BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 6. TÌNH YÊU VÀ CÔNG ÍCH

Written by xbvn on Tháng Bảy 16th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Phản ứng của Kitô giáo đối với đại dịch mà chúng ta đang trải qua được tìm thấy trong tình yêu, và trên hết là tình yêu của Thiên Chúa, vốn đi trước chúng ta. Tình yêu không chỉ giới hạn trong vòng tròn nhỏ của gia đình hoặc bạn bè. Nó làm cho chúng ta phong nhiêu và tự do nếu nó rộng mở và bao hàm, và chính như thế mà nó săn sóc, chữa lành và làm điều tốt. Tình yêu phải mở rộng đến các mối quan hệ dân sự và chính trị, những mối quan hệ thậm chí còn là biểu hiện cao nhất của nó. Tình yêu làm phong nhiêu các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, giúp xây dựng một “nền văn minh tình yêu” nơi nền văn hóa ích kỷ, thờ ơ và vứt bỏ không chiếm ưu thế. Nó thúc đẩy chúng ta hành động cụ thể vì công ích vốn bao hàm cả những người dễ bị tổn thương nhất. Thúc đẩy công ích là một nghĩa vụ công bằng thuộc về mỗi người, và đối với người Kitô hữu, đó là một sứ mạng. Một nền chính trị tốt đặt con người và công ích ở trung tâm sẽ là khả thi trong chừng mực những người có trách nhiệm đặt hành động của mình trên các nguyên tắc đạo đức và tình yêu dành cho người khác. Các Kitô hữu, đặc biệt là các tín hữu giáo dân, nhờ đức ái, được mời gọi mang lại chứng tá tốt về sự dấn thân cho công ích.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 9/9/2020 :

Anh chị em thân mến,  chào anh chị em !

Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống, do đại dịch, tấn công tất cả mọi người; chúng ta có thoát khỏi đó được tốt hơn nếu tất cả chúng ta cùng nhau tìm kiếm công ích; nếu không, chúng ta sẽ thoát khỏi đó mà càng tồi tệ hơn.  Thật không may, chúng ta đang chứng kiến ​​sự xuất hiện của các lợi ích đảng phái. Ví dụ, một số người muốn chiếm giữ các giải pháp khả thi, như trường hợp vắc xin, rồi bán chúng cho người khác. Những người khác lợi dụng hoàn cảnh để gây chia rẽ: để tìm kiếm lợi ích kinh tế hoặc chính trị, bằng cách tạo ra hoặc gia tăng xung đột. Những người khác thì đơn giản không quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác, phớt lờ và tiếp tục đi trên con đường của họ (x. Lc 10, 30-32). Họ là những tín hữu của Phongxiô Philatô, họ rửa tay như ông ta.

Phản ứng của Kitô giáo đối với đại dịch và các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội do nó gây ra đều dựa trên tình yêu, trước hết là tình yêu của Thiên Chúa, vốn luôn đi trước chúng ta (x. 1Ga 4,19). Ngài yêu thương chúng ta trước, Ngài luôn đi trước chúng ta trong tình yêu và trong các giải pháp. Ngài yêu thương chúng ta cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu thần linh này, thì chúng ta có thể đáp lại một cách tương tự. Tôi không chỉ yêu thương những người yêu thương tôi: gia đình, bạn bè, nhóm của tôi, mà cả những người không yêu thương tôi, tôi cũng yêu thương những người không biết tôi, tôi cũng yêu thương cả những người xa lạ, và cả những người làm tôi đau đớn hay những người tôi coi là kẻ thù (x. Mt 5, 44). Đây là sự khôn ngoan Kitô giáo, đây là thái độ của Chúa Giêsu. Và điểm cao nhất của sự thánh thiện, chúng ta có thể nói như thế, là yêu thương kẻ thù của mình, và điều đó không hề dễ dàng. Chắc chắn, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù của mình, là điều khó – tôi có thể nói rằng đó là một nghệ thuật! Nhưng một nghệ thuật mà chúng ta có thể học hỏi và cải thiện. Tình yêu đích thực, làm cho chúng ta phong nhiêu và tự do, luôn rộng mở và bao hàm. Tình yêu này săn sóc, chữa lành và làm điều tốt. Rất thường xuyên, một sự dịu dàng có tác dụng tốt hơn nhiều cuộc tranh cãi, một sự dịu dàng của sự tha thứ chứ không có quá nhiều lý lẽ để tự bảo vệ mình. Đó là tình yêu bao hàm, chữa lành.

Do đó, tình yêu không chỉ giới hạn ở mối quan hệ giữa hai hoặc ba người, bạn bè hay gia đình, nó còn vượt xa hơn thế. Nó bao gồm các mối quan hệ dân sự và chính trị (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo , số 1907-1912), kể cả mối tương quan với thiên nhiên (Thông điệp Laudato si’ [LS], số 231). Vì chúng ta là những hữu thể xã hội và chính trị, nên một trong những cách thể hiện tình yêu cao nhất chính là về mặt xã hội và chính trị, có tính quyết định đối với sự phát triển con người và để đối mặt với mọi loại khủng hoảng (ibid., số 231). Chúng ta biết rằng tình yêu làm phong nhiêu gia đình và tình bạn; nhưng thật tốt để nhớ rằng nó cũng làm phong phú các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, cho phép chúng ta xây dựng một “nền văn minh tình yêu”, như thánh Phaolô VI [1] thường nói và, theo bước ngài, thánh Gioan Phaolô II . Không có nguồn cảm hứng này, nền văn hóa ích kỷ, thờ ơ, vứt bỏ sẽ ngự trị, tức là vứt bỏ những người tôi không thích, người tôi không thể yêu, những người dường như vô dụng đối với tôi trong xã hội. Hôm nay, ở lối vào, một cặp vợ chồng đã nói với tôi: “Xin cầu nguyện cho chúng con, vì chúng con có một đứa con trai bị khuyết tật”. Tôi hỏi: “Nó bao nhiêu tuổi? – Nó lớn rồi – Và anh chị làm gì vậy? – Chúng con đồng hành với nó, chúng con giúp đỡ nó”. Cả cuộc đời cha mẹ đã trao cho cậu con trai bị khuyết tật này. Đó là tình yêu. Và những kẻ thù, những đối thủ chính trị, theo ý kiến của chúng tôi, dường như là những người bị khuyết tật về chính trị và xã hội, nhưng họ dường như vậy. Có Chúa mới biết họ như thế hay không. Nhưng chúng ta phải yêu thương họ, chúng ta phải đối thoại, chúng ta phải xây dựng nền văn minh tình yêu này, nền văn minh chính trị, xã hội này, nền văn minh hiệp nhất toàn thể nhân loại. Tất cả điều này trái ngược với chiến tranh, chia rẽ, đố kỵ, thậm chí cả chiến tranh trong gia đình. Tình yêu bao hàm thì có tính xã hội, có tính gia đình, có tính chính trị: tình yêu xâm chiếm mọi sự!

Virus Corona cho chúng ta thấy rằng thiện ích đích thực cho mỗi người là một công ích, chứ không phải cá nhân, và ngược lại, công ích là một thiện ích đích thực cho con người (x. GLGHCG, số 1905-1906). Nếu một người chỉ tìm kiếm thiện ích riêng của mình, thì người đó ích kỷ. Trái lại, con người trở nên là người hơn khi mở rộng thiện ích của mình cho mọi người, khi chia sẻ nó. Sức khỏe, ngoài việc là thiện ích cá nhân, còn là thiện ích công cộng. Một xã hội lành mạnh là xã hội quan tâm đến sức khỏe của tất cả mọi người.

Một loại virus không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị phải được đối đầu bằng một tình yêu không rào cản, biên giới hay phân biệt. Tình yêu này có thể tạo ra những cơ cấu xã hội khuyến khích chúng ta chia sẻ thay vì cạnh tranh, cho phép chúng ta bao hàm những người dễ bị tổn thương nhất, chứ không loại trừ họ, và giúp chúng ta thể hiện điều tốt nhất nơi bản tính nhân loại của mình, chứ không phải điều tồi tệ nhất. Tình yêu đích thực không biết đến nền văn hóa vứt bỏ, tình yêu không biết nó là gì. Thật vậy, khi chúng ta yêu thương và tạo ra sự sáng tạo, khi chúng ta tạo ra sự tin tưởng và tình liên đới, đó là lúc những sáng kiến ​​cụ thể vì công ích xuất hiện.[2] Và điều này có giá trị cả ở cấp độ cộng đồng nhỏ và lớn, cũng như ở cấp độ quốc tế. Những gì chúng ta làm với tư cách một gia đình, những gì chúng ta làm trong khu phố, những gì chúng ta làm trong làng, những gì chúng ta làm ở thành phố lớn và ở cấp độ quốc tế đều giống nhau: đó là cùng một hạt giống phát triển và sinh hoa trái. Nếu trong gia đình, trong hàng xóm của bạn, bạn bắt đầu bằng sự đố kỵ, bằng đấu đá, thì cuối cùng sẽ có “chiến tranh”. Trái lại, nếu bạn bắt đầu bằng tình yêu thương, chia sẻ tình yêu thương, sự tha thứ, thì bạn sẽ có tình yêu thương và sự tha thứ dành cho tất cả mọi người.

Ngược lại, nếu các giải pháp cho đại dịch mang dấu vết của lòng ích kỷ, dù của con người, công ty hay quốc gia, thì có lẽ chúng ta có thể thoát khỏi virus Corona, nhưng chắc chắn không thoát khỏi cuộc khủng hoảng con người và xã hội mà virus đã nhấn mạnh và làm rõ nét. Vì thế hãy cẩn thận đừng xây nhà trên cát (x. Mt 7, 21-27)! Để xây dựng một xã hội lành mạnh, bao hàm, công bằng và hòa bình, chúng ta phải làm như vậy trên tảng đá công ích.[3] Công ích là một tảng đá. Và đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người, chứ không chỉ của một số chuyên gia. Thánh Tôma Aquinô nói rằng việc thúc đẩy công ích là một bổn phận công bằng thuộc về mỗi công dân. Mỗi công dân có trách nhiệm đối với công ích. Và đối với người Kitô hữu, đó cũng là một sứ mạng. Như thánh Inhaxiô Loyola dạy, hướng những nỗ lực hằng ngày của chúng ta đến công ích là một cách đón nhận và lan truyền vinh quang của Thiên Chúa.

Thật không may, chính trị thường không có được tiếng tốt, và chúng ta biết tại sao. Điều này không muốn nói rằng tất cả các chính trị gia đều xấu, không, tôi không muốn nói như vậy. Tôi chỉ nói rằng, thật không may, chính trị thường không có tiếng tốt. Tuy nhiên, không được cam chịu trước tầm nhìn tiêu cực này, nhưng phản ứng bằng cách chứng minh qua các sự kiện rằng có thể có một nền chính trị tốt, và thậm chí là một bổn phận, [4] một nền chính trị đặt con người và công ích làm trung tâm. Nếu anh chị em đọc lịch sử của nhân loại, anh chị em sẽ thấy nhiều chính trị gia thánh thiện đã đi theo con đường này. Điều này là khả thi trong chừng mực mỗi công dân, và đặc biệt là những người đảm nhận các cam kết và trách nhiệm xã hội và chính trị, đặt hành động của mình trên các nguyên tắc đạo đức và sinh động nó bằng tình yêu xã hội và chính trị. Các Kitô hữu, đặc biệt là các tín hữu giáo dân, được kêu gọi mang lại một chứng tá tốt cho điều này và họ có thể làm như vậy nhờ đức ái, bằng cách vun trồng chiều kích xã hội nội tại của nó.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải gia tăng tình yêu xã hội của mình – tôi muốn nhấn mạnh điều này: tình yêu xã hội của chúng ta – bằng cách mọi người đều đóng góp, bắt đầu từ sự nhỏ bé của mình. Công ích đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người. Nếu mỗi người đều thực hiện phần việc của mình, và nếu không ai bị gạt sang một bên, thì chúng ta sẽ có thể tái tạo các mối quan hệ tốt đẹp ở cấp độ cộng đồng, quốc gia, quốc tế và cả sự hài hòa với môi trường (x. LS, số 236). Như vậy, trong các cử chỉ của chúng ta, ngay cả những cử chỉ khiêm tốn nhất, một điều gì đó về hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta mang trong mình sẽ trở nên hữu hình, bởi vì Thiên Chúa là Ba Ngôi, Thiên Chúa là tình yêu. Đây là định nghĩa đẹp nhất về Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Nó được thánh Gioan Tông đồ, người rất yêu mến Chúa Giêsu, trao cho chúng ta: Thiên Chúa là tình yêu. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể chữa lành thế giới bằng cách cùng nhau hợp tác vì công ích, không chỉ vì lợi ích của riêng chúng ta mà còn vì công ích của tất cả mọi người.

——————————————-

[1] Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa binh lần thứ X, 1/1/1977AAS 68 (1976), 709.

[2] Xem Thánh Gioan-Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 38.

[3]  Ibid., số 10.

[4] Xem Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 1/1/2019 (8/12/2018).

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31