BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 9. CHUẨN BỊ TƯƠNG LAI VỚI CHÚA GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ VÀ CHỮA LÀNH

Written by xbvn on Tháng Bảy 19th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Để khuyến khích chúng ta tạo ra một thế giới mới và tốt đẹp hơn, chúng ta phải nhìn vào Chúa Giêsu. Chính Người đổi mới và hòa giải mọi thụ tạo, đồng thời ban cho chúng ta những phương tiện cần thiết để yêu thương và chữa lành, như chính Người đã làm. Để đạt được điều này, chúng ta phải chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mỗi con người và mỗi thụ tạo. Mỗi người đều được Thiên Chúa nghĩ đến, mong muốn, yêu thương, mỗi người đều cần thiết. Sự thật sâu xa này khiến chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô nơi những người anh em nghèo khổ và đau khổ của chúng ta, đồng thời gặp gỡ họ và lắng nghe nỗi đau khổ của họ. Khi đó chúng ta sẽ có thể góp phần tổ chức các xã hội của chúng ta theo Nước Thiên Chúa, trên cơ sở của sự chia sẻ, tham gia của mỗi người và của sự cho đi. Những sự bất bình đẳng lớn đang ngự trị trên thế giới không phải là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi. Chúng là công trình của con người. Điều cấp thiết là phải áp dụng những chính sách tốt, thiết kế các hệ thống kinh tế xã hội nhằm thúc đẩy sự tham gia, sự quan tâm và lòng quảng đại thay vì sự thờ ơ, khai thác và những lợi ích riêng. Một xã hội liên đới trong đó mỗi người đều được quan tâm là một xã hội kháng cự  mọi loại vi rút tốt hơn.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 30/9/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong những tuần gần đây, chúng ta đã cùng nhau suy tư, dưới ánh sáng Tin Mừng, về cách chữa lành thế giới đang phải chịu sự bất ổn mà đại dịch đã làm nổi bật và tăng thêm. Có một sự bất ổn: đại dịch đã làm nổi bật nó nhiều hơn, gia tăng nó hơn. Chúng ta đã lướt qua những con đường của phẩm giá, tình liên đớitính bổ trợ, những con đường thiết yếu để thăng tiến phẩm giá con người và công ích. Và với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã đề nghị đi theo bước chân của Người bằng cách chọn lựa cho người nghèo, suy nghĩ lại việc sử dụng của cảichăm sóc ngôi nhà chung. Giữa cơn đại dịch đang tấn công chúng ta, chúng ta đã bám chặt vào các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, để mình được hướng dẫn bởi đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng ta tìm thấy ở đó một sự trợ giúp vững chắc để trở thành những tác nhân biến đổi, có ước mơ lớn, không dừng lại ở thái độ ti tiện gây tổn thương và chia rẽ, nhưng khuyến khích tạo ra một thế giới mới và tốt đẹp hơn.

Tôi muốn cuộc hành trình này không kết thúc với các bài giáo lý của tôi, nhưng chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau tiến bước, “chăm chăm nhìn vào Chúa Giêsu” (Dt 12, 2), như chúng ta đã nghe lúc đầu; cái nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng cứu độ và chữa lành thế giới. Như Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chữa lành mọi loại bệnh tật (x. Mt 9, 35), Người cho người mù được sáng, người câm nói được, người điếc nghe được. Và khi Người chữa lành bệnh tật và yếu đuối thể xác, Người cũng chữa lành tinh thần bằng cách tha thứ tội lỗi, bởi vì Chúa Giêsu luôn tha thứ, cũng như “những nỗi đau xã hội” bằng cách bao hàm cả những người bị loại trừ (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1421). Chúa Giêsu, Đấng đổi mới và hòa giải mỗi thụ tạo (x. 2 Cr 5, 17; Cl 1, 19-20), ban cho chúng ta những ân huệ cần thiết để yêu thương và chữa lành như Người đã làm (x. Lc 10, 1-9; Ga 15, 9-17), để chăm sóc mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hay quốc gia.

Để điều này thực sự xảy ra, chúng ta cần chiêm ngưỡng và đánh giá cao vẻ đẹp của mỗi con người và mỗi thụ tạo. Chúng ta đã được cưu mang trong trái tim của Thiên Chúa (x. Ep 1, 3-5). “Mỗi người chúng ta là kết quả của một ý nghĩ của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được mong muốn, mỗi người chúng ta đều được yêu thương, mỗi người đều cần thiết” (Bênêđíctô XVI, Bài giảng khai mạc thừa tác vụ Phêrô, 24 tháng 4 năm 2005); xem Thông điệp Laudato si’, số 65). Hơn nữa, mỗi thụ tạo đều có điều gì đó để nói với chúng ta về Thiên Chúa sáng tạo (x. Thông điệp Laudato si’, số 69. 239). Nhận ra sự thật này và tạ ơn vì những mối liên hệ mật thiết của sự hiệp thông phổ quát với mọi người và mọi thụ tạo, sẽ thực hiện “sự bảo vệ quảng đại và tràn đầy dịu dàng” (ibid., số 220). Và cũng giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em nghèo khổ và đau khổ của chúng ta, gặp gỡ họ và lắng nghe tiếng kêu của họ cũng như tiếng kêu của trái đất vang vọng tiếng kêu của họ (x. ibid., số 49 ).

Được động viên từ bên trong bởi những tiếng kêu đòi chúng ta đi theo một con đường khác (x. ibid., số 53), đòi chúng ta thay đổi, chúng ta sẽ có thể góp phần chữa lành các mối quan hệ bằng các ân huệ và khả năng của chúng ta (x. ibid ., số 19). Chúng ta sẽ có thể tái tạo xã hội và không quay trở lại cái gọi là “trạng thái bình thường”, vốn là một sự bình thường bệnh hoạn, và trên thực tế, đã bị bệnh từ trước đại dịch: đại dịch đã làm nổi bật điều đó! “Bây giờ chúng ta hãy trở lại trạng thái bình thường”: không, điều đó không ổn, bởi vì trạng thái bình thường này đã bệnh hoạn với những bất công, bất bình đẳng và suy thoái môi trường. Sự bình thường mà chúng ta được mời gọi là sự bình thường của Nước Thiên Chúa, nơi “kẻ mù thấy được, kẻ què được đi, người cùi được chữa lành và kẻ điếc nghe được, người chết sống lại và người nghèo được loan báo Tin Mừng” (Mt 11, 5 ). Và đừng ai tỏ ra vô tội bằng cách nhìn sang hướng khác. Đây là điều chúng ta cần làm để thay đổi. Trong trạng thái bình thường của Nước Thiên Chúa, bánh ăn sẽ đến với mọi người và vẫn còn dư thừa, việc tổ chức xã hội dựa trên sự đóng góp, chia sẻ và phân phối, chứ không dựa trên chiếm hữu, loại trừ và tích lũy (x. Mt 14, 13-21).

Cử chỉ làm cho một xã hội, một gia đình, một khu phố, một thành phố, mọi người tiến tới, đó là cử chỉ hiến thân, cho đi; đó không phải là bố thí, mà là một cách hiến thân xuất phát từ trái tim. Một cử chỉ gạt bỏ tính ích kỷ và nỗi lo chiếm hữu. Nhưng cách làm của Kitô giáo không phải là cách máy móc: đó là cách của con người. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà đại dịch đã làm nổi bật, một cách máy móc, bằng những công cụ mới – vốn rất quan trọng, giúp chúng ta tiến về phía trước và không được sợ hãi – biết rằng ngay cả những phương tiện tinh vi nhất, có thể làm được nhiều việc, cũng sẽ không thể làm được một điều: trao ban sự dịu dàng. Và sự dịu dàng chính là dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Đó là đến gần người lân cận để bước đi cùng nhau, để chữa lành, để giúp đỡ, để hy sinh bản thân vì người khác.

Do đó, tình trạng bình thường này của Nước Thiên Chúa là rất quan trọng: bánh ăn hãy đến tay mọi người, việc tổ chức xã hội hãy dựa trên sự đóng góp, chia sẻ, phân phối, với sự dịu dàng, chứ không dựa trên chiếm hữu, loại trừ và tích lũy. Vì đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ chẳng mang theo được gì vào đời sau!

Một loại virus nhỏ tiếp tục gây ra những vết thương sâu sắc và vạch trần tính dễ bị tổn thương về thể chất, xã hội và tinh thần của chúng ta. Nó phơi bày sự bất bình đẳng to lớn đang ngự trị trên thế giới: sự bất bình đẳng về cơ hội, của cải, khả năng tiếp cận y tế, công nghệ, giáo dục: hàng triệu trẻ em không thể đến trường, và danh sách này vẫn tiếp tục. Những bất công này không phải là tự nhiên hay không thể tránh khỏi. Chúng là công việc của con người, chúng đến từ một mô hình tăng trưởng tách rời khỏi những giá trị sâu xa hơn. Lãng phí thức ăn thừa từ một bữa ăn: với sự lãng phí này chúng ta có thể nuôi sống tất cả mọi người. Và điều này đã khiến nhiều người mất hy vọng và làm tăng thêm sự bất an, lo lắng. Đó là lý do tại sao, để thoát khỏi đại dịch, chúng ta phải tìm ra phương thuốc không chỉ cho virus Corona – điều này rất quan trọng! – mà còn đối với các loại virus lớn của con người và kinh tế xã hội. Không cần phải che giấu chúng, bằng cách quét một chút sơn để chúng không lộ ra. Và chắc chắn chúng ta không thể mong đợi mô hình kinh tế vốn là nền tảng của sự phát triển bất công và không bền vững sẽ giải quyết các vấn đề của chúng ta. Nó đã không làm điều đó và nó sẽ không làm điều đó, bởi vì nó không thể làm được điều đó, mặc dù một số ngôn sứ giả vẫn tiếp tục hứa hẹn về “hiệu ứng nhỏ giọt” không bao giờ xảy ra (“Trickle-down effect” trong tiếng Anh, “derrame” trong tiếng Tây Ban Nha; xem Tông huấn Evangelii gaudium, số 54). Có lẽ anh chị em đã từng nghe nói đến định lý về chiếc ly: điều quan trọng là cái ly phải đầy và do đó cái được chứa trong ly sẽ tràn ra cho người nghèo và những người khác, thì họ sẽ nhận được của cải. Nhưng một hiện tượng xảy ra: chiếc cốc bắt đầu đầy và khi nó gần đầy, nó cứ lớn dần lên, lớn dần và sự nhỏ giọt không bao giờ diễn ra. Hãy cẩn thận.

Chúng ta phải bắt đầu làm việc khẩn trương để tạo ra những chính sách tốt, xác định các hệ thống tổ chức xã hội trong đó sự tham gia, sự chăm sóc và lòng quảng đại được khen thưởng, thay vì sự thờ ơ, khai thác và những lợi ích riêng. Chúng ta phải tiến về phía trước với sự dịu dàng. Một xã hội liên đới và công bằng là một xã hội lành mạnh hơn. Một xã hội có sự tham gia – nơi “những người rốt hết” cần được coi là “người đầu tiên” – sẽ củng cố sự hiệp thông. Một xã hội nơi sự đa dạng được tôn trọng sẽ có khả năng chống lại mọi loại vi rút tốt hơn nhiều.

Chúng ta hãy đặt con đường chữa lành này dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Sức Khỏe. Xin Mẹ là Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng giúp chúng ta vững tin. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta sẽ có thể cùng nhau làm việc vì Nước Thiên Chúa mà Chúa Kitô đã khai mở trên trần gian này, bằng cách đến giữa chúng ta. Đó là Vương quốc của ánh sáng giữa bóng tối, của công lý giữa nhiều xúc phạm, của niềm vui giữa nhiều nỗi buồn, của sự chữa lành và cứu rỗi giữa bệnh tật và cái chết, của sự dịu dàng giữa sự hận thù. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng “lan truyền virus” tình yêu và toàn cầu hóa niềm hy vọng dưới ánh sáng đức tin.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31