BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 13. MỘT SỐ TRỢ GIÚP CHO VIỆC PHÂN ĐỊNH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về sự phân định thiêng liêng bằng cách xem xét một số trợ giúp có thể giúp chúng ta phân định đúng đắn ý muốn của Thiên Chúa đối với cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta bắt đầu bằng việc gặp gỡ với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Cầu nguyện thầm lặng với Thánh Kinh giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, nghe được tiếng nói của Ngài, và ý thức được những ước muốn sâu xa nhất trong tâm hồn chúng ta. Bằng cách này, chúng ta lớn lên trong tình yêu và gần gũi với Chúa Giêsu, Đấng đảm bảo với chúng ta về tình yêu thương xót của Chúa Cha và, bằng cái chết trên thánh giá của mình, Ngài đã mạc khải quyền năng của Thiên Chúa mang lại sự sống từ cái chết và sự thiện từ sự dữ. Tình bạn với Chúa Giêsu và tin tưởng vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta là một ân huệ to lớn của Chúa Thánh Thần, Đấng cư ngụ trong tâm hồn chúng ta và soi sáng sự phân định của chúng ta trong mọi giai đoạn. Trong lời cầu nguyện hằng ngày của Giáo hội, mỗi giờ kinh bắt đầu bằng việc cầu xin Thiên Chúa đến giúp đỡ chúng ta. Tin tưởng vào sự trợ giúp đó, chúng ta có thể học biết phân định cách khôn ngoan những nẻo đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha và mỗi ngày đáp lại ơn cứu độ yêu thương của Ngài.
—————————————————-
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em, và chào mừng anh chị em đến đây !
Chúng ta hãy tiếp tục – chúng ta đang kết thúc – loạt bài giáo lý về sự phân định. Bất cứ ai đang theo dõi các bài giáo lý này cho đến bây giờ có thể nghĩ : thực hành phân định thật phức tạp ! Trên thực tế, chính cuộc sống phức tạp và, nếu chúng ta không học cách đọc nó, dù phức tạp thế nào, thì chúng ta có nguy cơ lãng phí cuộc đời mình, sử dụng những chiến lược mà cuối cùng khiến chúng ta nản lòng.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng mỗi ngày, dù muốn hay không, chúng ta luôn thực hiện những hành vi phân định liên quan đến những gì chúng ta ăn, đọc, tại nơi làm việc, trong các mối tương quan của chúng ta, mọi thứ. Cuộc sống luôn đưa ra cho chúng ta những chọn lựa, và nếu chúng ta không đưa ra những chọn lựa có ý thức, thì cuối cùng chính cuộc sống chọn cho chúng ta, dẫn chúng ta đến nơi mà chúng ta không muốn đến.
Tuy nhiên, sự phân định không được thực hiện một mình. Hôm nay, chúng ta hãy xem xét đặc biệt hơn một số trợ giúp về mặt này vốn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi sự phân định không thể thiếu này trong đời sống thiêng liêng, cho dù một cách nào đó chúng ta đã gặp chúng trong khóa giáo lý này. Nhưng một bản tóm tắt sẽ giúp chúng ta rất nhiều.
Một trong những trợ giúp đầu tiên không thể thiếu là lượng giá bằng Lời Chúa và học thuyết của Giáo hội. Lời Chúa và học thuyết này giúp chúng ta đọc được những gì đang khuấy động trong tâm hồn chúng ta, học cách nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và phân biệt tiếng nói này với những tiếng nói khác vốn có vẻ sinh động đối với sự chú ý của chúng ta, nhưng cuối cùng lại khiến chúng ta bối rối.
Thánh Kinh cảnh báo chúng ta rằng tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong sự tĩnh mịch, trong sự chú tâm, trong sự thinh lặng. Chúng ta hãy nhớ lại kinh nghiệm của ngôn sứ Êlia : Chúa không nói với ông trong cơn gió đập vỡ đá tảng, cũng không phải trong lửa hay động đất, nhưng Ngài nói với ông trong tiếng gió hiu hiu (x. 1V 19, 11-12). Đây là một hình ảnh rất đẹp giúp chúng ta hiểu được cách Thiên Chúa nói. Tiếng của Thiên Chúa không áp đặt ; tiếng của Thiên Chúa kín đáo, tôn trọng – cho phép tôi nói, tiếng của Thiên Chúa thật khiêm tốn – và, vì lý do đó, tạo nên sự bình an. Và chỉ trong sự bình an đó mà chúng ta có thể đi sâu vào tâm hồn mình và nhận ra những ước muốn đích thực mà Chúa đã đặt trong tâm hồn chúng ta. Nhiều khi không dễ đi vào sự bình an tâm hồn đó bởi vì chúng ta quá bận rộn với việc này, việc kia, cả ngày…Nhưng xin anh chị em hãy bình tâm lại một chút, đi và đi vào tâm hồn mình, trong chính mình. Hãy dừng lại trong hai phút. Chứng kiến những gì trái tim anh chị em đang cảm thấy. Thưa anh chị em, chúng ta hãy làm điều này, nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều vì ngay lúc bình tâm đó, tiếng Chúa liền nói : « Này, hãy nhìn đây, hãy nhìn điều kia, điều con đang làm tốt lắm… ». Khi chúng ta để cho mình bình tâm, thì tiếng của Thiên Chúa liền đến. Ngài đang đợi chúng ta làm điều này.
Đối với người tín hữu, Lời Chúa không chỉ là một bản văn để đọc. Lời Chúa là một sự hiện diện sống động, là một công trình của Chúa Thánh Thần an ủi, dạy dỗ, ban ánh sáng, sức mạnh, sự tươi mới và niềm say mê đối với cuộc sống. Đọc Thánh Kinh, đọc một đoạn, một hay hai đoạn Thánh Kinh, thì giống như một bức điện tín ngán của Thiên Chúa đi ngay vào tâm hồn. Lời Chúa là một chút – và tôi không phóng đại ở đây – là một chút hưởng nếm trước Thiên Đàng thực sự. Một vị thánh lớn và là mục tử, thánh Ambrôsiô, Giám mục giáo phận Milan, đã hiểu điều này rất tốt, khi ngài viết : « Khi tôi đọc Thánh Kinh, Thiên Chúa quay lại và bước đi trên thiên đường trần gian » (Letters, 49.3). Với Thánh Kinh, chúng ta mở rộng cửa cho Thiên Chúa, Đấng đang tản bộ. Thật thú vị.
Mối tương quan tình cảm này với Thánh Kinh, với Sách Thánh, với Tin Mừng, dẫn chúng ta đến cảm nghiệm một mối tương quan tình cảm với Chúa Giêsu. Chúng ta đừng sợ điều này ! Trái tim nói với trái tim. Và đây là một sự trợ giúp không thể thiếu khác mà không được coi là đương nhiên. Chúng ta có thể thường có một ý tưởng lệch lạc về Thiên Chúa, nghĩ về Ngài như là một quan tòa u ám, một quan tòa khắt khe, sẵn sàng bắt quả tang chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu cho mạc khải một vị Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn và dịu dàng đối với chúng ta, sẵn sàng hy sinh chính mình để có thể đến với chúng ta, giống như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng (x. Lc 15, 11-32). Một lần nọ, có người hỏi – tôi không biết đó là một người mẹ hay bà nói với tôi điều này – “Tôi cần phải làm gì trong thời điểm này?” – “Được, hãy lắng nghe Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo bạn nên làm gì. Hãy mở rộng lòng cho Thiên Chúa”. Đây là một lời khuyên tốt. Tôi nhớ một lần nọ, có một cuộc hành hương của các bạn trẻ được thực hiện mỗi năm một lần đến Đền Thánh Đức Mẹ Lujan, cách thủ đô Buenos Aires 70 cây số. Phải mất cả ngày để đến đó. Tôi đã từng giải tội suốt đêm. Một thanh niên khoảng 22 tuổi đến với xăm trổ đầy mình… “Chúa ơi”, tôi nghĩ, “người này là ai?” Và anh ta nói với tôi, “Cha biết, con đến bởi vì có có một vấn đề nghiêm trọng, và con đã kể cho mẹ của con, và mẹ của con bảo con, “Hãy đi đến với Đức Mẹ. Hãy hành hương và Đức Mẹ sẽ nói cho con biết”. Và con đã đến. Con đã tiếp xúc với Thánh Kinh ở đây. Con đã lắng nghe Lời Chúa và Lời Chúa đã đánh động lòng con và con cần phải làm điều này, điều này, điều này, điều này”. Lời Chúa chạm đến tâm hồn và làm thay đổi cuộc sống của anh chị em. Và tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần. Bởi vì Chúa không muốn phá hủy chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta mạnh mẽ hơn, tốt hơn, mỗi ngày.
Bất cứ ai đứng trước Thánh Giá đều cảm nhận được sự bình an mới mẻ, học biết không sợ hãi Thiên Chúa bởi vì trên thập giá, Chúa Giêsu không làm ai sợ hãi. Đó là hình ảnh của sự yếu đuối hoàn toàn, và, đồng thời, của tình yêu trọn vẹn, có khả năng đối mặt với bất kỳ thử thách nào vì chúng ta. Các thánh luôn hướng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Trình thuật về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu là con đường chắc chắn nhất để đối mặt với sự dữ mà không bị nó lấn át. Không có sự phán xét nào ở đó, thậm chí không có sự cam chịu, bởi vì nó được chiếu rọi bằng ánh sáng vĩ đại nhất, ánh sáng Phục Sinh, cho phép chúng ta nhìn thấy trong những hành động khủng khiếp đó một kế hoạch vĩ đại hơn mà không có trở ngại nào, ngăn trở nào hay thất bại nào có thể cản trở. Lời Chúa luôn làm cho chúng ta nhìn vào một khía cạnh khác – tức là, thập giá là ở đây, điều này thật khủng khiếp, nhưng còn có điều gì khác, hy vọng, sự phục sinh. Lời Chúa mở mọi cánh cửa vì Ngài là cửa, Ngài là Chúa. Chúng ta hãy cầm lấy Tin Mừng, cấm lấy Thánh Kinh trong tay – 5 phút mỗi ngày, không hơn. Hãy mang theo một cuốn Tin Mừng cỡ bỏ túi, trong ví của anh chị em, và khi anh chi em đi du lịch, hãy đọc nó một chút. Đọc một đoạn nhỏ trong ngày. Hãy để Lời Chúa đến gần tâm hồn anh chị em. Hãy làm điều này và anh chị em sẽ thấy cuộc sống của mình sẽ thay đổi như thế nào, với sự gần gũi của Lời Chúa. “Vâng, thưa Cha, nhưng con đã quen đọc cuộc đời của các thánh”. Điều này là tốt. Nhưng đừng bỏ bê Lời Chúa. Hãy mang sách Tin Mừng theo anh chị em. Một phút mỗi ngày…
Thật rất đẹp khi nghĩ về cuộc sống của chúng ta với Chúa như mối tương quan với một người bạn lớn lên từng ngày. Tình bạn với Thiên Chúa. Anh chị em đã bao giờ nghĩ về điều này chưa? Tuy nhiên, đây là cách! Chúng ta hãy nghĩ về Thiên Chúa Đấng ban cho chúng ta…Thiên Chúa không ban cho chúng ta rất nhiều sao? Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta trở nên bạn hữu của Ngài. Tình bạn với Thiên Chúa có thể thay đổi tâm hồn. Ơn hiếu kính là một trong những ân ban cao cả của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta khả năng nhận ra tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta có một người Cha dịu dàng, một người Cha trìu mến, một người Cha yêu thương chúng ta, Đấng đã luôn yêu thương chúng ta. Khi chúng ta cảm nghiệm được điều này, thì trái tìm của chúng ta tan chảy và những nghi ngờ, những sợ hãi, những cảm giác bất xứng bị tan biến. Không gì có thể cản trở tình yêu thương đến từ việc tiếp xúc với Chúa này.
Và tình yêu này nhắc nhở chúng ta về một sự trợ giúp to lớn khác là ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện trong chúng ta và dạy dỗ chúng ta, làm cho Lời Chúa mà chúng ta đọc trở nên sống động, gợi lên những ý nghĩa mới mẻ, mở những cánh cửa xem ra bị đóng lại, chỉ ra những lối đi trong cuộc sống mà dường như chỉ có bóng tối và bối rối. Tôi hỏi anh chị em – Anh chị em có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Nhưng Ngài là ai? Đấng Vĩ Đại Không Được Biết Đến. Chắc chắn, chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha bằng Kinh Lạy Cha. Chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta quên Chúa Thánh Thần! Một lần nọ, khi tôi đang dạy giáo lý cho các em nhỏ, tôi đã đặt câu hỏi, “Ai trong các con biết Chúa Thánh Thần là ai?” Và trong số các em nói, “Con biết!” – Và Ngài là ai?” – Em trả lời tôi: “Người bại liệt !”. Điều này khiến tôi nghĩ, biết bao lần Chúa Thánh Thần ở đằng kia như một Ngôi Vị không đếm được. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho linh hồn! Hãy để Ngài đi vào. Hãy nói chuyến với Chúa Thánh Thần giống như anh chị em nói chuyện với Chúa Cha, như anh chị em nói chuyện với Chúa Con. Nói chuyện với Chúa Thánh Thần – Đấng là bất cứ điều gì nhưng bị bại liệt, phải không? Ngài là sức mạnh của Giáo hội, Ngài là Đấng sẽ dẫn đưa anh chị em tiến tới. Chúa Thánh Thần là sự phân định trong hành động, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Ngài là ân huệ, ân huệ cao cả nhất mà Chúa Cha đảm bảo cho những ai cầu xin (x. Lc 11, 13). Và Chúa Giêsu đã gọi Ngài là gì? “Ân huệ” – “Hãy ở lại đây ở Giêrusalem mà chờ đợi ân huệ của Thiên Chúa” (x. Cv 1, 4), là Chúa Thánh Thần. Thật thú vị khi sống cuộc đời của chúng ta trong tình bạn với Chúa Thánh Thần. Ngài thay đổi anh chị em. Ngài làm cho anh chị em phát triển.
Các Giờ Kinh Phụng Vụ bắt đầu các giờ kinh hằng ngày với lời khẩn cầu này: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”. “Lạy Chúa, xin giúp con!” bởi vì một mình tôi không thể tiến tới, tôi không thể yêu thương, tôi không thể sống….Lời khẩn cầu cứu độ này là lời thỉnh cầu không thể kìm nén được, tuôn chảy từ sâu thẳm con người chúng ta. Mục tiêu của sự phân định là nhận ra ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc sống của tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi không bao giờ đơn độc, và nếu tôi đang chiến đấu, thì đó là vì tiền cược của trò chơi là rất cao. Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. “Ồ, thưa Cha, con đã làm một việc thật tồi tệ. Con cần đi xưng tội. Con không thể làm bất cứ điều gì…”. Được rồi, bạn đã làm điều gì đó khủng khiếp? Hãy nói chuyện với Chúa Thánh Thần Đấng đang ở với bạn và nói với Ngài, “Xin Chúa giúp con, con đã làm điều thật kinh khủng này…” Đừng bao giờ từ bỏ cuộc đối thoại này với Chúa Thánh Thần. “Thưa Cha, con mắc tội trọng” – điều đó không thành vấn đề. Hãy nói chuyện với Ngài để Ngài giúp đỡ bạn và tha thứ cho bạn. Đừng bao giờ từ bỏ cuộc đối thoại này với Chúa Thánh Thần. Và với những sự trợ giúp mà Chúa ban cho chúng ta, chúng ta không cần phải sợ hãi. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, can đảm và hân hoan!
———————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Lời Chúa, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?