BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 5. NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI VÀ ĐỨC TIN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Gia đình nhân loại có Thiên Chúa là nguồn gốc duy nhất, nó sống trong một ngôi nhà chung và được mời gọi đến cùng chung một số phận trong Chúa Kitô. Nhưng, khi chúng ta quên điều này, sự bất bình đẳng và loại trừ sẽ xuất hiện, cơ cấu xã hội suy yếu và môi trường xấu đi. Để sự tương tùy của chúng ta không trở thành sự phụ thuộc của người này đối với người kia, chúng ta cần có tình liên đới. Tình liên đới này liên quan đến một não trạng mới vốn suy nghĩ về mặt cộng đồng. Câu chuyện trong Thánh Kinh về Tháp Babel cho thấy rằng khi chúng ta quên đi những mối liên hệ ràng buộc chúng ta với nhau, với thiên nhiên và với Đấng Tạo Hóa, chúng ta sẽ hủy hoại cộng đồng. Ngược lại, vào Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ban sức mạnh của Thiên Chúa để loan báo Chúa Kitô phục sinh, và Ngài tạo nên sự hòa hợp. Ngài khơi dậy đức tin về một cộng đồng hiệp nhất trong sự đa dạng và trong tình liên đới, nơi mà các cơ cấu gây ra bất công được sửa chữa, và nhân cách của mỗi người, vốn là một hồng ân độc nhất, không bị biến thành chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Tình liên đới được đức tin hướng dẫn cho phép chúng ta thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trong các xã hội và nền văn hóa của chúng ta, không phải bằng cách xây dựng những bức tường chia rẽ, nhưng bằng cách xây dựng một cộng đồng ổn định và thực sự nhân bản.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 2/9/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Sau nhiều tháng, chúng ta lại tiếp tục cuộc gặp mặt trực tiếp chứ không phải trước màn hình. Mặt đối mặt. Thật đẹp ! Đại dịch hiện nay đã làm nổi bật sự tương tùy của chúng ta: tất cả chúng ta đều liên kết với nhau, cả trong sự dữ lẫn trong sự thiện. Đây là lý do tại sao, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này được tốt hơn, chúng ta phải cùng nhau làm điều đó. Cùng nhau, không một mình, cùng nhau. Một mình, không, bởi vì chúng ta không thể! Hoặc là chúng ta làm điều đó cùng nhau, hoặc là không. Tất cả chúng ta phải cùng nhau làm điều đó trong tình liên đới. Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh từ này: liên đới.
Là một gia đình nhân loại, chúng ta có chung nguồn gốc nơi Thiên Chúa; chúng ta sống trong một ngôi nhà chung, hành tinh-khu vườn, trái đất mà Thiên Chúa đã đặt để chúng ta trong đó; và chúng ta có một đích đến chung trong Chúa Kitô. Nhưng khi chúng ta quên đi tất cả những điều này, sự tương tùy của chúng ta trở thành sự phụ thuộc của một số người vào những người khác – chúng ta đánh mất sự hài hòa của sự phụ thuộc lẫn nhau trong tình liên đới – điều này làm gia tăng sự bất bình đẳng và việc gạt ra ngoài lề xã hội; cơ cấu xã hội đang suy yếu và môi trường đang xấu đi. Luôn luôn cùng một điều như thế. Cùng một cách hành động.
Đây là lý do tại sao ngày nay nguyên tắc liên đới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, như thánh Gioan Phaolô II đã dạy (x. Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 38-40). Trong một thế giới được kết nối với nhau, chúng ta cảm nghiệm ý nghĩa của việc sống trong cùng một “ngôi làng toàn cầu”. Cách diễn đạt này thật đẹp: thế giới rộng lớn không gì khác hơn là một ngôi làng toàn cầu, bởi vì mọi thứ đều được liên kết với nhau. Nhưng chúng ta không luôn biến sự tương tùy này thành tình liên đới. Còn một chặng đường dài giữa sự tương tùy và tình liên đới. Ngược lại, tính ích kỷ – cá nhân, quốc gia và các nhóm quyền lực – cũng như sự cứng nhắc về ý thức hệ thúc đẩy “các cơ cấu tội lỗi” (ibid., số 36).
“Từ “liên đới” hơi cũ và đôi khi bị hiểu sai, nhưng nó cho thấy nhiều hơn một vài hành động quảng đại lẻ tẻ. Nó còn hơn thế nữa! Nó đòi hỏi phải tạo ra một não trạng mới biết suy nghĩ về mặt cộng đồng, ưu tiên cho sự sống của mọi người hơn là chiếm hữu của cải bởi một số người” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 188). Nó có nghĩa là liên đới. Nó không chỉ là giúp đỡ người khác – làm như vậy là điều tốt, nhưng còn hơn thế nữa – đó là vấn đề công bằng (x. GLGHCG, số 1938-1940 ). Sự tương tùy, để trở thành liên đới và sinh hoa trái, cần có cội rễ vững chắc nơi con người và trong thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng, nó cần sự tôn trọng các khuôn mặt và trái đất.
Ngay từ đầu, Thánh Kinh đã cảnh báo chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện Tháp Babel (x. Stk 11,1-9). Câu chuyện mô tả những gì xảy ra khi chúng ta tìm cách đạt tới thiên đàng – mục tiêu của chúng ta – bằng cách phớt lờ mối liên hệ với con người, với công trình tạo dựng và với Đấng Tạo Hóa. Đó là một cách nói: nó xảy ra mỗi khi chúng ta muốn leo lên, leo lên mà không tính đến người khác. Chỉ mình tôi thôi ! Chúng ta hãy nghĩ về tòa tháp. Chúng ta xây dựng những tòa tháp và những tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta lại phá hủy cộng đồng. Chúng ta thống nhất các tòa nhà và ngôn ngữ, nhưng chúng ta làm mất đi sự phong phú về văn hóa. Chúng ta muốn trở thành ông chủ của Trái đất, nhưng chúng ta đang hủy hoại sự đa dạng sinh học và sự cân bằng sinh thái. Tôi đã kể cho anh chị em, trong một buổi tiếp kiến khác, câu chuyện về những ngư dân đến từ San Benedetto del Tronto, những người năm nay đã đến và nói với tôi: “Chúng con đã thu hồi được 24 tấn rác thải từ biển, một nửa trong số đó là nhựa”. Hãy tưởng tượng! Những người này đánh bắt cá, vâng, nhưng họ cũng có ý tưởng thu gom rác thải và lấy ra khỏi nước để làm sạch biển. Nhưng [sự ô nhiễm] này có nghĩa là hủy diệt trái đất, không có tình liên đới với trái đất vốn là một món quà và sự cân bằng sinh thái.
Tôi nhớ một câu chuyện thời Trung cổ mô tả “hội chứng Babel” này, vốn xảy ra khi không có tình liên đới. Câu chuyện thời trung cổ này kể rằng, trong quá trình xây dựng tòa tháp, khi một người ngã xuống – họ là nô lệ – và chết, không ai nói gì cả, hoặc cùng lắm là: “Tội nghiệp, anh ta đã phạm sai lầm và bị ngã.” Nhưng nếu một viên gạch rơi xuống, thì mọi người đều phàn nàn. Và nếu ai đó có tội, họ sẽ bị trừng phạt! Tại sao ? Bởi vì để làm, chuẩn bị và nung một viên gạch là rất tốn kém. Phải mất thời gian và công sức để làm ra một viên gạch. Một viên gạch có giá trị hơn cả mạng sống con người. Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Thật không may, ngày nay điều tương tự cũng có thể xảy ra. Thị trường tài chính mất đi một vài điểm – chúng ta đã thấy điều đó trên báo chí những ngày này – và tin tức này được tất cả các hãng thông tấn đưa tin. Hàng ngàn người đang gục ngã vì đói nghèo mà không ai nói đến.
Chúng ta nhận thấy Lễ Ngũ Tuần hoàn toàn đối lập với tháp Babel, như chúng ta đã nghe ở đầu buổi tiếp kiến (x. Cv 2, 1-3). Chúa Thánh Thần, từ trên cao ngự xuống như gió và lửa, bao phủ cộng đoàn đang nhốt kín trong phòng Tiệc Ly, thổi vào cộng đoàn sức mạnh của Thiên Chúa, thúc đẩy cộng đoàn đi ra và loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng, Ngài tạo nên sự hòa hợp. Trong câu chuyện Tháp Babel, không có sự hòa hợp: có sự kiện tiến về phía trước để kiếm tiền. Ở đó, con người chỉ là một công cụ, chỉ là một “lực lượng lao động”, nhưng ở đây, với Lễ Ngũ Tuần, mỗi người chúng ta là một công cụ, nhưng là một công cụ cộng đồng tham gia hết mình vào việc xây dựng cộng đồng. Thánh Phanxicô Assidi biết rõ điều này và, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ngài đã trao cho mọi người, kể cả các thụ tạo, danh xưng anh em hay chị em (x. LS, số 11; x. Saint Bonaventure, Legenda maior, VIII, 6: FF 1145). Ngay cả em sói, chúng ta hãy nhớ.
Với Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa hiện diện và khơi dậy đức tin của cộng đồng hiệp nhất trong sự đa dạng và trong tình liên đới. Đa dạng và liên đới được thống nhất hài hòa, đây là con đường. Một sự đa dạng mang tính liên đới có những “kháng thể” để tính đặc thù của mỗi người – vốn là một hồng ân, độc nhất và không thể lặp lại – không bị bệnh hoàn vì chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ. Sự đa dạng mang tính liên đới cũng có những kháng thể để chữa lành các cơ cấu và tiến trình xã hội vốn đã thoái hóa thành các hệ thống bất công, các hệ thống áp bức (x. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, số 192). Do đó, tình liên đới ngày nay là con đường hướng tới một thế giới sau đại dịch, hướng tới việc chữa lành những căn bệnh liên vị và xã hội của chúng ta. Không có con đường nào khác. Hoặc là chúng ta tiến tới trên con đường liên đới hoặc mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn. Tôi muốn nhắc lại: chúng ta không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng mà vẫn giống như trước. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng được tốt hơn hay tồi tệ hơn. Chúng ta phải lựa chọn. Và tình liên đới chính là một con đường để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng được tốt hơn, không phải bằng những thay đổi hời hợt, không phải bằng một lớp sơn mới để mọi thứ trông ổn. Không ! Tốt hơn!
Giữa cuộc khủng hoảng, tình liên đới được hướng dẫn bởi đức tin cho phép chúng ta thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trong nền văn hóa toàn cầu hóa của chúng ta, không phải bằng cách xây dựng những tòa tháp hay bức tường – và bao nhiêu bức tường đang được xây dựng ngày nay – vốn chia rẽ nhưng rồi sụp đổ, nhưng bằng cách dệt nên các cộng đồng và nâng đỡ các quá trình sự phát triển thực sự nhân bản và vững chắc. Chính vì thế mà tình liên đới có thể giúp ích. Tôi đặt ra một câu hỏi: tôi có nghĩ đến nhu cầu của người khác không? Mỗi người hãy trả lời trong lòng mình.
Giữa những khủng hoảng và giông bão, Chúa chất vấn và mời gọi chúng ta đánh thức và kích hoạt tình liên đới này, một tình liên đới có khả năng mang lại sự vững chắc, sự nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút khi mọi thứ dường như đang chìm đắm. Ước gì Thánh Thần Sáng Tạo khuyến khích chúng ta tạo ra những hình thức mới của việc đón tiếp gia đình, tình huynh đệ phong nhiêu và tình liên đới phổ quát. Cảm ơn anh chị em.
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, bác ái-liên đới, covid, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC