BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 23. THÁNH CHARLES DE FOUCAULD, TRÁI TIM RUNG ĐỘNG ĐỨC ÁI TRONG CUỘC SỐNG ẨN DẬT

Written by xbvn on Tháng Mười 19th, 2023. Posted in Giáo dân, Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tu sĩ, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Charles de Foucauld, sau một tuổi trẻ xa cách Thiên Chúa và hoàn toàn chìm đắm trong lạc thú, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình khi gặp được Chúa Kitô, Đấng đã thu hút ngài đến với Người. Và, từ sự thu hút về Chúa Kitô, ngài đã đi đến chỗ bắt chước Chúa Kitô bằng cách đặt mình vào trường học của Người. Chính cuộc sống ẩn dật ở Nadarét đã trở thành lý tưởng của ngài và ngài sống ở sa mạc Sahara trong cảnh nghèo khó và thinh lặng. Một sự thinh lặng tràn ngập Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mà từ đó ngài hiểu được sức mạnh loan báo Tin Mừng.

Thánh Charles de Foucauld là một khuôn mặt ngôn sứ cho thời đại chúng ta; ngài cảm thấy mình giống như “người anh em phổ quát” của tất cả mọi người, ngài đã cho thấy tầm quan trọng của việc vun trồng tình bạn và tình huynh đệ với những người ở xa chúng ta, sử dụng nụ cười như một lòng bác ái. Một cách đưa chúng ta đến gần hơn với con người, thông qua việc tông đồ bằng sự hiền lành mà mỗi Kitô hữu đều có thể chứng tỏ.

Dưới đây là bài giáo lý ngày 18/10/2023 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta tiếp tục cuộc gặp gỡ với một số chứng nhân Kitô hữu giàu lòng nhiệt thành trong việc loan báo Tin Mừng. Lòng nhiệt thành tông đồ, lòng nhiệt thành loan báo: và chúng ta sẽ gặp một số Kitô hữu là những gương mẫu của lòng nhiệt thành tông đồ này. Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về một người đã biến Chúa Giêsu và những người anh em nghèo nhất của Người thành niềm say mê của cuộc đời mình. Tôi muốn nói đến thánh Charles de Foucauld, người “nhờ kinh nghiệm mãnh liệt về Thiên Chúa, đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi cho đến khi cảm thấy mình là anh em của mọi người” (Tông huấn Fratelli tutti, 286).

Và đâu là “bí quyết” của Charles de Foucauld, của cuộc sống của ngài? Sau khi sống một tuổi trẻ xa cách Thiên Chúa, không tin vào bất cứ điều gì khác ngoài việc tìm kiếm thú vui một cách hỗn độn, ngài đã thổ lộ điều đó với một người bạn không tin, người mà, sau khi hoán cải bằng cách đón nhận ân sủng tha thứ của Chúa trong Bí tích Giải tội, ngài tiết lộ lẽ sống của mình. Ngài viết: “Tôi đã say mê Chúa Giêsu Nadarét” [1]. Do đó, sư huynh Charles nhắc nhở chúng ta rằng bước đầu tiên trong việc loan báo Tin Mừng là có Chúa Giêsu trong trái tim mình, đó là “điên” vì Người. Nếu không phải như vậy, thì chúng ta khó có thể thành công trong việc cho thấy điều đó qua cuộc sống của mình. Trái lại, chúng ta có nguy cơ nói về chính mình, trong nhóm thuộc về của chúng ta, về luân lý hoặc, tệ hơn nữa, về một bộ quy tắc, chứ không phải về Chúa Giêsu, về tình yêu, lòng thương xót của Người. Tôi thấy điều này trong một số phong trào mới đang nổi lên: họ nói về tầm nhìn của họ về nhân loại, họ nói về linh đạo của họ và họ cảm thấy mình là một con đường mới… Nhưng tại sao các bạn không nói về Chúa Giêsu? Họ nói về nhiều điều, về tổ chức, về con đường tâm linh, nhưng họ không biết nói về Chúa Giêsu. Tôi tin rằng hôm nay, sẽ thật tốt cho mỗi người chúng ta tự hỏi: “Tôi có Chúa Giêsu ở trung tâm trái tim tôi không? Tôi có điên một chút vì Chúa Giêsu không? ”

Charles làm điều này, đến mức đi từ sự thu hút về Chúa Giêsu đến việc bắt chước Chúa Giêsu. Được cha giải tội khuyên bảo, ngài đến Thánh Địa để viếng thăm những nơi Chúa đã sống và bước đi nơi Thầy đã đi. Đặc biệt, chính tại Nadarét mà ngài hiểu được bổn phận tự đào tạo trong trường học của Chúa Kitô. Ngài sống một mối quan hệ mãnh liệt với Chúa, dành nhiều thời gian để đọc các sách Tin Mừng và cảm thấy mình như em trai của Người. Và khi biết Chúa Giêsu, nơi ngài nảy sinh ước muốn làm cho Người được biết: điều đó luôn xảy ra như thế. Khi mỗi người chúng ta biết Chúa Giêsu nhiều hơn, sẽ nảy sinh ước muốn làm cho Người được biết đến, chia sẻ kho tàng này. Khi giải thích câu chuyện Đức Trinh Nữ viếng thăm bà Elisabeth, ngài đã để cho Chúa nói với Đức Trinh Nữ, với ngài: “Ta đã hiến thân cho thế giới… hãy đưa Ta đến với thế giới”. Vâng, nhưng làm cách nào? Như Đức Maria trong mầu nhiệm Thăm Viếng: “trong thinh lặng, bằng gương sáng, bằng cuộc sống” [2]. Qua cuộc sống, bởi vì, sư huynh Charles viết, “toàn bộ cuộc sống của chúng ta phải rao truyền Tin Mừng” [3]. Và biết bao lần cuộc sống của chúng ta đã rao truyền tính trần tục, rao truyền biết bao điều ngu xuẩn, những điều kỳ lạ và ngài nói với chúng ta: “Không, toàn bộ cuộc sống của chúng ta phải rao truyền Tin Mừng”.

Lúc đó, ngài quyết định đến định cư ở những vùng xa xôi để rao truyền Tin Mừng trong thinh lặng, sống theo tinh thần Nadarét, trong sự nghèo khó và ẩn dật. Ngài đến sa mạc Sahara, giữa những người không phải là Kitô hữu, và đến đó như một người bạn và một người anh em, mang lại sự hiền lành của Chúa Giêsu Thánh Thể. Charles để cho Chúa Giêsu hành động trong thinh lặng, xác tín rằng “đời sống Thánh Thể” sẽ loán báo Tin Mừng. Thật vậy, ngài tin rằng Chúa Kitô là nhà loan báo Tin Mừng đầu tiên. Do đó, ngài vẫn cầu nguyện dưới chân Chúa Giêsu, trước Nhà Tạm, khoảng mười giờ mỗi ngày, chắc chắn rằng sức mạnh loan báo Tin Mừng được tìm thấy ở đó và nhận ra rằng chính Chúa Giêsu đã khiến ngài trở nên gần gũi với biết bao anh em xa xôi. Và tôi tự hỏi, chúng ta có tin vào sức mạnh của Bí tích Thánh Thể không? Việc chúng ta đi ra đến với người khác, việc phục vụ của chúng ta có tìm thấy sự khởi đầu và thành tựu ở đó, trong việc chầu Thánh Thể không? Tôi tin rằng chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của việc chầu Thánh Thể: chúng ta phải khám phá lại nó, bắt đầu từ chúng ta, những người thánh hiến, các giám mục, linh mục, tu sĩ và tất cả những người thánh hiến. “Mất” thời gian trước Nhà Tạm, tìm lại ý nghĩa của việc chầu Thánh Thể.

Charles de Foucauld đã viết: “Mỗi Kitô hữu là một tông đồ” [4] và nhắc nhở một người bạn rằng “cùng với các linh mục, chúng ta cần những giáo dân nhìn thấy những gì linh mục không thấy, những giáo dân loan báo Tin Mừng với đức ái gần gũi, với lòng nhân ái đối với mọi người, với một tình cảm luôn sẵn sàng trao hiến chính mình” [5]. Những người giáo dân thánh thiện, không phải những người tìm kiếm địa vị, mà là những giáo dân nam nữ yêu mến Chúa Giêsu, giúp cho linh mục hiểu rằng linh mục không phải là một quan chức, nhưng là một người trung gian, là một linh mục. Chúng ta, các linh mục, cần có biết bao bên cạnh chúng ta những giáo dân tin tưởng nghiêm túc này và qua chứng tá của họ, dạy cho chúng ta con đường. Charles de Foucauld, với kinh nghiệm giáo dân này, đã báo trước thời kỳ Công đồng Vatican II, ngài nhận thấy tầm quan trọng của giáo dân và hiểu rằng việc loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của toàn thể dân Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào gia tăng sự tham gia này? Như Charles de Foucauld đã làm: bằng cách quỳ gối và đón nhận hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn khơi dậy những cách thức mới để dấn thân, gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại, luôn hợp tác và tin tưởng, luôn hiệp thông với Giáo hội và với các mục tử.

Thánh Charles de Foucauld, khuôn mặt vốn là một ngôn sứ cho thời đại chúng ta, đã làm chứng cho vẻ đẹp của việc rao truyền Tin Mừng qua việc tông đồ bằng sự hiền lành: ngài là người cảm thấy mình là “người anh em phổ quát” và chào đón tất cả mọi người, cho chúng ta thấy sức mạnh loan báo Tin Mừng của sự hiền lành, của sự dịu dàng. Chúng ta đừng quên, phong cách của Thiên Chúa là ba từ: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Thiên Chúa luôn gần gũi, luôn trắc ẩn, luôn dịu dàng. Và chứng tá Kitô giáo phải đi theo con đường này: gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng.

Và ngài hiền lành và dịu dàng như thế. Ngài muốn tất cả những ai gặp ngài đều nhìn thấy sự tốt lành của Chúa Giêsu qua sự tốt lành của ngài. Ngài nói rằng thực chất ngài là “đầy tớ của một người tốt lành hơn tôi nhiều” [6]. Cảm nghiệm được lòng nhân lành của Chúa Giêsu đã khiến ngài xây dựng những mối dây huynh đệ và tình bạn với người nghèo, với người Tuareg, với những người xa cách nhất với suy nghĩ của ngài. Dần dần, những mối liên kết này tạo ra tình huynh đệ, sự hòa nhập và đánh giá cao nền văn hóa của nhau. Lòng tốt rất đơn giản và đòi hỏi những người đơn giản, không ngại nở nụ cười. Và với nụ cười, với sự đơn sơ của mình, sư huynh Charles đã làm chứng cho Tin Mừng. Đừng bao giờ chiêu dụ tín đồ, đừng bao giờ, nhưng hãy là chứng tá. Việc rao giảng Tin Mừng không được thực hiện bằng chiêu dụ tín đồ nhưng bằng chứng từ, bằng sự thu hút. Vì thế, cuối cùng chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có mang trong mình và cho người khác niềm vui Kitô hữu, sự hiền lành Kitô hữu, sự dịu dàng Kitô hữu, lòng trắc ẩn Kitô hữu, sự gần gũi Kitô hữu hay không. Cảm ơn anh chị em.

————————————-

[1] Lettres à un ami de lycée. Correspondance avec Gabriel Tourdes (1874-1915), Paris 2010, 161.

[2] Crier l’Evangile, Montrouge 2004, 49.

[3] M/314 in C. de Foucauld, La bonté de Dieu. Méditations sur les Saints Evangiles (1), Montrouge 2002, 285.

[4] Lettre à Joseph Hours, in Correspondances lyonnaises (1904-1916), Paris 2005, 92.

[5] Ivi, 90.

[6] Carnets de Tamanrasset (1905-1916), Paris 1986, 188.

————————————————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31