BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 8. “AI NẤY ĐỀU ĐƯỢC TRÀN ĐẦY ƠN THÁNH THẦN”. CHÚA THÁNH THẦN TRONG SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Tiếp tục bài giáo lý về Chúa Thánh Thần, bây giờ chúng ta chuyển sang trình thuật Lễ Ngũ Tuần trong Sách Công vụ Tông đồ, mô tả các Tông đồ “được tràn đầy Thánh Thần” và được sai đi loan báo Tin Mừng cho thế giới. Trong mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội thực hiện sứ mạng đón nhận mọi dân tộc trong sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần củng cố Giáo hội trung thành với sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội bằng cách lôi kéo mọi dân tộc đến gần Chúa Kitô và với nhau hơn qua việc rao giảng Tin Mừng về ơn cứu độ của chúng ta.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 9/10/2024:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong hành trình giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo hội, hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến Sách Công vụ Tông đồ.
Trình thuật về Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần bắt đầu bằng việc mô tả một số dấu hiệu chuẩn bị – như gió thổi và lưỡi lửa – nhưng kết thúc là lời khẳng định rằng “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2, 4). Thánh Luca – người viết sách Công vụ Tông đồ – nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần là Đấng bảo đảm tính phổ quát và hiệp nhất của Giáo hội. Hiệu quả tức thì của việc “được tràn đầy ơn Thánh Thần” là các Tông đồ “bắt đầu nói các thứ tiếng khác”, và bước ra khỏi Phòng Tiệc Ly để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho đám đông (x. Cv 2,4 tt).
Khi làm như vậy, thánh Luca muốn nêu bật sứ mệnh phổ quát của Giáo hội, như dấu chỉ của sự hiệp nhất mới giữa mọi dân tộc. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động để mang lại sự hiệp nhất theo hai cách. Một mặt, Ngài thúc đẩy Giáo hội hướng ra bên ngoài, để Giáo hội có thể chào đón ngày càng nhiều người và các dân tộc; mặt khác, Giáo hội tập hợp họ lại để củng cố sự thống nhất đã đạt được. Ngài dạy Giáo hội mở rộng tính phổ quát, và củng cố sự hiệp nhất. Phổ quát và duy nhất: đây là mầu nhiệm của Giáo hội.
Chúng ta thấy phong trào đầu tiên trong hai phong trào – tính phổ quát – đang diễn ra trong Chương 10 của sách Công vụ Tông đồ, trong đoạn ông Cornêliô hoán cải. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã rao giảng Chúa Kitô cho tất cả người Do Thái và những người tuân giữ luật Môsê, bất kể họ thuộc dân tộc nào. Cần phải có một “Lễ Ngũ Tuần” khác, rất giống với lần đầu tiên, tại nhà của viên đại đội trưởng Cornêliô, để thúc đẩy các Tông đồ mở rộng chân trời của mình và phá bỏ rào cản cuối cùng, rào cản giữa người Do Thái và dân ngoại (x. Cv 10-11).
Sự mở rộng sắc tộc này đi kèm với sự mở rộng về mặt địa lý. Thánh Phaolô – chúng ta đọc lại trong sách Công vụ Tông đồ (x. 16, 6-10) – muốn loan báo Tin Mừng tại một vùng mới thuộc Tiểu Á; nhưng có lời chép rằng họ đã bị “Chúa Thánh Thần cấm”; ngài đã cố gắng vào Bithyn’ia, “nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép họ”. Chúng ta ngay lập tức khám phá ra lý do cho những lệnh cấm đáng kinh ngạc này của Chúa Thánh Thần: đêm hôm sau, trong giấc mơ Thánh Tông đồ nhận được lệnh đi đến Macedonia. Như thế Tin Mừng đã rời bỏ quê hương Châu Á của mình và đi vào Châu Âu.
Chuyển động thứ hai của Chúa Thánh Thần – chuyển động tạo ra sự hiệp nhất – được thể hiện rõ ràng trong Chương 15 của sách Công vụ Tông đồ, trong quá trình diễn ra điều được gọi là Công đồng Giêrusalem. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo rằng tính phổ quát đạt được không làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Thánh Thần không luôn luôn tạo ra sự hiệp nhất một cách bất ngờ, bằng những hành động kỳ diệu và dứt khoát, như vào Lễ Ngũ Tuần. Ngài cũng làm như vậy – và trong phần lớn trường hợp – với công việc kín đáo, tôn trọng thời gian của con người và những khác biệt, ngang qua con người và các tổ chức, cầu nguyện và đối chất. Ngày nay chúng ta có thể nói, theo cách thức hiệp hành. Thật vậy, đây là điều xảy ra tại Công đồng Giêrusalem, liên quan đến vấn đề những nghĩa vụ của Luật Môsê phải được áp đặt đối với những người ngoại giáo trở lại. Giải pháp đã được công bố cho toàn thể Giáo hội bằng những lời rõ ràng: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15, 28).
Thánh Augustinô giải thích sự hiệp nhất mà Chúa Thánh Thần đạt được bằng một hình ảnh đã trở thành kinh điển: “Linh hồn thuộc về thân xác con người thế nào, thì Thánh Thần thuộc về thân thể Chúa Kitô là Giáo hội như vậy” [1]. Hình ảnh giúp chúng ta hiểu được điều gì đó quan trọng. Chúa Thánh Thần không tạo ra sự hiệp nhất của Giáo hội từ bên ngoài; Ngài không giới hạn Ngài trong việc truyền lệnh cho chúng ta phải hiệp nhất. Chính Ngài là “mối dây hiệp nhất”. Chính Ngài là Đấng tạo nên sự hiệp nhất của Giáo hội.
Như thường lệ, chúng ta sẽ kết thúc bằng một tư tưởng giúp chúng ta chuyển từ Giáo hội toàn thể sang mỗi người chúng ta. Sự hiệp nhất của Giáo hội là sự hiệp nhất giữa con người và không đạt được trên bàn vẽ, nhưng trong cuộc sống. Nó được thực hiện trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều muốn sự hiệp nhất, tất cả chúng ta đều ao ước điều đó từ sâu thẳm trái tim mình; tuy nhiên thật khó để đạt được điều đó, ngay cả trong hôn nhân và gia đình, sự kết hợp và hòa hợp là một trong những điều khó đạt được nhất và thậm chí còn khó duy trì hơn.
Lý do tại sao sự hiệp nhất giữa chúng ta lại khó khăn, đó là vì mọi người đều muốn sự hiệp nhất, nhưng lại dựa trên quan điểm của riêng mình, mà không tính đến việc người khác trước mặt họ cũng nghĩ giống hệt như vậy về quan điểm “của riêng mình”. Bằng cách này, sự hiệp nhất càng trở nên khó nắm bắt hơn. Đời sống hiệp nhất, sự hiệp nhất của Lễ Hiện Xuống, theo Thánh Thần, đạt được khi người ta nỗ lực đặt Thiên Chúa, chứ không phải mình, vào trung tâm. Sự hiệp nhất Kitô giáo cũng được xây dựng theo cách này: không chờ đợi người khác đến với chúng ta ở nơi chúng ta đang ở, nhưng cùng nhau hướng tới Chúa Kitô.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở thành khí cụ của sự hiệp nhất và hòa bình.
———————
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC