BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH GIUSE – BÀI 2. THÁNH GIUSE TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
“Tất cả mọi người đều có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, người không được để ý tới, người của sự hiện diện thường ngày, của sự hiện diện kín đáo và ẩn giấu, một người chuyển cầu, một người nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”. Đức Phanxicô mời gọi như thế trong bài giáo lý thứ hai về thánh Giuse hôm 24/11/2021.
Bởi vì thánh Giuse là “người giữ gìn Chúa Giêsu và Đức Maria. Và vì lý do này, ngài cũng là “Người giữ gìn Giáo hội””, và qua đó, “thánh Giuse dường như muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi cảm thấy mình là người gìn giữ anh chị em chúng ta, người gìn giữ những người thân cận với chúng ta, những người mà Chúa giao phó cho chúng ta qua mọi hoàn cảnh sống.”
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Tư vừa rồi, chúng ta đã bắt đầu chu kỳ bài giáo lý về hình ảnh của thánh Giuse – năm dành cho ngài đang kết thúc -. Hôm nay, chúng ta tiếp tục hành trình này bằng cách dừng lại ở vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ.
Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu được gọi là “con ông Giuse” (Lc 3, 23; 4, 22; Ga 1, 45; 6, 42) và “con ông thợ mộc” (Mt 13, 55; Mc 6, 3). Khi kể lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các thánh sử Matthêu và Luca đã dành một chỗ cho vai trò của thánh Giuse. Cả hai thánh sử đều biên soạn một “gia phả” để làm nổi bật lịch sử tính của Chúa Giêsu. Thánh Matthêu, đặc biệt nói với các Kitô hữu Do thái, khởi đi từ Abraham để đến thánh Giuse, được xác định là “chồng của bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (1, 16). Thánh Luca, lên tới tận Ađam, bắt đầu trực tiếp với Chúa Giêsu, nhưng nói rõ: “thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (3, 23). Do đó, hai thánh sử trình bày thánh Giuse không phải là cha ruột, nhưng là cha trên danh nghĩa trọn vẹn của Chúa Giêsu. Qua ngài, Chúa Giêsu hoàn thành lịch sử giao ước và cứu độ giữa Thiên Chúa và con người. Đối với Matthêu, lịch sử này bắt đầu với Abraham, đối với Luca, lịch sử này bắt đầu với chính nguồn gốc của nhân loại, tức là với Ađam.
Thánh sử Matthêu giúp chúng ta hiểu rằng hình ảnh của thánh Giuse, mặc dù bề ngoài có vẻ ngoài lề, kín đáo, ở vị trí phụ, nhưng trái lại thể hiện một yếu tố trung tâm của lịch sử cứu độ. Thánh Giuse sống vai trò chủ chốt của mình mà không bao giờ muốn áp đặt mình trên sân khấu. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, thì “cuộc sống của chúng ta được dệt nên và nâng đỡ bởi những người bình thường, thường bị quên lãng, không xuất hiện trên trang nhất của các nhật báo và tạp chí […]. Biết bao người cha, người mẹ, ông bà, biết bao nhà giáo cho các con cái của chúng ta thấy, qua những cử chỉ đơn sơ và thường ngày, làm thế nào đương đầu và trải qua một cuộc khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, ngước nhìn lên và thúc đẩy việc cầu nguyện! Biết bao người đang cầu nguyện, dâng hiến và chuyển cầu vì lợi ích của mọi người” (Tông thư Patris corde, 1). Như thế, tất cả mọi người đều có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, người không được để ý tới, người của sự hiện diện thường ngày, của sự hiện diện kín đáo và ẩn giấu, một người chuyển cầu, một người nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc cho chúng ta rằng tất cả những người bề ngoài ẩn giấu hay ở “hàng nhì” có một vai trò vô song trong lịch sử cứu độ. Thế giới cần những người nam và người nữ này: những người nam và người nữ ở hàng nhì, nhưng nâng đỡ sự phát triển của cuộc sống chúng ta, của mỗi người chúng ta, và qua lời cầu nguyện, qua gương sáng, qua sự dạy dỗ, nâng đỡ chúng ta trên hành trình cuộc đời.
Trong Tin Mừng theo thánh Luca, thánh Giuse xuất hiện như là người giữ gìn Chúa Giêsu và Đức Maria. Và vì lý do này, ngài cũng là “Người giữ gìn Giáo hội: nhưng, nếu ngài đã là người giữ gìn Chúa Giêsu và Đức Maria, thì ngài làm việc, giờ đây ngài đang ở trên trời, và tiếp tục là người giữ gìn, trong trường hợp này của Giáo hội; bởi vì Giáo hội là sự nối dài Thân Thể của Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời trong tình mẫu tử của Giáo hội được phát họa nên tình mẫu tử của Đức Maria. Thánh Giuse, khi tiếp tục bảo vệ Giáo hội, – xin anh chị em đừng quên điều này: ngày nay, thánh Giuse bảo vệ Giáo hội, tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và Mẹ của Người” (ibid., 5). Khía cạnh chăm sóc tận tình này của thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho trình thuật của sách Sáng Thế Ký. Khi Thiên Chúa yêu cầu Cain giải thích về mạng sống của Abel, thì y trả lời: “Tôi đâu phải là người giữ gìn em tôi?” (4, 9). Qua đời sống của mình, thánh Giuse dường như muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi cảm thấy mình là người gìn giữ anh chị em chúng ta, người gìn giữ những người thân cận với chúng ta, những người mà Chúa giao phó cho chúng ta qua mọi hoàn cảnh sống.
Một xã hội như của chúng ta, mà người ta gọi là “lỏng”, bởi vì nó dường như không có bất cứ sự vững chắc nào. Tôi sẽ sửa lại nhà triết học, người đã sáng chế ra định nghĩa này, và sẽ nói: còn hơn cả lỏng nữa, đó là khí, một xã hội khí thực sự. Xã hội lỏng, khí này tìm thấy trong câu chuyện của thánh Giuse một chỉ dẫn rất rõ ràng, không chỉ vì một lý do thần học, nhưng còn để nhắc cho mỗi người chúng ta rằng cuộc đời chúng ta được tạo nên bởi những mối liên hệ đi trước chúng ta và đang đồng hành với chúng ta. Con Thiên Chúa, để đến trong trần gian, đã chọn con đường các mối liên hệ, con đường của lịch sử: Người đã không xuống thế gian một cách thần kỳ, không. Ngài đã đi theo con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đều theo.
Anh chị em thân mến, tôi nghĩ đến biết bao người đang vất vả tìm thấy những mối liên hệ có ý nghĩa trong đời mình, và chính vì lý do này mà họ đấu tranh, họ cảm thấy cô độc, họ không có sức mạnh và can đảm tiến về phía trước. Tôi xin kết thúc bằng một lời nguyện để giúp đỡ họ, cũng như tất cả chúng ta, tìm thấy nơi thánh Giuse một đồng minh, một người bạn và một người nâng đỡ.
Lạy thánh Giuse,
ngài là đấng đã giữ gìn mối liên kết với Đức Maria và Chúa Giêsu,
xin giúp chúng con biết chăm sóc các mối tương quan trong cuộc sống của chúng con.
Ước gì không ai cảm thấy cảm giác bị bỏ rơi do nỗi cô đơn này.
Ước gì mỗi người được hòa giải với lịch sử của mình,
với những người đi trước họ,
và nhìn nhận, ngay cả trong những lỗi lầm đã phạm
một cách thức mà qua đó Chúa Quan Phòng đã mở cho mình lối đi ,
và sự dữ không có tiếng nói sau cùng.
Xin ngài trở nên người bạn của những ai đang gặp khó khăn nhất,
và như ngài đã nâng đỡ Đức Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn thế nào,
thì cũng xin nâng đỡ chúng con như thế trên con đường của chúng con. Amen.
—————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Giuse, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO