BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH GIUSE – BÀI 12. THÁNH GIUSE, QUAN THẦY CỦA GIÁO HỘI HOÀN VŨ
Trong buổi tiếp kiến chung hôm 16/2/2022, Đức Thánh Cha kết thúc chu kỳ các bài giáo lý về thánh Giuse bằng bài bàn về « Thánh Giuse, Quan Thầy của Giáo hội hoàn vũ », qua đó ngài cho thấy thánh Giuse canh giữ Chúa Giêsu và Đức Maria thế nào, thì ngày nay thánh nhân cũng canh giữ Giáo hội như vậy, « bởi vì Giáo hội nối dài Thân Thể của Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời trong tình mẫu tử của Giáo hội được phát họa tình mẫu tử của Đức Maria ».
Và ngược lại, « khi tiếp tục bảo vệ Giáo hội, thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và mẹ Người », và, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « chúng ta cũng thế, khi yêu mến Giáo hội, chúng ta tiếp tục yêu mến Hài Nhi và mẹ Người ».
Đối với ngài, yêu mến Chúa Giêsu và Đức Maria cũng phải đi đến chỗ yêu mến « mỗi người đói và khát, mỗi người ngoại kiều, mỗi người di cư, mỗi người không quần áo, mỗi bệnh nhân, mỗi tù nhân là « Hài Nhi » mà thánh Giuse chăm sóc », vì Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với họ (x. Mt 25, 40) và « mỗi một thực tại này luôn là Hài Nhi và mẹ Người (xem Patris corde, 5) ».
Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh lòng yêu mến và bước đi với Giáo hội như Giáo hội là, một Giáo hội vốn « là một đoàn dân tội lỗi đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa », trước biết bao lời chỉ trích và bách hại.
Ngài cũng không quên mời gọi các Kitô hữu chạy đến « cầu xin sự cầu bầu của thánh Giuse chính trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống chúng ta », « tìm thấy nơi ngài là một người che chở, một người giám hộ, một người cha ! ».
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta hoàn tất chu kỳ các bài giáo lý về con người của thánh Giuse. Các bài giáo lý này hoàn thành Tông thư Patris corde, được viết dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố thánh Giuse là Quan Thầy của Giáo hội Công giáo bởi chân phước Piô IX. Nhưng tước hiệu này có ý nghĩa gì ? Việc thánh Giuse là « Quan Thầy của Giáo hội » có nghĩa là gì ? Hôm nay, tôi muốn suy nghĩ với anh chị em về điều này.
Ngay cả trong trường hợp này, các sách Tin Mừng cũng cung cấp cho chúng ta chìa khóa đọc chính xác nhất. Quả thật, cuối mỗi đoạn mà thánh Giuse là nhân vật chính, Tin Mừng ghi nhận rằng ngài mang theo Hài Nhi và mẹ Người – ngài mang theo Hài Nhi và mẹ Người – và ngài thực hiện những gì Thiên Chúa đã truyền cho ngài (x. Mt 1, 24 ; 2, 14.21). Như thế nổi bật sự kiện rằng nhiệm vụ của thánh Giuse là bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria. Thánh nhân là người canh giữ chính của các ngài : « Quả thế, Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ Người, là kho tàng quý giá nhất trong đức tin của chúng ta » (1) (Tông thư Patris corde, 5), và kho tàng này được thánh Giuse canh giữ.
Trong kế hoạch cứu độ, như Công đồng Vatican II nhắc nhớ, chúng ta không thể tách rời Chúa Con khỏi Mẹ của Người, khỏi người Mẹ « đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành giữ sự kết hiệp với Con của Mẹ cho đến tận thập giá » (Lumen Gentium, 58).
Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse là hạt nhân chủ yếu của Giáo hội. Chúa Giêsu là Người và là Thiên Chúa ; Đức Maria, người môn đệ đầu tiên, là Mẹ ; và thánh Giuse, người canh giữ. Và chúng ta cũng thế, « chúng ta phải luôn tự hỏi liệu chúng ta có hết sức bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria được giao phó cách mầu nhiệm cho trách nhiệm của chúng ta, cho sự chăm lo của chúng ta, cho sự canh giữ của chúng ta » (Patris corde,5). Và ở đây, có một dấu ấn rất đẹp về ơn gọi Kitô hữu : canh giữ. Canh giữ sự sống, canh giữ sự phát triển của con người, canh giữ tinh thần con người, canh giữ tâm hồn con người, canh giữ lao động của con người… Chúng ta có thể nói, Kitô hữu giống như thánh Giuse : họ phải canh giữ. Là Kitô hữu, đó không chỉ là lãnh nhận đức tin, tuyên xưng đức tin, nhưng còn canh giữ sự sống, sự sống của mình, sự sống của tha nhân, sự sống của Giáo hội. Con của Đấng Tối Cao đã đến thế gian trong một thân phận hết sức yếu đuối : Chúa Giêsu đã hạ sinh như thế, yếu đuối, nghèo khó. Người đã muốn được bảo vệ, che chở, chăm sóc. Thiên Chúa đã tin tưởng thánh Giuse, cũng giống như Đức Maria, Mẹ đã nhận thấy nơi thánh nhân một hôn phu đã yêu thương và tôn trọng Mẹ và đã luôn chăm sóc Mẹ và Hài Nhi. « Theo nghĩa này, thánh Giuse không thể không phải là Người canh giữ Giáo hội, bởi vì Giáo hội nối dài Thân Thể của Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời trong tình mẫu tử của Giáo hội được phát họa tình mẫu tử của Đức Maria. Khi tiếp tục bảo vệ Giáo hội, thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và mẹ Người, và chúng ta cũng thế, khi yêu mến Giáo hội, chúng ta tiếp tục yêu mến Hài Nhi và mẹ Người » (ibid.).
Hài Nhi này là Đấng sẽ nói : « Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25, 40). Do đó, mỗi người đói và khát, mỗi người ngoại kiều, mỗi người di cư, mỗi người không quần áo, mỗi bệnh nhân, mỗi tù nhân là « Hài Nhi » mà thánh Giuse chăm sóc. Và chúng ta được mời gọi chăm sóc những người này, anh chị em của chúng ta, như thánh Giuse đã làm. Đó là lý do tại sao ngài được kêu cầu như là đấng bảo vệ tất cả những người nghèo túng, những người lưu đày, những người đau khổ, và ngay cả những người hấp hối – chúng ta đã nói về điều này vào thứ Tư vừa rồi. Và chúng ta cũng thế, chúng ta phải học biết từ thánh Giuse « canh giữ » những điều thiện hảo này : yêu mến Hài Nhi và mẹ Người ; yêu thích các Bí tích và dân Thiên Chúa ; yêu mến người nghèo và giáo xứ của chúng ta. Mỗi một thực tại này luôn là Hài Nhi và mẹ Người (xem Patris corde, 5). Chúng ta phải chăm sóc, vì như thế chúng ta chăm sóc Chúa Giêsu, như thánh Giuse đã làm.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà ngày nay, và hằng ngày, người ta thường chỉ trích Giáo hội, nhấn mạnh những sự thiếu mạch lạc – có rất nhiều ! -, vạch ra tội lỗi của Giáo hội, mà trên thực tế là sự thiếu mạch lạc của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, vì Giáo hội luôn là một đoàn dân tội lỗi đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta tự hỏi liệu, tự sâu thẳm tâm hồn, chúng ta có yêu mến Giáo hội, như Giáo hội là không : như Giáo hội là. Một dân Thiên Chúa đang tiến bước, với biết bao giới hạn nhưng còn với một ước muốn lớn lao phục vụ và yêu mến Thiên Chúa. Quả thế, chỉ tình yêu làm cho chúng ta có khả năng nói lên sự thật cách trọn vẹn, không thiên vị ; nói lên những gì không ổn, nhưng còn nhìn nhận mọi sự thiện hảo và thánh thiện đang hiện diện trong Giáo hội, khởi từ chính Chúa Giêsu và Đức Maria. Yêu mến Giáo hội, chăm sóc Giáo hội và bước đi với Giáo hội. Nhưng Giáo hội không phải là nhóm nhỏ gần gũi linh mục và chỉ huy mọi người, không phải. Giáo hội, đó là tất cả mọi người, tất cả mọi người. Đang tiến bước. Chăm sóc lẫn nhau, chăm sóc hỗ tương. Đây là một câu hỏi tốt : tôi, khi tôi có vấn đề với ai, có phải tôi cố gắng chăm sóc người đó, hay tôi kết án người đó ngay lập tức, tôi nói xấu về người đó, tôi hủy hoại người đó ? Chăm sóc. Chăm sóc.
Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em cầu xin sự cầu bầu của thánh Giuse chính trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống chúng ta và cuộc sống của cộng đoàn của anh chị em. Khi các lỗi lầm của chúng ta trở thành một tai tiếng, chúng ta hãy cầu xin thánh Giuse ban cho chúng ta lòng can đảm để thực thi sự thật, xin tha thứ và khiêm tốn bắt đầu lại. Nơi nào sự bách hại ngăn cản việc loan báo Tin Mừng, chúng ta hãy cầu xin thánh Giuse sức mạnh và lòng kiên nhẫn để biết chịu đựng những bất công và những đau khổ vì yêu mến Tin Mừng. Nơi nào các phương tiện vật chất và con người khan hiếm và khiến chúng ta cảm nghiệm sự nghèo khổ, nhất là khi chúng ta được mời gọi phục vụ những người rốt hết, những người không có khả năng bảo vệ, những người mồ côi, các bệnh nhân, những người bị xã hội gạt bỏ, chúng ta hãy cầu xin thánh Giuse để ngài trở nên sự quan phòng của Chúa cho chúng ta. Biết bao nhiêu vị thánh đã hướng đến ngài ! Biết bao người trong lịch sử của Giáo hội đã tìm thấy nơi ngài là một người che chở, một người giám hộ, một người cha !
Chúng ta hãy noi gương họ và vì điều đó, tất cả cùng nhau, hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện ; chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Giuse bằng lời kinh mà tôi đã đặt trong phần kết luận của Tông thư Patris corde, bằng cách phó thác cho ngài các ý định của chúng ta và, cách đặc biệt, phó thác cho ngài Giáo hội đang đau khổ và đang chịu thử thách. Và giờ đây, anh chị em đang có trong tay mình lời kinh, bằng những ngôn ngữ khác nhau, tôi nghĩ bằng bốn ngôn ngữ, và tôi nghĩ rằng lời kinh này cũng được hiển thị trên màn hình, vì thế cùng nhau, mỗi người trong ngôn ngữ của mình, chúng ta có thể cầu nguyện với thánh Giuse. Tôi đợi anh chị em có nó trong tay của anh chị em… :
Kính chào đấng canh giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Thiên Chúa đã giao phó Con của Người cho ngài ;
nơi ngài Đức Maria đã tín thác ;
với ngài Chúa Giêsu đã làm người.
Lạy thánh Giuse diễm phúc, xin cũng tỏ ra là một người cha đối với chúng con,
và dẫn dắt chúng con trên đường đời.
Xin ban cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và sự can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
——————————
(1) S. Rituum Congreg., Decr. Quemadmodum Deus (8 dicembre 1870): ASS 6 (1870-71), 193; cfr PII IX, Lett. Ap. Inclytum Patriarcham (7 luglio 1871): l.c., 324-327.
———————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Di dân, Giuse, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO