BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH GIUSE. BÀI 1. THÁNH GIUSE VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA NGÀI
“Thánh Giuse, …, đã nhắc nhở cho Giáo hội hãy nhìn đến những gì mà thế giới cố tình phớt lờ. Ngày nay, thánh Giuse dạy cho chúng ta điều này: “Đừng nhìn vào bao nhiêu thứ mà thế giới ca tụng, hãy nhìn vào những góc khuất, hãy nhìn vào những bóng tối, hãy nhìn vào những vùng ngoại vi, điều mà thế giới không muốn”. Ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta biết quý trọng những gì mà những người khác gạt bỏ. Theo nghĩa này, ngài thực sự là một bậc thầy về điều cốt yếu: ngài nhắc cho chúng ta rằng những gì thực sự quý giá không thu hút sự quan tâm của chúng ta, nhưng đòi hỏi một sự phân định kiên nhẫn để được khám phá và đánh giá cao”. Đức Phanxicô đã nói về thánh Giuse như mẫu gương cho chúng ta như thế trong loạt bài giáo lý mới về thánh Giuse, hôm thứ Tư 17/11/2021.
Quả thế, ngài nói: “Chưa bao giờ như ngày nay, trong thời kỳ được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều thành phần khác nhau, thánh Giuse có thể là một sự nâng đỡ, một sự an ủi và một người hướng dẫn. Đó là lý do tại sao tôi đã quyết định dành riêng cho ngài một loạt bài giáo lý mà, tôi hy vọng, sẽ giúp chúng ta được soi sáng hơn bởi gương mẫu và chứng tá của ngài.”
Và nhắc đến sự kiện thánh Giuse xuất thân từ Bêlem và Nadarét, những vùng ngoại vi và bên lề xã hội, Đức Thánh Cha nhắc nhở người Kitô hữu ý thức hơn rằng “đối với Chúa Giêsu, các vùng ngoại vi và bên lề xã hội đều được ưu ái. Không coi trọng thực tại này tóm lại là không coi trọng Tin Mừng và công trình của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục được biểu lộ nơi các vùng ngoại vi địa lý và cuộc sống. Chúa luôn hành động âm thầm nơi các vùng ngoại vi, ngay cả trong tâm hồn chúng ta, nơi các vùng ngoại vi của tâm hồn, của những tình cảm, có lẽ những tình cảm mà chúng ta xấu hổ; nhưng Chúa ở đó để giúp chung ta tiến tới.”
Dưới đây là bài giáo lý đầu tiên trong loạt bài giáo lý về thánh Giuse:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Vào ngày 8/12/1870, Chân phước Piô IX đã tuyên bố thánh Giuse là Quan Thầy của Giáo hội hoàn vũ. Vào dịp 150 năm sự kiện này, chúng ta đang sống một năm đặc biệt dâng kính thánh Giuse và trong Tông thư Patris corde, tôi đã tập hợp một vài suy tư về con người của ngài. Chưa bao giờ như ngày nay, trong thời kỳ được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều thành phần khác nhau, thánh Giuse có thể là một sự nâng đỡ, một sự an ủi và một người hướng dẫn. Đó là lý do tại sao tôi đã quyết định dành riêng cho ngài một loạt bài giáo lý mà, tôi hy vọng, sẽ giúp chúng ta được soi sáng hơn bởi gương mẫu và chứng tá của ngài. Trong một vài tuần, chúng ta sẽ nói về thánh Giuse.
Trong Thánh Kinh, có hơn mười người mang tên Giuse. Người quan trọng nhất trong số họ là người con của Gia-cóp và Rakhen, mà, qua nhiều trắc trở, chuyền từ tình trạng nô lệ thành nhân vật quan trọng thứ hai ở Ai Cập sau vua Pharaô (x. Stk 37-50). Trong tiếng Do Thái, tên Giuse có nghĩa là “Xin Thiên Chúa gia tăng, xin Thiên Chúa làm cho lớn lên”. Đó là một ước mong, một phúc lành dựa trên niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa và đặc biệt liên quan đến sự phong nhiêu và tang trưởng của con cái. Quả thế, chính danh xưng này cho chúng ta thấy một khía cạnh thiết yếu của con người của thánh Giuse thành Nadarét. Đó là một người tràn đầy đức tin vào Thiên Chúa, vào sự quan phòng của Người: ngài tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài có đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Tất cả các hoạt động của ngài được tường thuật trong Tin Mừng, đều được thúc đẩy bởi niềm xác tín rằng Thiên Chúa “làm lớn lên”, Thiên Chúa “gia tăng”, Thiên Chúa “tăng thêm”, nghĩa là Thiên Chúa theo đuổi kế hoạch cứu độ của Người. Và về điều đó, thánh Giuse thành Nadarét rất giống với ông Giuse ở Ai Cập.
Ngoài ra, các quy chiếu địa lý chính của thánh Giuse : Bêlem và Nadarét đóng một vai trò quan trọng để hiểu con người của ngài.
Trong Cựu Ước, thành Bêlem được gọi là Beth Lechem, nghĩa là “Nhà bánh mì”, hay còn nghĩa là Ephrata, do chi tộc nằm trên lãnh thổ này. Tuy nhiên, trong tiếng Ả rập, danh xưng này có nghĩa là “Nhà thịt”, có lẽ do có rất nhiều đàn cừu và dê trong vùng. Quả thế, không phải tình cờ mà lúc Chúa Giêsu giáng sinh, các mục đồng là những người đầu tiên chứng kiến biến cố (x. Lc 2, 8-20). Dưới ánh sáng lịch sử của Chúa Giêsu, những ám chỉ đến bánh và thịt này hướng đến mầu nhiệm Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6, 51). Ngài sẽ nói về chính mình: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6,54).
Bêlem được đề cập nhiều lần trong Thánh Kinh, từ sách Sáng Thế Ký. Bêlem cũng gắn liền với câu chuyện của bà Rút và Nôêmi, được kể lại trong sách Rút, một cuốn sách nhỏ nhưng tuyệt vời. Bà Rút sinh một người con được gọi là Obed, người mà đến lượt mình sinh Jessé, cha của vua Đavít. Và chính từ dòng dõi vua Đavít mà thánh Giuse, người cha theo pháp lý của Chúa Giêsu, đã xuất thân. Tiếp đến, về Bêlem, ngôn sứ Mikha đã tiên báo những điều lớn lao: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel ” (Mk 5, 1). Thánh sử Matthêu sẽ lấy lại lời tiên tri này bằng cách nối kết nó với lịch sử của Chúa Giêsu như là lời ứng nghiệm rõ rệt của nó.
Quả thế, Con Thiên Chúa không chọn Giêrusalem là nơi nhập thể của Người, nhưng Bêlem và Nadarét, hai làng quê thuộc vùng ngoại vi, xa với những tin tức ồn ào và quyền lực thời đó. Tuy nhiên, Giêrusalem là thành được Chúa yêu thương (x. Is 62, 1-12), là “thành thánh” (Dn 3, 28), được Thiên Chúa chọn làm nơi cư ngụ (x Dc 3, 2; Tv 132, 3). Quả thế, chính các thầy thông luật, các kinh sư và Pharisêu, các thượng tế và kỳ lão trong dân cư ngụ (x. Lc 2, 46; Mt 15, ; Mc 3, 22; Ga , ; Mt 26, 3).
Đó là lý do tại sao việc chọn lựa Bêlem và Nadarét cho chúng ta thấy rằng vùng ngoại vi và bên lề xã hội được Thiên Chúa ưu ái. Chúa Giêsu không sinh ra ở Giêrusalem cùng với toàn thể triều đình…không: Ngài đã sinh ra ở một vùng ngoại vi và Ngài trải qua cả cuộc đời mình, cho đến năm 30 tuổi, trong vùng ngoại vi này, làm nghề thợ mộc, như thánh Giuse. Đối với Chúa Giêsu, các vùng ngoại vi và bên lề xã hội đều được ưu ái. Không coi trọng thực tại này tóm lại là không coi trọng Tin Mừng và công trình của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục được biểu lộ nơi các vùng ngoại vi địa lý và cuộc sống. Chúa luôn hành động âm thầm nơi các vùng ngoại vi, ngay cả trong tâm hồn chúng ta, nơi các vùng ngoại vi của tâm hồn, của những tình cảm, có lẽ những tình cảm mà chúng ta xấu hổ; nhưng Chúa ở đó để giúp chung ta tiến tới. Chúa tiếp tục biểu lộ nơi các vùng ngoại vi, địa lý cũng như cuộc sống. Cách riêng, Chúa Giêsu đi tìm kiếm người tội lỗi, đi vào nhà họ, nói chuyện với họ, kêu gọi họ hoán cải. Và người ta cũng trách cứ Ngài về điều đó: “Nhưng hãy xem, ông Thầy này – các tiến sĩ luật nói – hãy nhìn xem ông Thầy này: ông ăn uống với những kẻ tội lỗi, ông làm ô danh, ông đi tìm kiếm những người đã không làm điều ác nhưng đã chịu đựng nó: các bệnh nhân, người đói khát, người nghèo khổ, những người bé mọn cùng đinh Chúa Giêsu luôn đi đến các vùng ngoại vi. Và điều đó phải mang lại cho chúng ta sự tin tưởng lớn lao, vì Chúa biết các vùng ngoại vi của tâm hồn chúng ta, các vùng ngoại vi của linh hồn chúng ta, các vùng ngoại vi của xã hội chúng ta, của thành phố chúng ta, của gia đình chúng ta, nghĩa là phần hơi tối tăm này mà chúng ta không để cho thấy, có lẽ vì xấu hổ. Nhưng Ngài cũng đi tìm kiếm những người đã không làm điều ác nhưng đã chịu đựng nó: các bệnh nhân, người đói khát, người nghèo khổ, người bé mọn nhất.
Về phương diện này, xã hội thời đó không khác mấy với xã hội chúng ta. Ngày nay cũng thế, có một trung tâm và một vùng ngoại vi. Và Giáo hội biết rằng mình được kêu gọi để loan báo Tin Mừng từ những vùng ngoại vi. Thánh Giuse, một người thợ mộc thành Nadarét và tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa cho vị hôn thê của mình và cho chính mình, đã nhắc nhở cho Giáo hội hãy nhìn đến những gì mà thế giới cố tình phớt lờ. Ngày nay, thánh Giuse dạy cho chúng ta điều này: “Đừng nhìn vào bao nhiêu thứ mà thế giới ca tụng, hãy nhìn vào những góc khuất, hãy nhìn vào những bóng tối, hãy nhìn vào những vùng ngoại vi, điều mà thế giới không muốn”. Ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta biết quý trọng những gì mà những người khác gạt bỏ. Theo nghĩa này, ngài thực sự là một bậc thầy về điều cốt yếu: ngài nhắc cho chúng ta rằng những gì thực sự quý giá không thu hút sự quan tâm của chúng ta, nhưng đòi hỏi một sự phân định kiên nhẫn để được khám phá và đánh giá cao. Khám phá những gì có giá trị. Chúng ta hãy cầu xin ngài cầu bàu để toàn thể Giáo hội tìm lại được sự sáng suốt này, khả năng phân định này và khả năng lượng giá điều cốt yếu này. Chúng ta hay khởi sự lại từ Bêlem, chúng ta hãy khởi sự lại từ Nadarét.
Hôm nay, tôi muốn gởi một thông điệp cho tất cả những người nam và người nữ đang sống nơi các vùng ngoại vi địa lý, những vùng bị quên lãng nhất trên thế giới, hay đang trải qua những hoàn cảnh sống bên lề xã hội. Ước gì anh chị em có thể tìm thấy nơi thánh Giuse chứng nhân và người bảo vệ mà anh chị em hướng đến. Chúng ta có thể thân thưa với ngài bằng lời cầu nguyện này, một lời cầu nguyện “thủ công”, nhưng xuất phát từ tâm hồn:
Lạy thánh Giuse,
Ngài là đấng đã luôn tin tưởng vào Thiên Chúa,
và đưa ra những chọn lựa
được hướng dẫn bởi sự quan phòng của Người,
xin dạy chúng con đừng quá cậy dựa vào các kế hoạch của mình
nhưng vào kế hoạch yêu thương của Người.
Ngài là người đến từ các vùng ngoại vi,
xin giúp chúng con thay đổi cái nhìn của mình
và yêu thích những gì thế giới loại bỏ và gạt ra bên lề xã hội
Xin ngài an ủi những ai đang cảm thấy cô đơn
và nâng đỡ những ai đang làm việc thầm lặng
để bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Amen.
——————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, các thánh-nhân vật, Giuse, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO