BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 4. MỤC ĐÍCH CHUNG CỦA CỦA CẢI VÀ ĐỨC CẬY
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Đại dịch mà thế giới đang trải qua cho thấy những bất bình đẳng to lớn, dù là giữa các cá nhân hay giữa các quốc gia. Chúng là kết quả của một nền kinh tế bệnh hoạn vốn không tính đến những giá trị cơ bản của con người, cũng như không quan tâm đến những thiệt hại mà nó gây ra cho công trình tạo dựng. Căn nguyên thì như nhau, đó là tội muốn chiếm hữu và thống trị anh em, thiên nhiên và chính Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã giao phó trái đất và của cải trong đó cho sự quản lý chung của nhân loại để họ có thể chăm sóc chúng. Ngài yêu cầu chúng ta thống trị trái đất bằng cách trồng trọt và canh giữ nó. Có một sự hỗ tương giữa chúng ta và thiên nhiên: chúng ta có thể sử dụng tài nguyên của nó, nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ nó. Hơn nữa, trái đất được Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người, và chúng ta phải đảm bảo rằng hoa trái của nó đến với tất cả mọi người, chứ không chỉ với một số người. Quyền sở hữu là phương tiện, chứ không phải là mục đích tự thân. Sở hữu của cải là trở thành người quản lý của Chúa Quan Phòng, Đấng đã giao phó của cải đó để làm cho nó sinh hoa trái cho người khác. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh chiếm hữu đã loại trừ một số lượng lớn người khỏi những của cải sơ đẳng nhất, xé nát cơ cấu xã hội và phá hủy công trình tạo dựng. Với Chúa Giêsu, và sức mạnh tình yêu của Người hoạt động trong tâm hồn các môn đệ, chúng ta có niềm hy vọng vững chắc vào việc xây dựng một thế giới khác và tốt đẹp hơn.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 26/8/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Đối mặt với đại dịch và những hậu quả xã hội của nó, nhiều người có nguy cơ mất hy vọng. Trong thời điểm bất ổn và thống khổ này, tôi mời gọi mỗi người đón nhận hồng ân hy vọng đến từ Chúa Kitô. Chính Người giúp chúng ta chèo lái trên dòng nước hỗn loạn của bệnh tật, cái chết và bất công, vốn không có tiếng nói cuối cùng về đích đến cuối cùng của chúng ta.
Đại dịch đã làm nhấn mạnh và làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng. Một số người có thể làm việc tại nhà, trong khi đối với nhiều người khác, điều này là không thể. Một số trẻ em, dù gặp khó khăn, nhưng vẫn có thể tiếp tục được học ở trường, trong khi đối với nhiều trẻ khác, việc học này đã bị gián đoạn đột ngột. Một số cường quốc có thể phát hành tiền tệ để ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong khi đối với những quốc gia khác, điều đó có nghĩa là phải thế chấp tương lai của họ.
Những triệu chứng bất bình đẳng này bộc lộ một căn bệnh xã hội; nó là một loại virus xuất phát từ một nền kinh tế ốm yếu. Chúng ta phải nói một cách đơn giản: nền kinh tế đang bị bệnh. Nó đang bị ốm. Đó là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế bất công – đây là căn bệnh: kết quả của sự tăng trưởng kinh tế bất công – không tính đến các giá trị cơ bản của con người. Trong thế giới ngày nay, một số ít người rất giàu sở hữu nhiều hơn phần còn lại của nhân loại. Tôi nhắc lại điều này vì điều này sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ: một số ít người rất giàu, một nhóm nhỏ, sở hữu nhiều hơn toàn thể còn lại của nhân loại. Đó là một thống kê thuần túy. Đây là một sự bất công kêu thấu trời! Đồng thời, mô hình kinh tế này thờ ơ với những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung. Người ta không chăm sóc ngôi nhà chung. Chúng ta sẽ sớm vượt quá nhiều giới hạn của hành tinh tuyệt vời của chúng ta, với những hậu quả nghiêm trọng và không thể khắc phục được: từ việc mất đi sự đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng cao và tàn phá rừng nhiệt đới. Bất bình đẳng xã hội và suy thoái môi trường đi đôi với nhau và có cùng một gốc rễ (x. Laudato si’, số 101): tội muốn chiếm hữu, muốn thống trị anh chị em mình, muốn chiếm hữu và thống trị thiên nhiên và chính Thiên Chúa. Nhưng đây không phải là dự định của công trình tạo dựng.
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã giao phó trái đất và các nguồn tài nguyên của nó cho sự quản lý chung của nhân loại” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2402). Thiên Chúa yêu cầu chúng ta nhân danh Ngài thống trị trái đất (x. Stk 1,28), bằng cách trồng trọt và canh giữ nó như một khu vườn, khu vườn của tất cả mọi người (x. Stk 2,15). “Trong khi “trồng trọt” có nghĩa là cày xới, […] hoặc lao động, thì “canh giữ” có nghĩa là bảo vệ, [và] che chở” (LS, số 67). Nhưng hãy cẩn thận, đừng giải thích điều này như là quyền tự quyết để biến trái đất thành những gì chúng ta muốn. Không. Có “một mối quan hệ hỗ tương trách nhiệm” (ibid.) giữa chúng ta và thiên nhiên. Một mối quan hệ hỗ tương trách nhiệm giữa chúng ta và thiên nhiên. Chúng ta nhận được từ công trình tạo dựng và đến lượt chúng ta cho đi. “Mỗi cộng đồng có thể nhận lấy từ sự tốt lành của trái đất những gì nó cần để tồn tại, nhưng nó cũng có nghĩa vụ bảo vệ nó” (ibid.). Cả hai điều.
Thực ra, trái đất “có trước chúng ta và được ban cho chúng ta” (ibid.), nó được Thiên Chúa ban “cho toàn thể nhân loại” (GLGHCG, số 2402). Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để hoa trái của nó đến được với mọi người, chứ không chỉ với một số người. Và đây là yếu tố then chốt trong mối quan hệ của chúng ta với của cải trần thế. Như các nghị phụ của Công đồng Vatican II đã nhắc lại, “con người, khi sử dụng chúng, không bao giờ được coi những gì mình sở hữu hợp pháp là chỉ thuộc về mình, nhưng còn phải coi chúng là của chung: theo nghĩa là chúng có thể mang lại lợi ích không chỉ cho nó, mà còn cả những người khác nữa” (Hiến chế Gaudium et spes, số 69). Thật vậy, “việc sở hữu của cải làm cho chủ sở hữu thành một người quản lý của Chúa Quan Phòng, để làm cho của cải này sinh hoa lợi và truyền thông các phúc lợi của nó cho người khác” (GLGHCG, số 2404). Chúng ta là người quản lý của cải, không phải chủ sở hữu. Người quản lý. “Vâng, nhưng của cải này là của tôi.” Đúng, nó là của bạn, nhưng là để quản lý chứ không phải giữ nó cho riêng mình một cách ích kỷ.
Để đảm bảo rằng những gì chúng ta sở hữu mang lại giá trị cho cộng đồng, “vì công ích, chính quyền có quyền và bổn phận điều tiết việc thực thi hợp pháp quyền sở hữu” (ibid., số 2406) (x. GS, 71; thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 42; Thông điệp Centesimus annus, số 40-48). “Quyền tư hữu phụ thuộc vào mục đích chung của của cải […] là một “quy tắc vàng” của hành vi xã hội, và là nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo đức-xã hội” (LS, số 93) (x . thánh Gioan-Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens, số 19).
Tài sản, tiền bạc là những công cụ có thể phục vụ cho sứ mạng. Nhưng chúng ta dễ dàng biến chúng thành mục đích, cá nhân hay tập thể. Và khi điều này xảy ra, những giá trị thiết yếu của con người bị tổn hại. Homo sapiens (con người khôn ngoan) bị biến dạng và trở thành một loài homo œconomicus (con người kinh tế) – theo nghĩa xấu của thuật ngữ này – theo chủ nghĩa cá nhân, tính toán và thống trị. Chúng ta quên rằng, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, chúng ta là những hữu thể có tính xã hội, sáng tạo và liên đới, với khả năng yêu thương vô biên. Chúng ta thường quên điều này. Trên thực tế, chúng ta là những hữu thể hợp tác nhất trong số tất cả các loài, và chúng ta triển nở trong cộng đồng, như chúng ta thấy rõ trong kinh nghiệm của các thánh (“Florecemos en racimo, como los santos”: một cách diễn đạt phổ biến trong tiếng Tây Ban Nha). Có một ngạn ngữ tiếng Tây Ban Nha đã truyền cảm hứng cho tôi nói điều này: Florecemos en racimo, como los santo. Chúng ta triển nở trong cộng đồng, như chúng ta thấy rõ trong kinh nghiệm của các thánh.
Khi nỗi ám ảnh chiếm hữu và thống trị đã loại hàng triệu người ra khỏi của cải sơ đẳng; khi sự bất bình đẳng về kinh tế và công nghệ đến mức xé nát cơ cấu xã hội; và khi sự phụ thuộc vào tiến bộ vật chất vô hạn đe dọa ngôi nhà chung, thì lúc đó, chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ. Không, điều này thật đáng buồn. Chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ! Với cái nhìn hướng về Chúa Giêsu (x. Dt 12, 2) và niềm xác tín rằng tình yêu của Người hoạt động thông qua cộng đồng các môn đệ của Người, tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động, với hy vọng sinh ra một điều gì đó khác biệt và tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng Kitô giáo, bắt nguồn nơi Thiên Chúa, là mỏ neo của chúng ta. Nó nâng đỡ ước muốn chia sẻ, củng cố sứ mạng của chúng ta với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, Đấng đã chia sẻ mọi sự với chúng ta.
Và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, những người cũng như chúng ta, đã trải qua những thời kỳ khó khăn, đã hiểu được điều đó. Ý thức được việc hình thành một trái tim và một tâm hồn duy nhất, họ đã đặt tất cả của cải của mình làm của chung, làm chứng cho ân sủng dồi dào của Chúa Kitô trên họ (x. Cv 4, 32-35). Chúng ta hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Đại dịch đã ném tất cả chúng ta vào khủng hoảng. Nhưng anh chị em hãy nhớ: chúng ta không thể thoát khỏi khủng hoảng mà vẫn giống như trước, hoặc chúng ta có thể thoát khỏi tốt hơn, hoặc chúng ta thoát khỏi mà càng tồi tệ hơn. Đây là chọn lựa được đề ra cho chúng ta. Sau cuộc khủng hoảng, liệu chúng ta sẽ tiếp tục hệ thống kinh tế bất công xã hội và coi thường việc bảo vệ môi trường, công trình tạo dựng và ngôi nhà chung này không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó. Ước gì các cộng đồng Kitô hữu của thế kỷ XXI tái khám phá thực tế này – việc bảo vệ công trình tạo dựng và công bằng xã hội: chúng đi đôi với nhau – nhờ đó làm chứng cho Sự Phục Sinh của Chúa. Nếu chúng ta chăm sóc những của cải mà Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta, nếu chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có để không ai thiếu thốn thứ gì, thì khi đó chúng ta thực sự có thể khơi dậy niềm hy vọng để làm tái sinh một thế giới lành mạnh và công bằng hơn.
Và cuối cùng, chúng ta hãy nghĩ về các trẻ em. Hãy đọc số liệu thống kê: có bao nhiêu trẻ em ngày nay đang chết đói vì sự phân phối của cải tồi tệ, vì một hệ thống kinh tế mà tôi đã đề cập trên đây; và bao nhiêu trẻ em ngày nay không có quyền được đến trường cũng vì lý do tương tự. Ước gì hình ảnh những trẻ em đang cần giúp đỡ vì đói khổ và thiếu giáo dục này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta sẽ phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng này được tốt hơn. Cảm ơn anh chị em.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, covid, Môi-trường, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG