BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT. BÀI 11 : SỰ TỰ DO KITÔ GIÁO, MEN GIẢI THOÁT PHỔ QUÁT

Written by xbvn on Tháng Mười 14th, 2021. Posted in Giáo lý, Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh làm thế nào sự mới mẻ của cuộc sống này mở ra cho chúng ta việc đón nhận mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa và, đồng thời, mở ra cho mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa một sự tự do lớn lao hơn. » Đức Phanxicô nhấn mạnh sự mới mẻ của Tin Mừng trong đời sống Kitô hữu như thế, với bài giáo lý thứ 11 về Thư gởi tín hữu Galát, bàn về « Sự tự do Kitô giáo, men giải thoát phổ quát ».

Sự tự do mới mẻ này « có được qua cái chết và sự phục sinh của Chúa không xung đột với các nền văn hóa, với các truyền thống mà chúng ta đã lãnh nhận, đúng hơn nó càng đưa vào một sự tự do mới mẻ, một sự mới mẻ mang tính giải thoát, sự mới mẻ của Tin Mừng. »

Chính vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi  « chấp nhận rằng chúng ta đã được giải thoát bởi Chúa Kitô – sự thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài – đó là chấp nhận và mang lại chính sự viên mãn cho các truyền thống khác nhau của mỗi dân tộc ». Và đó là « ý nghĩa đích thực của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng. … Là có khả năng loan báo Tin Mừng về Chúa Kitô Đấng Cứu Độ trong khi vẫn tôn trọng những gì là tốt lành và chân thực nơi các nền văn hóa. »

Và đó cũng là « ý nghĩa của việc gọi mình là Công giáo, nói về Giáo hội Công giáo : …Công giáo là một tính từ có nghĩa là phổ quát. … Giáo hội phổ quát, nghĩa là công giáo, muốn nói rằng nơi chính mình, nơi chính bản chất của mình, Giáo hội có sự mở ra cho mọi dân tộc và mọi nền văn hóa của mọi thời đại, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết và đã phục sinh cho tất cả mọi người. » « Từ đó bổn phận tôn trọng nguồn cội văn hóa của mỗi người, bằng cách đặt họ vào một không gian tự do, không bị giới hạn bởi bất cứ sự áp đặt nào do một nền văn hóa ưu thế duy nhất nào ép buộc ». Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đó còn là « một sự tự do đòi hỏi mỗi người trong chúng ta liên lỉ tiến bước, hướng đến sự viễn mãn của mình ».

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta về Thư gởi tín hữu Galát, chúng ta đã có thể tập trung vào điều mà thánh Phaolô xem như là cốt lõi trung tâm của tự do: sự kiện, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu-Kitô, chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Nói cách khác: chúng ta được tự do bởi vì chúng ta đã được giải thoát, được giải thoát bằng ân sủng – chứ không phải bằng trả tiền -, được giải thoát bằng tình yêu, một tình yêu trở nên luật tối thượng và mới mẻ của đời sống Kitô hữu. Tình yêu: chúng ta được tự do bởi vì chúng ta đã được giải thoát cách nhưng không. Đó chính là điểm mấu chốt.

Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh làm thế nào sự mới mẻ của cuộc sống này mở ra cho chúng ta việc đón nhận mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa và, đồng thời, mở ra cho mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa một sự tự do lớn lao hơn. Thực ra, thánh Phaolô nói rằng đối với bất cứ ai theo Chúa Kitô, không còn quan trọng nữa việc là người Do Thái hay dân ngoại. Điều quan trọng, đó chỉ là « đức tin hành động nhờ đức ái » (Gl 5,6). Tin rằng chúng ta đã được giải thoát và tin vào Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã giải thoát chúng ta : đó là đức tin hành động nhờ đức ái. Những kẻ gièm pha thánh Phaolô – những kẻ bảo thủ quá khích này đã đạt đến đó – công kích ngài vì sự mới mẻ này, khẳng định rằng ngài đã đưa ra quan điểm này bời chủ nghĩa cơ hội mục vụ, nghĩa là để « làm hài lòng tất cả mọi người », bằng cách giảm thiểu những đòi hỏi nhận được từ truyền thống tôn giáo thân thiết của mình. Đó cũng chính là phát ngôn của của những người bảo thủ quá khích hôm nay : lịch sử luôn được lặp lại. Như chúng ta thấy, việc phê bình bất cứ sự mới mẻ nào của Tin Mừng không chỉ thuộc về thời đại của chúng ta, nhưng có một lịch sử lâu dài.  Thế nhưng, thánh Phaolô không giữ im lặng. Ngài trả lời một cách « parrhésie » – đó là một từ Hy Lạp chỉ lòng can đảm, lòng dũng cảm – bằng cách nói rằng : « Vậy, giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa ? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời ? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô ! » (Gl 1,10). Ngay trong Thư thứ nhất gởi tín hữu Thêxalônica, ngài cũng đã diễn tả bằng những từ ngữ tương tự, khi nói rằng trong lời rao giảng của mình, ngài đã bao giờ dùng « lời xu nịnh, cũng không […] viện cớ để  che đậy lòng tham, […] ». Ngài cũng không « […] tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh » (Tx 2,5-6), đó là những cách thức « giả vờ » ; một đức tin mà không phải là đức tin, đó là trần tục.

Tư tưởng của thánh Phaolô tỏ lộ một lần nữa chiều sâu được linh hứng. Đối với ngài, chấp nhận đức tin có nghĩa là từ bỏ không phải trung tâm của các nền văn hóa và truyền thống, nhưng chỉ là những gì cản trở cho sự mới mẻ và sự tinh tuyền của Tin Mừng. Bởi vì sự tự do có được qua cái chết và sự phục sinh của Chúa không xung đột với các nền văn hóa, với các truyền thống mà chúng ta đã lãnh nhận, đúng hơn nó càng đưa vào một sự tự do mới mẻ, một sự mới mẻ mang tính giải thoát, sự mới mẻ của Tin Mừng. Quả thế, sự giải thoát có được nhờ phép Rửa cho phép chúng ta có được phẩm giá trọn vẹn của con cái Thiên Chúa, để, trong khi vẫn bén rễ vững chắc trong cội nguồn văn hóa của chúng ta, thì đồng thời mở ra cho chúng ta sự phổ quát của đức tin, vốn đi vào trong mỗi nền văn hóa, nhìn nhận những hạt giống chân lý hiện diện ở đó và phát triển chúng, bằng cách làm cho sự thiện hảo mà nó chứa đựng được viên mãn. Chấp nhận rằng chúng ta đã được giải thoát bởi Chúa Kitô – sự thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài – đó là chấp nhận và mang lại chính sự viên mãn cho các truyền thống khác nhau của mỗi dân tộc. Sự viên mãn đích thực.

Trong lời mời gọi đến tự do, chúng ta khám phá ra ý nghĩa đích thực của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Ý nghĩa đích thực này là gì ? Là có khả năng loan báo Tin Mừng về Chúa Kitô Đấng Cứu Độ trong khi vẫn tôn trọng những gì là tốt lành và chân thực nơi các nền văn hóa. Điều đó không phải dễ dàng ! Có nhiều cám dỗ muốn ápp đặt mô hình sống của riêng mình như thể đó là mô hình tiến hóa nhất và đáng mong ước nhất. Đã có bao nhiêu sai lầm người ta đã mắc phải trong lịch sử loan báo Tin Mừng khi muốn áp đặt một mô hình văn hóa duy nhất ! Sự đồng nhất như một quy luật sống không phải là Kitô giáo ! Hiệp nhất, vâng, đồng nhất, không ! Đôi khi, người ta thậm chí đã không từ bỏ bạo lực để làm cho quan điểm của mình chiếm ưu thế. Chúng ta hãy nghĩ đến các  cuộc chiến tranh. Giáo hội như thế đã bị lấy đi sự phong phú của biết bao lối diễn đạt địa phương vốn mang nơi chúng những truyền thống văn hóa của toàn thể dân cư. Nhưng đó hoàn toàn ngược lại với sự tự do Kitô giáo ! Chẳng hạn, tôi nhớ khi cách thức hoạt động tông đồ ở Trung quốc với Cha Ricci hay ở Ấn Độ với Cha De Nobili được thiết lập. …[Có người đã nói] : « Không, đó không phải là Kitô giáo ! ». Vâng, đó là Kitô giáo, đó là  trong nền văn hóa của dân tộc.

Rốt cuộc, nhãn quan về sự tự do của thánh Phaolô được soi sáng và làm phong phú bởi mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng mà qua việc nhập thể của Ngài – như Công đồng Vatican II nhắc nhớ – cách nào đó đã kết hiệp với tất cả mọi người (x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 22). Và điều đó không muốn nói rằng không có sự đồng nhất, trái lại có sự đa dạng, nhưng là sự đa dạng hiệp nhất. Từ đó bổn phận tôn trọng nguồn cội văn hóa của mỗi người, bằng cách đặt họ vào một không gian tự do, không bị giới hạn bởi bất cứ sự áp đặt nào do một nền văn hóa ưu thế duy nhất nào ép buộc. Đó là ý nghĩa của việc gọi mình là Công giáo, nói về Giáo hội Công giáo : đó không phải là một tên gọi xã hội học để phân biệt chúng ta với các Kitô hữu khác. Công giáo là một tính từ có nghĩa là phổ quát. Công giáo là một tính từ có nghĩa là phổ quát : tính công giáo, tính phổ quát. Giáo hội phổ quát, nghĩa là công giáo, muốn nói rằng nơi chính mình, nơi chính bản chất của mình, Giáo hội có sự mở ra cho mọi dân tộc và mọi nền văn hóa của mọi thời đại, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết và đã phục sinh cho tất cả mọi người.

Trái lại, tự bản chất của nó, văn hóa luôn biến đổi. Anh chị em hãy nghĩ đến cách thức mà chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng vào thời điểm lịch sử của những biến chuyển văn hóa to lơn, trong đó một nền công nghệ kỹ thuật ngày càng tiến bộ dường như có ưu thế. Nếu chúng ta có tham vọng nói về đức tin như chúng ta đã làm trong nhiều thế kỷ đã qua, thì chúng ta có nguy cơ không còn được hiểu bởi các thế hệ mới. Sự tự do của đức tin Kitô giáo – sự tự do Kitô giáo – không chỉ một cái nhìn tĩnh về cuộc sống và văn hóa, nhưng là một cái nhìn năng động, một cái nhìn năng động về truyền thống nữa. Truyền thống tăng trưởng nhưng luôn cùng bản chất. Vì thế, chúng ta đừng tham vọng sở hữu chân lý. Chúng ta đã lãnh nhận một ân huệ mà chúng ta phải gìn giữ. Đúng hơn, đó là một sự tự do đòi hỏi mỗi người trong chúng ta liên lỉ tiến bước, hướng đến sự viễn mãn của mình. Đó là điều kiện của người hành hương ; đó là tình trạng của người lữ hành, trong một cuộc xuất hành liên lỉ : được giải thoát khỏi ách nộ lệ để tiến bước hướng đến sự viên mãn của tự do. Và đó là ân huệ to lớn mà Chúa Giêsu-Kitô đã ban cho chúng ta. Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ các nhưng không và đặt chúng ta trên con đường để tiến bước với tất cả sự tự do.

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31