BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 22. THÁNH JOSÉPHINE BAKHITA : CHỨNG NHÂN CHO SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI CỦA ƠN THA THỨ CỦA CHÚA KITÔ

Written by xbvn on Tháng Mười 11th, 2023. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, trong loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta để cho mình được truyền cảm hứng bởi chứng từ của Thánh Joséphine Bakhita, một vị thánh người Sudan. Đây là cơ hội để chúng ta cầu nguyện cho dân tộc này đang bị ảnh hưởng bởi một cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp. Danh tiếng của Thánh Bakhita đã vượt qua các biên giới và đến với tất cả những người mà căn tính và phẩm giá bị khước từ. Những kẻ bắt có ngài gọi ngài là “Bakhita”, có nghĩa là “may mắn”. Những đau khổ về thể xác và tinh thần mà ngài phải chịu đựng từ khi còn nhỏ đã khiến ngài không còn căn tính. Với Thánh Bakhita, chúng ta hiểu rằng chỉ trong sự yếu đuối của những người bị áp bức mà sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa mới được bộc lộ và giải thoát người bị áp bức và người áp bức. Ngài trải nghiệm một sự giải thoát nội tâm sâu xa khi nhìn vào cây thánh giá, bởi vì ngài cảm thấy được hiểu và được yêu thương cũng như đến lượt mình có khả năng hiểu và yêu. Cuộc đời của Thánh Bakhita, người đã trở thành Kitô hữu, là một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Sự tha thứ làm cho ngài được tự do, vui vẻ, có khả năng yêu thương. Ngài đã sống sự phục vụ, không phải như chế độ nô lệ, nhưng như một biểu hiện của sự tự do trao hiến bản thân. Sự tha thứ làm cho ngài được bình an và trở thành người kiến tạo bình an, được tự do và trở thành người giải thoát. Cuộc đời của ngài là một phép lạ của Chúa. Thánh Joséphine Bakhita, qua tấm gương của ngài, chỉ cho chúng ta con đường để cuối cùng được giải thoát khỏi cảnh nô lệ và nỗi sợ hãi của chúng ta. Ngài giúp chúng ta vạch trần những thói đạo đức giả và sự ích kỷ của mình, vượt qua những mối hận thù và xung đột. Sự tha thứ là nguồn gốc của một lòng nhiệt thành trở nên thương xót và mời gọi đến sự thánh thiện khiêm nhường và vui tươi, giống như sự thánh thiện của Thánh Bakhita.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 11/10/2023 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, – chúng ta đang suy tư về lòng nhiệt thành tông đồ – hôm nay, chúng ta để mình được truyền cảm hứng bởi từ chứng từ của Thánh Josephine Bakhita, một vị thánh người Sudan. Thật không may, từ nhiều tháng qua, Sudan đã bị xâu xé bởi một cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp mà ngày nay người ta ít nói đến; chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Sudan, để họ được sống trong hòa bình! Nhưng danh tiếng của Thánh Bakhita đã vượt qua mọi biên giới để đến với tất cả những người bị tước đoạt căn tính tính và phẩm giá.

Sinh ra ở Darfour – Darfour dày vò! – năm 1869, ngài bị bắt cóc khỏi gia đình khi mới 7 tuổi và bị biến thành nô lệ. Những kẻ bắt cóc ngài gọi ngài là “Bakhita“, có nghĩa là “may mắn”. Ngài trải qua tám người chủ – người này đã bán ngài cho người khác… Những đau khổ về thể xác và tinh thần mà ngài phải chịu đựng trong thời thơ ấu đã khiến ngài không còn căn tính. Ngài phải chịu đựng sự ác độc và bạo lực: trên người ngài có hơn một trăm vết sẹo. Nhưng chính ngài đã làm chứng: “Là một nô lệ, tôi không bao giờ tuyệt vọng, bởi vì tôi cảm nhận được một sức mạnh huyền bí đã nâng đỡ tôi”.

Đối mặt với điều này, tôi tự hỏi: bí quyết của Thánh Bakhita là gì? Chúng ta biết rằng thường thường người bị thương đến lượt mình lại gây tổn thương; người bị áp bức dễ dàng trở thành kẻ áp bức. Trái lại, ơn gọi của những người bị áp bức là giải thoát bản thân và những kẻ áp bức bằng cách trở thành những người phục hồi nhân tính. Chỉ nơi sự yếu đuối của những người bị áp bức mà sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa mới được biểu lộ, vốn giải thoát cả hai. Thánh Bakhita diễn đạt sự thật này rất hay. Một ngày nọ, người giám hộ của ngài tặng cho ngài một cây thánh giá nhỏ, và ngài, người chưa bao giờ sở hữu bất cứ thứ gì, đã bo bo giữ nó như một kho báu. Khi nhìn nó, ngài cảm nghiệm một sự giải thoát nội tâm bởi vì ngài cảm thấy được hiểu và được yêu thương và do đó có khả năng hiểu và yêu thương: đây là sự khởi đầu. Ngài cảm thấy được hiểu, ngài cảm thấy được yêu và do đó có khả năng hiểu và yêu thương người khác. Quả thế, ngài sẽ nói: “Tình yêu của Thiên Chúa luôn đồng hành với tôi một cách huyền nhiệm… Chúa đã yêu thương tôi rất nhiều: cần phải yêu thương mọi người… Chúng ta phải có lòng trắc ẩn!” Đó là linh hồn của Bakhita. Thực sự, có lòng trắc ẩn nghĩa là vừa đau khổ với những nạn nhân của quá nhiều sự vô nhân đạo trên thế giới, vừa có nghĩa là thương xót những người phạm sai lầm và bất công, không phải bằng cách biện minh cho họ mà bằng cách nhân bản hóa họ. Đây là sự dịu dàng mà ngài dạy chúng ta: nhân bản hóa. Khi chúng ta đi vào lôgic của đấu tranh, của chia rẽ giữa chúng ta, của những cảm giác tồi tệ, người này chống lại người kia, thì chúng ta đánh mất nhân tính. Và chúng ta thường nghĩ mình cần nhân tính, cần trở nên nhân bản hơn. Và đây là công việc mà Thánh Bakhita dạy chúng ta: nhân bản hóa, nhân bản hóa chính mình và nhân bản hóa người khác.

Thánh Bakhita, người đã trở thành Kitô hữu, đã được biến đổi bởi những lời của Chúa Kitô mà ngài suy niệm hàng ngày: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đó là lý do tại sao ngài nói: “Nếu Giuđa xin Chúa Giêsu tha thứ, thì ông ấy cũng sẽ được thương xót”. Chúng ta có thể nói rằng cuộc đời của Thánh Bakhita đã trở thành một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Thật đẹp biết bao khi nói về một người : “người ấy có khả năng, người ấy luôn có khả năng tha thứ”. Và ngài luôn có thể làm được điều đó, hơn thế nữa: cuộc đời ngài là một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Tha thứ vì tiếp đến chúng ta sẽ được tha thứ. Chúng ta đừng quên điều này: tha thứ, đó là sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta.

Sự tha thứ đã giải thoát ngài. Sự tha thứ trước tiên được nhận bởi tình yêu thương xót của Thiên Chúa, và sau đó sự tha thứ được ban đã biến ngài trở thành một người nữ tự do, vui tươi, có khả năng yêu thương.

Bakhita đã có thể sống việc phục vụ không phải như chế độ nô lệ, mà như một cách thể hiện sự tự do trao hiến bản thân. Và điều này rất quan trọng: ngài đã tự nguyện trở thành người đầy tớ – ngài bị bán làm nô lệ – rồi ngài tự do lựa chọn trở thành người đầy tớ, gánh vác gánh nặng của người khác trên vai.

Thánh Joséphine Bakhita, qua tấm gương của ngài, chỉ cho chúng ta con đường để cuối cùng được giải thoát khỏi cảnh nô lệ và nỗi sợ hãi của chúng ta. Ngài giúp chúng ta vạch trần những thói đạo đức giả và sự ích kỷ của mình, vượt qua sự oán giận và tính xung đột. Và ngài luôn khích lệ chúng ta.

Anh chị em thân mến, sự tha thứ không lấy đi điều gì mà chỉ thêm vào – sự tha thứ thêm vào điều gì? – phẩm giá: sự tha thứ không lấy đi điều gì của bạn nhưng lại tăng thêm phẩm giá cho con người, nó hướng cái nhìn của mình đến người khác, để thấy họ cũng mong manh như chúng ta, nhưng luôn là anh chị em trong Chúa. Thưa anh chị em, sự tha thứ là nguồn gốc của một lòng nhiệt thành trở thành lòng thương xót và mời gọi đến sự thánh thiện khiêm nhường và vui tươi, như sự thánh thiện của Thánh Bakhita.

——————————————–

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Tôi tiếp tục theo dõi với nỗi đau và lo sợ những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine: rất nhiều người thiệt mạng, những người khác bị thương… Tôi cầu nguyện cho những gia đình đã chứng kiến ​​ngày lễ kỷ niệm biến thành ngày tang lễ, và tôi yêu cầu các con tin phải được phóng thích ngay lập tức. Những người bị tấn công có quyền tự vệ, nhưng tôi rất lo ngại về cuộc vây hãm toàn diện trong đó người Palestine đang sống ở Gaza, nơi cũng có nhiều nạn nhân vô tội. Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không góp phần tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine, mà chỉ nuôi dưỡng lòng hận thù, bạo lực và trả thù, và chỉ gây đau khổ cho cả hai. Trung Đông không cần chiến tranh mà cần hòa bình, một nền hòa bình dựa trên công lý, đối thoại và lòng can đảm của tình huynh đệ.

Tôi gửi một ý nghĩ đặc biệt đến người dân Afghanistan đang phải gánh chịu hậu quả của trận động đất tàn khốc xảy ra ở nước này, khiến hàng ngàn nạn nhân (nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em) và những người phải di tản. Tôi kêu gọi tất cả những người có thiện chí giúp đỡ dân tộc này, vốn đã rất khó khăn, bằng cách đóng góp trong tinh thần huynh đệ vào việc giảm bớt đau khổ của người dân và hỗ trợ công cuộc tái thiết cần thiết.

—————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30