BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 19. ĐỨC MẾN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, với đức mến, hôm nay chúng ta đạt đến đỉnh cao của chu kỳ giáo lý về các nhân đức. Bởi vì đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, nên đức mến đến với chúng ta từ Thiên Chúa và kết hợp chúng ta với Ngài. Nó mời gọi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và người lân cận như chính Thiên Chúa; đây là lý do tại sao nó khác với tình yêu đơn giản, vì Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Ngay cả những kẻ tội lỗi cũng yêu thương những người yêu thương họ” (Lc 6, 32): có một tình yêu cao cả hơn, đến từ Thiên Chúa và được hướng đến Thiên Chúa, cho phép chúng ta yêu mến Thiên Chúa, trở thành bạn hữu của Ngài, và cho phép chúng ta yêu người lân cận như Thiên Chúa yêu thương họ, với mong muốn chia sẻ tình bạn với Chúa. Đó là một tình yêu đòi hỏi vì đức mến mở rộng đến cả kẻ thù của chúng ta, họ cũng là con cái Thiên Chúa, và mở chúng ta ra cho sự tha thứ!
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 15/5/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta sẽ nói về nhân đức đối thần thứ ba: đức mến. Chúng ta hãy nhớ lại hai nhân đức kia là đức tin và đức cậy; hôm nay chúng ta sẽ nói về nhân đức thứ ba: đức mến. Đây là đỉnh cao của toàn bộ hành trình mà chúng ta đã theo đuổi với các bài giáo lý về các nhân đức. Nghĩ đến đức mến sẽ ngay lập tức mở rộng trái tim, mở rộng tâm trí theo những lời được linh hứng của thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Khi kết thúc bài thánh thi tuyệt vời này, thánh Phaolô trích dẫn bộ ba nhân đức đối thần và thốt lên: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13, 13).
Thánh Phaolô ngỏ những lời này với một cộng đoàn còn chưa hoàn thiện trong tình yêu thương huynh đệ: các Kitô hữu ở Côrintô là những người hay cãi nhau, có những chia rẽ nội bộ, có những người cho rằng mình luôn đúng và không lắng nghe người khác, coi họ là thấp kém. Về những người này, Thánh Phaolô nhắc nhở rằng kiến thức thì tự phụ, còn bác ái thì xây dựng (x. 1 Cr 8, 1). Sau đó, Thánh Tông Đồ thuật lại một vụ bê bối thậm chí còn ảnh hưởng đến thời điểm hiệp nhất lớn nhất của một cộng đồng Kitô hữu, đó là “Bữa Tiệc Ly của Chúa”, việc cử hành Thánh Thể: ngay cả ở đó cũng có sự chia rẽ, và có những người lợi dụng để ăn uống, đồng thời loại trừ những người không có gì (x. 1 Cr 11, 18-22). Đối mặt với điều này, Thánh Phaolô đã đưa ra một nhận định gay gắt: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa nữa” (c. 20), anh em có một nghi lễ khác, vốn là ngoại giáo, đó không phải là Bữa Tiệc Ly của Chúa.
Biết đâu được, có lẽ không ai trong cộng đoàn Côrintô nghĩ mình đã phạm tội và những lời gay gắt của vị Tông đồ dường như hơi khó hiểu đối với họ. Có lẽ tất cả họ đều tin rằng họ là người tốt và, nếu được hỏi về tình yêu, họ hẳn sẽ trả lời rằng chắc chắn tình yêu là một giá trị rất quan trọng, giống như tình bạn và gia đình. Ngay cả ngày nay, tình yêu vẫn ở trên môi miệng của mọi người, trên môi miệng của rất nhiều “người có ảnh hưởng” và trong các điệp khúc của rất nhiều bài hát. Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng tình yêu là gì?
“Nhưng còn tình yêu khác thì sao?” Thánh Phaolô dường như hỏi các Kitô hữu ở Côrintô. Không phải tình yêu đi lên, nhưng là tình yêu đi xuống; không phải tình yêu nhận lấy, nhưng là tình yêu cho đi; không phải tình yêu xuất hiện, nhưng là tình yêu ẩn giấu. Thánh Phaolô lo ngại rằng ở Côrintô – cũng như giữa chúng ta ngày nay – có sự nhầm lẫn và nhân đức đối thần về tình yêu, nhân đức chỉ đến từ Thiên Chúa, người ta lại không quan tâm. Và nếu, ngay cả bằng lời nói, mọi người đều khẳng định họ là người tốt, họ yêu thương gia đình và bạn bè của họ, thì trên thực tế, họ chỉ biết rất ít về tình yêu của Thiên Chúa.
Các Kitô hữu thời xưa có một số từ Hy Lạp để định nghĩa tình yêu. Cuối cùng, chính từ “agapè” đã nổi bật lên, mà chúng ta thường dịch là “đức mến”. Bởi vì thực ra, các Kitô hữu có khả năng về tất cả các hình thức tình yêu trên thế giới: họ cũng yêu, ít nhiều như điều xảy ra với mọi người. Họ cũng biết lòng tốt của tình bạn. Họ cũng sống tình yêu quê hương đất nước và tình yêu phổ quát đối với toàn thể nhân loại. Nhưng có một tình yêu lớn hơn, một tình yêu đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, cho phép chúng ta yêu mến Thiên Chúa, trở thành bạn hữu của Ngài, và cho phép chúng ta yêu thương người lân cận như Thiên Chúa yêu thương họ, với ước muốn chia sẻ tình bạn với Thiên Chúa. Tình yêu này, vì Chúa Kitô, thúc đẩy chúng ta đến nơi mà về mặt nhân loại chúng ta không thể đến: đó là tình yêu đối với người nghèo, đối với những gì không đáng yêu, đối với người không yêu thương chúng ta và không biết ơn. Đó là tình yêu đối với điều mà không ai yêu, ngay cả đối với kẻ thù của mình. Ngay cả đối với kẻ thù. Tình yêu này mang tính “đối thần”, tình yêu này đến từ Thiên Chúa, đó là công trình của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Chúa Giêsu rao giảng trong Bài giảng trên núi: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế” (Lc 6, 32-33). Và Người kết luận: “Anh em hãy yêu kẻ thù – chúng ta quen nói xấu kẻ thù – anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (câu 35). Chúng ta hãy nhớ điều này: “Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả”. Chúng ta đừng quên điều đó!
Bằng những lời này, tình yêu được mặc khải như một nhân đức đối thần và mang tên đức mến. Tình yêu là đức mến. Chúng ta nhận ra ngay rằng đây là một tình yêu khó thực hiện, thậm chí không thể thực hiện được nếu chúng ta không sống trong Chúa. Bản tính con người chúng ta khiến chúng ta tự phát yêu thích những gì tốt đẹp. Nhân danh một lý tưởng hay một tình cảm lớn lao, chúng ta thậm chí có thể quảng đại và thực hiện những hành động anh hùng. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vượt xa những tiêu chuẩn này. Tình yêu Kitô giáo ôm lấy những gì không đáng yêu thương, mang lại sự tha thứ. – Tha thứ thật khó biết bao! Cần biết bao tình yêu để tha thứ! -Tình yêu Kitô giáo chúc lành cho những người chửi rủa, trong khi chúng ta có thói quen đáp lại bằng một sự xúc phạm khác, bằng một lời nguyền rủa khác, khi đối mặt với một sự xúc phạm hoặc một lời nguyền rủa. Đó là một tình yêu táo bạo đến mức gần như không thể thực hiện được, tuy nhiên, đó là điều duy nhất vẫn còn lại của chúng ta. Tình yêu là “cửa hẹp” mà chúng ta phải vượt qua để vào Nước Thiên Chúa. Thật vậy, vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ không bị phán xét về tình yêu chung chung, chúng ta sẽ bị phán xét chính xác về đức mến, về tình yêu mà chúng ta đã có một cách cụ thể. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này, nó thật đẹp: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Đây là điều đẹp đẽ và tuyệt vời về tình yêu. Chúng ta hãy tiến về phía trước và can đảm lên!
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO