BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. BÀI 2. « GIÓ MUỐN THỔI ĐÂU THÌ THỔI ». Ở ĐÂU CÓ CHÚA THÁNH THẦN, Ở ĐÓ CÓ TỰ DO
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Tôi muốn suy nghĩ cùng với anh chị em về danh xưng mà Chúa Thánh Thần được gọi trong Thánh Kinh. Cái tên luôn nói lên điều gì đó về con người, nguồn gốc hay sứ mạng của họ. Tên của Chúa Thánh Thần, Đấng mà các ngôn sứ, các tác giả thánh vịnh, Đức Maria, Chúa Giêsu và các Tông đồ đã kêu cầu Ngài, là Ruach, có nghĩa là hơi thở, gió, khí thở. Hình ảnh gió trước hết dùng để diễn tả quyền năng của Chúa Thánh Thần. Quả thực, gió là một sức mạnh không thể cưỡng lại được và bất khả khuất phục. Nó thậm chí có khả năng di chuyển cả đại dương. Một đặc điểm khác của gió là sự tự do. Muốn nhốt Chúa Thánh Thần trong các khái niệm, định nghĩa, luận đề hay chuyên luận là đánh mất Ngài, thuần túy và đơn giản giảm thiểu Ngài thành tinh thần con người. Chúa Thánh Thần tạo dựng và linh hoạt các tổ chức của Giáo hội, nhưng Ngài không “thể chế hóa được”. Hành động của người Kitô hữu được tự do nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đó không phải là sự tự do làm điều mình muốn, mà là sự tự do để thực hiện một cách tự do điều Chúa muốn. Vấn đề không phải là tự do làm điều tốt hay điều xấu, mà là tự do làm điều tốt và làm điều đó một cách tự do, nghĩa là bằng sự thu hút chứ không phải bằng sự ép buộc. Nói cách khác, tự do của người con chứ không phải của nô lệ. Và chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự tự do của Chúa Thánh Thần này.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 5/6/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn suy tư với anh chị em về danh xưng mà Chúa Thánh Thần được gọi trong Thánh Kinh.
Điều đầu tiên chúng ta biết về một người là tên của họ. Nó cho phép chúng ta gọi họ, phân biệt và nhớ đến họ. Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi cũng có một tên: Người được gọi là Chúa Thánh Thần. Nhưng “Thánh Thần” là phiên bản Latinh hóa. Tên của Chúa Thánh Thần, tên mà những người đầu tiên được mặc khải đã biết đến Ngài, tên mà các ngôn sứ, các tác giả thánh vịnh, Đức Maria, Chúa Giêsu và các Tông đồ đã cầu khẩn Ngài, là Ruach, có nghĩa là hơi thở, gió, khí thở.
Trong Thánh Kinh, cái tên quan trọng đến mức nó gần như được đồng hóa với chính con người đó. Làm danh Thiên Chúa cả sáng, đó là làm cho chính Thiên Chúa cả sáng và tôn vinh chính Ngài. Cái tên không bao giờ là một tên gọi quy ước đơn giản: nó luôn nói lên điều gì đó về con người, về nguồn gốc hoặc sứ mạng của họ. Trường hợp của danh xưng Ruach cũng vậy. Nó chứa đựng mặc khải căn bản đầu tiên về ngôi vị và chức năng của Chúa Thánh Thần.
Khi quan sát gió và những biểu hiện của nó, các tác giả Thánh Kinh đã được Thiên Chúa dẫn đến khám phá ra một loại “gió” thuộc một bản chất khác. Không phải ngẫu nhiên mà vào Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ kèm theo “một cơn gió mạnh” (x. Cv 2, 2). Đó như thể Chúa Thánh Thần muốn ký tên của Ngài vào những gì đang xảy ra.
Vậy tên Ruach của Ngài dạy chúng ta điều gì về Chúa Thánh Thần? Hình ảnh gió trước hết dùng để diễn tả quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cụm từ “Thần Khí và quyền năng”, hay “quyền năng của Thánh Thần”, là một nhị thức được lặp đi lặp lại trong Thánh Kinh. Quả thực, gió là một sức mạnh mãnh liệt, một sức mạnh bất khả khuất phục, thậm chí có khả năng làm chuyển động cả đại dương.
Nhưng cả ở đây nữa, để khám phá ý nghĩa trọn vẹn của các thực tại trong Thánh Kinh, chúng ta không được dừng lại ở Cựu Ước, nhưng phải đến với Chúa Giêsu. Bên cạnh quyền năng, Chúa Giêsu sẽ nêu bật một đặc điểm khác của gió, đó là sự tự do. Chúa Giêsu long trọng nói với ông Nicôđêmô, người đến thăm Ngài vào ban đêm,: “Gió muốn thổi đâu thì thổi: ông nghe tiếng gió, nhưng không biết nó từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3, 8).
Gió là thứ duy nhất không thể buộc lại, không thể “đóng chai” hay đóng hộp. Chúng ta hãy thử “đóng chai” hoặc đóng hộp gió: điều đó là không thể, nó hoàn toàn tự do. Muốn nhốt Chúa Thánh Thần trong các khái niệm, định nghĩa, luận đề hoặc chuyên luận, như chủ nghĩa duy lý hiện đại đôi khi cố gắng thực hiện, có nghĩa là đánh mất Ngài, hủy bỏ Ngài, giảm thiểu Ngài thành tinh thần thuần túy của con người, một tinh thần đơn giản. Nhưng có một cám dỗ tương tự trong lãnh vực của Giáo hội, đó là muốn nhốt Chúa Thánh Thần trong các quy luật, thể chế, định nghĩa. Chúa Thánh Thần sáng tạo và linh hoạt các thể chế, nhưng chính Ngài không thể được “thể chế hóa”, “sự vật hóa”. Gió muốn thổi đâu thì thổi, cũng thế, Chúa Thánh Thần phân phát các ân huệ của Ngài “tùy ý Ngài” (1 Cr 12,11).
Thánh Phaolô sẽ biến điều đó thành luật cơ bản cho hành động của người Kitô hữu. Ngài nói : “Ở đâu có Thánh Thần của Chúa, ở đó có tự do.” (2 Cr 3, 17). Một người tự do, một Kitô hữu tự do, là người có Thánh Thần của Chúa. Đây là một sự tự do rất độc đáo, rất khác với những gì người ta thường hiểu. Đó không phải là sự tự do làm điều ta muốn, mà là sự tự do để làm một cách tự do điều Chúa muốn! Không phải tự do làm điều tốt hay điều xấu, mà là tự do làm điều tốt và làm điều đó một cách tự do, nghĩa là bằng sự hấp dẫn chứ không phải bằng sự ép buộc. Nói cách khác, tự do của người con chứ không phải của người nô lệ.
Thánh Phaolô ý thức rõ sự lạm dụng hoặc hiểu lầm có thể xảy ra đối với sự tự do này; ngài viết cho giáo đoàn Galát: “Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5, 13). Đó là một thứ tự do được thể hiện ở những gì dường như trái ngược với nó, nó được thể hiện trong sự phục vụ, đó là sự tự do đích thực.
Chúng ta biết rõ khi nào sự tự do này trở thành “cái cớ cho xác thịt”. Thánh Phaolô đưa ra một danh sách vẫn luôn thời sự: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5, 19 -21). Nhưng điều tương tự cũng xảy ra với thứ tự do cho phép người giàu bóc lột người nghèo; đó là một thứ tự do ghê tởm, thứ tự do cho phép kẻ mạnh bóc lột kẻ yếu và cho phép mọi người khai thác môi trường mà không bị trừng phạt. Và sự tự do này là xấu, đó không phải là sự tự do của Chúa Thánh Thần.
Thưa anh chị em, chúng ta kín múc sự tự do này của Chúa Thánh Thần ở đâu, vốn trái ngược với sự tự do ích kỷ? Câu trả lời được tìm thấy trong những lời mà một ngày nọ Chúa Giêsu nói với các thính giả của Người: “Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8, 36). Sự tự do mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu biến chúng ta, nhờ Thánh Thần của Người, trở thành những người nam và người nữ thực sự được tự do. Tự do phục vụ, trong tình yêu và niềm vui. Cảm ơn anh chị em !
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO