BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 29 : LỜI LOAN BÁO ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG CHÚA THÁNH THẦN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Tiếp tục các bài giáo lý của chúng ta về lòng nhiệt thành tông đồ, giờ đây chúng ta suy nghĩ về việc việc rao giảng Tin Mừng luôn diễn ra dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần như thế nào. Là Ân Huệ của Thiên Chúa (x. Ga 4,10), Chúa Thánh Thần chuẩn bị, nâng đỡ và thúc đẩy sự phát triển và đời sống mới trong Giáo hội. Tuy nhiên, trong mọi hoạt động truyền giáo, tính ưu việt luôn thuộc về Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài đến giữa chúng ta và ban tặng ân huệ Chúa Thánh Thần cho Giáo hội. Khi làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta được mời gọi bắt chước tính sáng tạo và sự đơn giản vốn là dấu hiệu nổi bật trong công việc của Chúa Thánh Thần. Ước gì ngọn lửa Chúa Thánh Thần tiếp tục cháy trong chúng ta, củng cố chúng ta trong sự hiệp nhất và lòng nhiệt thành truyền giáo, khi chúng ta nỗ lực trở thành những chứng nhân vui tươi về ơn cứu độ của chúng ta trong Chúa Kitô, thậm chí cho đến tận cùng trái đất.
Đức Thánh Cha cảnh giác những não trạng thiếu đi tính sáng tạo để loan báo Chúa Giêsu với niềm vui như sau: “Trong thời đại này của chúng ta, một thời đại vốn không giúp chúng ta có một quan điểm tôn giáo về cuộc sống, và trong đó việc loan báo ở nhiều nơi đã trở nên khó khăn hơn, gian khổ hơn, hình như không có kết quả, thì cám dỗ ngừng phục vụ mục vụ có thể nảy sinh. Có lẽ người ta ẩn náu trong những vùng an toàn, như thói quen lặp đi lặp lại những việc mình luôn làm, hoặc trong những lời mời gọi lôi cuốn của một nền linh đạo thân mật, hoặc thậm chí trong một cảm thức bị hiểu lầm về tính trung tâm của phụng vụ. Chúng là những cơn cám dỗ đội lốt lòng trung thành với truyền thống, nhưng thông thường, thay vì đáp lại Thần Khí, chúng là những phản ứng trước những bất mãn cá nhân“.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 6/12/2023 :
Anh chị em thân mến,
Trong các bài giáo lý trước, chúng ta thấy rằng việc loan báo Tin Mừng là niềm vui, là dành cho mọi người và được nói với ngày nay. Bây giờ chúng ta hãy khám phá một đặc điểm thiết yếu cuối cùng: việc loan báo Tin Mừng cần phải được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, để “thông truyền Thiên Chúa”, tính đáng tin cậy đầy vui tươi của chứng tá, tính phổ quát của lời loan báo và tính hợp thời của thông điệp vẫn chưa đủ. Nếu không có Chúa Thánh Thần, mọi lòng nhiệt thành đều vô ích và mang tính tông đồ giả tạo: nó sẽ chỉ là của riêng chúng ta và sẽ không sinh hoa trái.
Trong Tông huấn Evangelii gaudium, tôi đã nhắc lại rằng “Chúa Giêsu là người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”; rằng “trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng, tính ưu việt luôn thuộc về Thiên Chúa”, Đấng “đã kêu gọi chúng ta hợp tác với Ngài và là Đấng dẫn dắt chúng ta bằng quyền năng của Thánh Thần của Ngài” (số 12). Đây là tính ưu việt của Chúa Thánh Thần! Vì thế, Chúa so sánh tính năng động của Nước Thiên Chúa với “một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4, 26-27). Chúa Thánh Thần là nhân vật chính; Ngài luôn đi trước các nhà truyền giáo và làm cho hoa trái phát triển. Sự hiểu biết này an ủi chúng ta rất nhiều! Và nó giúp chúng ta định rõ một điều khác, cũng có tính quyết định: đó là, trong lòng nhiệt thành tông đồ của mình, Giáo hội không loan báo chính mình, nhưng một ân sủng, một ân huệ và Chúa Thánh Thần chính là Ân Huệ của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari. (x. Ga 4, 10).
Tuy nhiên, tính ưu việt của Chúa Thánh Thần không nên khiến chúng ta lười biếng. Sự tin tưởng không biện minh cho việc rút lui. Sức sống của hạt giống tự mọc lên không cho phép người nông dân bỏ bê ruộng đồng. Chúa Giêsu, khi đưa ra lời khuyến cáo cuối cùng trước khi về trời, đã nói: “Các con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8) .
Chúa không để lại cho chúng ta những bài diễn thuyết thần học hay một cẩm nang mục vụ để áp dụng, nhưng là Chúa Thánh Thần, Đấng truyền cảm hứng cho sứ mạng. Và sáng kiến can đảm mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta khiến chúng ta bắt chước phong cách của Ngài, một phong cách luôn có hai đặc điểm: sáng tạo và đơn giản.
Sự sáng tạo, để loan báo Chúa Giêsu với niềm vui, cho mọi người và ngày hôm nay. Trong thời đại này của chúng ta, một thời đại vốn không giúp chúng ta có một quan điểm tôn giáo về cuộc sống, và trong đó việc loan báo ở nhiều nơi đã trở nên khó khăn hơn, gian khổ hơn, hình như không có kết quả, thì cám dỗ ngừng phục vụ mục vụ có thể nảy sinh. Có lẽ người ta ẩn náu trong những vùng an toàn, như thói quen lặp đi lặp lại những việc mình luôn làm, hoặc trong những lời mời gọi lôi cuốn của một nền linh đạo thân mật, hoặc thậm chí trong một cảm thức bị hiểu lầm về tính trung tâm của phụng vụ. Chúng là những cơn cám dỗ đội lốt lòng trung thành với truyền thống, nhưng thông thường, thay vì đáp lại Thần Khí, chúng là những phản ứng trước những bất mãn cá nhân. Thay vào đó, sự sáng tạo mục vụ, táo bạo trong Chúa Thánh Thần, nhiệt thành trong ngọn lửa truyền giáo của mình, là bằng chứng về lòng trung thành với Ngài. Vì thế, tôi đã viết rằng “Chúa Giêsu cũng có thể xuyên thủng những phạm trù buồn tẻ mà chúng ta rào quanh Ngài, và Ngài không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên bởi sự sáng tạo thần linh của Ngài. Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng trở về nguồn và tìm lại sự tươi mới nguyên thủy của Tin Mừng, thì những con đường mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức diễn đạt khác nhau, với những dấu hiệu hùng hồn hơn và những lời nói có ý nghĩa mới cho thế giới ngày nay” (Evangelii gaudium, 11).
Do đó, tính sáng tạo; và rồi tính đơn giản, chính vì Chúa Thánh Thần đưa chúng ta về nguồn, về “lời rao giảng tiên khởi”. Thật vậy, chính “ngọn lửa của Chúa Thánh Thần… khiến chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, mạc khải và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Chúa Cha” (ibid., số 164). Đây là lời rao giảng tiên khởi, vốn phải “là trung tâm của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng và mọi nỗ lực canh tân Giáo hội”; phải lặp đi lặp lại: “Chúa Giêsu Kitô yêu thương bạn; Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, củng cố và giải thoát bạn” (ibid).
Thưa anh chị em, chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần lôi kéo và hãy cầu khẩn Ngài mỗi ngày; nguyện xin Ngài là nguồn mạch của sự hiện hữu và công việc của chúng ta; nguyện xin Ngài là nguồn gốc của mọi hoạt động, gặp gỡ, hội ngộ và rao giảng. Ngài làm sinh động và trẻ hóa Giáo hội: với Ngài, chúng ta không phải sợ hãi, bởi vì Ngài, Đấng Hài Hòa, luôn giữ tính sáng tạo và tính đơn giản cùng nhau, truyền cảm hứng cho sự hiệp thông và sai đi truyền giáo, mở ra cho sự đa dạng và dẫn đưa về sự hiệp nhất. Ngài là sức mạnh của chúng ta, là hơi thở của lời rao giảng của chúng ta, là nguồn mạch của lòng nhiệt thành tông đồ. Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Do Đức Thánh Cha còn chưa khỏe hẳn, nên, như tuần trước, Đức ông Filippo Ciampanelli, nhân viên của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đọc bài giáo lý thay cho Đức Thánh Cha.
Tags: Audience, Chúa Thánh Thần, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC