BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA – BÀI 5. « BỞI QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI ĐÃ NHẬP THỂ TRONG LÒNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA ». LÀM THẾ NÀO CƯU MANG VÀ SINH HẠ CHÚA GIÊSU ?

Written by xbvn on Tháng Tám 9th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội, Đức Maria

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Với bài giáo lý này, chúng ta bước vào giai đoạn hai của lịch sử cứu độ và chủ đề của ngày hôm nay là: Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời. Giáo hội đã đón nhận sự kiện được mạc khải này và đặt nó ở trọng tâm Tín Biểu của mình. Giáo hội cũng sử dụng nó trong việc soạn thảo Kinh Truyền Tin. Tín điều này là nền tảng cho phép chúng ta nói về Đức Maria như Hiền Thê tuyệt hảo và là hình ảnh của Giáo hội. Trước tiên, Đức Maria thụ thai, sau đó sinh hạ Chúa Giêsu, đón nhận Người vào trong mình, vào trái tim và vào xác thịt của mình. Giáo Hội cũng đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa nói với tâm hồn mình, làm cho tâm hồn mình no thỏa và sinh ra Lời Chúa qua cuộc sống và việc rao giảng. Giống như Đức Maria và Giáo hội, khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh vượt quá sức mình, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình với niềm xác tín mạnh mẽ rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 7/8/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta bước vào giai đoạn hai của lịch sử cứu độ. Sau khi chiêm ngưỡng Chúa Thánh Thần trong công trình tạo dựng, trong những tuần tới chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Người trong công trình Cứu chuộc, nghĩa là của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy chúng ta hãy chuyển sang Tân Ước và xem xét Chúa Thánh Thần trong Tân Ước.

Chủ đề hôm nay là Chúa Thánh Thần mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời. Trong Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta đọc: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên bà”. (1,35). Thánh sử Matthêu xác nhận sự kiện cơ bản này liên quan đến Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi nói rằng Đức Maria “đã mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (1, 18).

Giáo hội đã đón nhận sự kiện được mặc khải này và đặt nó vào trọng tâm của Tín Biểu từ rất sớm. Tại Công đồng Đại kết Constantinople năm 381 – công đồng xác định thần tính của Chúa Thánh Thần – tín điều này đã được tích hợp vào công thức của “Kinh Tin Kính”, được gọi chính xác là Kinh Tin Kính của công đồng Nixê-Constantinople và chúng ta đọc trong mỗi Thánh Lễ. Nó khẳng định rằng Con Thiên Chúa “nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người”.

Do đó, đây là một sự kiện của đức tin đại kết, bởi vì tất cả các Kitô hữu cùng nhau tuyên xưng cùng một Tín Biểu này. Lòng đạo đức Công giáo, từ thời xa xưa, đã kín múc từ đó một trong những lời kinh nguyện hằng ngày, Kinh Truyền Tin.

Tín điều này là nền tảng cho phép chúng ta nói về Đức Maria như Hiền Thê tuyệt hảo, tiên báo Giáo hội. Thật vậy, như thánh Leo Cả viết, Chúa Giêsu “cũng như Người được sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần thế nào, thì Người cũng làm cho Giáo hội, Hiền Thê không tì vết của Người, được phong nhiêu nhờ hơi thở ban sự sống của cùng một Chúa Thánh Thần như vậy” [1] . Sự song đối này được lấy lại trong Hiến chế tín lý Lumen Gentium của Công đồng Vatican II: “Nhờ đức tin và sự vâng phục của mình, Mẹ đã sinh ra trên trần gian chính Con của Chúa Cha, mà không biết đến người nam, nhưng được bao bọc bởi Chúa Thánh Thần. […] Do đó, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện nhiệm mầu của Đức Trinh Nữ và noi gương tình yêu của Mẹ, khi trung thành chu toàn ý muốn của Chúa Cha, Giáo hội (nhờ Lời Chúa mà Giáo hội tiếp nhận trong đức tin) đến lượt mình trở thành Mẹ : quả thực, nhờ rao giảng và qua bí tích Rửa tội, Giáo hội sinh ra một sự sống mới và bất tử của những người con được cưu mang bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Thiên Chúa” (số 63. 64).

Chúng ta kết thúc bằng một suy tư thực tiễn về cuộc sống của chúng ta, được gợi ý qua việc Thánh Kinh nhấn mạnh đến các động từ “thụ thai” và “sinh hạ”. Trong lời tiên tri của Isaia, chúng ta nghe thấy: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (7, 14); và Thiên Thần đã nói với Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Lc 1, 31). Trước tiên, Đức Maria thụ thai, sau đó sinh hạ Chúa Giêsu: trước tiên Mẹ đã đón nhận Người vào trong mình, vào trái tim và vào xác thịt mình, sau đó Mẹ sinh hạ Người.

Cũng thế đối với Giáo hội: trước hết, Giáo hội đón nhận Lời Chúa, để Lời Chúa “nói với tâm hồn mình” (x. Hs 2,16) và “làm cho lòng dạ được no thỏa” (x. Êd 3,3), theo như hai cách diễn đạt trong Thánh Kinh, rồi Giáo hội sinh hạ Lời Chúa qua cuộc đời và lời rao giảng của mình. Hoạt động thứ hai là vô ích nếu không có hoạt động đầu tiên.

Khi Đức Maria hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” , thiên thần trả lời: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1, 34-35). Giáo hội cũng vậy, khi phải đối mặt với những nhiệm vụ vượt quá sức lực của mình, cũng tự động đặt ra câu hỏi tương tự: “Điều này có thể thực hiện được như thế nào?” Làm thế nào có thể loan báo Chúa Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Người cho một thế giới dường như chỉ tìm kiếm phúc lợi trong thế giới này? Câu trả lời cũng giống như lúc đó: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần […] và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8). Đây là những gì Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các Tông đồ, gần như giống với những lời được nói với Đức Maria trong biến cố Truyền Tin. Không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể tiến về phía trước, Giáo hội không thể phát triển, Giáo hội không thể rao giảng.

Những gì nói về Giáo Hội nói chung cũng được áp dụng cho chúng ta, cho mỗi người đã được rửa tội. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đôi khi rơi vào những hoàn cảnh vượt quá sức mình và tự hỏi: “Tôi có thể đương đầu với hoàn cảnh này như thế nào?” Trong những trường hợp này, thật hữu ích khi nhớ lại và lặp lại với chính mình những gì thiên thần đã nói với Đức Trinh Nữ trước khi từ biệt Mẹ: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

Thưa anh chị em, do đó, chúng ta cũng hãy tiếp tục, mỗi lần, cuộc hành trình của mình với niềm xác tín đầy an ủi này trong tâm hồn: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Và nếu chúng ta tin tưởng vào điều này, chúng ta sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

———————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30