BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 27. LỜI LOAN BÁO LÀ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Written by xbvn on Tháng Mười Một 22nd, 2023. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, Tin Mừng là niềm vui dành cho mọi người. Người Kitô hữu có nhiệm vụ loan báo điều đó mà không loại trừ ai. Chúng ta phải cảm thấy mình đang phục vụ đích đến phổ quát của Tin Mừng, và được nhận thấy rõ bằng khả năng ra khỏi chính mình, vượt qua mọi ranh giới. Tất cả bạn hữu của Chúa đều cảm nghiệm được vẻ đẹp nhưng cũng cảm nghiệm được trách nhiệm và sức nặng của việc được Ngài “chọn”. Một cám dỗ là coi ơn kêu gọi được nhận như một đặc ân: cảm thấy như chúng ta có sự độc quyền tách biệt chúng ta với những người khác. Ngược lại, khi Thiên Chúa chọn một người, đó là để yêu thương mọi người. Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để đặt chúng ta lên bệ thờ, nhưng để biến chúng ta thành những khí cụ tự do và can đảm cho tình yêu cao cả và bao hàm của Ngài. Giáo hội không phải là nơi dành cho những người hoàn hảo và có đặc quyền, mà là một cộng đồng các môn đệ làm chứng cho Chúa Giêsu và cầu bầu cho mọi người, cầu nguyện, yêu thương và hy sinh cho thế giới. Chúa Giêsu không muốn chúng ta độc quyền mà là đón tiếp, bởi vì Tin Mừng không chỉ dành cho tôi mà còn dành cho tất cả mọi người.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 22/11/2023 :

Anh chị em thân mến,

Lần trước, sau khi thấy rằng lời loan báo của người Kitô hữu là niềm vui, hôm nay chúng ta tập trung vào khía cạnh thứ hai: nó là cho tất cả mọi người, lời loan báo của người Kitô hữu là niềm vui cho tất cả mọi người. Khi chúng ta thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu, sự ngạc nhiên thán phục của cuộc gặp gỡ này xâm chiếm cuộc sống của chúng ta và đòi hỏi phải vượt xa chúng ta. Đây chính là điều Ngài mong muốn, rằng Tin Mừng của Ngài là cho tất cả mọi người. Thực vậy, nơi Ngài tồn tại một “sức mạnh nhân bản hóa”, một sự sống sung mãn dành cho mọi người nam và người nữ, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, chết và phục sinh cho tất cả mọi người. Cho tất cả mọi người: không ai bị loại trừ.

Trong Tông huấn Evangelii gaudium, chúng ta có thể đọc: “Mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai, không phải như một người áp đặt một nghĩa vụ mới, nhưng như một người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bữa tiệc đáng mơ ước. Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ tín đồ nhưng “bởi sự thu hút”” (số 14). Thưa anh chị em, chúng ta hãy coi mình là người phục vụ đích đến phổ quát của Tin Mừng, đó là cho tất cả mọi người; và chúng ta được nhận biết bằng khả năng ra khỏi chính mình – một lời loan báo để trở thành một lời loan báo đích thực phải ra khỏi tính ích kỷ – và cũng có khả năng – vượt qua mọi biên giới. Các Kitô hữu tụ tập ở sân trước nhà thờ nhiều hơn ở phòng thánh, và đi ra “các nơi công cộng và đường phố trong thành” (Lc 14, 21). Họ phải cởi mở và khoáng đạt, các Kitô hữu phải “hướng ngoại”, và tính cách này đến với họ từ Chúa Giêsu, Đấng đã biến sự hiện diện của Ngài trên thế giới thành một sự di chuyển liên tục, nhằm mục đích gặp gỡ mọi người, thậm chí học hỏi từ một số cuộc gặp gỡ của Ngài.

Theo nghĩa này, Tin Mừng tường thuật cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên của Chúa Giêsu với một phụ nữ nước ngoài, một phụ nữ Canaan, người đã nài xin Ngài chữa lành đứa con gái bị bệnh của bà (x. Mt 15, 21-28). Chúa Giêsu từ chối, nói rằng Ngài chỉ được sai đến “với những con chiên lạc nhà Israel” và “không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 24.26). Nhưng người phụ nữ, với sự nài nỉ điển hình của những người chất phác, đã trả lời rằng “ngay cả những con chó con cũng ăn những mảnh vụn trên bàn ăn của chủ rơi xuống” (c. 27). Chúa Giêsu ấn tượng về câu trả lời đó và nói với bà: “Này bà, lòng tin của bà thật mạnh mẽ, bà muốn sao thì được vậy! » (câu 28). Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ này có điều gì đó độc đáo. Không chỉ một người làm cho Chúa Giêsu thay đổi ý định, và đó là một phụ nữ, ngoại quốc và ngoại giáo, mà chính Chúa cũng nhận thấy ở đó sự xác nhận rằng việc rao giảng của Ngài không nên giới hạn cho những người mà Ngài thuộc về, nhưng mở rộng cho tất cả mọi người.

Thánh Kinh cho chúng ta thấy rằng khi Thiên Chúa kêu gọi một người và ký kết giao ước với họ, tiêu chí luôn là: Ngài chọn một người để đến với những người khác, đây là tiêu chí của Thiên Chúa, của sự kêu gọi của Thiên Chúa. Tất cả bạn hữu của Chúa đều cảm nhận được vẻ đẹp, nhưng cũng cảm nhận được trách nhiệm và sức nặng của việc được Ngài “chọn”. Và tất cả mọi người đều đã trải qua sự chán nản khi đối mặt với những yếu đuối của chính mình hoặc sự mất an toàn của mình. Nhưng có lẽ sự cám dỗ lớn hơn là coi ơn kêu gọi nhận được như một đặc ân, xin làm ơn không, ơn kêu gọi không bao giờ là một đặc ân. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta có đặc quyền so với những người khác, không. Ơn gọi là để phục vụ. Và Thiên Chúa chọn một người để yêu thương tất cả mọi người, để đến với tất cả mọi người.

Nó cũng để ngăn ngừa cám dỗ đồng hóa Kitô giáo với một nền văn hóa, với một sắc tộc, với một hệ thống. Nhưng theo cách này, nó đánh mất bản chất Công giáo thực sự của mình, nghĩa là phổ quát cho tất cả mọi người: nó không phải là một nhóm nhỏ của những người được chọn thuộc hạng nhất. Chúng ta đừng quên: Thiên Chúa chọn một người để yêu thương mọi người. Chân trời của tính phổ quát này. Tin Mừng không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả mọi người, chúng ta đừng quên điều đó. Cảm ơn anh chị em.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30