi mà không biết mình sẽ đi đâu – đây là những gì Thư gửi tín hữu Do Thái nói (x. 11, 8). Nhưng ông có niềm tin.

Khi đọc sách Sáng Thế ký, chúng ta khám phá ra rằng Abraham đã sống lời cầu nguyện bằng lòng trung thành không ngừng với Lời này, vốn thỉnh thoảng xuất hiện trên đường đi của ông. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng trong cuộc đời của Abraham, đức tin trở thành lịch sử. Niềm tin trở thành lịch sử. Hơn thế nữa, Abraham, bằng cuộc đời, bằng gương sáng của mình, dạy chúng ta con đường này, con đường mà đức tin trở thành lịch sử. Thiên Chúa không còn chỉ được nhìn thấy trong các hiện tượng vũ trụ, như một Thiên Chúa xa vời, có thể khơi dậy nỗi khiếp sợ. Thiên Chúa của Abraham trở thành “Thiên Chúa của tôi”, Thiên Chúa của lịch sử cá nhân tôi, Đấng hướng dẫn bước đi của tôi, Đấng không bỏ rơi tôi; Thiên Chúa của những ngày đời của tôi, người bạn đồng hành trong những cuộc phiêu lưu của tôi; Thiên Chúa Quan Phòng. Tôi tự hỏi và tôi hỏi anh chị em: chúng ta có kinh nghiệm này về Thiên Chúa không? “Thiên Chúa của tôi”, Thiên Chúa đồng hành với tôi, Thiên Chúa của lịch sử cá nhân tôi, Thiên Chúa hướng dẫn bước đi của tôi, Thiên Chúa không bỏ rơi tôi, Thiên Chúa của những ngày đời của tôi? Chúng ta có kinh nghiệm này không? Hãy suy nghĩ về nó một chút.

Kinh nghiệm này của Abraham cũng được chứng thực bởi một trong những bản văn độc đáo nhất trong lịch sử tâm linh: cuốn Hồi Ký (Mémorial) của Blaise Pascal. Ông bắt đầu như sau: “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, không phải của các triết gia và bác học. Sự chắc chắn. Sự chắc chắn. Cảm xúc. Niềm vui. Bình an. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô”. Cuốn Hồi Ký này, được viết trên một tờ giấy da nhỏ, và được tìm thấy sau khi ông qua đời, được khâu bên trong một một chiếc áo của triết gia, không diễn tả một suy tư trí tuệ mà một người uyên bác như ông có thể hình dung về Thiên Chúa, nhưng là cảm giác sống động, được trải nghiệm, về sự hiện diện của Ngài. Pascal thậm chí còn ghi lại thời điểm chính xác khi ông cảm nhận được thực tại này, cuối cùng đã gặp được thực tại này: buổi tối ngày 23 tháng 11 năm 1654. Đó không phải là vị Thiên Chúa trừu tượng hay vị Thiên Chúa vũ trụ, không. Ngài là Thiên Chúa của một con người, của một tiếng gọi, Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp, vị Thiên Chúa vốn là sự chắc chắn, là cảm xúc, là niềm vui.

“Lời cầu nguyện của Abraham trước tiên được thể hiện bằng hành động: là một con người thinh lặng, ông xây dựng, ở mỗi giai đoạn, một bàn thờ cho Chúa” (Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2570). Abraham không xây dựng một ngôi đền, nhưng ông rải đá trên đường đi để gợi nhớ những lần Thiên Chúa đi qua. Một Thiên Chúa làm ngạc nhiên, như khi Ngài đến thăm ông dưới hình dạng ba vị khách, mà ông và bà Sara đã đón tiếp với sự ân cần và là những người đã thông báo cho họ về sự ra đời của con trai họ là Isaac (x. Stk 18, 1-15). Abraham đã một trăm tuổi, còn vợ ông gần chín mươi tuổi. Và họ đã tin, họ đã tin tưởng vào Chúa. Và Sara, vợ ông, đã thụ thai một người con. Ở tuổi này! Đây là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đồng hành với chúng ta.  

Như thế, Abraham trở thành một người gần gũi với Thiên Chúa, cũng có khả năng tranh luận với Ngài, nhưng luôn trung thành. Ông nói chuyện với Thiên Chúa và tranh luận. Cho đến thử thách tột cùng, khi Thiên Chúa yêu cầu ông hy sinh con trai riêng của mình là Isaac, đứa con trai của tuổi già, người thừa kế duy nhất. Như thế, Abraham đã sống đức tin như một thảm kịch, giống như mò mẫm trong đêm, dưới bầu trời lần này không có sao. Và điều này cũng xảy ra rất thường xuyên với chúng ta, bước đi trong bóng tối, nhưng với đức tin. Chính Thiên Chúa sẽ ngăn chặn bàn tay của Abraham đang sẵn sàng động thủ, bởi vì ông đã nhìn thấy sự sẵn sàng thực sự hoàn toàn của ông (x. Stk 22,1-19).

Thưa anh chị em, chúng ta hãy học nơi Abraham, học cầu nguyện với lòng tin: lắng nghe Chúa, bước đi, đối thoại đến mức tranh luận. Chúng ta đừng ngại tranh luận với Thiên Chúa! Tôi thậm chí sẽ nói điều gì đó có vẻ giống như dị giáo. Tôi thường nghe người ta nói với tôi: “Cha biết đấy, điều này đã xảy ra với con và con đã tức giận với Chúa” – “Con có đủ can đảm để nổi giận với Chúa?” – “Đúng, con tức giận” – “Nhưng đó là một hình thức cầu nguyện.” Bởi vì chỉ có đứa trẻ mới có khả năng nổi giận với cha mình và rồi gặp lại được cha. Chúng ta hãy học nơi Abraham cầu nguyện với lòng tin, đối thoại, tranh luận, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành. Với Thiên Chúa, chúng ta học cách nói chuyện như một người con với cha mình: lắng nghe, trả lời, tranh luận với Ngài. Nhưng bằng sự trong sáng, như người con với cha. Abraham dạy chúng ta cầu nguyện như thế. Cảm ơn anh chị em.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31