BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT – BÀI 14 : TIẾN BƯỚC NHỜ THẦN KHÍ
« Nếu có ai mắc lỗi, thì hãy tỏ ra dịu dàng (x. 5, 22). Chúng ta hãy lắng nghe lời ngài: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần dịu dàng mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (6, 1-2). » Đức Phanxicô đưa ra lời khuyên như thế trong bài giáo lý về Thư gởi tín hữu Galát tại buổi tiếp kiến chung hôm 3/11/2021.
Vì đối với Đức Thánh Cha, « việc nại đến các giới luật cứng nhắc », việc « bới lông tìm vết [đặt điều nói xấu] tha nhân của mình »…không phải là « tiến bước nhờ Thần Khí ». Và việc « bước theo con đường của Chúa Thánh Thần trước hết đòi hỏi chúng ta phải dành chỗ cho ân sủng và bác ái ».
Đức Thánh Cha đưa ra lời khuyên khi bị cám dỗ chỉ trích người khác : « Khi chúng ta bị cám dỗ xét đoán xấu xa về người khác, …, thì trước hết chúng ta phải suy nghĩ về sự mong manh của chính mình. Thật dễ chỉ trích người khác biết bao! Nhưng có những người dường như có một bằng cấp chuyên về ngồi lê đôi mách. Ngày nào cũng thế, họ chỉ trích người khác. Nhưng bạn hãy nhìn lại chính bạn! » Phải « bao dung với những vấn đề của người khác, những khiếm khuyết của người khác trong thinh lặng cầu nguyện, rồi tiếp đến tìm ra phương pháp thích đáng để giúp người ấy sửa mình ». Và đồng thời phải xác tín rằng « Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn. Lớn hơn sự kháng cự của chúng ta, lớn hơn tội lỗi của chúng ta. »
Được biết, bài giáo lý này diễn ra một vài ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Joe Biden hôm 29/10/2021, và trong bối cảnh “hướng đến một Giáo hội hiệp hành”.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Trong đoạn Thư gởi tín hữu Galát mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô khích lệ các Kitô hữu tiến bước nhờ Thần Khí (x. 5, 16.25). Có một phong cách: tiến bước nhờ Chúa Thánh Thần. Quả thật, tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là bước theo Ngài, đi theo con đường của Ngài, như các môn đệ đầu tiên đã làm. Và đồng thời, điều đó có nghĩa là tránh con đường ngược lại, con đường của tính ích kỷ, tìm kiếm lợi ích riêng mình, mà thánh Tông đồ gọi là “đam mê của tính xác thịt” (c.16). Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn sự tiến bước này trên con đường của Chúa Kitô, một hành trình kỳ diệu nhưng cũng mệt mỏi, bắt đầu từ bí tích Rửa tội và kéo dài suốt cả cuộc đời. Chúng ta hãy nghĩ đến một chuyến viễn du lâu dài ở trên núi cao: nó thật cuốn hút, mục tiêu lôi cuốn chúng ta, nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực và bền bỉ.
Hình ảnh này có thể hữu ích cho chúng ta để đi vào giá trị của những lời nói của thánh Tông đồ: “tiến bước nhờ Thần Khí”, “để mình được hướng dẫn” bởi Ngài. Đó là những diễn tả cho thấy một hành động, một chuyển động, một sự năng động ngăn cản chúng ta dừng lại ở những khó khăn đầu tiên, nhưng thúc đẩy chúng ta tin tưởng vào “sức mạnh đến từ trên cao” (Pasteur d’Hermas, 43, 21). Khi bước theo con đường này, người Kitô hữu thủ đắc được một cái nhìn tích cực về cuộc sống. Điều đó không có nghĩa rằng sự dữ hiện diện trong thế giới đã biến mất, cũng không phải rằng những xung lực tiêu cực của tính ích kỷ và của thói kiêu ngạo đã biến mất; đúng hơn, điều đó có nghĩa tin rằng Thiên Chúa luôn luôn mạnh hơn sự kháng cự của chúng ta và lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Và điều này là quan trọng: tin rằng Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn. Lớn hơn sự kháng cự của chúng ta, lớn hơn tội lỗi của chúng ta.
Khi khuyến khích các tín hữu Galát đi theo con đường này, thánh Tông đồ đặt mình ngang tầm với họ. Ngài bỏ động từ ở lối mệnh lệnh – “các bạn hãy tiến bước” (c. 16) – và dùng “chúng ta” ở lối trình bày: “chúng ta hãy tiến bước nhờ Thần Khí” (c. 25). Như muốn nói: chúng ta hãy tiến bước trên cùng một tuyến đường và hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là một lời khuyến khích, một lối khuyến khích. Lời khuyến khích này, thánh Phaolô cũng cảm thấy nó cần thiết cho chính mình. Dù biết rằng Chúa Kitô đang sống trong mình (x. 2, 20), nhưng ngài cũng xác tín rằng mình vẫn chưa đạt tới đích, chưa đạt tới đỉnh núi (x. Pl 3, 12). Thánh Phaolô không đặt mình trên cộng đoàn, ngài không nói: “Tôi là thủ lãnh, anh chị em là những người khác; tôi đã đạt tới đỉnh núi, còn anh chị em đang trên đường đi” – ngài không nói như thế – nhưng ngài đặt mình ở giữa cuộc hành trình của tất cả mọi người, để mang lại một ví dụ cụ thể về sự cần thiết vâng phục Thiên Chúa, bằng cách luôn đáp lại ngày càng tốt hơn nữa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và thật đẹp biết bao khi chúng ta tìm thấy những vị mục tử bước đi cùng với [ngài nói: dân của ngài] dân chúng, vốn không tách rời nhau; “Không, tôi quan trọng hơn, tôi là một mục tử”. Bạn…”, “Tôi là linh mục”, “Tôi là Giám mục”, với bộ mặt ngẩng lên trời. Không: những mục tử tiến bước với dân chúng. Điều đó thật đẹp biết bao. Điều đó tốt cho tâm hồn.
Việc “tiến bước nhờ Thần Khí” này không chỉ là một hành động cá nhân: nó cũng liên quan đến toàn thể cộng đoàn. Quả thế, xây dựng cộng đoàn bằng cách bước theo con đường mà thánh Tông đồ chỉ ra là điều thú vị, nhưng đòi hỏi. “Những ham muốn của tính xác thịt”, “những cám dỗ” – có thể nói thế – mà tất cả chúng ta đều có, tức là những đố kỵ, những thành kiến, những thói giả hình và những mối oán thù tiếp tục được cảm nhận, và việc nại đến các giới luật cứng nhắc có thể là một cám dỗ dễ dàng, nhưng khi làm vậy, chúng ta sẽ lạc khỏi con đường của tự do và, thay vì leo lên tới đỉnh cao, chúng ta sẽ xuống thấp. Bước theo con đường của Chúa Thánh Thần trước hết đòi hỏi chúng ta phải dành chỗ cho ân sủng và bác ái. Dành chỗ cho ân sủng của Thiên Chúa. Đừng sợ. Sau khi cho thấy tiếng nói của mình cách nghiêm nghị, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Galát đón nhận những khó khăn của nhau và, nếu có ai mắc lỗi, thì hãy tỏ ra dịu dàng (x. 5, 22). Chúng ta hãy lắng nghe lời ngài: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần dịu dàng mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (6, 1-2). Một thái độ rất khác với thái độ chê bai khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó, nói huyên thuyên chống lại điều đó, phải không? Bới lông tìm vết [đặt điều nói xấu] tha nhân của mình. Không được, điều đó không phải là nhờ Thần Khí. Nhờ Thần Khí, đó là có sự dịu dàng này với người anh em của chúng ta để sửa chữa người ấy và canh chừng chính chúng ta để đừng rơi vào những tội này, đó là sự khiêm tốn.
Quả thế, khi chúng ta bị cám dỗ xét đoán xấu xa về người khác, thường là như thế, thì trước hết chúng ta phải suy nghĩ về sự mong manh của chính mình. Thật dễ chỉ trích người khác biết bao! Nhưng có những người dường như có một bằng cấp chuyên về ngồi lê đôi mách. Ngày nào cũng thế, họ chỉ trích người khác. Nhưng bạn hãy nhìn lại chính bạn! Thật tốt khi chúng ta tự hỏi điều gì đã thúc đẩy chúng ta sửa lỗi một người anh em hay một người chị em, và liệu cách nào đó chúng ta không đồng trách nhiệm về lỗi của người ấy không. Chúa Thánh Thần, ngoài việc ban cho chúng ta ơn dịu dàng, còn mời gọi chúng ta liên đới, mang những gánh nặng của người khác. Có bao nhiêu gánh nặng trong cuộc sống của một người: bệnh tật, thiếu việc làm, cô đơn, đau đớn…! Và biết bao thử thách khác cần đến sự gần gũi và tình thương của anh chị em của chúng ta! Những lời của thánh Augustinô cũng có thể giúp chúng ta khi ngài giải thích chính đoạn Thánh Kinh này: “Vậy, thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, […] anh em hãy sửa lỗi người ấy bằng cách này, cách dịu dàng, cách dịu dàng. Và nếu anh em cất tiếng, thì hãy yêu thương từ trong tâm hồn. Nếu bạn khích lệ, nếu bạn tỏ ra nhân từ, nếu bạn quở trách, nếu bạn nghiêm khắc, thì bạn hãy yêu thương” (Bài giảng 163/B 3). Hãy luôn yêu thương. Quy luật tối cao của việc sửa lỗi huynh đệ là tình yêu: muốn điều tốt cho anh chị em của chúng ta. Và đó cũng là bao dung những vấn đề của người khác, những khiếm khuyết của người khác trong thinh lặng cầu nguyện, rồi tiếp đến tìm ra phương pháp thích đáng để giúp người ấy sửa mình. Và điều đó không hề dễ dàng. Phương thế đơn giản nhất là buôn chuyện. Kể những chuyện xoi mói về người khác [bới lông tìm vết người ấy] như thể tôi hoàn hảo. Và chúng ta không được làm như thế. Dịu dàng. Kiên nhẫn. Cầu nguyện. Gần gũi.
Chúng ta hãy tiến bước cách vui tươi và kiên nhẫn trên con đường này, bằng cách để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Cảm ơn anh chị em.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM