BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI. 4 : MÊ DÂM DỤC

Written by xbvn on Tháng Một 18th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, trong loạt bài giáo lý về các tật xấu và nhân đức, giờ đây chúng ta nói đến thói mê dâm dục, vốn đối nghịch với vẻ đẹp của tình yêu mà Đấng Tạo Thành đã ghi khắc trong cõi lòng chúng ta và gọi mời chúng ta dưỡng nuôi trong mối tương quan với người khác, đặc biệt là việc sử dụng tính dục của chúng ta một cách có trách nhiệm. Thói mê dâm dục làm hư hoại sự trinh nguyên của tình yêu bằng cách biến nó từ một sự đón nhận người khác cách quãng đại, kiên nhẫn và trong trắng trong tất cả sự phong phú đầy mầu nhiệm nơi sự hiện hữu của họ, thành lòng khao khát chiếm hữu và sự thoả mãn tức thời đầy ích kỷ. Món quà tính dục của Thiên Chúa, vốn được thể hiện cách cao cả trong tình yêu vợ chồng, nhắm đến việc phục vụ sự viên mãn cũng như sự do đích thực của con người, trong khi đó thói mê dâm dục trói buộc chúng ta trong sự ích kỷ và trống rỗng. Xin cho lòng chúng ta luôn trân quý vẻ đẹp của tình yêu, một tình yêu sẻ chia nơi mầu nhiệm tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta, vốn được dựng nên theo hình ảnh của Người.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 17/1/2024:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay, chúng ta hãy lắng nghe kỹ bài giáo lý này, bởi vì sau đó sẽ có một đoàn xiếc biểu diễn cho chúng ta.

Hãy tiếp tục hành trình của chúng ta bàn về các tật xấu cũng và nhân đức; và các Giáo phụ xưa dạy chúng ta rằng, sau tật mê ăn uống, thì ‘con quỷ’ thứ hai, – tức là, tật xấu – vốn luôn chực chờ trước cửa tâm hồn, là tật xấu mê dâm dục, tiếng Hy Lạp gọi là porneia. Trong khi tật mê ăn uống là thói phàm ăn liên quan đến thức ăn, thì tật xấu thứ hai này là một kiểu ‘phàm ăn’ đối với một người khác, tức là, mối quan hệ độc hại mà con người có với nhau, đặc biệt trong phạm vi tính dục.

Hãy cẩn trọng: trong Kitô giáo, không có sự kết án về bản năng tính dục. Không có sự kết án nào cả. Sách Diễm Ca, một cuốn sách của Thánh Kinh, là một áng thơ tuyệt vời về tình yêu giữa hai người tình. Tuy nhiên, chiều kích đẹp đẽ này, chiều kích tính dục, chiều kích tình yêu, của nhân loại chúng ta không phải là không có những nguy hiểm, đến độ thánh Phao-lô đã trình bày vấn đề này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô. Ngài viết: “Đi đâu cũng nghe đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại ” (5, 1). Lời khiến trách của thánh Tông đồ liên quan chính xác đến cách hành xử tính dục không lành mạnh của một số Ki-tô hữu.

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm con người, kinh nghiệm phải lòng. Có nhiều đôi mới cưới ở đây: các bạn có thể nói về điều này. Tại sao mầu nhiệm này xảy ra, và tại sao nó lại là một kinh nghiệm gây xáo trộn như thế trong cuộc đời con người, không ai trong chúng ta hiểu được. Một người khi phải lòng ai đó, thì sự phải lòng đang diễn ra. Đó là một trong những thực tại lạ lùng nhất của cuộc sống. Phần lớn các bài hát anh chị em nghe trên radio đều liên quan đến điều này: tình yêu ngời sáng, tình yêu luôn luôn được kiếm tìm và chẳng bao giờ đạt thấu, tình yêu tràn đầy niềm vui, hoặc tình yêu đó làm ta đau khổ đến rơi lệ.

Nếu không bị tật xấu làm nhơ uế, thì việc phải lòng khi yêu là một trong những cảm giác tinh khôi nhất. Một người đương yêu trở nên rộng lượng, vui thích tặng quà, viết thư và làm thơ. Người đó ngừng nghĩ tưởng về mình để hoàn toàn tập trung vào người khác. Điều này thật tốt đẹp và nếu anh chị em hỏi một ai đó đang yêu, “Vì sao bạn yêu?”, thì họ sẽ không tìm được câu trả lời: bằng nhiều cách, tình yêu của họ là vô điều kiện, mà chẳng cần đến lý lẽ nào. Anh chị em phải kiên nhẫn nếu tình yêu đó, thường rất mãnh liệt, cũng có một chút ngây thơ: những người yêu nhau không thực sự biết được khuôn mặt của người khác, họ có khuynh hướng lý tưởng hoá bản thân, họ sẵn sàng hứa hẹn mà sự thực bản thân ngay tức khắc không ôm lấy nổi sức nặng của chúng. Thế nhưng, ‘khu vườn’ này, nơi mà những điều diệu kỳ được nhân bội lên, không hề an toàn trước ma quỷ. Nó bị con quỷ mê dâm dục làm vẩn đục, và tật xấu này đặc biệt ghê tởm, ít là vì hai lý do. Ít là hai.

Trước hết, bởi vì ma quỷ phá hoại mối tương quan giữa con người. Để chứng minh thực tế này, đáng tiếc thay, tin tức hằng ngày là đủ rồi. Có biết bao nhiêu mối quan hệ bắt đầu theo những cách tốt đẹp nhất để rồi lại trở thành những mối tương quan độc hại, muốn chiếm hữu người khác, thiếu tôn trọng và ý thức về những giới hạn? Có những tình yêu thiếu vắng sự khiết tịnh: một nhân đức không thể bị lẫn lộn với sự tiết chế tính dục – khiết tịnh là một điều gì đó khác hẳn với sự tiết chế tính dục – nhưng đúng hơn nó phải được nối kết với ý muốn không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu là tôn trọng người khác, kiếm tìm hạnh phúc của họ, dưỡng nuôi sự đồng cảm với cảm xúc của họ, chuẩn bị cho bản thân sự hiểu biết về một thân xác, tâm lý và một tâm hồn vốn không phải của ta và phải được chiêm ngắm vì vẻ đẹp họ đang mang. Đó là tình yêu, và tình yêu thật đẹp. Trái lại, thói mê dâm dục giễu cợt tất cả những điều này: nó chiếm đoạt, cướp lấy, hưởng thụ một cách vội vàng, không muốn lắng nghe người khác nhưng chỉ nghe theo những nhu cầu và sự thoả mãn của riêng mình; thói mê dâm dục coi thời gian tìm hiểu là nhàm chán, nó không tìm kiếm sự tổng hợp giữa lý trí, xung năng và cảm xúc, vốn có thể giúp chúng ta điều khiển cuộc sống cách khôn ngoan. Những kẻ mê dâm dục chỉ tìm lối tắt: họ không hiểu rằng con đường dẫn đến tình yêu phải được tiến bước cách chậm rãi, và sự kiên nhẫn này, không hề đồng nghĩa với sự nhàm chán, cho phép chúng ta làm cho những mối tương quan tình yêu của mình được hạnh phúc.

Nhưng vẫn còn lý do thứ hai tại sao mê dâm dục lại là một tật xấu nguy hại. Trong hết mọi thú vui của con người, tình dục vẫn có một tiếng nói đầy mãnh lực. Nó bao gồm mọi giác quan, nó hiện diện cả trong thân xác lẫn tinh thần, và điều này rất tốt đẹp; nhưng nếu nó không được kỷ luật với sự kiên nhẫn, nếu nó không được ghi khắc vào một mối tương quan và trong một câu chuyện trong đó hai cá nhân chuyển hoá nó thành một vũ điệu tình ái, thì nó sẽ trở thành một xiềng xích tước đi sự tự do khỏi con người. Niềm hoan lạc tình dục, vốn là một quà tặng từ Thiên Chúa, đã bị phá hoại bởi thói khiêu dâm: sự thoả mãn mà không có mối tương quan có thể sinh ra những hình thức nghiện ngập. Chúng ta phải bảo vệ tình yêu, tình yêu của con tim, của tâm trí, của xác thân, tình yêu vẹn tuyền trong sự trao ban chính mình cho người khác. Và đó là chính vẻ đẹp của sự kết hợp tình dục.

Thắng được cuộc chiến chống lại thói mê dâm dục, chống lại thói ‘xem người khác như đồ vật’, có thể là một nỗ lực trường kỳ. Nhưng phần thưởng của cuộc chiến này là điều hệ trọng nhất trong tất cả, bởi vì nó bảo toàn được vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã viết nơi công trình tạo dựng của Người khi Người hình dung nên tình yêu giữa người nam và người nữ, mà tình yêu đó nhắm mục đích không phải để lợi dụng, nhưng là để thương yêu nhau. Vẻ đẹp đó làm cho chúng ta tin rằng việc cùng nhau xây dựng một câu chuyện thì tốt hơn là tìm kiếm những cuộc mạo hiểm – có rất nhiều Don Juan ở ngoài kia; việc cùng nhau xây dựng một câu chuyện thì tốt hơn là đi tìm kiếm những cuộc mạo hiểm; nuôi dưỡng sự dịu dàng thì tốt hơn cúi mình trước con quỷ chiếm hữu –tình yêu đích thực thì không chiếm hữu, nó cho đi chính mình; phục vụ thì tốt hơn chiếm đoạt. Bởi nếu không có tình yêu, cuộc sống thật tẻ nhạt, nó một sự quạnh vắng buồn hiu!

——————————————-

LỜI KÊU GỌI

Tôi bày tỏ sự cảm thông và tình liên đới với các nạn nhân, mọi thường dân, của cuộc tấn công tên lửa làm rung chuyển vùng thành thị Erbil, thủ đô của khu vực tự trị người Kurdis ở Iraq. Mối liên hệ tốt đẹp giữa những người láng giềng không được dựng xây với những hành động như thế, nhưng với đối thoại và hợp tác. Tôi kêu gọi mọi người tránh xa bất kỳ bước tiến nào làm gia tăng sự căng thẳng tại Trung Đông và những vùng chiến sự khác.

LỜI CHÀO ĐẶC BIỆT

Ngày mai, Tuần Cầu nguyện cho Sự Hiệp Nhất các Ki-tô hữu sẽ bắt đầu, năm nay có chủ đề: “Yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và yêu người thân cận như chính mình” (x. Lc 10, 27). Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện hầu mong các Ki-tô hữu có thể đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn và đồng tâm nhất trí làm chứng về tình yêu đối với mọi người, nhất là hướng đến những ai dễ tổn thương nhất.

Tôi cũng chào đón những khách hành hương nói tiếng Ý. Cách riêng, tôi chào thăm các tín hữu ở Bellizzi, nhóm FederCasa, Học viện Pio IX-La Salle ở Rôma và trường Highlands ở Rôma.

Sau cùng, những ý nghĩ của tôi hướng về các bạn trẻ, người đau yếu, người già và những người mới lập gia đình. Hôm nay phụng vụ kính nhớ thánh Antôn Viện phụ, một trong những ông tổ sáng lập ra đời sống đan tu. Ước gì gương sáng của ngài giúp chúng ta có được lòng cam đảm đón nhận Tin Mừng mà không cần đến sự thoả hiệp nào.

Và chúng ta không quên những quốc gia đang rơi vào chiến tranh, chúng ta nhớ đến đất nước Ucraina, Palestin, Israel, các cư dân của Dải Gaza những người đang chịu khốn khổ rất nhiều. Chúng ta hãy cầu nguyện cho rất nhiều nạn nhân của chiến tranh, rất nhiều người. Chiến tranh luôn luôn phá huỷ, chiến tranh không gieo mầm tình yêu, nó chỉ rắc gieo hận thù. Chiến tranh là một sự thất bại thực sự của nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang chịu khổ đau vì chiến tranh.

Tôi chúc lành cho tất cả mọi người!

———————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30