BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội, bây giờ chúng ta xem xét vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện bằng trái tim. Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn chúng ta và chứng thực rằng, trong sự kết hợp với Chúa Phục Sinh, chúng ta thực sự là con cái của Cha trên trời. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta thực sự cầu nguyện như chúng ta phải làm, cả về mặt cá nhân lẫn trong việc cử hành Phụng vụ của Giáo hội. Với tư cách là “Đấng Bảo Trợ”, Đấng Bào Chữa và Đấng An Ủi của chúng ta, Chúa Thánh Thần không chỉ chuyển cầu cho chúng ta, mà còn giúp chúng ta, trong sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô, làm điều tương tự cho nhu cầu của anh chị em chúng ta. Khi chúng ta trông chờ Năm Thánh sắp tới, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta và toàn thể gia đình nhân loại những ơn của Ngài là thánh thiện, hiệp nhất, công lý và hòa bình.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 6/11/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Ngoài Lời Chúa và các Bí tích, tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần còn được thể hiện trong lời cầu nguyện, và chính vì điều này mà chúng ta muốn dành buổi suy tư hôm nay: cầu nguyện. Chúa Thánh Thần vừa là chủ thể vừa là đối tượng của kinh nguyện Kitô giáo. Nghĩa là, Ngài là Đấng ban lời cầu nguyện và Ngài là Đấng được ban qua lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện để nhận được Chúa Thánh Thần, và chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần để thực sự cầu nguyện, nghĩa là, như con cái của Thiên Chúa, chứ không phải như nô lệ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này: hãy cầu nguyện như con cái Thiên Chúa, chứ không phải như nô lệ. Người ta phải luôn cầu nguyện với sự tự do. “Hôm nay tôi phải cầu nguyện cho điều này, điều này và điều này, bởi vì tôi đã hứa điều này, điều này và điều này. Nếu không, tôi sẽ xuống địa ngục”. Không, đó không phải là lời cầu nguyện! Cầu nguyện là tự do. Anh chị em cầu nguyện khi Thánh Linh giúp anh chị em cầu nguyện. Anh chị em cầu nguyện khi anh chị em cảm thấy cần phải cầu nguyện trong lòng, và khi anh chị em không cảm thấy gì cả, anh chị em dừng lại và hỏi: “Tại sao tôi không cảm thấy muốn cầu nguyện? Điều gì đang xảy ra trong cuộc đời tôi?”. Nhưng luôn luôn, sự tự phát trong cầu nguyện là điều giúp ích cho chúng ta nhiều nhất. Đây là ý nghĩa của việc cầu nguyện như con cái, chứ không phải như nô lệ.
Trước hết, chúng ta phải cầu nguyện để nhận được Chúa Thánh Thần. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã có một lời rất rõ ràng trong Tin Mừng: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11, 13). Mọi người, mỗi người chúng ta, đều biết mang lại những điều tốt đẹp cho các em nhỏ, dù đó là con cháu, ông bà hay bạn bè của chúng ta. Các em nhỏ luôn nhận được những điều tốt đẹp từ chúng ta. Làm sao, Chúa Cha sẽ không ban Thánh Thần cho chúng ta ? Và điều này sẽ cho chúng ta lòng can đảm để tiếp tục thực hiện điều này. Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần luôn ngự xuống khi cầu nguyện. Ngài ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan, khi Người “đang cầu nguyện” (Lc 3, 21), và Ngài ngự xuống trên các môn đệ vào Lễ Ngũ Tuần, khi các ngài “đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1, 14).
Đó là “sức mạnh” duy nhất mà chúng ta có trên Thánh Thần của Thiên Chúa. Sức mạnh của lời cầu nguyện: Ngài không chống lại lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện, và Ngài ngự đến. Trên núi Carmel, các ngôn sứ giả của Baal – hãy nhớ lại đoạn Thánh Kinh đó – đã kích động để cầu khẩn lửa từ trời xuống trên lễ vật của họ, nhưng không có gì xảy ra, bởi vì họ là những kẻ thờ ngẫu tượng, họ tôn thờ một Thiên Chúa không tồn tại. Êlia bắt đầu cầu nguyện và lửa giáng xuống thiêu rụi lễ vật (x. 1V 18, 20-38). Giáo hội trung thành noi gương này: Giáo hội luôn cầu xin với Chúa Thánh Thần: “Xin Ngài ngự đến ! Xin Ngài ngự đến !”, bất cứ khi nào Giáo hội thưa với Chúa Thánh Thần : “Xin Ngài ngự đến !”. Và Giáo hội làm điều này đặc biệt trong Thánh Lễ, để Ngài có thể ngự xuống như sương và thánh hóa bánh và rượu cho hy lễ Thánh Thể.
Nhưng có một khía cạnh khác, quan trọng và đáng khích lệ nhất đối với chúng ta: Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta lời cầu nguyện đích thực. Thánh Phaolô khẳng định điều này: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (x. Rm 8, 26-27). Đúng là chúng ta không biết cách cầu nguyện, chúng ta không biết. Chúng ta phải học hỏi mỗi ngày. Lý do cho sự yếu kém trong lời cầu nguyện của chúng ta trước đây được diễn tả chỉ bằng một từ, được dùng theo ba cách khác nhau: như một tính từ, như một danh từ và như một trạng từ. Nó rất dễ nhớ, ngay cả đối với những người không biết tiếng Latinh, và nó đáng để ghi nhớ ba điều này, bởi vì nó chứa đựng cả một chuyên luận. Theo câu nói đó, con người chúng ta “mali, mala, male petimus”, có nghĩa là người xấu xa (mali), chúng ta cầu xin những điều xấu xa/sai trái (mala) và theo cách xấu xa/sai trái (male). Chúa Giêsu nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa… còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33); thay vào đó, chúng ta tìm kiếm cái dư thừa, tức là các lợi ích của mình – nhiều lần – và chúng ta hoàn toàn quên cầu xin Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Nước Thiên Chúa từ Chúa, và với Ngài mọi sự sẽ đến. Vâng, Chúa Thánh Thần đến để giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, nhưng Ngài còn làm một điều quan trọng hơn nữa: Ngài chứng thực với chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và đặt trên môi chúng ta lời kêu: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15; Gl 4, 6). Chúng ta không thể thưa “Abba, Cha ơi”. Chúng ta không thể thưa “Cha ơi” nếu không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Kinh nguyện Kitô giáo không phải là con người ở một đầu điện thoại, nói chuyện với Chúa ở đầu kia; không, chính Thiên Chúa cầu nguyện trong chúng ta! Chúng ta cầu nguyện với Chúa qua Chúa. Cầu nguyện có nghĩa là đặt mình vào trong Thiên Chúa, để Thiên Chúa đi vào trong chúng ta. Chính trong lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần được mặc khải là “Đấng Bảo Trợ”, nghĩa là Đấng bào chữa và bảo vệ. Ngài không buộc tội chúng ta trước Chúa Cha, nhưng bảo vệ chúng ta. Vâng, Ngài bảo vệ chúng ta, Ngài thuyết phục chúng ta về sự thật rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi (x. Ga 16,8), nhưng Ngài làm như vậy để giúp chúng ta có thể thưởng nếm niềm vui của lòng thương xót của Chúa Cha, chứ không phải hủy diệt chúng ta với những cảm giác tội lỗi vô ích. Ngay cả khi lòng chúng ta trách móc chúng ta về điều gì đó, Ngài nhắc nhở chúng ta rằng “Thiên Chúa lớn hơn lòng chúng ta” (1 Ga 3, 20). Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng hãy nghĩ: có lẽ một số người trong anh chị em – tôi không biết – rất sợ hãi vì những điều họ đã làm, sợ bị Thiên Chúa khiển trách, sợ nhiều điều và không thể tìm được bình an. Hãy cầu nguyện, hãy kêu cầu Chúa Thánh Thần và Ngài sẽ dạy anh chị em cách cầu xin sự tha thứ. Và anh chị em có biết điều gì không? Chúa không biết nhiều ngữ pháp, và khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Và anh chị em có biết điều gì không ? Thiên Chúa không biết nhiều về ngữ pháp, và khi chúng ta cầu xin sự tha thứ, thì Ngài không để chúng ta nói hết! “Tha…” và ở đó, Ngài không để chúng ta nói xong từ tha thứ. Ngài tha thứ cho chúng ta trước, Ngài luôn tha thứ, và Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta để tha thứ cho chúng ta, trước khi chúng ta nói xong từ tha thứ. Chúng ta nói “Tha…” và Chúa Cha luôn tha thứ cho chúng ta.
Chúa Thánh Thần chuyển cầu và Ngài cũng dạy chúng ta cách chuyển cầu cho anh chị em chúng ta – Ngài chuyển cầu cho chúng ta và dạy chúng ta cách chuyển cầu cho người khác. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện chuyển cầu: cầu nguyện cho người này, cầu nguyện cho người bệnh kia, cho người đang ở tù, cầu nguyện… thậm chí cầu nguyện cho mẹ chồng của mình! Và hãy luôn luôn cầu nguyện. Luôn luôn. Lời cầu nguyện này đặc biệt đẹp lòng Thiên Chúa, vì nó là lời cầu nguyện nhưng không và vị tha nhất. Khi ai đó cầu nguyện cho mọi người, thì – như thánh Ambrôsiô thường nói – xảy ra rằng mọi người đều cầu nguyện cho ai đó; lời cầu nguyện nhân lên. [1] Cầu nguyện là như thế. Đây là một nhiệm vụ rất quý giá và cần thiết trong Giáo hội, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh: hiệp nhất với Đấng Bảo Trợ, Đấng “chuyển cầu cho tất cả chúng ta theo kế hoạch của Thiên Chúa”. Nhưng xin đừng cầu nguyện như những con vẹt! Đừng nói: “Blah, blah, blah…”. Không. Hãy nói “Lạy Chúa”, nhưng hãy nói bằng trái tim của anh chị em. “Lạy Chúa, xin giúp con”, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Và khi anh chị em cầu nguyện Kinh Lạy Cha, hãy cầu nguyện “Lạy Cha, Ngài là Cha của con”. Hãy cầu nguyện bằng trái tim, chứ không phải bằng môi miệng; đừng giống như những con vẹt.
Xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta trong lời cầu nguyện, điều mà chúng ta rất cần. Cảm ơn anh chị em.
—————————-
—————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Đầu buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước bức tượng Đức Trinh Nữ của những người bị bỏ rơi, với những lời sau:
“Tôi muốn đón chào Đức Mẹ của những người bị bỏ rơi, Bổn Mạng của Valencia; Valencia, nơi đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, và các khu vực khác của Tây Ban Nha, nhưng Valencia đang chìm trong nước lũ và đau khổ. Tôi muốn Mẹ ở đây, Đấng bảo trợ của Valencia. Bức tượng nhỏ này mà chính những người Valencia đã tặng cho tôi. Hôm nay, một cách đặc biệt, chúng ta hãy cầu nguyện cho Valencia và cho các khu vực khác của Tây Ban Nha đang phải chịu đau khổ vì nước lũ.“
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO