BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 9. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ÊLIA
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện với hình ảnh ngôn sứ Êlia, người vượt qua những biên giới của thời đại mình và hiện diện trong một số đoạn Tin Mừng. Êlia là một người không có nguồn gốc chính xác và được đưa lên trời. Thánh Kinh trình bày Êlia không chỉ là một người có đức tin trong sáng mà bí mật về sứ mạng của ông được chứa đựng trong tên của ông, nhưng còn là một người rất chính trực, không chút thỏa hiệp. Biểu tượng của ông là lửa, hình ảnh về sức mạnh thanh luyện của Thiên Chúa. Cầu nguyện là nhựa sống không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống của ông. Đây là lý do tại sao một số người coi ông là người cha tinh thần của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa trong truyền thống đan viện. Ngôn sứ Êlia là người của Thiên Chúa, là người bảo vệ quyền tối thượng của Đấng Tối Cao. Êlia là con người của đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Ông cho chúng ta thấy rằng không được có sự tách rời trong đời sống của người cầu nguyện. Thử thách của việc cầu nguyện là tình yêu cụ thể đối với người lân cận. Thiên Chúa giao tiếp với Êlia bằng dấu hiệu khiêm tốn là tiếng thì thầm của làn gió nhẹ và mang lại cho ông sự thanh thản và bình an. Câu chuyện về Êlia được viết ra cho tất cả chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy vô dụng và cô đơn, sai lỗi, bị đe dọa hay sợ hãi, với lời cầu nguyện, chúng ta tìm thấy sự thanh thản và bình an.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 7/10/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện, mà chúng ta đã tạm dừng để chuyển sang bài giáo lý về việc bảo vệ công trình tạo dựng, và bây giờ chúng ta tiếp tục; và chúng ta gặp một trong những nhân vật lý thú nhất trong Thánh Kinh: ngôn sứ Êlia. Ngài vượt qua những biên giới của thời đại và chúng ta cũng có thể tìm thấy sự hiện diện của ông trong một số đoạn Tin Mừng. Ông xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu, cùng với ông Môisê, vào lúc Chúa hiển dung (x. Mt 17, 3). Chính Chúa Giêsu nhắc đến ông để công nhận chứng từ của Gioan Tẩy Giả (x. Mt 17, 10-13).
Trong Thánh Kinh, Êlia xuất hiện một cách bất ngờ, một cách bí ẩn, đến từ một ngôi làng nhỏ, hoàn toàn bên lề (x. 1 V 17, 1); và cuối cùng, ông sẽ rời sân khấu, trước mắt môn đệ Êlisê, trên một cỗ xe lửa đưa ông lên trời (x. 2 V 2, 11-12). Do đó, đây là một con người không có nguồn gốc chính xác, và nhất là không có mục đích, lại được đưa lên trời: đây là lý do tại sao sự trở lại của ông được mong đợi trước khi Đấng Mêsia đến, như một người báo trước. Vì thế người ta chờ đợi sự trở lại của Êlia.
Thánh Kinh trình bày với chúng ta về Êlia như một người có đức tin trong sáng: thậm chí tên của ông, có thể có nghĩa là “Giavê là Thiên Chúa”, cũng hàm chứa bí mật về sứ mạng của ông. Ông sẽ như vậy trong suốt cuộc đời mình: một người chính trực, không chút thỏa hiệp. Biểu tượng của ông là lửa, hình ảnh về sức mạnh thanh luyện của Thiên Chúa. Ông sẽ là người đầu tiên được thử thách nghiêm khắc và sẽ luôn trung thành. Ông là mẫu gương của tất cả những người có đức tin, trải qua những cám dỗ và đau khổ, nhưng không phản bội lý tưởng mà vì nó họ được sinh ra.
Cầu nguyện là nhựa sống không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống của ông. Đó là lý do tại sao ông là một trong những nhân vật được yêu mến nhất trong truyền thống đan viện, đến mức một số người đã chọn ông làm người cha tinh thần của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa. Êlia là người của Thiên Chúa, người đã được nâng lên hàng người bảo vệ quyền tối thượng của Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, ông cũng buộc phải đối mặt với sự mong manh của chính mình. Thật khó để nói những kinh nghiệm nào là hữu ích nhất đối với ông: đánh bại các ngôn sứ giả trên núi Carmel (x. 1 V 18, 20-40), hay lỗi lầm mà ông nhận thấy “chẳng hơn gì cha ông của con” ( 1 V 19, 4). Trong tâm hồn người cầu nguyện, ý thức về sự yếu đuối của mình còn quý giá hơn những giây phút thăng hoa, khi dường như cuộc đời là một chuỗi của những chiến thắng và thành công. Trong cầu nguyện, điều này luôn xảy ra: những giây phút cầu nguyện nâng chúng ta lên, mang lại cho chúng ta lòng nhiệt thành, và những giây phút cầu nguyện lúc chúng ta cảm thấy đau đớn, khô khan hoặc thử thách. Cầu nguyện là thế này: để mình được Thiên Chúa nâng đỡ và cũng để mình được chạm đến bởi những hoàn cảnh tồi tệ cũng như những cám dỗ. Đây là một trong những thực tại mà chúng ta tìm thấy nơi nhiều ơn gọi khác trong Thánh Kinh, cũng như trong Tân Ước, chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến thánh Phêrô và thánh Phaolô. Ngay cả cuộc sống của các ngài cũng như thế: những khoảnh khắc thăng hoa và những khoảnh khắc mệt mỏi, đau khổ.
Êlia là người có đời sống chiêm niệm và đồng thời là người có đời sống hoạt động, bận tâm đến những biến cố của thời đại mình, có khả năng đứng lên chống lại nhà vua và hoàng hậu sau khi họ cho người giết chết Nabot để chiếm lấy vườn nho của ông ( x.1 V 21, 1-24). Chúng ta cần biết bao những tín hữu, những Kitô hữu nhiệt thành hành động khi đối mặt với những người có trách nhiệm lãnh đạo, với lòng can đảm của Êlia, để nói: “Điều này không được! Đây là giết người! “. Chúng ta cần tinh thần của Êlia. Ông cho chúng ta thấy rằng không được có sự tách rời trong đời sống của người cầu nguyện: chúng ta đứng trước Chúa và chúng ta đi gặp anh chị em của Ngài mà Ngài sai chúng ta đến. Cầu nguyện không phải là khép mình lại với Chúa để ngụy trang tâm hồn mình: không, đó không phải là cầu nguyện, đó là một lời cầu nguyện sai lầm. Cầu nguyện là đối diện với Thiên Chúa và để mình được sai đi phục vụ anh chị em mình. Thử thách của việc cầu nguyện là tình yêu cụ thể đối với người lân cận. Ngược lại, những người tin hành động trên thế giới sau khi im lặng và cầu nguyện; nếu không, hành động của họ là bốc đồng, nó thiếu sự phân định, đó là một cuộc chạy đua điên cuồng không có mục tiêu. Các tín hữu cư xử như vậy, họ phạm nhiều bất công, vì họ không đến trước mặt Chúa để cầu nguyện, để phân định xem họ phải làm gì.
Các trang Thánh Kinh cho thấy rằng đức tin của Êlia cũng có sự tiến bộ: ông cũng lớn lên trong lời cầu nguyện, ông tinh luyện nó từng chút một. Trong cuộc hành trình, khuôn mặt của Thiên Chúa trở nên rõ ràng hơn đối với ông. Cho đến khi đạt đến đỉnh cao trong kinh nghiệm phi thường này, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho Êlia trên núi (x. 1V 19, 9-13). Ngài biểu hiện không phải trong cơn bão ào ào, không phải trong trận động đất hay trong ngọn lửa thiêu đốt, mà trong “tiếng gió nhẹ” (c. 12). Hoặc tốt hơn nữa, một bản dịch phản ánh rõ ràng kinh nghiệm này: trong dòng nước im lặng vang tiếng. Đây là cách Thiên Chúa tỏ mình ra cho Êlia. Chính qua dấu chỉ khiêm tốn này mà Thiên Chúa giao tiếp với Êlia, người vào thời điểm này là một vị ngôn sứ mất bình an đang chạy trốn. Thiên Chúa đến gặp một người mệt mỏi, một người đã nghĩ mình thất bại về mọi mặt, và với làn gió nhẹ này, với dòng nước im lặng vang tiếng này, Ngài mang lại sự bình thản và an bình cho tâm hồn ông.
Đây là câu chuyện về Êlia, nhưng dường như nó được viết cho tất cả chúng ta. Có những buổi tối, chúng ta có thể cảm thấy vô dụng và cô đơn. Chính khi đó lời cầu nguyện sẽ đến gõ cửa trái tim chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể nắm lấy một mảnh áo choàng của Êlia, như môn đệ Êlisê của ông đã nắm lấy một nửa chiếc áo choàng. Và cho dù chúng ta phạm sai lầm, hoặc chúng ta cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, nhưng bằng cách trở về trước Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, sự thanh thản và bình an cũng sẽ trở lại như vậy như một phép lạ. Đây là điều mà gương của Êlia dạy chúng ta.
—————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO