BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 19. CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ TRONG NIỀM VUI : KATERI TEKAKWITHA, VỊ THÁNH BẢN ĐỊA ĐẦU TIÊN CỦA BẮC MỸ
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta tiếp tục bài giáo lý về lòng nhiệt thành và niềm say mê tông đồ qua hình ảnh thánh Kateri Tekawitha, vị thánh bản địa đầu tiên ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17. Chỉ có mẹ thánh nữ, từ một bộ tộc khác với cha ngài, đã được rửa tội và chính bà là người đã dạy Kateri cầu nguyện và ngợi ca Thiên Chúa. Nhưng một trận dịch đậu mùa đã khiến ngài mồ côi; thánh nữ thậm chí còn có những vết sẹo trên mặt và thị lực bị tổn thương nặng nề trong suốt cuộc đời. Sau khi chịu phép rửa, nhận lãnh lúc 20 tuổi, sự dấn thân của Kateri trong giáo điểm truyền giáo của các cha Dòng Tên đối với với trẻ em, người bệnh hoặc người già, cũng như cách ngài phục vụ khiêm tốn, cầu nguyện hay chịu đựng những thập giá, đã nêu gương sáng cho tất cả mọi người và thể hiện rõ ràng lòng nhiệt thành tông đồ lớn lao. Ước muốn hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa đã khiến thánh nữ khấn giữ đồng trinh ở tuổi 23, một năm trước khi qua đời sớm. Cuộc đời ngắn ngủi của Kateri Katewitha cho thấy niềm vui thầm lặng và sự tự do của một cuộc sống mở ra cho Chúa và tha nhân trong một cuộc sống thường ngày hoàn toàn dâng hiến.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha ngày 30/8/2023:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Bây giờ, tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về chủ đề lòng nhiệt thành tông đồ và niềm say mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta nhìn vào thánh Kateri Tékakwitha, người phụ nữ bản địa đầu tiên ở Bắc Mỹ đã được phong thánh. Sinh vào khoảng năm 1656 tại một ngôi làng ở phía bắc của Bang New York, thánh nữ là con gái của ông Mohawk, một thủ lĩnh chưa được rửa tội, và bà Algonquian, một người mẹ Kitô hữu, người đã dạy thánh nữ cầu nguyện và hát thánh ca tôn vinh Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng được giới thiệu với Chúa lần đầu tiên trong gia đình, đặc biệt là qua mẹ và bà của chúng ta. Đây là cách việc loan báo Tin Mừng bắt đầu và quả thực, chúng ta đừng quên, đức tin luôn được các mẹ, các bà truyền đạt bằng phương ngữ. Đức tin phải được truyền tải bằng phương ngữ và chúng ta đã tiếp nhận nó bằng phương ngữ này từ mẹ và bà của chúng ta. Việc loan báo Tin Mừng thường bắt đầu như thế này: bằng những cử chỉ nhỏ bé đơn giản, như cha mẹ giúp con cái học cầu nguyện với Chúa và kể cho chúng nghe về tình yêu cao cả và thương xót của Ngài. Và nền tảng đức tin của Kateri cũng như của chúng ta đều được đặt theo cách này. Thánh nữ đã nhận được đức tin từ mẹ cô bằng phương ngữ, phương ngữ của đức tin.
Khi Kateri lên bốn tuổi, một trận dịch đậu mùa nghiêm trọng ập đến với người dân của thánh nữ. Cha mẹ và em trai của thánh nữ đã qua đời, còn bản thân Kateri thì bị sẹo trên mặt và các vấn đề về thị lực. Từ đó, Kateri phải đối mặt với nhiều khó khăn: chắc chắn là những khó khăn về thể chất do ảnh hưởng của bệnh đậu mùa, nhưng cũng có những hiểu lầm, bắt bớ và thậm chí bị đe dọa giết chết mà thánh nữ phải chịu sau khi chịu phép rửa vào Chúa Nhật Phục Sinh, năm 1676. Tất cả những điều này đã mang lại cho Kateri một tình yêu lớn lao đối với thập giá, dấu chỉ tối hậu của tình yêu Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho đến cùng vì chúng ta. Chứng tá của Tin Mừng thực ra không chỉ giới hạn ở những gì làm hài lòng; chúng ta cũng phải biết vác thập giá hàng ngày của mình với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng. Kiên nhẫn trước những khó khăn, trước thánh giá: kiên nhẫn là một nhân đức Kitô giáo cao cả. Người không có sự kiên nhẫn không phải là một Kitô hữu tốt. Kiên nhẫn để chịu đựng: chịu đựng khó khăn và cũng chịu đựng người khác, những người đôi khi gây khó chịu hoặc khiến anh chị em gặp khó khăn… Cuộc đời của Kateri Tekakwitha cho chúng ta thấy rằng mọi thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta mở lòng mình ra với Chúa Giêsu, Đấng ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần: sự kiên nhẫn và trái tim rộng mở với Chúa Giêsu, đây là phương pháp để sống tốt.
Sau khi được rửa tội, Kateri phải ẩn náu giữa những người Mohawks trong giáo điểm truyền giáo của Dòng Tên gần thành phố Montréal. Ở đó, thánh nữ tham dự Thánh lễ mỗi sáng, dành thời gian chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi và sống đời sám hối. Những thực hành tâm linh của thánh nữ đã gây ấn tượng với tất cả các thành viên của giáo điểm truyền giáo, những người đã nhận ra nơi Kateri một sự thánh thiện thu hút vì nó xuất phát từ tình yêu sâu sắc của thánh nữ dành cho Thiên Chúa. Đây là đặc tính của sự thánh thiện: thu hút. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta bằng sự thu hút, Người kêu gọi chúng ta với ước muốn được gần gũi với chúng ta và thánh nữ đã cảm nhận được ân sủng của sự thu hút thần linh này. Đồng thời, thánh nữ dạy trẻ em của giáo điểm Truyền giáo cầu nguyện và, qua việc thường xuyên chu toàn trách nhiệm của mình, bao gồm cả việc chăm sóc người bệnh và người già, thánh nữ đã nêu gương phục vụ khiêm tốn và đầy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Đức tin luôn được thể hiện trong sự phục vụ. Đức tin không hệ tại việc trang điểm bản thân, trang điểm tâm hồn của mình: không, nó hệ tại phục vụ.
Mặc dù được khuyến khích kết hôn, nhưng Kateri lại muốn dâng hiến cuộc đời mình hoàn toàn cho Chúa Kitô. Không thể bước vào đời sống thánh hiến, thánh nữ đã khấn trọn đời đồng trinh vào ngày 25 tháng 3 năm 1679. Sự lựa chọn của thánh nữ cho thấy một khía cạnh khác của lòng nhiệt thành tông đồ nơi ngài: hiến dâng trọn vẹn cho Chúa. Chắc chắn, không phải ai cũng được kêu gọi thực hiện lời khấn giống như Kateri; tuy nhiên, mỗi Kitô hữu được mời gọi mỗi ngày dấn thân với tấm lòng không chia sẻ cho ơn gọi và sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó cho mình, bằng cách phục vụ Người và tha nhân trong tinh thần bác ái.
Anh chị em thân mến, cuộc đời của Kateri là một bằng chứng nữa cho sự kiện rằng lòng nhiệt thành tông đồ bao hàm cả sự kết hợp với Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, lẫn ước muốn truyền bá vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo qua việc trung thành với ơn gọi đặc biệt của mình. Những lời cuối cùng của Kateri rất hay. Trước khi chết, thánh nữ nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”.
Cả chúng ta nữa, khi kín múc sức mạnh từ Chúa, như thánh Kateri Tekakwitha đã làm, chúng ta học cách thực hiện những hành động bình thường theo cách phi thường và nhờ đó lớn lên mỗi ngày trong đức tin, đức ái và lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa Kitô.
Chúng ta đừng quên: mỗi người chúng ta được kêu gọi nên thánh, nên thánh hằng ngày, nên thánh trong đời sống Kitô hữu chung. Mỗi người chúng ta đều nhận được lời kêu gọi này: chúng ta hãy tiếp tục con đường này. Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta.
—————————————-
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:
Ngày mốt, ngày 1 tháng 9, chúng ta cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Bảo vệ Công trình tạo dựng, khai mạc “Thời gian đại kết vì Công Trình Tạo Dựng” sẽ kéo dài đến ngày 4 tháng 10, lễ Thánh Phanxicô Assisi. Vào ngày này, tôi dự định xuất bản một tông huấn, một Laudato sì thứ hai. Chúng ta hãy kết hiệp với anh chị em Kitô hữu dấn thân chăm sóc công trình tạo dựng như một món quà thánh thiêng của Đấng Tạo Hóa. Chúng ta phải sát cánh cùng các nạn nhân của sự bất công về môi trường và khí hậu, và cố gắng chấm dứt cuộc chiến điên rồ chống lại Ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy làm việc và cầu nguyện để nó lại tràn đầy sức sống.
——————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG