BÀI GIÁO LÝ VỀ LÒNG SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU. BÀI 3. CHÚA GIÊSU BẬC THẦY CỦA VIỆC LOAN BÁO

Written by xbvn on Tháng Một 26th, 2023. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, ước muốn chia sẻ với người khác niềm vui của Tin Mừng, giờ đây chúng ta xem xét cách chính Chúa Giêsu, Tôn Sư và Bậc Thầy của chúng ta, chọn trình bày sứ điệp của mình. Trong hội đường Nadarét, ngay từ đầu sứ vụ công khai của mình, Chúa đã mạc khải rằng rằng, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia, Ngài đến loan báo Tin Mừng cho người nghèo và một năm hồng ân của Chúa (x. Lc 4, 16-21). Như thế, Tin Mừng của Giêsu Kitô, như ngôn sứ đã tiên báo, là một sứ điệp cứu độ mang lại niềm vui lan tỏa, sự tự do đích thực, lời hứa về sự tái sinh làm con cái yêu dấu của Thiên Chúa, và sự chữa lành dứt khoát khỏi sự áp bức của tội lỗi và sự chết. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta, những người đã đặt niềm tin vào Chúa Giêsu và cảm nghiệm được quyền năng biến đổi của lời Ngài, được mời gọi không chỉ tạ ơn vì món quà kỳ diệu này, mà còn chia sẻ nó cho người khác một cách tự do và vui vẻ. Đối với những người theo Chúa Kitô, mỗi ngày như thế là một “thời gian ân sủng” và một cơ hội mới để làm chứng cho “Tin Mừng” về hồng ân thương xót, tha thứ và sự sống mới trong Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Ngài.

————————————————–

 

 

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đãy suy tư về Chúa Giêsu mẫu gương của việc loan báo, về trái tim mục tử của Ngài luôn vươn tới người khác. Hôm nay, chúng ta nhìn vào Ngài như một bậc thầy của việc loan báo. Chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi đoạn Tin Mừng trong đó Ngài giảng dạy trong hội đường ở làng quê Nadarét của Ngài. Chúa Giêsu đọc một đoạn từ sách ngôn sứ Isaia (x. 61, 1-2) và rồi làm mọi người ngạc nhiên với một « bài giảng » rất ngắn chỉ một cầu, chỉ một câu. Và Ngài nói thế này : « Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe » (Lc 4, 21). Đây là bài giảng của Chúa Giêsu : « Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe ». Điều này có nghĩa là đối với Chúa Giêsu, đoạn sách ngôn sứ chứa đứng điều cốt yếu của những gì Ngài muốn nói về chính Ngài. Vì thế, bất cứ khi nào chúng ta nói về Chúa Giêsu, chúng ta nên trở lại lời loan báo đầu tiên đó về Ngài. Vậy, chúng ta hãy xem nó hệ tại những gì. Năm yếu tố thiết yếu có thể được xác định.

Yếu tố đầu tiên là niềm vui. Chúa Giêsu tuyên bố, « Thần Khí Chúa ngự trên Tôi ; […] , Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn » (c. 18), tức là, một lời loan báo về sự vui mừng, về niềm vui. Tin Mừng : người ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời cần được chia sẻ. Làm chứng cho Chúa Giêsu, làm điều gì đó cho người khác nhân danh Ngài, đã nhận được « giữa đường » đời của mình, một món quà đẹp đến nỗi không lời nào đủ để diễn tả. Thay vào đó, khi thiếu đi niềm vui, thì Tin Mừng không sống được, bởi vì – đó chính là ý nghĩa của từ – là Tin Mừng, và « Phúc Âm » có nghĩa là « Tin Mừng », một lời loan báo niềm vui. Một Kitô hữu buồn có thể nói về những điều tốt đẹp, nhưng tất cả đều vô ích nếu tin mà người ấy truyền tải không vui vẻ. Một nhà tư tưởng đã từng nói, « Một Kitô hữu buồn là một Kitô hữu đáng buồn ». Đừng quên điều này.

Chúng ta đến với khía cạnh thử hai : sự giải thoát. Chúa Giêsu nói rằng Ngài được sai đến để “giải thoát cho kẻ bị giam cầm” (ibid.). Điều này có nghĩa là người rao giảng Thiên Chúa không thể chiêu dụ tín đồ, không, không thể gây áp lực cho người khác, không, nhưng giải phóng họ: không áp đặt gánh nặng, nhưng cất đi; mang bình an, chứ không mang tội lỗi. Dĩ nhiên, theo Chúa Giêsu bao hàm khổ chế, bao hàm hy sinh; xét cho cùng, nếu mọi điều tốt lành đều đòi hỏi những điều này, thì thực tế quyết định của cuộc đời càng đòi hỏi nhiều hơn biết bao! Tuy nhiên, những người làm chứng cho Chúa Kitô cho thấy vẻ đẹp của mục tiêu hơn là công việc vất vả của cuộc hành trình. Chúng ta có thể tình cờ kể cho ai đó nghe về một chuyến đi tuyệt đẹp mà chúng ta đã thực hiện: chẳng hạn, chúng ta sẽ nói về vẻ đẹp của các địa điểm, những gì chúng ta đã thấy và trải nghiệm, chứ không phải về thời gian để đến đó và xếp hàng ở sân bay, không! Vì thế, bất kỳ sự loan báo xứng đáng nào về Đấng Cứu Độ đều phải thông truyền sự giải thoát. Giống như sự loan báo của Chúa Giêsu. Hôm nay, có niềm vui, bởi vì tôi đã đến giải thoát.

Khía cạnh thứ ba: ánh sáng. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến để “cho người mù được sáng mắt” (ibid.). Điều nổi bật là xuyên suốt Thánh Kinh, trước Chúa Kitô, việc chữa lành một người mù chưa bao giờ xuất hiện, chưa bao giờ. Đó thực sự là một dấu hiệu hứa hẹn sẽ đến cùng với Đấng Mêsia. Nhưng ở đây, nó không chỉ là thị lực thể lý, nhưng là một ánh sáng khiến người ta nhìn thấy sự sống của một thế giới mới, và cả cuộc sống theo một cách mới mẻ. Có một sự “đến với ánh sáng”, một sự tái sinh chỉ xảy ra với Chúa Giêsu. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, thì đó là cách cuộc sống Kitô hữu đã bắt đầu đối với chúng ta: với bí tích Rửa tội, mà thời xưa được gọi là “ơn soi sáng”. Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta ánh sáng nào? Ngài mang đến cho chúng ta ánh sáng của quyền làm con: Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha, muôn đời hằng sống; với Ngài chúng ta cũng là con cái được yêu thương mãi mãi của Thiên Chúa, bất chấp những lỗi lầm và tội lỗi của chúng ta. Vì thế, cuộc sống không còn là một bước tiến mù quáng hướng về hư vô, không; nó không phải là vấn đề của số phận hay may mắn, không. Nó không phải là điều gì đó phụ thuộc vào vận may hay các vì sao, không, hay thậm chí vào sức khỏe hay tài chính, không. Cuộc sống tùy thuộc vào tình yêu, vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng chăm sóc chúng ta là những người con yêu dấu của Ngài. Thật tuyệt vời biết bao khi chia sẻ ánh sáng này với người khác! Anh chị em có từng nghĩ rằng cuộc sống của mỗi người chúng ta – cuộc sống của tôi, cuộc sống của bạn, cuộc sống của chúng ta – là một hành vi yêu thương? Và là một lời mời gọi sống yêu thương? Đây là điều tuyệt vời! Nhưng rất nhiều lần chúng ta quên đi điều này, khi đối diện với những khó khăn, khi đối diện với những tin xấu, thậm chí khi đối diện – và đây là điều xấu – với tính trần tục, lối sống trần tục.

 

Khía cạnh thứ tư của lời rao giảng: chữa lành. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến “trả tự do cho người bị áp bức” (ibid.). Những người bị áp bức là những người trong cuộc sống cảm thấy bị đè bẹp bởi điều gì đó đang xảy ra: bệnh tật, lao nhọc, gánh nặng trong tâm hồn, khiếm khuyết, lỗi lầm, tật xấu, tội lỗi…Bị áp bức bởi điều này. Chẳng hạn, chúng ta nghĩ về cảm giác lỗi lầm. Bao nhiêu lần chúng ta đã chịu khổ về điều này? Chúng ta nghĩ một chút về cảm giác lỗi lầm vì điều này hay điều kia…Điều đang áp bức chúng ta trước hết chính là sự dữ mà không có thuộc men hay phương thuốc nào của con người có thể chữa lành: tội lỗi. Và nếu ai đó có cảm giác về lỗi lầm, thì đó là vì điều gì đó họ đã làm, và điều đó thật tồi tệ. Nhưng tin mừng là với Chúa Giêsu, thì sự dữ xa xưa này, tội lỗi, vốn dường như bất khả chiến bại, không còn tiếng nói cuối cùng.

Tôi có thể phạm tội vì tôi yếu đuối. Mỗi chúng ta đều có thể làm điều đó, nhưng đó không phải là lời cuối cùng. Lời cuối cùng là bàn tay dang rộng của Chúa Giêsu vốn nâng bạn lên khỏi tội lỗi. “Và thưa Cha, Cha làm điều này khi nào? Một lần?” Không. “Hai lần?” Không. “Ba lần?” Không. Luôn luôn. Bất cứ khi nào bạn đau ốm, Chúa luôn dang rộng bàn tay của Ngài. Chỉ có Ngài muốn chúng ta giữ chặt và để Ngài mang chúng ta. Tin mừng là với Chúa Giêsu, sự dữ xa xưa này không còn là lời cuối cùng nữa: lời cuối cùng là bàn tay dang rộng của Chúa Giêsu mang bạn về phía trước.

Chúa Giêsu chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi, luôn luôn. Và tôi phải trả bao nhiêu cho việc chữa lành này? Không trả gì cả. Ngài chữa lành chúng ta luôn luôn và nhưng không. Ngài mời gọi những ai “lao nhọc và gánh nặng” – Ngài nói điều này trong Tin Mừng – mời gọi họ đến với Ngài (x. Mt 11, 28). Và vì thế, đồng hành với ai đó đến gặp gỡ Chúa Giêsu là đưa họ đến với vị bác sĩ của tâm hồn, Đấng nâng dậy cuộc sống. Điều đó có nghĩa là, “Thưa anh chị em, tôi không có câu trả lời cho rất nhiều vấn đề của anh chị em, nhưng Chúa Giêsu biết anh chị em, Chúa Giêsu yêu thương anh chị em và có thể chữa lành và xoa dịu tâm hồn anh chị em. Hãy đi và để họ lại với Chúa Giêsu.”

Những người mang gánh nặng cần sự xoa dịu cho quá khứ. Rất nhiều lần chúng ta nghe nói, “Nhưng tôi cần chữa lành quá khứ của tôi…Tôi cần sự xoa dịu cho quá khứ đã đè nặng lên tôi…” Họ cần sự tha thứ. Và những ai tin vào Chúa Giêsu cần chính điều đó để trao ban cho người khác: sức mạnh của sự tha thứ, vốn giải thoát linh hồn khỏi mọi nợ nần. Thưa anh chị em, xin đừng quên: Thiên Chúa quên đi tất cả. Bằng cách nào vậy? Vâng, Ngài quên đi tất cả tội lỗi của chúng ta. Ngài quên đi. Đó là lý do tại sao Ngài không có trí nhớ. Thiên Chúa tha thứ mọi sự vì Ngài quên đi tội lỗi của chúng ta. Chỉ minh Ngài muốn chúng ta đến gần Chúa và Ngài tha thứ cho chúng ta mọi sự. Hãy nghĩ về điều gì đó từ Tin Mừng, từ người đã bắt đầu nói, “Lạy Chúa, con đã phạm tội!” Đứa con trái đó…Và người cha đã che miệng anh ta lại. “Không, không sao đâu, không có gì đâu…” Ngài không để cho anh ta nói hết…Và đó thật là tốt. Chúa Giêsu đang đợi chúng ta để tha thứ, phục hồi chúng ta. Và có thường xuyên không? Một lần, Hai lần, Không. Luôn luôn. “Nhưng thưa Cha, con luôn làm những điều như thế…” Và Ngài sẽ luôn làm điều như thế của Ngài! Tha thứ cho bạn, ôm lấy bạn. Xin đừng nghi ngờ điều này. Đây là cách để yêu mến Chúa. Những người mang gánh nặng và cần sự xoa dịu cho quá khứ cũng cần sự tha thứ, và Chúa Giêsu thực hiện điều đó. Và đó là điều Chúa Giêsu ban tặng: giải thoát tâm hồn khỏi mọi nợ nần. Trong Thánh Kinh, điều đó nói về một năm trong đó người ta được giải thoát khỏi gánh nặng nợ nần: Năm Thánh, năm hồng ân. Như thể đó là điểm tối hậu của lời loan báo.

Trên thực tế, Chúa Giêsu nói Ngài đến để “công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 19). Đó không phải là một Năm thánh theo lịch trình, giống như những Năm thánh mà chúng ta có bây giờ, nơi mọi thứ được lên kế hoạch và anh chị em nghĩ về cách thực hiện và cách không thực hiện nó. Không. Nhưng với Chúa Kitô, ân sủng vốn làm  cho cuộc sống mới mẻ luôn luôn đến và gây kinh ngạc. Chúa Kitô là Năm Thánh của mọi ngày, mọi giờ, kéo anh chị em đến gần, để xoa dịu anh chị em, để tha thứ cho anh chị em. Và lời rao giảng của Chúa Giêsu phải luôn mang lại sự ngạc nhiên của ân sủng. Sự ngạc nhiên này… “Không, tôi không thể tin được! Tôi đã được tha thứ rồi.” Nhưng đây là Thiên Chúa của chúng ta vĩ đại biết bao. Bởi vì không phải chúng ta làm nên những điều vĩ đại, nhưng là ân sủng của Chúa, Đấng, thậm chí qua chúng ta, đang thực hiện những điều bất ngờ. Và đây là những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Thiên Chúa là bậc thầy của những sự ngạc nhiên. Ngài luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên, luôn đợi chờ, chờ đợi chúng ta. Chúng ta đến, và Ngài đang mong chờ chúng ta. Luôn luôn.  Tin Mừng đến với một cảm giác lạ lùng và mới mẻ mang tên Giêsu.

Xin Ngài giúp chúng ta loan báo điều đó như Ngài ước muốn, thông truyền niềm vui, sự giải thoát, ánh sáng, sự chữa lành, sự ngạc nhiên. Đây là cách ta loan truyền Chúa Giêsu.

Điều cuối cùng: Tin Mừng này, mà Phúc Âm nói được gởi đến “người nghèo” (c. 18). Chúng ta thường quên họ, nhưng họ lại là những người lãnh nhận được nhắc đến một cách rõ ràng, bởi vì họ là những người được yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ đến họ, và chúng ta hãy nhớ rằng, để đón nhận Chúa, mỗi chúng ta phải trở nên “nghèo khó trong tâm hồn”. Như thế này là không đủ, không: [anh chị em phải] “nghèo khó trong tâm hồn”. Với sự nghèo khó đó…“Lạy Chúa, con đang cần, con đang cần được tha thứ, con đang cần được giúp đỡ, con đang cần sức mạnh. Sự nghèo khó này mà tất cả chúng ta đều có: trở nên nghèo khó trong tâm hồn. Anh chị em phải vượt qua bất kỳ tính tự phụ tự mãn nào để hiểu rằng chính mình cần đến ân sủng, và luôn cần đến Ngài. Có ai đó nói với tôi, “Thưa Cha, đâu là con đường ngắn nhất để gặp gỡ Chúa Giêsu?” Hãy trở nên thiếu thốn. Thiếu thốn ân sủng, thiếu thốn sự tha thứ, thiếu thốn niềm vui. Và Ngài sẽ đến gần anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31