BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 5 : « MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM, NGƯỜI LÀ ĐẤNG KITÔ, LÀ ĐỨC CHÚA » (Lc 2, 11). CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH VÀ CÁC MỤC ĐỒNG THĂM VIẾNG
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta, nơi những biến cố giáng sinh của Người. Luca đặt việc giáng sinh của Người vào một thời kỳ rõ ràng và ở một nơi được xác định về mặt địa lý: Bêlem. Như thế, ngài nhấn mạnh sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đi vào lịch sử, không lật đổ các cơ cấu của nó, nhưng soi sáng chúng và tái tạo chúng từ bên trong. Tuy nhiên, bất chấp việc sứ thần Gabriel đã loan báo về sự ra đời của vị vua thiên sai, Chúa Kitô đã sinh ra một cách chưa từng có, không phải trong cung điện hoàng gia, nhưng ở phía sau một ngôi nhà, trong không gian dành riêng cho súc vật. Những chứng nhân đầu tiên về sự giáng sinh của Người là những mục đồng, những con người khiêm tốn, không có văn hóa mấy và sống bên lề xã hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn, như các mục đồng, biết ngạc nhiên thán phục bằng cách nhận ra sức mạnh phi thường của Hài Nhi-Thiên Chúa trong sự yếu đuối của Người, Đấng đến để đổi mới thế giới trong niềm hy vọng.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 12/2/2025 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong cuộc hành trình giáo lý năm thánh về Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta, hôm nay chúng ta dừng lại ở biến cố giáng sinh của Người tại Bêlem.
Con Thiên Chúa đi vào lịch sử bằng cách trở thành người bạn đồng hành của chúng ta và Người bắt đầu hành trình từ khi còn trong bụng mẹ. Thánh sử Luca thuật lại rằng, ngay khi được thụ thai, Người đã rời Nazareth để đến nhà ông Dacaria và Elizabeth, sau đó, vào cuối thai kỳ, Người từ Nazareth đến Bêlem để điều tra dân số. Đức Maria và thánh Giuse bị buộc phải lên thành của Vua Đavít nơi thánh Giuse cũng được sinh ra. Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu, Con Thiên Chúa Tối Cao, đã để mình được thống kê, nghĩa là được tính và ghi vào sổ, giống như bất kỳ công dân nào khác. Người phục tùng sắc lệnh của hoàng đế César Auguste, người tin rằng mình là chủ nhân của cả trái đất.
Thánh Luca đặt sự ra đời của Chúa Giêsu vào “một thời điểm có thể xác định chính xác” và trong “một khuôn khổ địa lý được chỉ định chính xác”, đến nỗi “cái phổ quát và cụ thể chạm đến nhau” (Benedetto XVI, L’infanzia di Gesù, 2012, 77). Thiên Chúa đi vào lịch sử không lật đổ các cơ cấu của thế giới, nhưng muốn soi sáng và tái tạo chúng từ bên trong.
Bêlem có nghĩa là “ngôi nhà bánh mì”. Chính ở đó những ngày sinh nở của Đức Maria đã diễn ra và Chúa Giêsu đã sinh ra, bánh từ trời xuống để thỏa mãn cơn đói của thế giới (x. Ga 6, 51). Sứ thần Gabriel đã báo trước sự ra đời của Vua thiên sai dưới dấu hiệu cao cả: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 32-33).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu được sinh ra theo một cách hoàn toàn mới đối với một vị vua. Thật vậy, “Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 6-7). Con Thiên Chúa không sinh ra trong cung điện hoàng gia, nhưng ở phía sau một ngôi nhà, trong một không gian dành cho súc vật.
Do đó, Luca cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không đến thế gian bằng những lời công bố vang dội, Ngài không tỏ mình ra trong tiếng kêu la, nhưng Ngài bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự khiêm nhường. Và ai là chứng nhân đầu tiên của sự kiện này? Họ là những mục đồng: những người ít văn hóa, hôi hám vì thường xuyên tiếp xúc với súc vật, sống bên lề xã hội. Tuy nhiên, họ thực hành nghề nghiệp qua đó chính Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Người (x. Stk 48, 15; 49, 24; Tv 23, 1; 80, 2; Is 40, 11). Thiên Chúa đã chọn họ làm những người đón nhận tin mừng tuyệt vời nhất từng được vang lên trong lịch sử: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2, 10-12).
Nơi cần phải đến để gặp Đấng Mêsia là máng cỏ. Quả thế, hóa ra là sau quá nhiều mong đợi, “Đấng Cứu Thế, Đấng mà mọi sự được tạo dựng cho Người (x. Cl 1, 16), đã không có chỗ” (Benedetto XVI, L’infanzia di Gesù, 2012, 80). Do đó, các mục đồng biết rằng ở một nơi rất khiêm tốn, dành riêng cho súc vật, Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu đã giáng sinh cho họ, để trở thành Đấng Cứu Độ, Mục Tử của họ. Tin này mở tâm hồn họ ra cho sự ngạc nhiên, khen ngợi và loan báo vui mừng. “Trái với rất nhiều người bận rộn làm hàng ngàn việc, các mục đồng trở thành những chứng nhân đầu tiên của điều cốt yếu, nghĩa là về ơn cứu độ được ban tặng. Chính những người khiêm tốn nhất và nghèo khó nhất mới biết cách đón nhận biến cố Nhập Thể” (Tông thư Admirabile signum, 5).
Thưa anh chị em, như các mục đồng, chúng ta cũng hãy cầu xin ơn có khả năng kinh ngạc và ngợi khen trước Thiên Chúa, và có khả năng bảo tồn những gì Ngài đã giao phó cho chúng ta: các tài năng, các đặc sủng, ơn gọi của chúng ta và những người mà Ngài đặt bên cạnh chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa biết cách phân định trong sự yếu đuối sức mạnh phi thường của Hài Nhi-Thiên Chúa, Đấng đến để đổi mới thế giới và biến đổi cuộc sống của chúng ta bằng kế hoạch tràn đầy hy vọng của Ngài dành cho toàn thể nhân loại.
————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Giáng-sinh, năm thánh 2025, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 5 : « MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM, NGƯỜI LÀ ĐẤNG KITÔ, LÀ ĐỨC CHÚA » (Lc 2, 11). CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH VÀ CÁC MỤC ĐỒNG THĂM VIẾNG
- “LIỆU CHÍNH QUYỀN TRUMP SẼ CHỌN ĐỐI ĐẦU VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ?”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON NHÂN DỊP “HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH HÀNH ĐỘNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO”
- MẸ TÊRÊSA CALCUTTA ĐƯỢC GHI VÀO LỊCH CHUNG RÔMA
- ĐHY CUPICH HOAN NGHÊNH LÁ THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CÁC GIÁM MỤC MỸ VỀ VẤN ĐỀ DI CƯ
- NHẬP CƯ : ĐÂU LÀ CƠ SỞ CHO LỜI PHÁT BIỂU CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU ?
- GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ DI CƯ (*)
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỬI CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ
- “TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ GÂY RA NHỮNG BIẾN ĐỘNG Ở QUY MÔ TƯƠNG TỰ NHƯ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CẢNH SÁT VÀ NHÂN VIÊN AN NINH: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- BA SAI LẦM CỦA PHIM “CONCLAVE”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN 2025 : NIỀM HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG VÀ LÀM CHO CHÚNG TA MẠNH MẼ TRONG CƠN THỬ THÁCH
- ĐỨC PHANXICÔ: ƠN GỌI CỦA MỖI NGƯỜI LÀ NHẬN BIẾT NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHÁC
- MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG PHÁ HOẠI BÀN THỜ CHÍNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
- NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ CUỐI CÙNG ĐÃ ĐƯỢC BIẾT?
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH: SỐNG NIỀM HY VỌNG CÙNG VỚI MARIA MAĐALÊNA, HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT NGÀY 2/2/2025: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN ÁNH SÁNG CỦA CHÚA GIÊSU
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2025 : NHỮNG NHÀ THỪA SAI CỦA NIỀM HY VỌNG GIỮA CÁC DÂN TỘC
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 4. « EM THẬT CÓ PHÚC, VÌ ĐÃ TIN » (Lc 1, 45). THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH VÀ BÀI CA MAGNIFICAT