BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG : LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 12. CÁC CHỨNG NHÂN : ĐỜI SỐNG ĐAN TU VÀ SỨC MẠNH CỦA LỜI NGUYỆN CHUYỂN CẦU. THÁNH GRÊGÔRIÔ THÀNH NAREK

Written by xbvn on Tháng Tư 27th, 2023. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về những chứng nhân của lòng nhiệt thành tông đồ và, sau thánh Phaolô và các thánh tử vì đạo, chúng ta đề cập đến một chứng tá tuyệt vời xuyên suốt lịch sử đức tin. Đó là chứng tá của các nam nữ đan sĩ mà chính cuộc sống của họ nói lên tất cả. Các đan sĩ là trung tâm thần kinh của việc loan báo, và lời cầu nguyện của họ là dưỡng khí cho các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, là sức mạnh  vô hình nâng đỡ việc truyền giáo. Đó là lý do tại sao một nữ đan sĩ, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là bổn mạng của các xứ truyền giáo. Chính tình yêu đánh động cuộc sống của các đan sĩ và được thể hiện trong lời nguyện chuyển cầu của họ. Thánh Grêgôriô thành Narek, một đan sĩ người Armênia, là một ví dụ. Ngài được biết đến vì tình liên đới phổ quát và sự chuyển cầu của ngài cho mọi người. Ngài đã sống kết hiệp với mọi người và cầu xin lòng thương xót cho mỗi người. Nhưng một người anh em hoàn vũ, ngài đã gánh lấy tội lỗi của mọi người để xin ơn tha thứ và chữa lành. Đối với thánh Grêgôriô thành Narek, điều quan trọng không chỉ là cầu xin, nhưng còn cách thức phải cầu xin. Ngài dạy chúng ta đừng cầu thay nguyện giúp cách vội vàng, nhưng mang những hoàn cảnh cụ thể của thế giới đến cho Chúa. Để thực hiện kế hoạch cứu độ của Người, Thiên Chúa cần một số người tự do cầu nguyện cho người khác và đưa những người ở xa trở về với Người. Theo gương của thánh Grêgôriô thành Narek, chúng ta cũng cảm thấy cần đến Thiên Chúa, như tất cả mọi người, và chúng ta hãy trở nên những người cầu thay nguyện giúp cho mọi người.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha vào ngày 26/4/2023:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các chứng nhân của lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta đã bắt đầu với thánh Phaolô và lần vừa rồi chúng ta đã xem qua các thánh tử vì đạo, những người rao giảng Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống của mình, cho đến độ hiến mạng sống mình cho Ngài và cho Tin Mừng. Nhưng còn có một chứng tá lớn lao khác xuyên suốt lịch sử đức tin : chứng tá của các đan sĩ nam nữ, của các anh chị em từ bỏ chính mình, họ từ bỏ thế giới để noi gương Chúa Giêsu trên con đường nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục và để cầu thay nguyện giúp cho tất cả mọi người. Cuộc sống của họ tự nói lên tất tất cả, nhưng chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào những người sống trong các đan viện này có thể góp phần vào việc loan báo Tin Mừng ? Chẳng phải họ sẽ làm tốt hơn khi dồn năng lượng vào việc phục vụ cho việc truyền giáo sao ? Bằng cách ra khỏi đan viện và rao giảng Tin Mừng bên ngoài đan viện ? Trên thực tế, các đan sĩ là trái tim đang đập của việc loan báo : lời cầu nguyện của họ là dưỡng khí cho tất cả các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, lời cầu nguyện của họ là sức mạnh vô hình nâng đỡ truyền giáo. Không phải ngẫu nhiên mà bổn mạng các xứ truyền giáo là một nữ đan sĩ, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chúng ta hãy lắng nghe thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi của mình như thế nào, thánh nữ viết như sau : « Con đã hiểu được rằng Giáo hội có một trái tim, một trái tim bừng cháy lửa yêu thương. Con đã hiểu được rằng chỉ tình yêu mới thúc đẩy các thành viên của Giáo hội hành động và, nếu tình yêu này tắt đi, thì các Tông đồ sẽ không còn loan báo Tin Mừng nữa, các thánh tử vì đạo không còn đổ máu mình nữa. Con đã hiểu và biết được rằng tình yêu bao trùm tất cả mọi ơn gọi […]. Như thế, với niềm hân hoan bao la và tâm hồn ngây ngất, con đã kêu lên : Ôi Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của mình. Ơn gọi của con là tình yêu. […] Giữa lòng Giáo hội, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu » (Thủ bản tự thuật « B », ngày 8/9/1896). Các nhà chiêm niệm, các nam nữ đan sĩ : những người cầu nguyện, làm việc, cầu nguyện trong thinh lặng, cho toàn thể Giáo hội. Và đó là tình yêu : chính tình yêu được diễn tả bằng cách cầu nguyện cho Giáo hội, bằng cách làm việc cho Giáo hội, trong các đan viện.

Tình yêu dành cho tất cả mọi người này đánh động đời sống của các đan sĩ và được thể hiện qua lời nguyện chuyển cầu của họ. Về mặt này, tôi muốn trích dẫn cho anh chị em mẫu gương của thánh Grêgôriô thành Narek, Tiến sĩ Hội Thánh. Đó là một đan sĩ người Armênia vào khoảng năm 1000, và là người đã để lại cho chúng ta một cuốn sách cầu nguyện trong đó thể hiện đức tin của dân tộc Armênia, dân tộc đầu tiên đón nhận Kitô giáo, một dân tộc, khi trung thành với thập giá Chúa Kitô, đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong suốt lịch sử. Và thánh Grêgôriô đã trải qua hầu như tất cả đời mình trong đan viện Narek. Chính ở đó ngài đã học biết nhìn vào sâu thẳm tâm hồn con người và, bằng cách kết hợp thơ ca và cầu nguyện với nhau, ngài đã đánh dấu đỉnh cao của văn học và linh đạo Armênia. Điều nổi bật nhất nơi ngài, đó là tình liên đới phổ quát mà ngài là người giải thích. Và giữa các đan sĩ nam nữ, có một tình liên đới phổ quát : tất cả những gì xảy ra trên thế giới đều tìm thấy một chỗ đứng trong lòng họ và họ cầu nguyện. Trái tim của các nam nữ đan sĩ là một trái tim nắm bắt, giống như chiếc ăng-ten,  những gì đang diễn ra trên thế giới và cầu nguyện và chuyển cầu cho điều đó. Như thế, họ sống kết hiệp với Chúa và với mọi người. Và thánh Grêgôriô thành Narek viết : « Tôi đã tự nguyện gánh lấy mọi lỗi lầm, từ lỗi lầm của ông tổ đầu tiên cho đến lỗi lầm của hậu duệ cuối cùng của ông » (Livre des Lamentations, 72). Và giống như Chúa Giêsu đã làm, các đan sĩ gánh lấy những vấn đề của thế giới, những khó khăn, bệnh tật, rất nhiều thứ, và cầu nguyện cho người khác. Và đó là những nhà loan báo Tin Mừng tuyệt vời. Làm sao mà các đan viện đang sống ẩn kín lại loan báo Tin Mừng ? Bởi vì qua lời nói, gương sáng, lời cầu thay nguyện giúp và công việc hằng ngày, các đan sĩ là một nhịp cầu chuyển cầu cho tất cả mọi người và cho tội lỗi. Họ cũng khóc hết nước mắt, họ khóc cho tội lỗi của mình – tất cả chúng ta đều là tội nhân – và họ cũng khóc cho tội lỗi của thế gian, và học cầu nguyện và chuyển càu bằng đôi tay và trái tim của họ hướng về trời. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về « sự dự trữ » này – nếu tôi có thể nói thế – mà chúng ta có trong Giáo hội : họ là sức mạnh thực sự, sức mạnh đích thực giúp dân Thiên Chúa tiến bước, và từ đó phát xuất thói quen của người dân – dân Thiên Chúa – khi họ gặp một người sống đời thánh hiện, để nói : « Xin cầu nguyện cho tôi, xin cầu nguyện cho tôi », bởi vì anh chị em biết rằng có lời nguyện chuyển cầu. Sẽ hữu ích cho chúng ta – trong chừng mực có thể – khi đến thăm một đan viện, bởi vì người ta cầu nguyện và làm việc ở đó. Mỗi người có quy luật của mình, nhưng đôi bàn tay luôn bận rộn ở đó : bận rộn làm việc, bận rộn cầu nguyện. Xin Chúa ban cho chúng ta những đan viện mới, xin Chúa ban cho chúng ta những nam nữ đan sĩ giúp Giáo hội tiến bước qua lời cầu thay nguyện giúp của họ. Tôi cảm ơn anh chị em.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30