BÀI GIÁO LÝ VỀ LÒNG SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 5. NHÂN VẬT CHÍNH CỦA VIỆC LOAN BÁO : CHÚA THÁNH THẦN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, trong hành trình giáo lý của chúng ta về niềm đam mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta hãy khởi đi từ những lời của Chúa Giêsu, Đấng yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy đi làm cho trở thành môn đệ và hãy đi làm phép rửa, bằng cách mang niềm vui về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng gần gũi và hành động trong chúng ta. Khi nói điều đó với họ, cũng như với chúng ta, Chúa Giêsu cũng thông ban Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép lãnh nhận và hành thành sứ mạng. Nhờ Ngài, vào Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ sẽ thay đổi thế giới. Chính nhờ sức mạnh của Ngài, vốn đi trước các nhà truyền giáo và chuẩn bị các tâm hồn, mà việc loan báo Tin Mừng được thực hiện. Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta khám phá ra làm thế nào Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo. Vào lúc khởi đầu của Giáo hội, liên quan đến hành xử đối với dân ngoại đã trở lại đức tin, các Tông đồ đã tổ chức « Công đồng Giêrusalem », công đồng đầu tiên trong lịch sử, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng ngày nay vẫn còn dạy chúng ta rằng bất kỳ truyền thống tôn giáo nào cũng đều hữu ích khi nó thúc đẩy việc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Quyết định của công đồng đầu tiên dựa trên nguyên tắc loan báo và mọi sự, trong Giáo hội, phải tuân theo nguyên tắc này. Như thế, Chúa Thánh Thần soi sáng và định hướng hành trình của Giáo hội. Đó là lý do tại sao cần thiết phải kêu cầu Ngài thường xuyên và, còn hơn nữa, vào đầu Mùa Chay này. Nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ khép kín nơi chính mình và ngọn lửa của sứ mạng bị tắt đi. Với tư cách là Giáo hội, chúng ta hãy bắt đầu và bắt đầu lại từ Chúa Thánh Thần.
———————————————
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, xin chào và chúc mừng anh chị em đến đây!
Trong hành trình giáo lý của chúng ta về niềm đam mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta hãy khởi đi từ những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nghe : « Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần» (Mt 28, 19) . Chúa Phục Sinh nói : Anh em hãy đi, không phải để tuyên truyền, không phải để chiêu dụ tín đồ, nhưng để làm cho trở thành môn đệ, nghĩa là để mang lại cho mỗi người khả năng tiếp xúc với Chúa Giêsu, nhận biết và yêu mến Ngài một cách tự do. Anh em hãy đi và làm phép rửa : làm phép rửa có nghĩa là dìm mình xuống và do đó, trước khi cho thấy một hành động phụng vụ, nó diễn tả một hành động quan trọng : dìm đời mình vào Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần ; mỗi ngày cảm nghiệm niềm vui về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng gần gũi chúng ta như người Cha, như người Anh, như Thánh Thần, Đấng hành động trong chúng ta, trong tinh thần của chúng ta. Làm phép rửa, đó là dìm mình vào Chúa Ba Ngôi.
Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ – và cả với chúng ta – « Anh em hãy đi ! », Ngài không chỉ thông truyền một lời. Không. Ngài thông truyền Chúa Thánh Thần với nhau, vì chỉ nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta mới có thể lãnh nhận sứ mạng của Chúa Kitô và thực hiện sứ mạng ấy (x. Ga 20, 21-22). Quả thế, các Tông đồ vẫn nhốt kín trong Nhà Tiệc Ly, vì sợ hãi, và cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ông (x. Cv 2, 1-13). Và vào lúc đó, nỗi sợ hãi tan biến và với sức mạnh của Ngài, các ngư phủ hầu như ít học này sẽ thay đổi thế giới. Việc loan báo Tin Mừng do đó được thực hiện trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng đi trước các nhà truyền giáo và chuẩn bị các tâm hồn : chính Ngài là « động cơ của việc loan báo Tin Mừng ».
Chúng ta khám phá điều đó trong sách Công vụ Tông đồ, trong đó, ở mỗi trang, chúng ta đều nhận thấy rằng nhân vật chính của việc loan báo không phải là Phêrô, cũng không phải là Phaolô, cũng không phải là Têphanô, cũng không phải là Philipphê, nhưng chính là Chúa Thánh Thần. Cũng trong sách Công vụ, người ta kể lại một thời điểm quyết định trong buổi đầu của Giáo hội, vốn cũng có thể cho chúng ta biết nhiều điều. Vào thời đó cũng như ngày nay, cùng với niềm an ủi cũng không thiếu những gian truân, – những lúc vui và những lúc buồn – niềm vui đi kèm nỗi lo âu, cả hai điều cùng nhau. Chẳng hạn, một trong số là làm thế nào cư xử với những người ngoại giáo đến với đức tin, với những người không thuộc về dân tộc Do Thái. Họ có bị ràng buộc tuân giữ các quy định của luật Môisê hay không ? Đó không phải là một vấn đề nhỏ đối với những người này. Do đó, có hai nhóm được hình thành, giữa những người coi việc tuân giữ Lề luật là cần thiết và những người khác thì không. Để phân định, các Tông đồ gặp nhau, tại nơi sẽ được gọi là « Công đồng Giêrusalem », công đồng đầu tiên trong lịch sử. Làm thế nào giải quyết vấn đề nan giải ? Người ta lẽ ra có thể tìm kiếm một sự thỏa hiệp tốt đẹp giữa truyền thống và canh tân : một số quy luật phải được tôn trọng, và một số khác để sang một bên. Tuy nhiên, các Tông đồ không theo sự khôn ngoan nhân loại này để tìm kiếm một sự cân bằng ngoại giao giữa nhóm này và nhóm kia, các ngài không làm như thế, nhưng thích nghi với hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã đi trước họ, khi ngự xuống trên dân ngoại cũng như trên họ.
Và vì thế, khi loại bỏ hầu hết mọi nghĩa vụ gắn liền với Lề luật, các ngài truyền đạt các quyết định cuối cùng, được đưa ra – và các ngài viết như sau : – « bởi Thánh Thần và chính chúng tôi » (x. Cv 15, 28) đó là điều được quyết định, Thánh Thần cùng với chúng tôi, chính như thế mà các Tông đồ luôn hành động. Cùng nhau, không chia rẽ, cho dù có những nhạy cảm và quan điểm khác nhau, nhưng các ngài lắng nghe Chúa Thánh Thần. Và Ngài dạy một điều, cũng có giá trị ngày nay : bất kỳ truyền thống tôn giáo nào cũng đều hữu ích nếu nó cổ vũ việc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng quyết định lịch sử của Công đồng đầu tiên, mà chúng ta cũng được hưởng lợi, được thúc đẩy bởi một nguyên tắc, nguyên tắc loan báo : trong Giáo hội, mọi sự phải phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng ; không phải với những quan điểm của những người bảo thủ hay cấp tiến, nhưng với sự kiện rằng Chúa Giêsu có thể đi vào cuộc sống của mọi người. Do đó, bất kỳ chọn lựa nào, bất kỳ việc sử dụng nào, bất kỳ cấu trúc nào và bất kỳ truyền thống nào đều phải được đánh giá theo tiêu chí mà chúng thúc đẩy việc loan báo Chúa Kitô. Khi các quyết định được tìm thấy trong Giáo hội – chẳng hạn như những chia rẽ ý thức hệ : « Tôi bảo thủ vì… » « Tôi tiến bộ vì… ». Nhưng Chúa Thánh Thần ở đâu ? Hãy lưu ý, Tin Mừng không phải là một ý tưởng, Tin Mừng không phải là một ý thức hệ : Tin Mừng là một lời loan báo chạm đến tâm hồn và khiến bạn thay đổi tâm hồn, nhưng nếu bạn ẩn nấp trong một ý tưởng, trong một ý thức hệ dù là cánh hữu hay cánh tả hay cánh trung, thì ban đang biến Tin Mừng thành một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ của những con người. Tin Mừng luôn ban cho bạn sự tự do này của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hành động trong bạn và giúp bạn tiến tới. Và ngày nay thật cần thiết biết bao để tìm lại sự tự do của Tin Mừng và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.
Như thế, Chúa Thánh Thần luôn soi sáng hành trình của Giáo hội. Quả thế, Ngài không chỉ là ánh sáng của các tâm hồn, Ngài còn là ánh sáng định hướng Giáo hội : Ngài đem đến sự rõ ràng, giúp phân biệt, giúp phân định. Đó là lý do tại sao thật cần thiết để thường xuyên kêu cầu Ngài ; chúng ta hãy làm điều này nhiều hơn nữa hôm nay, vào đầu Mùa Chay. Vì với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể có thời gian và không gian được xác định rõ ràng, các cộng đồng, tổ chức và phong trào được tổ chức tốt, nhưng nếu không có Chúa Thánh Thần, thì mọi thứ vẫn vô hồn. Tổ chức mà thôi thì chưa đủ : chính Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Giáo hội. Giáo hội, nếu không cầu nguyện với Ngài và không khẩn cầu Ngài, sẽ khép kín nơi chính mình, trong những tranh luận vô ích và kiệt sức, trong những phân cực mệt mỏi, trong khi ngọn lửa truyền giáo vụt tắt. Thật rất buồn khi xem Giáo hội như thể là một nghị viện ; không, Giáo hội là điều gì khác. Giáo hội là cộng đồng của những người nam và người nữ tin và loan báo Chúa Giêsu-Kitô, nhưng do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chứ không phải do những lý lẽ riêng của họ. Vâng, chúng ta sử dụng lý trí của mình nhưng Chúa Thánh Thần đến soi sáng và thúc đẩy nó. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đi ra, thúc đẩy chúng ta loan báo đức tin để củng cố chúng ta trong đức tin, thúc đẩy chúng ta ra đi truyền giáo để khám phá ra chúng ta là ai. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô Tông đồ khuyến cáo điều này : « Anh em đừng dập tắt Thần Khí » (1Tx 5, 19). Đừng dập tắt Thần Khí. Chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, kêu cầu Ngài, cầu xin Ngài mỗi ngãi thắp sáng lên trong chúng ta ánh sáng của Ngài. Chúng ta hãy làm điều đó trước mỗi cuộc gặp gỡ, để trở nên những Tông đồ của Chúa Giêsu bên cạnh những người chúng ta gặp gỡ. Đừng dập tắt Thần Khí trong các cộng đoàn Kitô hữu và cả trong mỗi người chúng ta.
Anh chị em thân mến, với tư cách là Giáo hội, chúng ta hãy bắt đầu và bắt đầu lại từ Chúa Thánh Thần. « Chắc chắn, điều quan trọng là, trong kế hoạch mục vụ của chúng ta, chúng ta khởi đi từ các cuộc điều tra xã hội học, từ các cuộc phân tích, từ danh sách những khó khăn, danh sách những kỳ vọng và đòi hỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là khởi đi từ những kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần : đó là điểm xuất phát thực sự. Và do đó, cần phải tìm kiếm chúng, liệt kê chúng, nghiên cứu chúng, giải thích chúng. Đó là một nguyên tắc cơ bản mà, trong đời sống thiêng liêng, được gọi là sự trỗi vượt của sự an ủi so với sự phiền muộn. Trước tiên, có Chúa Thánh Thần an ủi, hồi sinh, soi sáng, thúc đẩy : tiếp đến, cũng sẽ có sự phiền muộn, đau khổ, bóng tối, nhưng nguyên tắc để điều chỉnh trong bóng tối là ánh sáng của Chúa Thánh Thần » (C.M. Martini, Loan báo Tin Mừng trong sự an ủi của Chúa Thánh Thần, 25 /9/1997). Đó là nguyên tắc để điểu chỉnh chúng ta trong những điều chúng ta chưa hiểu, trong những sự lờ mờ, thậm chí trong những lúc tăm tối nhất, đó mới là điều quan trọng. Chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có cởi mở với ánh sáng này không, liệu chúng ta dành không gian cho nó không : tôi có kêu cầu Chúa Thánh Thần không ? Mỗi người hãy trả lời ở tòa trong của mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta cầu nguyện với Chúa Thánh Thần ? « Không, thưa Cha, con cầu nguyện với Đức Trinh Nữ, con cầu nguyện với các Thánh, con cầu nguyện với Chúa Giêsu, nhưng đôi khi, con cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, con cầu nguyện với Chúa Cha » – « Còn Chúa Thánh Thần ? Con không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, là Đấng lay động tâm hồn con, mang lại cho con niềm an ủi, mang lại cho con ước muốn loan báo Tin Mừng và thi hành sứ mạng truyền giáo ? » Tôi để lại cho anh chị em câu hỏi này : tôi có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không ? Tôi có để mình được Ngài hướng dẫn không, Đấng mời gọi tôi đừng khép kín nơi chính mình nhưng mang lấy Chúa Giêsu, làm chứng cho sự trỗi vượt của sự an ủi của Thiên Chúa so với sự phiền muộn của thế gian ? Xin Đức Trinh Nữ, Đấng đã hiểu rõ điều đó, giúp chúng ta hiểu điều đó.
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ