BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Tiếp tục loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội, giờ đây chúng ta xem xét ân huệ của Chúa Thánh Thần được lãnh nhận trong Bí tích Thêm Sức. Trong Bí tích này, qua việc đặt tay, chúng ta nhận được ấn tín không thể xóa nhòa của Chúa Thánh Thần, thúc đẩy chúng ta loan truyền và bảo vệ đức tin với tư cách là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô trên thế giới. Bí tích Thêm sức làm gia tăng và đào sâu sự sống của Chúa Thánh Thần được đổ xuống trên chúng ta khi lãnh Bí tích Rửa tội và khuyến khích chúng ta tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần hướng dẫn những người trẻ lãnh nhận Bí tích này hướng tới một cuộc gặp gỡ cá nhân sâu xa hơn với Chúa và dấn thân quảng đại hơn trong việc loan truyền Tin Mừng trong những năm tới.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 30/10/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục suy tư về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội qua các Bí tích.
Hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần đạt tới chúng ta chủ yếu qua hai kênh: Lời Chúa và các Bí tích. Và trong số tất cả các Bí tích, có một Bí tích tinh túy nhất là Bí tích của Chúa Thánh Thần, và đó là điều tôi muốn tập trung hôm nay. Đó là Bí tích Thêm Sức.
Trong Tân Ước, ngoài phép rửa bằng nước, một nghi thức khác được đề cập đến, đó là nghi thức đặt tay, có mục đích thông ban Chúa Thánh Thần một cách hữu hình và một cách đặc sủng, với những hiệu quả tương tự như những hiệu quả được thực hiên qua các Tông đồ trong Lễ Ngũ Tuần. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến một tình tiết quan trọng về vấn đề này. Khi nghe tin có một số người ở Samari đã nhận được Lời Chúa, các ngài đã cử Phêrô và Gioan từ Giêrusalem đến đó. Các ngài “đến và cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ, hai ông đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần” (8, 14-17).
Thêm vào đó là những gì thánh Phaolô viết trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (1, 21-22). Sự bảo đảm của Thánh Thần. Chủ đề về Chúa Thánh Thần như một “ấn tín vương giả” mà Chúa Kitô dùng để đánh dấu đoàn chiên của Người là nền tảng của giáo thuyết về “đặc tính không thể xóa nhòa” được trao ban qua nghi lễ này.
Với thời gian trôi qua, nghi lễ xức dầu tự nó đã hình thành như một Bí tích, mang những hình thức và nội dung đa dạng trong các thời đại và nghi lễ khác nhau của Giáo hội. Đây không phải là nơi để vạch lại lịch sử rất phức tạp này. Đối với tôi, theo cách hiểu của Giáo hội, Bí tích Thêm sức là gì dường như được mô tả một cách rất đơn giản và rõ ràng trong Sách Giáo lý dành cho người lớn của Hội đồng Giám mục Ý: “Bí tích Thêm Sức đối với mọi tín hữu như Lễ Ngũ Tuần đối với toàn thể Giáo hội. … Bí tích này củng cố việc kết hợp với Chúa Kitô và Giáo hội qua Bí tích Rửa tội cũng như việc thánh hiến cho sứ mạng ngôn sứ, vương giả và tư tế. Bí tích Thêm Sức thông ban các ân huệ phong phú của Chúa Thánh Thần. …Do đó, nếu Bí tích Rửa tội là Bí tích của sự sinh ra, thì Bí tích Thêm sức là Bí tích của sự tăng trưởng. Chính vì lý do này, đó cũng là Bí tích của chứng tá, vì điều này gắn liền với sự trưởng thành của đời sống Kitô hữu”[1].
Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo rằng Bí tích Thêm sức không bị giảm thiểu, trên thực tế, thành “nghi lễ cuối cùng”, tức là Bí tích “rời khỏi” Giáo hội. Người ta nói rằng đó là Bí tích chia tay, bởi vì một khi người trẻ lãnh nhận Bí tích này, thì họ sẽ ra đi và sau đó trở lại để kết hôn. Đây là những gì người ta nói… nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng đó đúng hơn là Bí tích của sự tham gia, tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội. Đó là một mục tiêu dường như không thể thực hiện được, xét đến tình hình hiện tại trong toàn Giáo hội, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên ngừng theo đuổi nó. Điều này sẽ không xảy ra đối với tất cả những người lãnh nhận Bí tích Thêm sức, trẻ em hay người lớn, nhưng điều quan trọng là ít nhất đối với một số người sau đó sẽ trở thành những người linh hoạt cộng đoàn.
Vì mục đích này, có thể hữu ích khi được giáo dân giúp đỡ trong việc chuẩn bị lãnh nhận Bí tích, những người đã có cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô và đã có kinh nghiệm thực sự về Chúa Thánh Thần. Một số người nói rằng họ đã trải nghiệm điều đó như sự nở rộ của Bí tích Thêm Sức được lãnh nhận khi còn nhỏ.
Nhưng điều này không chỉ liên quan đến những người lãnh nhận Bí tích Thêm sức trong tương lai; nó liên quan đến tất cả chúng ta và bất cứ lúc nào. Cùng với Bí tích Thêm sức và xức dầu, Thánh Tông đồ bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta cũng đã nhận được bảo chứng của Chúa Thánh Thần, mà ở nơi khác ngài gọi là “hoa quả đầu mùa của Chúa Thánh Thần” (Rm 8, 23). Chúng ta phải “sử dụng” bảo chứng này, thưởng thức những hoa quả đầu mùa này, chứ không phải chôn vùi dưới lòng đất những đặc sủng và tài năng đã nhận được.
Thánh Phaolô đã khuyên nhủ môn đệ Timôthê “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1, 6), và động từ được sử dụng gợi lên hình ảnh của người thổi vào lửa để hồi sinh ngọn lửa. Đây là một mục tiêu tốt cho Năm Thánh! Để loại bỏ tro tàn của thói quen và sự thiếu dấn thân, để trở thành những người mang ngọn lửa Thánh Thần, giống như những người mang đuốc tại Thế vận hội. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện vài bước theo hướng này!
—————————————
[1] La verità vi farà liberi. Catechismo degli adulti. Vatican Publishing House 1995, p. 324.
————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Bí-tích, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO