BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 7. BẢO VỆ NGÔI NHÀ CHUNG VÀ THÁI ĐỘ CHIÊM NIỆM

Written by xbvn on Tháng Bảy 17th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Thưa anh chị em, để thoát khỏi đại dịch, chúng ta phải chữa lành và chăm sóc lẫn nhau. Do đó, tất cả những người chăm sóc những người dễ bị tổn thương phải được nâng đỡ trong công việc phục vụ của họ. Ngôi nhà chung của chúng ta cũng cần được chăm sóc. Lạm dụng bất kỳ hình thức sống nào đều là một tội trọng. Thuốc giải độc tốt nhất chống lại việc lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta là chiêm niệm. Chúng ta cần im lặng, lắng nghe và chiêm niệm để khám phá giá trị và tia sáng thần linh tỏa ra từ công trình tạo dựng. Việc thiếu chiêm niệm dẫn đến một cái nhìn mất cân bằng về con người và đặt con người làm người thống trị tuyệt đối trên tất cả các thụ tạo khác. Làm việc không đồng nghĩa với khai thác và phải luôn đi kèm với sự chăm sóc. Do đó, điều quan trọng là phải khám phá lại chiều kích chiêm niệm của công trình tạo dựng, bởi vì việc chiêm niệm dẫn chúng ta đến thái độ tỉnh thức, từ bên trong và khiến chúng ta trở thành những nhân vật chính của công trình tạo dựng, chứ không phải những khán giả đơn thuần. Thật vậy, người chiêm niệm trong hành động sẽ trở thành người bảo vệ môi trường. Chiêm niệm và sóc là hai thái độ để sửa chữa và cân bằng lại mối quan hệ của chúng ta, với tư cách là con người, với công trình tạo dựng. Đây là bổn phận của mỗi người vì mỗi người chúng ta đều có thể và phải trở thành người bảo vệ ngôi nhà chung, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì các thụ tạo của Ngài, chiêm ngưỡng và bảo vệ chúng.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 16/9/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Để thoát khỏi đại dịch, chúng ta cần phải chữa lành và chăm sóc lẫn nhau. Và chúng ta phải nâng đỡ những người chăm sóc những người nghèo nhất, những người bệnh và người già. Chúng ta đã quen với việc gạt người già sang một bên, bỏ rơi họ: điều này không tốt. Những người này – được định nghĩa rõ ràng bằng thuật ngữ “cuidadores” trong tiếng Tây Ban Nha, những người chăm sóc các bệnh nhân – thực hiện một vai trò thiết yếu trong xã hội ngày nay, ngay cả khi họ thường không nhận được sự ghi nhận và thù lao mà họ đáng được hưởng. Chăm sóc là quy tắc vàng của thân phận con người của chúng ta, và điều này tự nó mang lại sức khỏe và hy vọng (x. Thông điệp Laudato si’ [LS], số 70). Chăm sóc người bệnh, người cần giúp đỡ, người bị bỏ rơi: đây là sự phong phú nhân bản và cũng là sự phong phú của Kitô giáo.

Chúng ta cũng phải mang sự chăm sóc này đến ngôi nhà chung của chúng ta: đến trái đất và đến từng sinh vật. Mọi hình thức sự sống đều liên kết với nhau (x. ibid., số 137-138), và sức khỏe của chúng ta tùy thuộc vào các hệ sinh thái mà Thiên Chúa đã tạo dựng và giao cho chúng ta chăm sóc (x. Stk 2,15). Trái lại, việc lạm dụng nó là một tội trọng gây ra những thiệt hại, gây tổn thương và làm cho lâm bệnh (x. LS, số 8; số 66). Thuốc giải độc tốt nhất chống lại việc sử dụng sai trái ngôi nhà chung của chúng ta là sự chiêm niệm (x. ibid., số 85; 214). Nhưng làm thế nào điều này xảy ra? Không có vắc-xin cho việc này, cho việc chăm sóc ngôi nhà chung, để không gạt nó sang một bên sao? Đâu là thuốc giải chống lại căn bệnh không chăm sóc ngôi nhà chung? Đó là sự chiêm niệm.  “Khi ai đó không học cách dừng lại để quan sát và đánh giá những gì tốt đẹp, thì không có gì ngạc nhiên khi mọi thứ đối với anh ta đều trở thành đối tượng để sử dụng và lạm dụng một cách không chút ngại ngùng” (ibid., số 215). Tuy nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, công trình tạo dựng, không phải là một “nguồn tài nguyên” đơn giản. Các thụ tạo đều có giá trị nơi bản thân chúng và “mỗi loài, theo cách riêng của mình, phản ánh tia sáng khôn ngoan và lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 339). Giá trị này và tia sáng thần linh này phải được khám phá, và để khám phá ra nó, chúng ta cần giữ im lặng, chúng ta cần lắng nghe và chúng ta cần chiêm niệm. Ngay cả việc chiêm niệm cũng chữa lành tâm hồn.

Không có sự chiêm niệm, chúng ta dễ rơi vào chủ nghĩa quy nhân mất cân bằng và kiêu hãnh, cái “tôi” ở trung tâm của mọi sự, vốn đánh giá quá cao vai trò con người của chúng ta, đặt chúng ta thành những kẻ thống trị tuyệt đối của tất cả các thụ tạo khác. Có một lối giải thích méo mó các bản văn Thánh Kinh về công trình tạo dựng đã góp phần tạo nên cái nhìn sai lầm này, dẫn đến việc khai thác trái đất đến mức bóp ngạt nó. Lạm dụng công trình tạo dựng: đó là tội lỗi. Chúng ta tin mình là trung tâm, tự phụ chiếm vị trí của Thiên Chúa và do đó, chúng ta phá hủy sự hài hòa của tạo vật, sự hài hòa trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta trở thành những kẻ săn mồi, chúng ta quên đi ơn gọi bảo vệ sự sống của mình. Chắc chắn, chúng ta có thể và chúng ta phải làm việc trên đất đai để sinh sống và phát triển. Nhưng làm việc không đồng nghĩa với lạm dụng, và nó luôn đi kèm với sự chăm sóc: cày xới và bảo vệ, làm việc và chăm sóc… Đây là sứ mạng của chúng ta (x. Stk 2,15). Chúng ta không thể tham vọng tiếp tục phát triển về mặt vật chất mà không chăm sóc ngôi nhà chung đang đón nhận chúng ta. Những người anh em nghèo nhất của chúng ta và đất mẹ của chúng ta đang rên siết vì những thiệt hại và bất công mà chúng ta đã gây ra và họ đòi hỏi một con đường khác. Họ đòi hỏi chúng ta một sự hoán cải, một sự thay đổi đường đi: cũng chăm sóc trái đất, công trình tạo dựng.

Do đó, điều quan trọng là phải khám phá lại chiều kích chiêm niệm này, nghĩa là nhìn ngắm trái đất, công trình tạo dựng như một món quà, chứ không phải như một thứ bị khai thác vì lợi nhuận. Khi chiêm niệm, chúng ta khám phá ra ở người khác và trong thiên nhiên điều gì đó lớn lao hơn nhiều so với tính hữu dụng của họ. Trọng tâm của vấn đề là ở đó: chiêm niệm, đó là vượt quá sự hữu dụng của một sự vật. Chiêm niệm vẻ đẹp không có nghĩa là khai thác nó: chiêm niệm là nhưng không. Chúng ta khám phá giá trị nội tại của những điều mà Thiên Chúa đã ban cho chúng. Như nhiều bậc thầy tâm linh đã dạy, bầu trời, trái đất và biển cả, mỗi thụ tạo đều có khả năng mang tính biểu tượng này, khả năng thần bí này để dẫn chúng ta trở về với Đấng Tạo Hóa và hiệp thông với công trình tạo dựng. Chẳng hạn, thánh Inhaxiô Loyola, khi kết thúc buổi linh thao, mời gọi chúng ta “chiêm niệm để đạt tới tình yêu”, nghĩa là xem xét làm thế nào Thiên Chúa ngắm nhìn các thụ tạo của Ngài và vui mừng với chúng; khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Ngài, và với sự tự do và ân sủng, yêu thương và chăm sóc chúng.

Chiêm niệm, vốn dẫn chúng ta đến thái độ chăm sóc, không phải là nhìn thiên nhiên từ bên ngoài, như thể chúng ta không đắm chìm trong đó. Nhưng chúng ta ở bên trong thiên nhiên, chúng ta là một phần của thiên nhiên. Đúng hơn, nó được thực hiện từ bên trong, nhận ra mình là một phần của thiên nhiên, trở thành những nhân vật chính, chứ không phải chỉ là những người quan sát về một thực tại vô định hình mà chỉ cần khai thác. Người chiêm niệm theo cách này sẽ cảm thấy sự ngạc nhiên thán phục không chỉ với những gì mình nhìn thấy, mà còn vì cảm thấy mình là một phần của vẻ đẹp này; và họ cũng cảm thấy được kêu gọi gìn giữ và bảo vệ nó. Và có một điều chúng ta không được quên: ai không biết chiêm niệm thiên nhiên, công trình tạo dựng, thì không biết chiêm niệm con người trong sự phong phú của họ. Và ai sống để khai thác thiên nhiên thì cuối cùng lại khai thác con người và đối xử với họ như nô lệ. Đó là một quy luật phổ quát: nếu không biết chiêm niệm thiên nhiên, thì sẽ rất khó biết cách chiêm niệmd con người, vẻ đẹp của con người, người anh em, chị em của mình mình.

Người biết chiêm niệm sẽ dễ dàng hành động để thay đổi những gì gây suy thoái và tổn hại đến sức khỏe. Họ sẽ dấn thân giáo dục và thúc đẩy những thói quen mới trong sản xuất và tiêu dùng, góp phần tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới đảm bảo sự tôn trọng ngôi nhà chung và tôn trọng con người.  Người chiêm niệm trong hành động có xu hướng trở thành người bảo vệ môi trường: điều đó thật đẹp! Mỗi chúng ta phải là người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự trong sạch của môi trường bằng cách tìm kiếm kết hợp kiến ​​thức tổ tiên của các nền văn hóa hàng nghìn năm tuổi với kiến ​​thức kỹ thuật mới, để lối sống của chúng ta luôn bền vững.

Cuối cùng, chiêm niệm và chăm sóc: đây là hai thái độ chỉ ra con đường để sửa chữa và tái cân bằng mối quan hệ của chúng ta với tư cách là con người với công trình tạo dựng. Rất thường xuyên, mối quan hệ của chúng ta với công trình tạo dựng dường như là mối quan hệ giữa những kẻ thù: phá hủy công trình tạo dựng vì lợi ích của tôi; khai thác công trình tạo dựng vì lợi ích của tôi. Chúng ta đừng quên rằng điều này phải trả giá đắt; chúng ta đừng quên câu ngạn ngữ Tây Ban Nha này: “Thiên Chúa luôn tha thứ; chúng ta đôi khi tha thứ; thiên nhiên không bao giờ tha thứ”. Hôm nay, tôi đọc trên báo một tin tức về hai sông băng lớn ở Nam Cực, gần Biển Amundsen: chúng sắp sụp đổ. Sẽ thật khủng khiếp vì mực nước biển sẽ dâng cao và điều đó sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và nhiều tác hại. Và tại sao? Vì sự nóng lên toàn cầu, thiếu sự quan tâm đến môi trường, thiếu sự quan tâm đến ngôi nhà chung. Trái lại, nếu chúng ta có mối quan hệ– tôi mạn phép dùng từ – “huynh đệ” này theo nghĩa bóng với công trình tạo dựng, thì chúng ta sẽ trở thành những người bảo vệ ngôi nhà chung, những người bảo vệ sự sống và những người bảo vệ niềm hy vọng, chúng ta sẽ bảo vệ di sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để thế hệ tương lai được hưởng. Và một số người có thể nói: “Nhưng tôi đang xoay xở tốt như vậy”. Nhưng vấn đề không phải là bạn xoay xở như thế nào ngày hôm nay – đó là điều mà một thần học gia Tin lành tài giỏi người Đức đã nói: Bonhoeffer – vấn đề không phải là bạn xoay xở như thế nào ngày hôm nay; vấn đề là: đâu sẽ là di sản, cuộc sống của thế hệ tương lai. Chúng ta hãy nghĩ đến con cháu: chúng ta sẽ để lại gì cho chúng nếu chúng ta khai thác công trình tạo dựng ? Chúng ta hãy bảo vệ con đường này, như thế chúng ta sẽ trở thành “những người bảo vệ” ngôi nhà chung, những người bảo vệ sự sống và niềm hy vọng. Chúng ta hãy bảo vệ di sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta, để các thế hệ tương lai có thể được hưởng lợi từ di sản đó. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người dân bản địa, những người mà tất cả chúng ta đều mắc nợ lòng biết ơn – và thậm chí cả việc sám hối, để sửa chữa mọi tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho họ. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những phong trào, hiệp hội, các nhóm bình dân này, những người dấn thân bảo vệ lãnh thổ của họ bằng các giá trị tự nhiên và văn hóa của mình. Những thực tại xã hội này không phải lúc nào cũng được đánh giá cao, thậm chí đôi khi chúng còn bị cản trở vì chúng không tạo ra tiền; nhưng trên thực tế, chúng góp phần tạo nên một cuộc cách mạng hòa bình, có thể gọi đó là “cuộc cách mạng chăm sóc”. Chiêm niệm để chăm sóc, chiêm niệm để bảo vệ, bảo vệ chính mình cũng như công trình tạo dựng, con cháu chúng ta và bảo vệ tương lai. Chiêm niệm để chăm sóc và bảo vệ, và để lại một di sản cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta không được ủy thác cho một số người nhiệm vụ của mỗi con người. Mỗi người chúng ta đều có thể và phải trở thành “người bảo vệ ngôi nhà chung”, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì các thụ tạo của Ngài, chiêm niệm các thụ tạo và bảo vệ chúng.

——————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30