BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT : BÀI 10 : CHÚA KITÔ ĐÃ GIẢI THOÁT CHÚNG TA
Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư gởi tín hữu Galát hôm thứ Tư 6/10/2021, và trong bài thứ mười này, ngài giải thích về sự tư do Kitô giáo dưới ánh sáng của Thư gởi tín hữu Galát và Tin Mừng theo thánh Gioan, bằng việc mời gọi « ở lại trong Chúa Giêsu, nguồn mạch sự thật giải thoát chúng ta ».
« Sự tự do Kitô giáo dựa trên hai cột trụ căn bản» là « ân sủng » và « sự thật » của Chúa Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Điều đó, mời gọi các môn đệ của Ngài « đứng vững trong sự tự do mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội, mà không để mình bị đặt lại dưới « ách nô lệ » », như thánh Phaolô mời gọi.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở : « Sự tự do làm cho chúng ta tự do trong chừng mực nó biến đổi đời sống của một người và hướng người đó đến sự thiện », chính vì thế, ngài mời gọi luôn để cho sự thật và tự do làm cho chúng ta khắc khoải, « phải không ngừng đặt ra cho chúng ta những câu hỏi, để chúng ta luôn có thể hiểu sâu xa hơn chúng ta thật sự là gì », để không « luôn sống theo cùng một cách thức ».
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta tiếp tục suy tư về Thư gởi tín hữu Galát. Thánh Phaolô đã viết những lời bất hủ về sự tự do Kitô giáo. Tự do Kitô giáo là gì ? Hôm nay, chúng ta sẽ tập trung vào đề tài này : Sự tự do Kitô giáo.
Tự do là một kho tàng mà chúng ta chỉ thực sự đánh giá cao khi mất nó. Đối với nhiều người trong chúng ta, thường sống trong tự do, nên sự tự do này thường có vẻ như là một quyền được thủ đắc hơn là một ân huệ và là một gia sản phải gìn giữ. Bao nhiêu hiểu lầm xung quanh đề tài tự do, và bao nhiêu quan điểm khác nhau đã phải đối đầu nhau trong nhiều thế kỷ !
Trong trường hợp các tín hữu Galát, thánh Tông đồ không thể chịu được rằng các Kitô hữu này, sau khi đã biết và đón nhận chân lý của Chúa Kitô, lại để mình bị lôi cuốn bởi những đề nghị lừa gạt, chuyển từ tự do sang nô lệ : từ sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng giải thoát, đến việc nô lệ cho tội lỗi và thói vụ luật…Cả ngày hôm nay nữa, thói vụ luật là vấn đề của chúng ta, vấn đề của nhiều Kitô hữu ẩn náu trong thói vụ luật, trong luân lý giải ca. Vì thế, thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu đứng vững trong sự tự do mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội, mà không để mình bị đặt lại dưới « ách nô lệ » (Gl 5, 1). Thánh Phaolô chính đáng khi ghen tỵ với tự do. Ngài ý thức rằng một số « anh em giả danh giả nghĩa » – ngài gọi họ như thế – đã len lỏi vào như những gián điệp để « dò thám », như ngài viết, « sự tự do mà chúng ta có được trong Chúa Kitô Giêsu, để bắt chúng ta trở thành nô lệ » (Gl 2,4), trở lại đằng sau, và điều đó thánh Phaolô không thể khoan thứ. Một lời rao giảng ngăn cản sự tự do trong Chúa Kitô thì không bao giờ là Tin Mừng : đó có thể thuộc phái Pêlagiô hay Jansênít hay điều gì đó giống như vậy, nhưng không phải là Tin Mừng. Chúng ta không bao giờ có thể ép buộc ai, cũng không biến họ thành nô lệ nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta. Tự do là một ân huệ được ban cho chúng ta trong bí tích Rửa tội.
Nhưng, trước hết, giáo huấn của thánh Phaolô về tự do là tích cực. Thánh Tông đồ đề nghị giáo huấn của Chúa Giêsu, mà chúng ta cũng tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Gioan : « Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi ; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ông » (8, 31-32). Do đó, lời mời gọi trước hết là ở lại trong Chúa Giêsu, nguồn mạch sự thật giải thoát chúng ta. Vì thế, sự tự do Kitô giáo dựa trên hai cột trụ căn bản : thứ nhất, ân sủng của Chúa Giêsu ; thứ hai, sự thật mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta và chính Ngài là sự thật.
Trước hết, đó là một ân huệ của Chúa. Sự tự do mà các tín hữu Galát đã lãnh nhận – và chúng ta cũng như họ qua bí tích Rửa tội – là hoa trái của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Tông đồ tập trung toàn bộ lời rao giảng của mình vào Chúa Kitô, Đấng đã giải thoát thánh nhân khỏi các mối liên hệ trong đời sống quá khứ của mình : Chính từ Ngài mà những hoa trái của đời sống mới trong Chúa Thánh Thần được tỏ hiện. Thực ra, sự tự do đích thực, sự giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, đã phát sinh từ Thập giá Chúa Kitô. Chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ Thập giá Chúa Kitô. Chính ở nơi Chúa Giêsu đã để mình bị treo lên, đã trở thành nô lệ, thì Thiên Chúa đã đặt nguồn mạch của sự giải thoát triệt để cho con người. Điều đó không ngừng làm cho chúng ta ngạc nhiên : ước gì nơi mà chúng ta bị tước bỏ mọi tự do, tức là sự chết, có thể trở thành nguồn mạch tự do. Nhưng đó là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa : Chúng ta không hiểu được nó cách dễ dàng, chúng ta sống nó. Chính Chúa Giêsu đã loan báo điều đó khi Ngài nói : « Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai có thể lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy » (Ga 10, 17-18). Chúa Giêsu thực hiện sự tự do hoàn toàn của mình bằng cách nộp mình cho cái chết ; Ngài biết rằng chỉ như thế Ngài mới có thể giành được sự sống cho mọi người.
Chúng ta biết, thánh Phaolô đã cảm nghiệm trực tiếp mầu nhiệm tình yêu này. Đó là lý do vì sao ngài nói với các tín hữu Galát, bằng một kiểu nói hết sức táo bạo : « Tôi đã chịu đóng đinh với Chúa Kitô » (Gl 2, 19). Trong hành vi kết hiệp tối cao với Thiên Chúa này, ngài biết rằng ngài đã lãnh nhận ân huệ lớn lao nhất trong đời mình : sự tự do. Quả thế, trên Thập giá, ngài đã đóng đinh « tính xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê của mình » (5, 24). Chúng ta hiểu rằng đức tin đã đánh động thánh Tông đồ đến mức nào, sự thân mật của ngài với Chúa Giêsu thật lớn lao biết bao và nếu, một mặt, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta thiếu điều đó, thì mặt khác, chứng tá của thánh Tông đồ khích lệ chúng ta tiến bước trong đời sống tự do này. Kitô hữu là tự do, phải là tự do và được mời gọi không quay trở lại làm nô lệ cho những giới luật, cho những điều xa lạ.
Cột trụ thứ hai của sự tự do là sự thật. Ở đây cũng thế, điều cần thiết là phải nhớ rằng sự thật của đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là thực tại của Chúa Kitô hằng sống, Đấng trực tiếp chạm đến ý nghĩa hàng ngày và toàn bộ đời sống cá nhân. Có bao nhiêu người không học, hoặc thậm chí không biết đọc hay viết, nhưng đã hiểu rõ sứ điệp của Chúa Kitô, có được sự khôn ngoan làm cho họ được tự do này. Chính sự khôn ngoan của Chúa Kitô đã xâm nhập nhờ Chúa Thánh Thần qua phép Rửa tội. Chẳng hạn, chúng ta nhận thấy có bao nhiêu người sống sự sống của Chúa Kitô hơn cả các thần học gia lớn, mang lại một chứng tá to lớn về sự tự do của Tin Mừng. Sự tự do làm cho chúng ta tự do trong chừng mực nó biến đổi đời sống của một người và hướng người đó đến sự thiện. Để tự do thực sự, chúng ta không chỉ cần biết mình, trên bình diện tâm lý, nhưng nhất là thực thi sự thật nơi chính mình, ở một mức độ sâu xa hơn. Và đó, trong tâm hồn, chúng ta mở ra cho ân sủng của Chúa Kitô. Sự thật phải làm chúng ta khắc khoải – chúng ta hãy trở lại với từ ngữ rất Kitô giáo này : sự khắc khoải. Chúng ta biết rằng có những Kitô hữu chưa bao giờ khắc khoải : họ luôn sống theo cùng một cách thức, họ không có sự thôi thúc trong tâm hồn họ, họ không có sự khắc khoải. Tại sao ? Vì sự khắc khoải là dấu hiệu Chúa Thánh Thần đang làm việc trong chúng ta, trong nội tâm, và sự tự do là một tự do năng động, được khơi dậy nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng sự tự do phải làm cho chúng ta khắc khoải, phải không ngừng đặt ra cho chúng ta những câu hỏi, để chúng ta luôn có thể hiểu sâu xa hơn chúng ta thật sự là gì. Như thế, chúng ta khám phá ra rằng con đường của sự thật và tự do là một con đường khó khăn kéo dài trong suốt cuộc đời. Thật khó để ở lại trong tự do, thật khó, nhưng không phải là bất khả. Can đảm lên nào, điều đó sẽ tốt cho chúng ta. Đó là một con đường mà chúng ta được hướng dẫn và nâng đỡ bằng tình yêu đến từ Thập giá : tình yêu biểu lộ sự thật và mang lại cho chúng ta tự do. Và đó là con đường hạnh phúc. Sự tự do giải thoát chúng ta, làm cho chúng ta vui tươi, làm cho chúng ta hạnh phúc.
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatcian.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ