BÀI GIÁO LÝ VỀ LÒNG SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU. BÀI 6 : CÔNG ĐỒNG VATICAN II. 1. LOAN BÁO TIN MỪNG NHƯ LÀ VIỆC PHỤC VỤ CỦA GIÁO HỘI
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng « công đồng » đầu tiên trong lịch sử của Giáo hội đã được triệu tập ở Giêrusalem để giải quyết một vấn đề liên quan đến việc Phúc Âm hóa, nghĩa là việc loan báo Tin Mừng cho những người không phải là người Do Thái. Vào thế kỷ XX, Công đồng đại kết Vatican II đã trình bày Giáo hội là Dân lữ hành của Thiên Chúa trong thời gian và tự bản chất là truyền giáo. Giữa Công đồng đầu tiên và Công đồng cuối cùng có một cây cầu mà kiến trúc sư là Chúa Thánh Thần. Loan báo Tin Mừng luôn là một việc phục vụ của Giáo hội, không bao giờ đơn độc, không bao giờ cô lập hay chủ nghĩa cá nhân. Người loan báo Tin Mừng thông trao truyền những gì mình đã nhận được vì tính năng động của Giáo hội trong việc trao truyền Sứ điệp là một sự dân thân và bảo đảm tính đích thực của việc loan báo của người Kitô hữu. Chiều kích giáo hội của việc loan báo Tin Mừng là một tiêu chí chứng thực lòng nhiệt thành tông đồ. Với Sắc lệnh Ad gentes của Công đồng Vatican II, văn kiện về hoạt động truyền giáo của Giáo hội này, tình yêu của Thiên Chúa Cha là cội nguồn và dành cho mọi người. Bổn phận của Giáo hội là theo đuổi sứ mạng của Chúa Kitô. Ý nghĩa giáo hội của lòng nhiệt thành tông đồ nơi mỗi người môn đệ – truyền giáo được hiểu rõ hơn, vì trong Dân Thiên Chúa lữ hành và loan báo Tin Mừng, không có chủ thể tích cực hay chủ thể thụ động. Nhờ bí tích Rửa tội được lãnh nhận và việc tháp nhập vào Giáo hội, mọi người được rửa tội đều tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, và trong Giáo hội, vào sứ mạng của Chúa Kitô là Vương Đế, Tư Tế và Ngôn Sứ. Lòng nhiệt thành truyền giáo của người tín hữu được biểu hiện như một cuộc tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để phục vụ Tin Mừng và nhân loại.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy làm thế nào « công đồng » đầu tiên trong lịch sử Giáo hội – công đồng, giống như công đồng Vatican II -, công đồng đầu tiên, được triệu tập tại Giêrusalem về một vấn đề liên quan đến việc Phúc Âm hóa, tức là việc rao giảng Tin Mừng cho những người không phải là người Do Thái – người ta từng nghĩ rằng Tin Mừng chỉ nên được rao giảng cho người Do Thái. Vào thế kỷ XX, Công đồng đại kết Vatican II đã trình bày Giáo hội là Dân lữ hành của Thiên Chúa theo thời gian, và vì bản chất truyền giáo của Giáo hội (x. Sắc lệnh Ad gentes, 2). Điều đó có nghĩa là gì ? Có một cây cầu giữa Công đồng đầu tiên và Công đồng cuối cùng, dưới ngọn cờ loan báo Tin Mừng, một cây cầu là kiến trúc sư của nó là Chúa Thánh Thần. Ngày nay, chúng ta lắng nghe Công đồng Vatican II để khám phá ra rằng việc loan báo Tin Mừng luôn là một việc phục vụ của Giáo hội, không bao giờ đơn độc, không bao giờ cô lập, không bao giờ cá nhân chủ nghĩa. Việc loan báo Tin Mừng luôn được thực hiện trong Giáo hội, nghĩa là trong một cộng đoàn, và không có sự chiêu dụ tín đồ, bởi vì đó không phải là loan báo Tin Mừng.
Quả thế, người loan báo Tin Mừng luôn truyền đạt những gì mình đã nhận được. Thánh Phaolô là người đầu tiên viết điều này : Tin Mừng mà ngài loan báo và cộng đoàn đón nhận, và trong đó họ vẫn kiên định, cũng chính là Tin Mừng thánh Tông đồ đã đón nhận (x. 1Cr 15, 1-3). Đức tin được đón nhận và trao truyền. Tính năng động của Giáo hội trong việc trao truyền Sứ điệp này có tính chất ràng buộc và đảm bảo tính đích thực của việc rao giảng của người Kitô hữu. Cũng thế, thánh Phaolô viết cho các tín hữu Galata : «Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi » (1, 8). Điều đó thật đẹp và thích ứng với nhiều cái nhìn hợp thời trang…
Do đó, chiều kích Giáo hội của việc loan báo Tin Mừng tạo nên một tiêu chí chứng thực lòng nhiệt thành tông đồ. Một sự chứng thực cần thiết, vì cám dỗ tiến hành « cách đơn độc » luôn luôn có, nhất là khi con đường trở nên không thể thực hiện được và người ta cảm thấy sức nặng của sự dấn thân. Cám dỗ đi theo những con đường giả-giáo hội dễ dàng hơn, chấp nhận lôgíc thế gian về các con số và các cuộc thăm dò ý kiến, dựa vào sức mạnh của những ý tưởng của chúng ta, những chương trình, những cấu trúc, « những mối quan hệ quan trọng » cũng nguy hiểm không kém. Điều đó không ổn, nó sẽ giúp ích một chút, nhưng chính sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho bạn để loan báo sự thật về Chúa Giêsu Kitô, để loan báo Tin Mừng mới là nền tảng. Những điều khác chỉ là thứ yếu.
Giờ đây, thưa anh chị em, chúng ta hãy đặt mình cách trực tiếp hơn vào trường học của Công đồng Vatican II, bằng cách đọc lại một số đoạn của sắc lệnh Ad gentes (AG), văn kiện về hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Những bản văn này của Vatican II vẫn giữ được tất cả giá trị của chúng, ngay cả trong bối cảnh phức tạp và đa dạng của chúng ta.
Trước tiên, văn kiện AG này mời gọi chúng ta coi tình yêu của Thiên Chúa Cha là cội nguồn, Đấng « vì lòng nhân từ thương xót vô biên nên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài », – đó là ơn gọi của chúng ta – « đã rộng rãi tuôn đổ và còn không ngừng tuôn đổ lòng nhân từ xuống cho chúng ta, đến độ Đấng tác tạo muôn loài lại trở nên “mọi sự trong mọi người” (1 Cr 15,28), để Ngài được vinh hiển và đồng thời chúng ta được hạnh phúc » (số 2). Đoạn văn này là cơ bản, vì nó nói rằng tình yêu của Chúa Cha là dành cho mọi người. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ, không… nhưng cho tất cả mọi người. Anh chị em hãy ghi nhớ kỹ lời này trong đầu và trong tâm hồn : tất cả mọi người, tất cả mọi người, không ai bị loại trừ, đó là điều Chúa nói. Và tình yêu này dành cho mỗi người là một tình yêu đạt tới mỗi người nam và người nữ thông qua sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng Trung gian cứu độ và là Đấng Cứu Độ chúng ta (x. AG, 3), và thông qua sứ mạng của Chúa Thánh Thần (x. AG, 4), Đấng đang hành động nơi mỗi người, cả nơi người đã được rửa tội cũng như nơi những người chưa được rửa tội. Chúa Thánh Thần đang hành động !
Vả lại, Công đồng nhắc lại rằng Giáo hội có trách nhiệm theo đuổi sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng « đã được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Ki-tô thúc đẩy, – văn kiện Ad gentes nói tiếp – cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Ki-tô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến nỗi sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người » (AD, 5). Nếu Giáo hội trung thành với « con đường » này, thì sứ mạng của Giáo hội là « sự biểu lộ hay nói cách khác là sự hiển linh ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần gian và trong lịch sử nhân loại » (AG, 9).
Thưa anh chị em, những chỉ dẫn ngắn gọn này cũng giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa giáo hội của lòng nhiệt thành tông đồng của mỗi người môn đệ – truyền giáo. Lòng nhiệt thành tông đồ không phải là một sự nhiệt tình, nó là điều gì khác, đó là một ân sủng của Thiên Chúa, mà chúng ta phải gìn giữ. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa vì trong Dân Thiên Chúa, dân lữ hành và loan báo Tin Mừng, không có chủ thể tích cực và chủ thể thụ động. Không có những người rao giảng , những người loan báo Tin Mừng bằng cách này hay cách khác, và những người im lặng. Không. Tông huấn Evangelii gaudium nói : « Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở chức năng nào trong Giáo hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, đều là một chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng » (Evangelii gaudium, số 120).
Bạn là một Kitô hữu ? « Vâng, tôi đã được rửa tội… » Và bạn có loan báo Tin Mừng không ? « Nhưng điều đó có nghĩa là gì ?… » Nếu bạn không loan báo Tin Mừng, nếu bạn không mang lại chứng tá của bạn, nếu bạn không làm chứng cho phép rửa mà bạn đã lãnh nhận, cho đức tin mà Chúa đã ban cho bạn, thì bạn không phải là một Kitô hữu tốt. Nhờ phép rửa đã lãnh nhận và việc được tháp nhập vào Giáo hội phát sinh từ đó, mọi người đã được rửa tội đều tham dự vào sứ mạng của Giáo hội và, trong Giáo hội, vào sứ mạng của Chúa Kitô là Vương Đế, Tư Tế và Ngôn Sứ. Thưa anh chị em, nhiệm vụ này « là độc nhất và như nhau, tại bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có thể điều kiện không cho phép thi hành theo cùng một cách thức như nhau » (AG, 6). Điều đó mời gọi chúng ta đừng trở nên trì trệ hay xơ cứng ; điều đó cứu chuộc chúng ta khỏi sự lo lắng này vốn không phải là của Thiên Chúa. Lòng nhiệt thành truyền giáo của người tín hữu này cũng được thể hiện như một cuộc tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để rao giảng và làm chứng, những cách thức mới để gặp gỡ nhân loại đang bị tổn thương mà Chúa Kitô đã đảm nhận. Tóm lại là những cách thức mới để phục vụ Tin Mừng và phục vụ nhân loại. Việc loan báo Tin Mừng là một sự phục vụ. Nếu một người tự gọi mình là người loan báo Tin Mừng và không có thái độ này, không có tâm hồn phục vụ này, và nghĩ mình là ông chủ, thì đó không phải là người loan báo Tin Mừng, không, đó là một người nghèo nàn.
Trở về với tình yêu nguyên thủy của Chúa Cha và sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần không khép kín chúng ta nơi những không gian yên thân tĩnh lặng. Trái lại, điều đó dẫn chúng ta đến chỗ nhận ra tính nhưng không của món quà sự sống viên mãn mà chúng ta được mời gọi, vì món quà này mà chúng ta ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa. Món quà này không chỉ dành cho chúng ta, nhưng là để trao ban nó cho người khác. Và điều đó cũng dẫn chúng ta đến chỗ luôn sống trọn vẹn hơn bao giờ hết những gì chúng ta đã lãnh nhận, bằng cách chia sẻ nó với người khác, với ý thức trách nhiệm và bằng cách cùng nhau đi trên những con đường lịch sử, thường quanh co và khó khăn, trong sự chờ đợi tỉnh thức và gian khổ để hoàn thành nó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn này để đảm nhận ơn gọi Kitô hữu này và tạ ơn Chúa về những gì Ngài đã ban cho chúng ta, kho tàng này. Và cố gắng thông truyền nó cho người khác.
———————————–
Sau buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 8/3/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi :
« Trong Ngày quốc tế phụ nữ này, tôi nghĩ đến tất cả các phụ nữ : tôi cảm ơn họ vì sự dấn thân của họ nhằm xây dựng một xã hội nhân bản hơn, thông qua khả năng nắm bắt thực tại bằng ánh mắt sáng tạo và trái tim dịu dàng. Đó là một đặc ân độc đáo dành cho phụ nữ ! Một chúc lành đặc biệt cho tất cả các phụ nữ đang có mặt ở quảng trường. Và một tràng pháo tay cho các phụ nữ ! Họ xứng đáng với điều đó !
Và, thưa anh chị em, xin đừng quên nỗi đau của dân tộc Ucraina đang bị hành hạ, họ phải đau khổ rất nhiều…Chúng ta hãy luôn có họ trong tâm hồn và lời cầu nguyện của chúng ta. »
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, nữ giới, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”