BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Written by xbvn on Tháng Mười Một 13th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Tiếp tục loạt bài giáo của chúng ta về Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội, giờ đây chúng ta xem xét mối tương quan độc đáo của Chúa Thánh Thần với Đức Trinh Nữ Maria. Trong công cuộc của Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đức Mẹ đóng một vai trò đặc biệt. Thánh Phanxicô Assidi từng mô tả Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, vì qua lời “fiat” – lời “xin vâng” của Mẹ đối với kế hoạch của Chúa Cha – Mẹ đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa nhập thể. Được tràn đầy Thánh Thần, Mẹ trở thành môn đệ đầu tiên của Chúa và là mẫu mực cho mọi môn đệ Kitô hữu. Nhờ sự hiện diện và chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, xin Mẹ dạy chúng ta trở nên ngoan ngoãn như Mẹ trước những thúc đẩy của Thánh Thần, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và ra đi trong bác ái để đáp ứng nhu cầu của anh chị em chúng ta.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 13/11/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong số những phương tiện khác nhau mà Chúa Thánh Thần dùng để thực hiện công cuộc thánh hóa của Ngài trong Giáo hội – Lời Chúa, các Bí tích, cầu nguyện – có một phương tiện hoàn toàn đặc biệt, và đó là lòng sùng kính Đức Mẹ. Trong truyền thống Công giáo có khẩu hiệu này: “Ad Iesum per Mariam”, nghĩa là “đến với Chúa Giêsu qua Đức Maria”. Đức Mẹ cho chúng ta gặp Chúa Giêsu. Mẹ luôn mở cửa cho chúng ta! Đức Mẹ là người mẹ dắt tay chúng ta đến với Chúa Giêsu. Đức Mẹ không bao giờ chỉ tay vào chính mình, Đức Mẹ chỉ vào Chúa Giêsu. Và đây là lòng sùng kính Đức Mẹ: đến với Chúa Giêsu qua bàn tay của Đức Mẹ. Đấng trung gian thực sự và duy nhất giữa chúng ta và Chúa Kitô, được chính Chúa Giêsu chỉ ra, là Chúa Thánh Thần. Đức Maria là một trong những phương tiện mà Chúa Thánh Thần dùng để đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu [1].

Thánh Phaolô định nghĩa cộng đoàn Kitô hữu là “bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3, 3). Đức Maria, với tư cách là môn đệ đầu tiên và là gương mặt của Giáo hội, cũng là một bức thư được viết bằng Thánh Thần của Thiên Chúa hằng sống. Chính vì lý do này, Giáo hội có thể “được mọi người biết đến và đã đọc” (2 Cr 3,2), ngay cả những người không biết đọc các sách thần học, “những người bé mọn” mà Chúa Giêsu nói rằng các mầu nhiệm Nước Trời, ẩn giấu đối với người khôn ngoan, lại được mặc khải cho họ (x. Mt 11, 25).

Khi thưa “Xin vâng” – khi Đức Maria chấp nhận và nói với Thiên thần: “Vâng, hãy để ý Chúa được thực hiện” và chấp nhận làm mẹ của Chúa Giêsu – thì như thể Đức Maria đã nói với Thiên Chúa: “Này con đây, con là một tấm bảng để được viết: hãy để Nhà văn viết những gì Nhà văn muốn, xin hãy biến con thành những gì Chúa của mọi sự muốn” [2]. Vào thời đó, người ta viết trên những tấm bảng sáp; ngày nay, chúng ta có thể nói rằng Đức Maria tự hiến mình như một trang giấy trắng để Chúa có thể viết bất cứ điều gì Ngài muốn. Lời “Xin vâng” của Đức Maria với thiên thần – như một nhà chú giải nổi tiếng đã viết – tượng trưng cho “đỉnh cao của mọi hành vi tôn giáo trước mặt Thiên Chúa, vì Mẹ bày tỏ, theo cách cao nhất, sự sẵn sàng thụ động kết hợp với sự sẵn sàng tích cực, sự trống rỗng sâu thẳm nhất đi kèm với sự tròn đầy lớn lao nhất” [3].

Như vậy, đây là cách Mẹ Thiên Chúa trở thành khícụ của Chúa Thánh Thần trong công cuộc thánh hóa của Ngài. Giữa vô số lời được nói và viết về Thiên Chúa, Giáo hội và sự thánh thiện (mà rất ít người, hoặc không ai, có thể đọc và hiểu đầy đủ), Mẹ gợi ý một vài từ mà mọi người, ngay cả những người đơn giản nhất, có thể nói bất cứ lúc nào: “Này con đây” và “xin vâng”. Đức Maria là người đã nói lời “Xin vâng” với Chúa, và với gương sáng và sự chuyển cầu của Mẹ, Mẹ thôi thúc chúng ta cũng nói “Xin vâng” với Người, bất cứ khi nào chúng ta phải đối mặt với một hành động vâng phục cần thực hiện hoặc một thử thách cần vượt qua.

Trong mọi thời đại lịch sử của chúng ta, nhưng đặc biệt là vào thời điểm này, Giáo hội thấy mình ở trong hoàn cảnh tương tự như cộng đồng Kitô hữu sau khi Chúa Giêsu lên trời. Giáo hội phải rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, nhưng lại phải chờ đợi “quyền năng từ trên cao” để có thể làm được điều đó. Và chúng ta đừng quên rằng, vào thời điểm đó, như chúng ta đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ, các môn đệ tụ tập quanh “bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu” (Cv 1, 14).

Đúng là có những người phụ nữ khác cùng ở với Mẹ trong Phòng Tiệc Ly, nhưng sự hiện diện của Mẹ rất khác biệt và độc đáo trong số họ. Giữa Mẹ và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết độc đáo và vĩnh viễn không thể phá hủy, đó chính là con người của chính Chúa Kitô, “Đấng được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria”, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính. Thánh sử Luca cố ý nhấn mạnh mối tương quan giữa việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria trong biến cố Truyền Tin và việc Ngài ngự xuống trên các môn đệ vào Lễ Ngũ Tuần, bằng cách sử dụng một số cách diễn đạt giống hệt nhau trong cả hai trường hợp.

Thánh Phanxicô Assisi, trong một lời cầu nguyện của mình, đã chào Đức Mẹ là “nữ tử và nữ tỳ của Cha trên trời, Vua toàn năng, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng tối cao của chúng ta, và là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần” [4]. Nữ tử của Chúa Cha, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần! Mối quan hệ độc đáo giữa Đức Maria và Chúa Ba Ngôi không thể được minh họa bằng những lời lẽ đơn giản hơn.

Giống như tất cả các hình ảnh, hình ảnh “Hiền Thê của Chúa Thánh Thần” này không được hiểu là tuyệt đối, nhưng phải xét theo thực chất của sự thật mà nó chứa đựng, và đó là một sự thật rất đẹp. Mẹ là Hiền Thê, nhưng trước đó, Mẹ là môn đệ của Chúa Thánh Thần. Hiền Thê và môn đệ. Chúng ta hãy học nơi Mẹ trở nên ngoan ngoãn trước những soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhất là khi Ngài gợi ý cho chúng ta hãy “vội vã lên đường” và đi giúp đỡ những người đang cần chúng ta, như Mẹ đã làm ngay sau khi thiên thần từ biệt Mẹ (x. Lc 1, 39). Cảm ơn anh chị em!

————————————–

[1] Cfr H. Mühlen, Una mystica persona, Paderborn 1967: Italian translation Rome 1968, 575ss.

[2] Comment on the Gospel of Luke, fragment. 18 (GCS 49, p. 227).

[3] H. Schürmann, Das Lukasevangelium, Friburgo in Br. 1968: Italian translation Brescia 1983, 154.

[4] Fonti Francescane, Assisi 1986, no. 281.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31