BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 9. « TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN ». CHÚA THÁNH THẦN TRONG NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Thần tính của Chúa Thánh Thần đã được Công đồng đại kết Constantinople xác định vào năm 381, Thánh Basiliô Cả khẳng định sự bình đẳng của ba ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, được cùng một vinh quang và cùng một sự tôn thờ. Định nghĩa này chỉ là điểm khởi đầu. Việc thờ phượng và thần học của Giáo Hội sẽ tuyên xưng thần tính của Chúa Thánh Thần một cách rõ ràng hơn theo thời gian.
Chúng ta tuyên xưng mỗi Chúa Nhật rằng Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho chúng ta. Giống như trong công trình tạo dựng, hơi thở của Thiên Chúa đã ban sự sống tự nhiên cho Ađam, ngày nay qua công trình tạo dựng mới trong Chúa Thánh Thần, Ngài ban cho chúng ta sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên của con Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Sự sống được Chúa Thánh Thần ban tặng là vĩnh cửu, nó là lời hứa phục sinh. Chúng ta hãy vun trồng đức tin vào Chúa Thánh Thần và tạ ơn Chúa Kitô, Đấng đã đạt được cho chúng ta ân huệ quý giá này bằng cái giá mạng sống của Người.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 16/10/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta chuyển từ những gì đã được mặc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh sang cách Ngài hiện diện và hoạt động trong đời sống Giáo hội, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta.
Trong ba thế kỷ đầu tiên, Giáo hội không cảm thấy nhu cầu trình bày rõ ràng niềm tin vào Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, trong Kinh Tin Kính lâu đời nhất của Giáo hội, Kinh Tin Kính các Tông Đồ, sau khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha, Đấng tạo thành trời đất, và tôi tin kính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sinh ra, đã chịu chết, xuống ngục tổ tông, đã sống lại và lên trời”, chúng ta nói thêm: “[tôi tin kính] Đức Chúa Thánh Thần”, không gì thêm nữa, không có bất kỳ lời giải thích nào thêm.
Nhưng chính lạc giáo đã thúc đẩy Giáo hội làm rõ đức tin của mình. Khi tiến trình này bắt đầu – với thánh Athanasiô vào thế kỷ IV – chính kinh nghiệm của Giáo hội về hoạt động thánh hóa và thần hóa của Chúa Thánh Thần đã dẫn Giáo hội đến sự xác tín về thần tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần. Điều này đã xảy ra tại Công đồng đại kết Constantinople năm 381, một công đồng đã xác định thần tính của Chúa Thánh Thần bằng những từ ngữ quen thuộc mà ngày nay chúng ta vẫn lặp lại trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con: Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.”
Nói rằng Chúa Thánh Thần “là Đức Chúa” là nói rằng Ngài chia sẻ “quyền làm chủ” của Thiên Chúa, Ngài thuộc về thế giới của Đấng Tạo Hóa chứ không thuộc về thế giới của các thụ tạo. Lời khẳng định mạnh mẽ nhất là Ngài có quyền được cùng sự vinh hiển và thờ phượng như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Đó là lập luận về sự bình đẳng trong danh dự, được thánh Basiliô Cả yêu thích. Chính thánh nhân là kiến trúc sư chính của công thức này: Ðức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa, Ngài là Thiên Chúa.
Định nghĩa của Công đồng không phải là điểm đến mà là điểm xuất phát. Quả vậy, sau khi vượt lên trên những lý do lịch sử đã ngăn cản việc khẳng định rõ ràng hơn về thần tính của Chúa Thánh Thần, nó sẽ được tuyên xưng một cách thanh thản trong việc thờ phượng và thần học của Giáo hội. Thánh Grêgôriô thành Nazianze, vào ngày hôm sau của Công đồng này, sẽ khẳng định một cách rõ ràng: “Chúa Thánh Thần có phải là Thiên Chúa không? Chắc chắn rồi! Ngài có đồng bản thể không? Vâng, nếu ngài là Thiên Chúa thật” (Oratio 31, 5.10).
Tín điều mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần nói với chúng ta điều gì đối với chúng ta là những tín hữu ngày nay? Tôi có tin Đức Chúa Thánh Thần không? Trong quá khứ, vấn đề chủ yếu là lời khẳng định rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha mà ra”. Giáo hội Latinh đã nhanh chóng bổ sung cho lời khẳng định này bằng cách thêm vào, trong Kinh Tin Kính Thánh Lễ, rằng Chúa Thánh Thần “cũng bởi Đức Chúa Con mà ra”. Như cách diễn đạt “và bởi Đức Chúa Con” được nói trong tiếng Latinh “Filioque”, điều này đã làm nảy sinh cuộc tranh cãi được biết đến với cái tên đó, vốn đã là lý do (hoặc cái cớ) cho rất nhiều tranh chấp và chia rẽ giữa Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương. Chắc chắn không có vấn đề gì khi đề cập vấn đề này ở đây mà, trong bầu khí đối thoại được thiết lập giữa hai Giáo hội, đã làm mất đi sự gay go của quá khứ và ngày nay cho phép hy vọng vào sự chấp nhận hoàn toàn lẫn nhau, như một trong “những khác biệt chính được hòa giải”. Tôi thích nói điều này: “những khác biệt được hòa giải”. Giữa các Kitô hữu, có nhiều điểm khác biệt: người này theo trường phái này, người kia theo trường phái kia; người này theo đạo Tin Lành, người kia… Điều quan trọng là những khác biệt này được hòa giải, trong tình yêu thương cùng nhau bước đi.
Sau khi vượt qua trở ngại này, ngày nay chúng ta có thể làm tăng giá trị đặc quyền quan trọng nhất đối với chúng ta được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, đó là Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”, nghĩa là Ngài trao ban sự sống. Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần ban sự sống gì? Lúc đầu, trong công trình tạo dựng, hơi thở của Thiên Chúa ban cho Ađam sự sống tự nhiên; từ một bức tượng bằng bùn, Ngài biến nó thành “một sinh vật” (x. Stk 2,7). Giờ đây, trong công trình tạo dựng mới, Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho các tín hữu sự sống mới, sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên, như con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô có thể kêu lên: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8, 2).
Do đó, tin tức tuyệt vời và an ủi dành cho chúng ta ở đâu? Đó là, sự sống được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là sự sống đời đời! Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi kinh hoàng khi phải thừa nhận rằng mọi thứ dừng lại ở đây, không có sự cứu chuộc nào cho những đau khổ và bất công đang thống trị trên trái đất. Một lời khác của Thánh Tông Đồ bảo đảm với chúng ta: “Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11). Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta, Ngài ở trong chúng ta.
Chúng ta cũng hãy vun trồng đức tin này cho những người, thường không phải do lỗi của họ, bị lấy đi đức tin và không thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Và chúng ta đừng quên tạ ơn Đấng, qua cái chết của Người, đã đạt được cho chúng ta ân huệ vô giá này!
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO SƠ CLARE CROCKETT