BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 10. « CHÚA THÁNH THẦN, HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN

Written by xbvn on Tháng Mười 23rd, 2024. Posted in Gia đình, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Hôm nay, tôi muốn tập trung vào chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong bí tích hôn nhân, bắt đầu từ thánh Augustinô. Ngài giải thích rằng tình yêu đòi hỏi một người yêu, một người được yêu và chính tình yêu kết hợp họ. Trong Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là Đấng được yêu thương, và Chúa Thánh Thần là tình yêu kết hợp các Ngài. Cũng thế, trong hôn nhân, biểu lộ sự hiệp thông tình yêu tự hiến của Ba Ngôi. Vì vậy, việc kêu cầu Thánh Thần tình yêu, nguồn mạch của sự hiệp nhất, để nâng đỡ hồng ân vợ chồng trong bí tích và đổi mới niềm vui được sống cùng nhau là điều cần thiết và thật tốt khi nhấn mạnh điều này trong việc chuẩn bị cho hôn nhân.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 23/10/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Lần trước, chúng ta đã giải thích điều mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính về Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, suy tư của Giáo hội không dừng lại ở việc tuyên xưng đức tin ngắn gọn này. Nó tiếp tục, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, qua công việc của các đại Giáo phụ và Tiến sĩ của Giáo hội. Đặc biệt hôm nay, chúng ta muốn thu thập một vài mẩu giáo thuyết về Chúa Thánh Thần được phát triển theo truyền thống Latinh, để xem làm thế nào truyền thống này soi sáng cho toàn bộ đời sống Kitô hữu và, đặc biệt hơn, cho bí tích hôn nhân.

Người thúc đẩy chính của học thuyết này là thánh Augustinô, ngài đã phát triển giáo thuyết về Chúa Thánh Thần. Ngài khởi đi từ mạc khải rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8). Nhưng tình yêu đòi phải một người yêu, một người được yêu, và chính tình yêu kết hợp họ. Trong Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng yêu thương, là nguồn mạch và khởi đầu của mọi sự; Chúa Con là Đấng được yêu thương, và Chúa Thánh Thần là tình yêu kết hợp các Ngài [1]. Do đó, Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “độc nhất”, nhưng không đơn độc; Ngài là sự hiệp nhất của sự hiệp thông và tình yêu. Trong nhãn quan này, một số người đã đề xuất gọi Chúa Thánh Thần không phải là “ngôi thứ ba” số ít của Ba Ngôi, mà là “ngôi thứ nhất số nhiều”. Nói cách khác, Ngài là Đấng Chúng-Ta, Đấng Chúng-Ta thần linh của Chúa Cha và Chúa Con, là mối dây hiệp nhất giữa những ngôi vị khác nhau [2], là chính nguyên tắc của sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn chính là một “thân thể duy nhất”, kết quả của nhiều người.

Như tôi đã nói, hôm nay tôi muốn suy tư với anh chị em cách đặc biệt về những gì Chúa Thánh Thần nói với gia đình. Chẳng hạn, Chúa Thánh Thần có thể liên quan gì đến hôn nhân? Rất nhiều, có lẽ là điều cốt yếu, và tôi đang cố gắng giải thích tại sao! Hôn nhân Kitô giáo là bí tích trao hiến bản thân, người này cho người kia, người nam và người nữ. Đây chính là điều Đấng Tạo Hóa mong muốn khi Ngài “dựng nên con người theo hình ảnh Ngài […]: Ngài dựng nên họ có nam có nữ” (Stk 1, 27). Do đó, vợ chồng nhân loại là sự thể hiện đầu tiên và sơ đẳng nhất về sự hiệp thông tình yêu là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Vợ chồng cũng phải hình thành nên một ngôi thứ nhất số nhiều, một “chúng ta”. Đứng trước nhau với tư cách là “anh” và “em”, và đứng trước phần còn lại của thế giới, bao gồm cả con cái, với tư cách là “chúng ta”. Thật tuyệt vời biết bao khi được nghe một người mẹ nói với con mình: “Cha của con và mẹ…”, như Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu khi các ngài tìm thấy Chúa Giêsu lúc 12 tuổi đang giảng dạy cho các tiến sĩ trong đền thờ (x. Lc 2, 48), và khi nghe người cha nói: “Mẹ con và cha”, như thể họ tạo thành một chủ thể độc nhất. Con cái cần biết bao sự hiệp nhất này – cha và mẹ cùng nhau – sự hiệp nhất của cha mẹ và chúng đau khổ biết bao khi thiếu vắng điều đó! Thật đau khổ biết bao, những đứa con có cha mẹ chia tay nhau, chúng đau khổ biết bao!

Tuy nhiên, để đáp ứng ơn gọi này, hôn nhân cần sự nâng đỡ của Đấng là Hồng Ân, hay đúng hơn là hồng ân tự hiến tuyệt hảo. Nơi nào Chúa Thánh Thần ngự vào, khả năng hiến thân được tái sinh. Một số Giáo Phụ khẳng định rằng, là hồng ân hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần cũng là lý do của niềm vui ngự trị giữa các Ngài, và các Giáo Phụ không ngại sử dụng, để nói về điều đó, hình ảnh những cử chỉ riêng của đời sống hôn nhân, chẳng hạn như nụ hôn và ôm hôn [3].

 Không ai nói rằng sự hiệp nhất như vậy là một mục tiêu dễ dàng đạt được, đặc biệt là trong thế giới ngày nay; nhưng đó là chân lý của các sự vật như Đấng Tạo Hóa đã dự kiến và do đó nằm trong bản tính của chúng. Chắc chắn, việc xây dựng trên cát có vẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn là trên đá, nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta biết đâu là kết quả (x. Mt 7, 24-27). Trong trường hợp này, chúng ta thậm chí không cần đến dụ ngôn, vì hậu quả của những cuộc hôn nhân xây trên cát rất tiếc là mọi người đều có thể nhìn thấy được, và đặc biệt là những đứa con phải trả giá cho điều đó. Con cái đau khổ vì sự chia tay hoặc thiếu tình yêu thương của cha mẹ! Trong số rất nhiều cặp vợ chồng, cần phải lặp lại điều Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu tại Cana miền Galilê: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3). Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp tục thực hiện, trên bình diện tâm linh, phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm trong dịp này, đó là biến nước thói quen thành niềm vui mới được sống với nhau. Đây không phải là một ảo tưởng đạo đức: đây là điều Chúa Thánh Thần đã làm trong rất nhiều cuộc hôn nhân, khi các cặp vợ chồng quyết định cầu khẩn Ngài.

Vì vậy, sẽ không tệ nếu bên cạnh những thông tin có tính chất pháp lý, tâm lý và đạo đức được đưa ra để chuẩn bị cho các cặp đính hôn bước vào hôn nhân, chúng ta đào sâu sự chuẩn bị “tâm linh” này: Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên sự hiệp nhất.  Ngạn ngữ Ý có câu: “Đừng bao giờ đặt ngón tay vào, đừng bao giờ can thiệp vào giữa vợ và chồng”. Trái lại, có một “ngón tay” được đặt giữa vợ chồng, “ngón tay của Thiên Chúa”: đó là Chúa Thánh Thần!

__________

[1] Cf. saint Augustin, De Trinitate, VIII, 10, 14.

[2] Cf. H. Mühlen, Una mystica persona. L’Église comme mystère de l’Esprit Saint, Città Nuova, 1968.

[3] Cfr S. Ilario di Poitiers, De Trinitate, II,1; S. Agostino, De Trinitate, VI, 10,11.

———————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31