BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 16. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Bài giáo lý của chúng ta hôm nay được dành cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Thánh Thần hoặc vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc rao giảng của Giáo hội. Việc rao giảng này liên quan đến Kerygma, hay lời loan báo đầu tiên, vốn phải chiếm vị trí trung tâm của hoạt động truyền giáo và của mọi cuộc canh tân Giáo hội. Giáo hội phải đón nhận những gì Chúa Giêsu đã nói trong sứ vụ công khai của Người và công bố điều đó nhờ sự xức dầu của Chúa Thánh Thần và với niềm tin tưởng vào sự biểu lộ quyền năng của Ngài. Hai thái độ cần vun trồng là: cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần và lời rao giảng không tập trung vào chính mình, nhưng tập trung vào Chúa Giêsu.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 4/2/2024:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau khi suy ngẫ về hoạt động thánh hóa và đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta dành bài giáo lý này cho một khía cạnh khác: công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, nghĩa là vai trò của Ngài trong việc rao giảng của Giáo hội.
Thư thứ nhất của Thánh Phêrô định nghĩa các tông đồ là “những người rao giảng Tin Mừng nhờ Chúa Thánh Thần” (x. 1,12). Trong cách diễn đạt này, chúng ta tìm thấy hai yếu tố cấu thành của việc rao giảng Kitô giáo: nội dung của nó là Tin Mừng, và người truyền dẫn nó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nói về hai yếu tố này.
Trong Tân Ước, từ “Phúc Âm” có hai nghĩa chính. Nó có thể quy chiếu đến một trong bốn Tin Mừng quy điển: Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, và theo nghĩa này, Phúc Âm có nghĩa là tin mừng được Chúa Giêsu công bố trong cuộc đời trần thế của Người. Sau biến cố Phục Sinh, từ “Phúc Âm” mang ý nghĩa mới về tin mừng liên quan đến Chúa Giêsu, tức là mầu nhiệm vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Chúa. Đây là điều mà Thánh Tông Đồ gọi là “Phúc Âm” khi ngài viết: “Tôi không xấu hổ về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi mọi kẻ tin” (Rm 1, 16). Lời rao giảng của Chúa Giêsu, và sau này của các Tông đồ, cũng chứa đựng tất cả những bổn phận luân lý phát xuất từ Tin Mừng, bắt đầu bằng mười điều răn và kết thúc bằng điều răn “mới” về tình yêu. Nhưng nếu chúng ta không muốn rơi lại vào sai lầm mà Thánh Phaolô đã tố giác là đặt lề luật trước ân sủng và việc làm trước đức tin, thì chúng ta phải luôn khởi đi từ việc công bố những gì Chúa Kitô đã làm cho chúng ta. Đây là lý do tại sao Tông huấn Evangelii gaudium nhấn mạnh nhiều đến điều đầu tiên, nghĩa là kerygma, hay “lời loan báo”, mà mọi áp dụng luân lý đều tùy thuộc vào. Thật vậy, “trong việc dạy giáo lý, lời loan báo đầu tiên hay “kerygma” có một vai trò cơ bản, vốn phải là trung tâm của hoạt động loan báo Tin Mừng và của bất kỳ mục tiêu canh tân Giáo hội nào. […] Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “đầu tiên”, điều đó không có nghĩa là nó ở phần đầu và sau đó nó bị lãng quên hoặc thay thế bằng nội dung khác vượt xa nó. Nó là đầu tiên theo nghĩa phẩm chất, vì nó là lời loan báo chính yếu, lời loan báo mà chúng ta phải luôn lắng nghe lại bằng nhiều cách khác nhau và chúng ta phải luôn loan báo lại trong khi dạy giáo lý dưới hình thức này hay hình thức khác, ở mọi giai đoạn và thời điểm. […] Chúng ta không được nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý, kerygma bị bỏ rơi để nhường chỗ cho một nền đào tạo được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, chắc chắn hơn, nhất quán hơn và khôn ngoan hơn lời loan báo này” (các số 164-165), tức là kerygma.
Cho đến đây chúng ta đã thấy nội dung của lời rao giảng Kitô giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến người truyền dẫn lời loan báo. Tin Mừng phải được rao giảng “nhờ Chúa Thánh Thần” (1P 1, 12). Giáo hội phải thực hiện chính xác những gì Chúa Giêsu đã nói khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi. Người đã sai tôi đi mang Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4, 18). Rao giảng với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần có nghĩa là truyền đạt, cùng với các ý tưởng và giáo lý, đời sống và niềm xác tín của đức tin chúng ta. Điều này có nghĩa là không dựa vào “những lời khôn ngoan thuyết phục, nhưng vào sự biểu lộ của Thần Khí và quyền năng của Ngài” (1 Cr 2, 4), như Thánh Phaolô đã viết.
Nói thì dễ – người ta có thể phản đối – nhưng làm sao chúng ta có thể áp dụng điều đó vào thực tế nếu điều đó không phụ thuộc vào chúng ta mà phụ thuộc vào sự ngự xuống của Chúa Thánh Thần? Trên thực tế, có một điều phụ thuộc vào chúng ta, thực ra là hai điều, và tôi sẽ đề cập ngắn gọn về chúng. Đầu tiên là cầu nguyện. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên những ai cầu nguyện, bởi vì Cha trên trời – như có lời viết – “ban Thánh Thần cho những ai cầu xin Ngài” (Lc 11, 13), nhất là khi chúng ta cầu xin Ngài để loan báo Tin Mừng về Con của Ngài! Thật là bất hạnh khi rao giảng mà không cầu nguyện! Chúng ta trở thành điều mà Thánh Tông Đồ gọi là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (x. 1 Cr 13, 1).
Vì vậy, điều đầu tiên phụ thuộc vào chúng ta là cầu nguyện. Để Chúa Thánh Thần có thể ngự đến. Thứ hai là không muốn rao giảng về chính mình, nhưng là Chúa Giêsu (x. 2 Cr 4, 5). Điều này liên quan đến việc rao giảng. Đôi khi có những bài giảng dài, 20 phút, 30 phút… Nhưng làm ơn, người rao giảng phải giảng một ý tưởng, một cảm xúc và một lời thúc đẩy hành động. Quá tám phút, lời rao giảng nhạt dần và nó không được hiểu. Và điều này tôi nói với các nhà rao giảng… [vỗ tay] Tôi thấy rằng anh chị em thích nghe điều đó! Đôi khi chúng ta thấy những người, khi bài giảng bắt đầu, đã đi ra ngoài hút thuốc rồi quay lại. Xin vui lòng, bài giảng phải là một ý tưởng, một cảm xúc và một đề nghị hành động. Và không bao giờ vượt quá mười phút. Điều này rất quan trọng. Điều thứ hai – tôi đã nói với anh chị em – đó không phải là rao giảng chính mình mà là rao giảng Chúa. Không cần phải nhấn mạnh vào điểm này, bởi vì tất cả mọi người tham gia vào việc loan báo Tin Mừng đều biết rõ ý nghĩa cụ thể của việc không rao giảng chính mình. Tôi sẽ giới hạn bản thân mình trong một áp dụng cụ thể của yêu cầu này. Không muốn rao giảng chính mình cũng có nghĩa là không luôn luôn ưu tiên các sáng kiến mục vụ do chúng ta cổ vũ và gắn liền với tên tuổi của chúng ta, nhưng sẵn sàng cộng tác, nếu chúng ta được yêu cầu, với các sáng kiến cộng đồng, hoặc được giao phó cho chúng ta như thế bằng sự vâng lời. Xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta, đồng hành với chúng ta và dạy Giáo hội rao giảng Tin Mừng như thế cho con người thời đại này! Tôi cảm ơn anh chị em.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
————————–
Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Vatican đã dịch buổi tiếp kiến chung sang tiếng phổ thông Trung Quốc vào thứ Tư ngày 4 tháng 12 năm 2024. Do đó, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tám (sau tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan, Ả Rập) dịch trực tiếp những lời bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô. (Trong hình là người phụ nữ đọc tiếng Trung Quốc).
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH